Huyện U Minh không chỉ được biết đến bởi rừng tràm U Minh Hạ bạt ngàn mà còn có thế mạnh về kinh tế biển. Huyện sở hữu chiều dài bờ biển Tây hơn 31 km, với 3 cửa biển: Khánh Hội, Hương Mai và Tiểu Dừa. Trong đó, cửa biển Khánh Hội (xã Khánh Hội) đang được đầu tư mở rộng và nâng cấp để phục vụ cho đội tàu khai thác thuỷ sản xa bờ.
Huyện U Minh không chỉ được biết đến bởi rừng tràm U Minh Hạ bạt ngàn mà còn có thế mạnh về kinh tế biển. Huyện sở hữu chiều dài bờ biển Tây hơn 31 km, với 3 cửa biển: Khánh Hội, Hương Mai và Tiểu Dừa. Trong đó, cửa biển Khánh Hội (xã Khánh Hội) đang được đầu tư mở rộng và nâng cấp để phục vụ cho đội tàu khai thác thuỷ sản xa bờ.
U Minh với ngư trường khá rộng lớn, với nhiều loài thuỷ sản có giá trị kinh tế cao như tôm, mực và nhiều loài cá... Chủ tịch UBND huyện U Minh Lê Thanh Triều cho biết, năm 2014, huyện duy trì được đội tàu thuyền khai thác biển trên 710 chiếc, với tổng công suất gần 45.000 CV; tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thuỷ sản huyện hơn 49.650 tấn. Quý I/2015, sản lượng thuỷ sản đạt 11.840 tấn, trong đó khai thác biển ước đạt 6.200 tấn, gồm tôm, cá các loại đạt 28% kế hoạch.
Ngư dân Khánh Hội tất bật sau chuyến ra khơi. Ảnh: LÊ HỮU LỢI |
“Nhằm tạo điều kiện phát triển nghề cá, những năm qua, huyện U Minh được tỉnh đầu tư xây dựng các khu dân cư ven biển với mục tiêu di dời, bố trí chỗ ở ổn định cho các hộ dân sống ven đê biển và hộ đồng bào dân tộc; nạo vét cửa biển Khánh Hội, nâng cấp đê biển Tây, xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng các cống trên đê biển... với tổng mức vốn đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng”, ông Lê Thanh Triều cho biết thêm.
Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, UBND huyện đang tiến hành điều chỉnh quy hoạch và mời gọi đầu tư Khu dân cư làng cá Khánh Hội. Huyện cũng đang triển khai nhanh việc hỗ trợ cho ngư dân đóng mới tàu cá, nhằm giúp bà con mở rộng ngư trường khai thác, phát triển đánh bắt xa bờ.
Ngày nay, Khánh Hội đã hình thành làng cá ngay tại cửa biển, với trên 172 tàu công suất 90CV trở lên, 300 tàu công suất dưới 40CV và nhiều phương tiện đánh bắt khác. Vùng biển Khánh Hội có nguồn lợi thuỷ hải sản với nhiều loài phong phú. 3 năm trở lại đây, nhiều ngư dân đã trúng mùa mực, có điều kiện ổn định cuộc sống, vươn lên khá, giàu. Ngư dân có thể ra khơi đánh bắt vào bất cứ mùa nào trong năm, không như trước kia chỉ đánh bắt vào mùa gió chướng.
Anh Toàn, chủ tàu Đức Trí, gắn bó với cửa biển Khánh Hội gần 30 năm, bộc bạch: “Khai thác biển là nghề ổn định và bền vững, nếu tính toán cẩn thận trong quá trình khai thác sẽ thu lợi nhuận cao”. Hiện nghề đánh bắt truyền thống như câu cào mé, đóng đáy hàng khơi ít được chú trọng, ngư dân chủ yếu đánh bắt xa bờ để khai thác sản lượng lớn. Hằng ngày, các hoạt động trao đổi mua bán diễn ra sôi nổi, các tàu thu mua hàng thuỷ sản luôn túc trực ở cửa biển, ngư dân không còn phải chuyên chở xa. Cửa biển Khánh Hội còn là nơi giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động.
Cách Khánh Hội không xa là cửa biển Hương Mai nằm trên tuyến đê biển Tây (xã Khánh Tiến), chiều dài bờ biển 17,2 km, nối xã Khánh Hội với xã Vân Khánh Tây (huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang).
Trước đây, Hương Mai chỉ là vàm kinh nhỏ. Từ năm 1993, nơi đây được đầu tư xây dựng cống ngăn mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Người dân ở xã Khánh Tiến nói chung, vùng cửa biển nói riêng chủ yếu làm nông nghiệp, nghề biển chưa là động lực chính để phát triển kinh tế. Vì thế, ở cửa biển Hương Mai, người dân đa phần khai thác nhỏ lẻ, chủ yếu là phương tiện đánh bắt gần bờ, như câu mực và ghe lưới cá…, việc trao đổi mua bán có tính chất địa phương. Để tiếp tục thúc đẩy kinh tế khu vực cửa biển, huyện U Minh đã xây dựng cụm dân cư ven biển nhằm phát triển giao lưu mua bán và đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa bão; đồng thời, xây dựng hoàn thành cống mới và mở rộng cửa biển Hương Mai để thu hút tàu thuyền đến khai thác, neo đậu.
Chủ tịch UBND xã Khánh Tiến Huỳnh Công Hiệu cho biết: “Do cửa biển nhỏ, lượng tàu thuyền khai thác ít, nên tiềm năng thuỷ sản còn khá lớn, mở rộng cửa biển Hương Mai sẽ tạo hướng đi mới cho người dân nơi đây. Đồng thời với việc cải tạo, nâng cấp lại cửa biển là công trình xây dựng đường ô-tô đến trung tâm xã Khánh Tiến. Cửa biển thông thoáng, giao thông thuận lợi đã và đang thúc đẩy các hoạt động giao thương mua bán và phát triển các dịch vụ nghề biển”.
Với những quy hoạch phù hợp phát triển thế mạnh kinh tế rừng và biển, sau 40 năm giải phóng, trong đó có gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, huyện U Minh đã và đang đi lên bằng những nền tảng vững chắc. Từ địa phương biết đến với sự tồn tại của nghèo khó trên sản vật thiên nhiên giàu có, giờ, cảnh quan, hạ tầng, dân trí… của huyện U Minh đã thay đổi hoàn toàn. Đời sống Nhân dân khởi sắc, kinh tế rừng, kinh tế biển đang được đầu tư đúng mức, khai thác hợp lý, hiệu quả hơn./.
Phong Phú