(CMO) Trong khuôn khổ giám sát, ngày 2-3/3, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau kiểm tra tình hình thực tế ô nhiễm môi trường ở Khu công nghiệp Hòa Trung và việc thu gom, xử lý rác thải, nước thải, bảo vệ môi trường của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Cà Mau. Đoàn do bà Trương Thị Yến Linh, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm trưởng đoàn đã ghi nhận nhiều bức xúc.
Theo phản ánh, gần 10 năm qua, hàng trăm hộ dân sinh sống tại Khu Công nghiệp Hòa Trung, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước phải hứng chịu mùi hôi thối từ hoạt động xả thải của các nhà máy, xí nghiệp. Không chỉ cuộc sống bị đảo lộn mà việc nuôi trồng, khai thác thủy sản của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù đã kiến nghị đến ngành chức năng rất nhiều lần nhưng đến nay người dân vẫn sống chung với tình trạng ô nhiễm rất nặng.
Vì “ngộp” nên ông Du Tô Rê, công nhân sản xuất tại Công ty TNHH MTV SXTMXK Đại Phát, ấp Hòa Trung, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước không đeo đủ bảo hộ lao động. |
Theo phản ánh của bà Võ Thị Diện, ấp Hòa Trung, xã Lương Thế Trân, gia đình bà có 20 công đất (Hơn 2,5 ha), mỗi lần thả khoảng 50.000 con tôm giống. Mấy năm nay nguồn nước bị ô nhiễm nên việc nuôi thủy sản của bà không hiệu quả. “Trước đây, đến thời điểm thu hoạch tôm, mỗi ngày gia đình tôi bán được 3-4 triệu đồng, nhưng sáng nay chỉ bán được hơn 50.000 đồng. Bản thân tôi và con trai bị bệnh không thể đi làm thuê nên cuộc sống lâm vào cảnh khó khăn hơn bao giờ hết”, bà Diện bức xúc.
Ông Huỳnh Văn Sáu, 60 tuổi, ấp Hòa Trung có gia cảnh cũng không khá hơn. Ông bị bệnh tim, phổi nên không thể lao động trong nhiều năm qua. Nuôi tôm không hiệu quả nên 2 con ông phải đi làm công nhân cho các nhà máy chế biến thủy sản ở phường Tân Thành, TP. Cà Mau. “Nhiều lần chúng tôi kiến nghị với các cấp, các ngành sớm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường để người dân nuôi tôm hiệu quả hoặc bố trí tái định cư hợp lý để chúng tôi sớm ổn định cuộc sống”, ông Sáu cho biết thêm.
Không chỉ ảnh hưởng về sản xuất, tình trạng mùi hôi từ các nhà máy, xí nghiệp chế biến đầu vỏ tôm còn gây xáo trộn cuộc sống của hàng trăm hộ dân nơi đây. Bà Võ Thị Diện cười buồn: "Khách lâu lâu mới đến 1 lần còn không chịu nổi, trong khi người dân chúng tôi phải ngửi quanh năm. Có hôm trời mịt mù khói, mùi hôi nồng nặc nên nhà nào cũng phải đóng cửa, có người chịu không nổi phải trùm mền. Cuộc sống như thế cứ tiếp diễn gần chục năm qua thử hỏi chúng tôi không nghèo sao được!".
Hỏi về vấn đề bảo hộ lao động cho công nhân, ông Mạch Huỳnh Long, quản lý sản xuất của công ty TNHH MTV SXTMXK Đại Phát, cho biết, công ty có quy định mang vớ tay, ủng, khẩu trang nhưng công nhân không thực hiện vì vướng víu khó làm việc. Theo ông Du Tô Rê, 50 tuổi, đã làm công nhân cho công ty TNHH MTV SXTMXK Đại Phát hơn 3 năm nay, mặc dù có quy định mang vớ tay, ủng, khẩu trang khi làm việc nhưng vì vỏ đầu tôm rất hôi, nếu đeo khẩu trang sẽ rất ngộp, mùi hôi nhiều hơn nên ông chỉ đeo vớ tay và ủng. Theo quan sát, có khoảng 10 công nhân đang làm việc ở bộ phận sản xuất của công ty này nhưng chỉ có 3 người mang ủng.
Theo Chủ tịch UBND xã Lương Thế Trân Trần Quốc Văn, thì người dân đã phản ánh rất nhiều lần về vấn đề ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất. Thế nhưng, ở góc độ địa phương ông cũng chỉ biết kiến nghị đến các sở, ngành liên quan. Thời gian tới, địa phương vẫn sẽ... tiếp tục kiến nghị.
Khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thu gom, xử lý rác thải, nước thải, bảo vệ môi trường tại Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Cà Mau, được biết, thời gian qua, do đối tác hợp đồng theo đơn đặt hàng dịch vụ công ích, chỉ đặt hàng theo từng năm, từng thời điểm nên công ty bị động về định hướng phát triển lâu dài và bị động trong đầu tư chuyên ngành do không có vốn. Ngoài ra, việc thu gom rác, vận chuyển rác sinh hoạt tại Phường 5, UBND TP Cà Mau giao cho đơn vị khác thực hiện nên công ty gặp khó trong việc quản lý, thống nhất về giờ giấc, chất lượng dịch vụ vì thế còn thấp và chưa có hướng giải quyết triệt để.
Thanh Phương