Cùng với người Kinh, người Hoa, người Khmer cũng có mặt rất sớm trên vùng đất Cà Mau để cùng khai khẩn đất đai, lập xóm, xây làng và hình thành cộng đồng dân cư.
Cùng với người Kinh, người Hoa, người Khmer cũng có mặt rất sớm trên vùng đất Cà Mau để cùng khai khẩn đất đai, lập xóm, xây làng và hình thành cộng đồng dân cư.
Thuở ban đầu, người Khmer thường sinh sống cạnh chùa chiền, phum, sóc. Tuy nhiên, người Khmer vẫn đoàn kết với các dân tộc anh em trong lao động sản xuất, chống chọi với thú dữ và đấu tranh chống xâm lược.
Toàn tỉnh Cà Mau hiện có gần 800 hộ dân tộc Khmer là gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, gia đình thương binh, Mẹ Việt Nam anh hùng và Anh hùng LLVTND.
Thụ hưởng an sinh xã hội
Trong số 13 dân tộc thiểu số (DTTS) với gần 12.000 hộ đang sinh sống tại Cà Mau, đông nhất là dân tộc Khmer với trên 7.800 hộ. Song, do người Khmer phần đông sinh sống ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, kết cấu hạ tầng kém phát triển, phương thức sản xuất, tập quán canh tác chưa phù hợp và điểm xuất phát về trình độ dân trí thấp nên việc đầu tư các nguồn lực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và xây dựng kết cấu hạ tầng gặp không ít khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo rất cao.
Đội ghe Ngo của chùa Cao Dân, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình tập dượt chuẩn bị cho các giải đua lớn. |
Nhiều năm qua, nhiều chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng được triển khai tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống. 100% xã, phường, thị trấn đều được đầu tư xây dựng hệ thống trường, trạm y tế kiên cố, đảm bảo cho việc học tập và khám, chữa bệnh cho Nhân dân. Trên 90% số hộ đồng bào DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia và nước hợp vệ sinh. Đồng thời, tỉnh tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, quy hoạch vùng sản xuất, áp dụng khoa học - kỹ thuật để làm giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất, kêu gọi đầu tư ở các vùng nông thôn, vùng có đông đồng bào DTTS để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Bên cạnh đó, hoạt động văn hoá, thể dục thể thao vùng đồng bào DTTS được phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng. Chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS được tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả. Hiện tỉnh có 1 trường phổ thông dân tộc nội trú (gồm 12 lớp), 26 điểm trường dạy tiếng Khmer, đào tạo theo chế độ cử tuyển vào đại học, cao đẳng được 142 em... Qua đó, đã phát huy trình độ của của con em vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, các địa phương cũng hỗ trợ vốn, cho vay vốn, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp, chăm sóc sức khoẻ và khám, chữa bệnh miễn phí, mua bảo hiểm y tế cho hộ nghèo và hộ cận nghèo. Các chế độ chính sách đối với gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng cũng được chăm lo đầy đủ.
Hệ thống chính trị ở vùng đồng bào DTTS được quan tâm phát triển. Các tổ chức cơ sở đảng ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng và nền nếp sinh hoạt.
Vươn lên thoát nghèo
Được thụ hưởng các chế độ, chính sách, được giáo dục tuyên truyền pháp luật và đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá trong vùng đồng bào DTTS, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo và giúp nhau cùng thoát nghèo. Nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong đồng bào DTTS được biểu dương.
Tỉnh uỷ viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau Triệu Quang Lợi thông tin: “Nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ, chính quyền, sự tham gia tích cực của mặt trận, các đoàn thể và sự chủ động tham mưu tích cực, hiệu quả của các cơ quan chuyên môn nên các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc được triển khai thực hiện kịp thời. Từ đó, nhiều hộ DTTS đã có nhà ở, đất ở, đất sản xuất, tập trung vào việc chăn nuôi, sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn chưa giảm nghèo bền vững, nên từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung thực hiện 2 chương trình mục tiêu lớn là xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Tạo điều kiện giúp người DTTS nâng cao nhận thức chuyển đổi ngành nghề; nghĩa là điều tra, phân nhóm hộ nghèo cần điều kiện gì để bố trí nguồn đầu tư tương ứng. Đồng thời, dự kiến xây dựng nhà dân cư cho đồng bào DTTS nghèo… |
Ông Hữu Thảo, Bí thư Chi bộ ấp Đường Đào, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, cho biết: “Trước đây, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần phân nửa số hộ dân. Từ năm 2010 đến nay, hộ nghèo chỉ khoảng 70/500 hộ. Sự thay đổi này là do được hỗ trợ của Nhà nước về mọi mặt, từ đó người dân dần ý thức hơn trách nhiệm công dân của mình. Bây giờ hộ đã thoát nghèo thì cố gắng lao động phấn đấu làm giàu, hộ còn nghèo không đất sản xuất thì học nghề, hoặc đi lao động ngoài tỉnh. 99% học sinh độ tuổi đi học đều được đến trường, trong đó nhiều em đã tốt nghiệp đại học, sau đại học... Dân trí nâng lên, nhận thức xã hội trong đồng bào DTTS cũng khác trước rất nhiều”.
Ông Thạch Văn Cảnh, Phó Trưởng Ban Nhân dân ấp Hiệp Hoà Tây, xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi, cho biết: "Trước đây, không ít hộ lâm cảnh khó khăn do không có đất sản xuất, một số ít thì buông xuôi, trông chờ Nhà nước hỗ trợ. Từ khi được thụ hưởng các chính sách đối với người DTTS, được giáo dục qua các buổi sinh hoạt cộng đồng… bà con quyết tâm phấn đấu lao động để mưu sinh. Và khi cuộc sống dần ổn định, bà con ý thức hơn vấn đề xã hội, việc học hành của con cái và tích cực tham gia công tác địa phương…"
Bài và ảnh: Mỹ Pha