Mỗi khi trời cấn bấc, se se lạnh, các nghệ sĩ của Đoàn Văn công Giải phóng tỉnh Cà Mau năm xưa lại nhớ da diết những năm tháng cùng đồng đội, đồng nghiệp “chắc tay súng, vững tay đàn”, nhớ những mùa Tết đầy ắp tình "quân dân cá nước" với những đêm phục vụ khán giả tận 2-3 giờ sáng.
Mỗi khi trời cấn bấc, se se lạnh, các nghệ sĩ của Đoàn Văn công Giải phóng tỉnh Cà Mau năm xưa lại nhớ da diết những năm tháng cùng đồng đội, đồng nghiệp “chắc tay súng, vững tay đàn”, nhớ những mùa Tết đầy ắp tình "quân dân cá nước" với những đêm phục vụ khán giả tận 2-3 giờ sáng.
Và trong những câu chuyện về khoảng thời gian đó, mỗi khi nhắc tới Nghệ sĩ Kim Chi (Năm Chi), Nhạc sĩ Trần Thanh Hoà thường tấm tắc: “Năm Chi như con tằm nhả tơ bền bỉ, sống hết lòng vì anh em, đồng đội. Vừa giỏi chuyên môn lại rất kiên cường khi thực hiện nhiệm vụ gian khổ hiểm nguy. Cho đến bây giờ tôi chưa nghe người nào phiền trách, bất bình gì về Năm Chi”.
Nghệ sĩ Kim Chi. Ảnh: MINH TẤN |
Còn Nghệ sĩ Huỳnh Khánh thì chia sẻ: “Từ khi tôi biết chị Năm Chi cho đến nay trên 40 năm, tôi luôn nể trọng chị bởi đức tính khiêm tốn, thật thà của chị. Chị là biểu tượng của tình thương và trách nhiệm”. Nghệ sĩ Ưu tú Minh Đương kể lại: “Hầu như chị không có thời gian dành cho mình. Từ chuyện ăn, chuyện mặc, chuyện nghề…, chị đều dốc sức vì tập thể. Không riêng gì anh em trong đoàn mà bộ đội và Nhân dân vùng giải phóng tỉnh Cà Mau yêu thương và quý trọng chị vô cùng. Chúng tôi tự hào vì trong đội ngũ của mình có người đồng đội nhân hậu như chị Năm Chi”.
Nhắc đến Nghệ sĩ Kim Chi, mọi người nhớ ngay giọng hát thanh thoát, ngọt ngào, cao vút của chị. Ngoài tài năng ca diễn, ở chị, còn một thứ quý giá hơn nữa, đó là tấm lòng của người mẹ, người chị, người em dành cho đồng đội, anh em suốt chặng đường mấy mươi năm gắn bó với văn hoá nghệ thuật cách mạng bằng tài năng, nhiệt tình, bao dung, độ lượng.
Năm 2015, Nghệ sĩ Kim Chi tròn 80 tuổi và đã có 55 năm hoạt động nghệ thuật. Khi Đoàn Văn công Giải phóng tỉnh Cà Mau (nay là Đoàn Cải lương Hương Tràm) mới thành lập, chị là 1 trong 3 trụ cột của đoàn (Anh Đạo, Kim Chi và Trọng Nguyễn) nên mọi việc đều bộn bề, thiếu thốn. Vừa là diễn viên ca múa, chị kiêm luôn việc may phục trang, làm đạo cụ, tham gia sản xuất, cải thiện bữa ăn. Tập thể phân công nhiệm vụ gì chị cũng vui vẻ hoàn thành.
Những lúc địch ruồng bố, bao vây, nguồn lương thực hết sức thắt ngặt, chị cùng anh em đi bắt ba khía, chằm lá, đi cấy thuê, đi gặt mướn… để tạo nguồn thu cho đơn vị. Tối đến chị cùng đồng đội đi tuyên truyền phát loa kêu gọi binh sĩ trở về với cách mạng. Lúc bắt đầu buổi binh vận, trong đồn súng bắn ra xối xả. Nhưng khi Năm Chi cất giọng hát ngọt ngào, truyền cảm thì tiếng súng im bặt. Bài hát vừa dứt, chúng la lên: “Hát nữa đi em! Hát nữa đi!”.
Băng rừng, vượt sông bất kể ngày đêm, công sự ngập nước, chị ngâm mình hàng giờ trong lạnh giá nhưng vẫn hát rất hăng say. Tiếng hát Năm Chi là công cụ địch vận hiệu quả vô cùng. Khi nghe tiếng hát của chị, nhiều binh sĩ các đồn: Nhưng Miên (Ngọc Hiển), Tân Đức (Đầm Dơi), Rau Dừa (Cái Nước), rạch Bà Đặng, Cầu số 6 (Thới Bình) và nhiều đồn bót trong tỉnh… đã bỏ súng trở về với Nhân dân và tìm đến đoàn văn công để xem mặt người có giọng hát mê hồn.
Nghệ sĩ Năm Chi kể, trong kháng chiến, năm nào, Văn công cũng ăn Tết với dân. Đoàn biểu diễn đến đâu cũng được bà con thương yêu, tạo điều kiện từ việc ăn nghỉ đến sân bãi, canh phòng, bảo vệ. Nhiều người dân phải chèo xuồng hơn chục cây số mới đến nơi. Do phải biểu diễn phục vụ nhiều ngày nên đến rằm tháng Giêng trở về sau đoàn mới tổ chức ăn Tết.
Đoàn Văn công ăn Tết cũng có thể xem như một “sự kiện” văn hoá bởi quy mô và tầm ảnh hưởng của đoàn đối với Nhân dân, cộng với sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh và các cơ quan khu, miền đóng trên địa bàn. Bà con mang tới nào bánh trái, gà, vịt, rau, cá, rùa, rắn… Người tiếp dựng rạp, ráp sân khấu, treo đèn, kết hoa, mổ heo, nấu nướng rồi ăn uống đờn ca sáng đêm. Xong cái Tết, bà con ở lại giúp đoàn thu xếp, trả ván ngựa, xoong nồi, bàn ghế, đèn măng-xông… cho người dân.
Nghệ sĩ Kim Chi (bìa trái) thời kháng chiến chống Mỹ. |
Đoàn đóng quân ở đâu, Năm Chi cũng được bà con ưu tiên dành tình cảm đặc biệt. Có việc gì khó đoàn cũng “cậy” Năm Chi quan hệ với bà con, không bao lâu mọi việc đều được giải quyết. Tết là dịp để Nhân dân thể hiện tấm lòng với đoàn ân cần nhất, bắt đầu năm mới đoàn chuẩn bị vở diễn, phục vụ cho mùa khô, đây là mùa “ăn khách” nhất trong năm và anh em dốc sức thực hiện rất chu đáo, hiệu quả.
Năm Chi có biệt tài dung hoà tình cảm, những chị em cùng thời với chị hay nhắc Năm Chi về bản chất thiệt thà, hồn nhiên, vui vẻ, không hề hơn thua, ích kỷ với bất cứ ai.
Ngoài là diễn viên tài năng, người phụ nữ dịu dàng, đảm đang…, chị còn có khả năng sáng tác. Chị viết rất nhiều bài phục vụ nhiệm vụ chính trị từng thời điểm. Nhắc lại chuyện xưa, chị nói: “Lúc tôi ở đội văn nghệ thiếu nhi của xã Tân Duyệt, đi thi hát đoạt giải được tặng quà gì cũng không thích bằng ảnh Bác Hồ, tôi luôn đem ảnh Bác bên mình”.
Trong đợt trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 8, tháng 1/2016, Nghệ sĩ Kim Chi là 1 trong 4 nghệ sĩ của Cà Mau được trao tặng danh hiệu NSƯT. 3 nghệ sĩ còn lại gồm: Nghệ sĩ Huỳnh Văn Thưa (Huỳnh Hảnh), Nghệ sĩ Đỗ Thành An (Anh Đạo) và Nghệ sĩ Đoàn Thị Kim Cúc (Kim Cúc). |
Các nữ diễn viên của đoàn như Thanh Nhanh, Hồng Hạnh, Kiều Oanh, Kiều Trang, Kim Hương… khi vào đoàn còn ở tuổi thiếu niên đều được bàn tay người mẹ, người thầy Năm Chi nâng đỡ trong từng động tác múa, lời thoại, luyến láy những ca từ hay chăm sóc từng muỗng cháo, viên thuốc khi bị bệnh. Thời gian qua đi, mọi việc đều đổi thay nhưng kỷ niệm sâu sắc về chị vẫn còn nguyên trong tình cảm và ký ức của họ cho đến bây giờ.
Tuổi cao sức yếu, khi trái gió trở trời chị phải vào bệnh viện. Các bệnh nhân cùng phòng phát hiện Năm Chi của ngày xưa, không bao lâu hàng chục bệnh nhân ở các phòng khác kéo đến, tay bắt mặt mừng, nhắc lại những ngày cùng ăn, cùng ở với bà con. Còn gì hạnh phúc cho bằng khi chị đã rời căn cứ hơn 40 năm mà tình cảm của Nhân dân dành cho chị vẫn đậm đà, nguyên vẹn.
Mọi tiến trình của Đoàn Văn công đi qua đều chuyên chở tấm lòng người nghệ sĩ của Nhân dân mà Năm Chi là hình ảnh đại diện. Theo gương chị, nhiều thế hệ nghệ sĩ của Đoàn Cải lương Hương Tràm ngày nay toả sáng nhờ vào ý chí phấn đấu, rèn luyện và luôn sống hết lòng vì nghệ thuật, với đồng bào, đồng nghiệp./.
Lê Ngọc Diễm