Tối 25/9 (nhằm ngày 11/8 âm lịch), Đoàn Cải lương Hương Tràm tổ chức Giỗ tổ ngành Sân khấu, đông đảo nghệ sĩ tề tựu dâng hương, tri ân Tổ nghiệp; gặp gỡ, động viên nhau cùng gìn giữ, trân trọng nghề.
Trang trọng lễ Giổ tổ sân khấu. Video: Minh Thừa
Đến dự lễ và dâng hương có đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau; đồng chí Hồ Trung Việt, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; đồng chí Dương Huỳnh Khải, Phó chủ tịch HĐND tỉnh.
Sân khấu đã có hàng trăm năm lịch sử tồn tại và sức lan toả hiếm thấy vào đời sống xã hội, chuyện về ngày giỗ và ông tổ của giới sân khấu Việt Nam đã trải bao thăng trầm… Từ năm 2010, ngày giỗ tổ sân khấu (12/8 âm lịch) được Ban Bí thư công nhận là Ngày Sân khấu Việt Nam.
Mừng Giỗ tổ truyền thống năm nay, Đoàn Cải lương Hương Tràm tâm huyết đổi mới nghi thức mở màn để lễ thêm phần trang trọng, màu sắc, gửi kỳ vọng mọi sự tốt đẹp cho hoạt động sân khấu.
NSƯT Lịch Sử, Trưởng đoàn Cải lương Hương Tràm, đánh trống khai lễ.
Đoàn Cải lương Hương Tràm tâm huyết đổi mới nghi thức mở màn để lễ Giỗ tổ thêm phần trang trọng, màu sắc.
NSƯT Lịch Sử, Trưởng đoàn Cải lương Hương Tràm, chia sẻ, Giỗ tổ hằng năm là dịp để các thế hệ những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu bày tỏ lòng biết ơn tới tổ nghiệp đến các bậc tiền nhân, đã vượt qua mọi định kiến của xã hội mà sáng tạo nên một loại hình nghệ thuật sân khấu độc đáo có giá trị làm giàu cho bản sắc văn hóa. Và đây cũng là dịp để tri ân khán giả đã đồng hành cùng các văn nghệ sĩ trong quá trình bảo tồn, phát triển nghệ thuật sân khấu truyền thống nước nhà.
Các bạn trẻ hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cũng đến dâng hương, tri ân tổ nghiệp.
“Giới nghệ sĩ sân khấu Cà Mau nguyện đoàn kết đem hết sức mình cùng nhau sáng tạo ra nhiều vở diễn, chương trình nghệ thuật có chất lượng, để phục vụ nhân dân, góp phần đưa nền sân khấu Việt Nam phát triển trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, NSƯT Lịch Sử nhấn mạnh.
Mộng Thường