ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 6-7-24 00:11:18
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nghệ sĩ cải lương thời công nghệ số

Báo Cà Mau Thay vì chịu tụt lại với nghệ thuật hiện đại và sự phát triển của công nghệ số, nhiều nghệ sĩ gạo cội đã tập làm quen với các nền tảng mạng xã hội (MXH), thậm chí phối hợp với các ca sĩ, rapper để mang cải lương đến gần hơn với công chúng.

Tận dụng công nghệ

Ðể không tụt hậu, các nghệ sĩ cải lương đã bắt đầu tiếp cận với công nghệ số, các nền tảng số để tự mang sản phẩm đến công chúng và từng bước xây dựng hình ảnh một cách khéo léo.

Một ví dụ điển hình, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Bạch Tuyết, người được mệnh danh là “Cải lương chi bảo”, tiên phong tự lập Fanpage, kênh YouTube, trang Web... từ nhiều năm trước đây. Bà còn lấn sân sang TikTok, nền tảng đang được giới trẻ ưa chuộng. Các clip ngắn của bà hướng đến cung cấp kiến thức thú vị về những vở diễn kinh điển. Ðiều bất ngờ nhất là nữ nghệ sĩ rất chăm tương tác với những bạn trẻ thuộc nhiều lứa tuổi và ngành nghề khác nhau. Bà còn cover nhiều ca khúc nhạc trẻ thành phiên bản vọng cổ, để cải lương tiếp cận với đối tượng trẻ.

NSND Bạch Tuyết tâm sự: “Tôi muốn chứng minh rằng, những bạn trẻ thế hệ 4.0 không hề quay lưng với nghệ thuật truyền thống, chẳng qua các bạn quá bận rộn với nhiều kế hoạch đời người. Người trẻ, họ sẽ kiếm cái họ cần và nghệ sĩ hiện đại phải đáp ứng, phải bắt kịp. Mình tiếp cận MXH sẽ giúp cho nghề của mình được quảng bá theo cách hiện đại hơn. Tôi cũng thấy bản thân được dung nạp rất nhiều nguồn năng lượng thú vị trên nền tảng TikTok".

NSND Bạch Tuyết khẳng định bà đã thấy tiềm năng quảng bá cải lương và hình ảnh của người nghệ sĩ từ mạng xã hội, nếu biết dùng đúng cách. (Ảnh chụp màn hình do nhân vật cung cấp)

NSND Bạch Tuyết cũng thường xuyên kết hợp với các trường đại học để giao lưu, chia sẻ với sinh viên về cải lương thông qua các buổi nói chuyện với đa dạng chủ đề. Tất cả được cập nhật liên tục trên các nền tảng MXH. Bên cạnh đó, hàng loạt bản hit như: "Lạc trôi" của Sơn Tùng M-TP, "Em gái mưa" của Hương Tràm, "Mang tiền về cho mẹ" của Ðen Vâu... đều được NSND Bạch Tuyết cover bằng kiểu vọng cổ, mang đến màu sắc độc đáo, thú vị cho công chúng.

Cũng mạnh dạn bắt kịp công nghệ, NSND Kim Cương đã giới thiệu kênh YouTube mang tên "Kỳ nữ Kim Cương", Fanpage cùng tên trên Facebook và một trang Web mang tên bà. Sự chuyển mình của nữ nghệ sĩ gạo cội khiến nhiều người ngỡ ngàng, với bà, đây cũng là một quyết tâm không nhỏ. Bởi bà muốn truyền bá cải lương và muốn nghệ thuật này tiếp cận với nhiều thế hệ khán giả hơn. Khi ra mắt hồi ký "Sống cho người, sống cho mình", NSND Kim Cương chọn định dạng sách nói (audio book). Sách được phát hành rộng rãi trên kênh YouTube "Kỳ nữ Kim Cương".

NSND Kim Cương chia sẻ: “Dù đã rời sàn diễn từ lâu, nhưng tôi vẫn mong muốn những sản phẩm nghệ thuật lẫn hoạt động vì cộng đồng của mình sẽ được lưu giữ và cập nhật trên các nền tảng này. Cũng nhờ đó, tôi có thể kết nối và gần hơn với khán giả ái mộ gần xa. Tôi cũng có tương tác, trả lời bình luận và thật hạnh phúc khi có nhiều khán giả yêu thương mình bao nhiêu năm qua, nay mới được trò chuyện gần gũi như thế”.

Cũng tận dụng sự lan toả và phổ biến của MXH, NSND Thanh Ðiền lập kênh YouTube mang tên ông và người vợ quá cố là NSND Thanh Kim Huệ. Ðây là nơi ông lưu giữ ký ức, kỷ niệm về bà xã đã qua đời. Hay "đệ nhất đào võ" một thời là NSƯT Diệu Hiền cũng không ngại lập kênh YouTube để nhìn lại chặng đường cũ, dù hiện tại bà tuổi đã cao, sức yếu.

Ở nền tảng Facebook, NSND Lệ Thuỷ có hơn 76 ngàn khán giả yêu mến theo dõi. Thông qua Fanpage, bà chia sẻ nhiều chuyện nghề cho khán giả mến mộ cải lương. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ca hát, bà cũng chia sẻ hồi ký trên YouTube, sau đó toàn bộ hồi ký sẽ được phát hành bằng USB.

NSND Lệ Thuỷ được con trai hỗ trợ tiếp cận MXH nhằm giao lưu nhiều hơn với khán giả. (Ảnh chụp màn hình do nhân vật cung cấp)

NSND Lệ Thuỷ tâm sự: “MXH cũng có thế mạnh riêng. Ðó là nơi kết nối không biên giới, không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp... Ðặc biệt, đó là nơi hội tụ hầu hết người trẻ. Tôi may mắn có con trai hỗ trợ mọi thứ nên việc tiếp cận cũng thuận lợi hơn. Tôi thấy hiệu quả từ nền tảng này khá tốt, mang lại sự tương tác lớn cho nghệ sĩ và khán giả. Ðọc nhiều bình luận của khán giả bảo: "Lệ Thuỷ nè, cô vẫn hát chứ không bỏ nghề", hay "Lệ Thuỷ vẫn máu nghề quá"..., tôi thấy vui trong lòng".

Cẩn trọng để tránh thị phi

Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ vẫn còn e dè khi sử dụng MXH, vì ngại sự hỗn tạp, thị phi ở môi trường số. Ðây cũng là lý do mà các nghệ sĩ lão làng thử dùng MXH trong tâm thế dè dặt, cẩn trọng. NSƯT Diệu Hiền tâm sự: "Tôi vốn không hề biết chút gì về YouTube. Sau này, bạn tôi là Bạch Tuyết có cho tôi xem kênh của một số đồng nghiệp rồi chỉ ra cái hay, cái được của việc có kênh riêng, tôi mới chịu cho các con tạo kênh cho mình. Tôi và nhiều bạn già của tôi không rành Internet, thao tác cái gì cũng chậm chạp, chứ không nhanh nhạy cập nhật như giới trẻ. Tôi cũng sợ vạ miệng hay phát biểu thiếu sáng suốt, hoặc bị xuyên tạc thì mang tiếng cả đời".

Sự lo sợ này của các nghệ sĩ kỳ cựu hoàn toàn có cơ sở, khi MXH là con dao hai lưỡi. Nếu biết cách sử dụng, nó là cầu nối rất hữu ích cho giới nghệ sĩ và khán giả. Nhưng khi dùng thì nhất cử nhất động của các nghệ sĩ, kể cả lời ăn tiếng nói đều bị khán giả dò xét từng chân tơ kẽ tóc.

Hiểu được mặt trái của các nền tảng MXH, các nghệ sĩ lão làng đều cẩn trọng từng chút một. Ðể an tâm hơn, đa phần họ thuê hẳn ê kíp xây trang và kênh cá nhân cho mình. Ê kíp của họ chỉ hỗ trợ khâu kỹ thuật là chủ yếu, còn phần nội dung chủ đề clip đăng tải vẫn do chính họ định hướng. Riêng một số nghệ sĩ có trình độ tiếp cận công nghệ số thành thạo như: NSND Bạch Tuyết, NSND Thanh Ðiền, NSND Thanh Tuấn... thì tự mình vận hành, quản lý kênh và tương tác với fan.

Trang MXH của các nghệ sĩ kỳ cựu giúp khán giả được thưởng thức giọng ca lẫn tác phẩm vang bóng một thời và gìn giữ ký ức với niềm yêu thích nghệ thuật. Trang cá nhân không chỉ thuộc về nghệ sĩ đó, mà còn là của chung cộng đồng, được cộng đồng chăm sóc và phát triển. Vì lẽ đó, các nghệ sĩ đã bỏ công nuôi đứa con tinh thần này rất kỹ càng và thận trọng./.

 

Lam Khánh

 

Ghé Thanh Tùng nghe tài tử đờn ca

Ba giờ chiều, quán nước nhỏ ở ấp Cái Ngay của tài tử Hồng Nhanh đã bắt đầu rộn ràng đón những bước chân tìm đến. Nam sơ mi, nữ áo dài, ai cũng tươi rói cho cuộc tạn mặt thanh nhã. Ðằng sau không gian chốc lát nữa là sân khấu, những câu chuyện ríu ran bên khói bếp, chuẩn bị bữa tiệc để thêm thắt chặt thâm tình.

“Tình sen”

Vốn có tình yêu mãnh liệt với hoa sen và từ lâu đã ấp ủ dự định chuyên tâm vào các tác phẩm sen nghệ thuật - chủ đề mang đến sự thư thái, bình yên, NSNA Hoàng Bích Vân vừa tổ chức thành công triển lãm cá nhân đầu tay, với chủ đề “Tình sen”.

Tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống để cống hiến, sáng tạo

Chiều 13/6, trong không khí ấm áp, Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) tỉnh long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập (15/6/1964 - 15/6/2024). Đến dự và phát biểu có đồng chí Huỳnh Quốc Việt, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh.

Văn học nghệ thuật Cà Mau - Hành trình 60 năm không ngừng sáng tạo

Năm 1960, sau Nghị quyết 15 của Trung ương Ðảng, xác định con đường phát triển của cách mạng miền Nam, Tỉnh uỷ Cà Mau ra lời Hiệu triệu kêu gọi Ðồng khởi. Trong khí thế cách mạng dâng trào, Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ chủ trương thành lập Tiểu ban Văn nghệ để trực tiếp lãnh đạo và phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật của tỉnh. Tiểu ban Văn nghệ thành lập Ðoàn Văn công Giải phóng Cà Mau và Tạp chí Lúa Vàng. Ðây chính là mảnh đất ươm mầm và phát hiện, bồi dưỡng cho đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng ở Cà Mau.

Non Khăn Rằn & “Áo Cà Mau có đợi”

Dù công việc chính là phát thanh viên, biên tập viên của Ðài Tiếng nói Việt Nam, nhưng Nguyễn Hữu Nhân lại trót đem lòng say mê âm nhạc. Không chỉ sở hữu chất giọng mộc mạc, truyền cảm, anh còn có khả năng sáng tác ca khúc mang âm hưởng dân ca, trữ tình. “Áo Cà Mau có đợi” là một trong những sản phẩm gây chú ý của anh, với biệt danh khá thú vị “Non Khăn Rằn”.

Bình yên Phố Cổ

Sinh năm 1985, hội viên Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật TP Ðà Nẵng, là nhiếp ảnh gia tự do tại TP Hội An, Cường Art đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế: “Du xuân”, giải Nhất cuộc thi ảnh do Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Ðà Nẵng tổ chức năm 2016; “Tưởng nhớ”, giải Nhất cuộc thi sáng tác ảnh nhanh trong vòng 24 giờ tại Liên hoan Nhiếp ảnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2016. “Ngôn ngữ nghề” là 1 trong 10 tác phẩm đại diện cho Việt Nam tham dự FIAP World Cup lần thứ 33 tại Hàn Quốc năm 2016.

Khi lời ca, tiếng hát kết nối trái tim

Ðời sống tinh thần của người khiếm thị khá buồn tẻ, nhiều người chỉ quẩn quanh nhà, tuy nhiên, từ khi tham gia vào câu lạc bộ (CLB) văn nghệ của Hội Người mù tỉnh thì nội tâm họ trở nên phong phú hơn khi được gặp gỡ những người đồng cảnh ngộ, cùng hoà chung lời ca tiếng hát, đặc biệt là san sẻ những tâm tư, tình cảm với nhau qua sinh hoạt đờn ca tài tử.

Nắng gió Tây Nguyên

Dấn thân sáng tác ảnh nghệ thuật từ năm 2018, trong quá trình rong ruổi với đam mê, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Dương Hoài An nhận được sự giúp đỡ của các anh chị trong Chi hội Nhiếp ảnh tỉnh Ðắk Lắk và bạn bè nhiếp ảnh mọi miền đất nước. Chủ đề yêu thích của anh là văn hoá, cuộc sống, cảnh đẹp mọi miền, đặc biệt là về vùng đất Tây Nguyên.

NSND Minh Vương: Cống hiến cho nghệ thuật là lẽ sống

- Chào NSND Minh Vương, nhìn lại chặng đường hoạt động nghệ thuật, cảm xúc của ông như thế nào? NSND Minh Vương: Tôi có chút bồi hồi. Ðã 6 thập kỷ tôi ăn cơm của Tổ và được khán giả yêu thương, là một cái phúc. Sân khấu cải lương của chúng tôi đi từ hoàng kim đến những cung bậc thăng trầm. Tôi và nhiều anh chị em chứng kiến khi rực rỡ cũng như lúc bão hoà. Có lúc, chúng tôi và cải lương rất bi quan, bị ảnh hưởng và thua thiệt rất nhiều so với các loại hình giải trí khác. May mắn là mỗi năm, chúng tôi được Nhà nước quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là sự cổ vũ tinh thần rất lớn cho đội ngũ văn nghệ sĩ. Một điều trân quý nữa là, khán giả ở mọi lứa tuổi chưa bao giờ quên lãng cải lương, không rời bỏ tuồng cổ. Khán giả vẫn ở đây, vẫn ủng hộ những vở hay và người nghệ sĩ miệt mài làm nghề. Tôi hy vọng thời gian tới, Nhà nước tiếp tục hỗ trợ nhiều hơn, để sân khấu cải lương có thêm điều kiện tốt phát triển, sống cùng nhịp sống thời đại mới, phục vụ tốt hơn cho khán giả.

Khi sắc màu "dạo chơi"

Tác giả Phạm Thị Quỳnh Nga tốt nghiệp Ðại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh năm 1994. Chị là hoạ sĩ, nhiếp ảnh gia tự do, hiện tại chị gắn bó với công việc thiết kế thời trang công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh.