(CMO) Sinh ra bên làng biển Tân Thuận hiền hoà, nhưng lớn lên trong lúc chiến tranh ác liệt với “Chiến dịch Hạm đội nhỏ trên sông” của Mỹ tàn phá xóm làng, đốt nhà, gom dân vào ấp chiến lược nên Lê Hoàng Phước mới 12 tuổi phải rời mái ấm gia đình để vào Trường Thiếu sinh quân của Đoàn 962, đơn vị trực thuộc đường Hồ Chí Minh trên biển, khu vực Cà Mau để học chữ và học làm giao liên. Gia đình có truyền thống cách mạng (con Mẹ Việt Nam anh hùng, 2 anh là liệt sĩ), Lê Hoàng Phước có ý thức và không quên lời căn dặn của mẹ trước lúc lên đường: "Chỉ cần con làm tốt, làm đàng hoàng, chứ không cần con làm lớn!”. Trưởng thành từ môi trường quân đội, Lê Hoàng Phước luôn nhớ lời dạy của Bác Hồ mà các thầy, cô Trường Thiếu sinh quân nhắc nhở: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, để rồi sau này trở thành người đầu tiên mở đường ra phía biển, đảo!
Trường Thiếu sinh quân của Đoàn 962 được xây dựng bằng những dãy nhà lá dừa nước, cột cặm, lót nền cao cẳng với những cây đước, cây chà là, căn nhà này nối căn nhà khác cũng là cây đước nằm sâu trong rạch Vàm Lũng, Rạch Gốc. Chính ngôi trường này đã dạy chữ cho Lê Hoàng Phước, dạy cách đánh tàu sắt của Mỹ bằng súng tự chế, cách nối thông tin liên lạc của các tổ chiến đấu với chỉ huy Đơn vị 962, học cách sử dụng morse, máy bộ đàm PRC… để nối thông tin xuyên suốt từ các đơn vị chiến đấu với Khu uỷ Khu 9, Trung ương Cục trong những năm chống Mỹ cứu nước. Trong môi trường quân đội, ban ngày không có máy bay, tàu chiến bắn phá thì Lê Hoàng Phước cùng các thiếu sinh quân học chữ, ban đêm tìm các ông Lê Việt Hùng, Phạm Hữu Phương ở bộ phận Vô tuyến điện Nam Bộ mượn sách EMETTEURS của kỹ sư người Pháp Par É Douard Cliquet... dịch ra tiếng Việt để nghiên cứu, cải tiến máy dò sóng. Bắt sóng của giặc hôm nay đi càn quét, bắn phá nơi đâu, báo cho đơn vị tìm cách đánh trả hoặc di chuyển nơi khác, tránh nổ súng gây thương vong cho cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân quanh khu vực đóng quân an toàn. Nhờ cách vừa học vừa thực hành trong những năm ở Trường Thiếu sinh quân, với đơn vị 962 Cà Mau mà sau này Lê Hoàng Phước có được kiến thức, kinh nghiệm thực tế trong cải tiến máy thu phát sóng, lắp đặt đầu tiên trên hải đảo xa đất liền như Hòn Chuối, Hòn Khoai, Nhà giàn DK1…
Là người am hiểu vùng đất, vùng trời Cà Mau, nơi có bờ biển dài 254 km, trong đó có 107 km bờ biển Đông và 147 km bờ biển Tây; từ xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển đến vàm kênh Công Nghiệp, huyện Phú Tân có diện tích bãi bồi ngầm trên 530 km2 và bãi bồi lộ thiên khi triều xuống khoảng 77 km2, vùng lãnh hải của Cà Mau rộng lớn, có nhiều tôm, cá, thuỷ sản các loại nên hàng chục ngàn tàu thuyền của ngư dân từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang suốt đêm ngày khai thác thuỷ sản; trước nhu cầu về thông tin liên lạc của ngư dân và các đơn vị làm nhiệm vụ canh giữ Hòn Khoai, Hòn Chuối, Nhà giàn DK1…, Lê Hoàng Phước phải tìm mọi cách tận dụng sửa chữa máy phát điện D15, tìm trụ sắt làm ăng-ten thu phát sóng, xin máy BTS 15 W, 30W để phát sóng, đáp ứng kịp thời đòi hỏi bức bách về thông tin liên lạc không bị gián đoạn từ ngư trường biển, đảo Cà Mau về gia đình trên đất liền, nhất là vào mùa mưa bão, tránh gây thiệt hại cho ngư dân đang khai thác thuỷ sản trên biển Tây Nam. Nhớ lại cơn bão Linda trước đây, ngày 2/11/1997, khi đi qua vùng biển Cà Mau, do không có hệ thống thông tin liên lạc kịp thời đến ngư dân đang đánh cá, tôm trên biển nên bão nhấn chìm trên 3.000 tàu thuyền, gần 2.890 ngư dân chết, mất tích và bị thương, làm thiệt hại cho tỉnh Cà Mau trên 7.200 tỷ đồng.
Ông Lê Hoàng Phước nhận cúp Nhà Quản lý xuất sắc thời kỳ đổi mới năm 2010. Ảnh tư liệu VNPT Cà Mau |
Với mục tiêu phát triển kinh tế biển và an ninh quốc phòng trên biển, đảo quê hương, ông Lê Hoàng Phước cùng với lực lượng đoàn viên thanh niên vận chuyển hàng chục tấn thiết bị viễn thông bằng tàu đánh cá từ Đất Mũi, vượt 20 km sóng biển ra Hòn Khoai và từ cửa sông Ông Đốc vượt sóng to gió lớn trên biển Tây 25 km ra Hòn Chuối. Khi vật liệu xây dựng, như trụ ăng-ten, máy phát điện, máy phát sóng ra đến chân hòn phải nhờ ngư dân sống trên đảo, chiến sĩ biên phòng, lực lượng kiểm lâm vận chuyển từ chân núi lên đỉnh hòn trên 316 m, nơi đặt trạm thu phát sóng thông tin liên lạc đầu tiên của vùng biển Tây Nam. Sau 60 ngày đêm liên tục, 3 ca xây dựng ăng-ten, nhà bảo vệ máy phát sóng thông tin di động và lắp đặt máy thu phát tín hiệu từ Hòn Khoai về đất liền. Đúng 0 giờ ngày 1/6/2005 có tín hiệu tốt đầu tiên nối từ các chiến sĩ, ngư dân đang sống trên đảo Hòn Khoai nói chuyện với cha, mẹ, vợ con, người thân trong đất liền với niềm vui không tả xiết…
Đến năm 2017, Lê Hoàng Phước và Viễn thông Cà Mau đã lắp đặt, đưa vào phát sóng trên 380 trạm phát sóng thông tin di động, trong đó có gần 10 trạm phục vụ thiết thực cho sự chỉ đạo, điều hành của các cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương trong phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, bảo đảm an ninh, quốc phòng, giữ vững chủ quyền biển đảo và phục vụ bà con ngư dân yên tâm đánh bắt trên khu vực thềm lục địa từ hướng biển Đông Nam sang biển Tây Nam của Tổ quốc.
Công nhân VNPT Cà Mau lắp đặt thiết bị BTS trên Nhà giàn DK1-10 tháng 10/2010. Ảnh tư liệu của VNPT Cà Mau |
Hiện nay, mạng Viễn thông Cà Mau là đơn vị cung cấp đường truyền cho các cơ quan Đảng, Nhà nước trong tỉnh, hỗ trợ triển khai, vận hành phần mềm hồ sơ liên thông đường truyền số liệu chuyên dùng, phần mềm quản lý văn bản, trợ giúp các công việc hành chính từ tỉnh, huyện đến phường, xã.
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thành công của Lê Hoàng Phước là biết dành phần lợi nhuận trong kinh doanh làm công tác an sinh xã hội, xây dựng nhiều công trình phúc lợi và tôn tạo di tích lịch sử, xây dựng nhà truyền thống của ngành, cụm Tượng đài Vô tuyến điện Nam Bộ trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Dù đã nghỉ hưu, ông Lê Hoàng Phước vẫn tất bật với công tác an sinh xã hội và bao giờ cũng nghĩ rằng, thành công của mình là “việc nhỏ”. Việc nhỏ trong tâm hồn, trí tuệ không nhỏ là điều được nhiều người ghi nhận. Ấn tượng về những con người lột xác khỏi chiếc vỏ bao cấp như chiếc áo giáp vô hình để tung cánh đến những góc biển, chân trời bao la làm chúng ta cảm thấy tự hào, thấy vui lây khi những gì họ làm được góp phần nâng cánh ước mơ cho vùng đất, vùng biển, vùng trời nơi miền cuối Việt. Ở nơi đó, mũi con tàu Tổ quốc vẫn tiếp tục xé sóng ra khơi. Ở nơi đó, hàng ngàn ngư dân đêm ngày bám biển và nhiều cán bộ, chiến sĩ trên những nhà giàn khắp khu vực biển, đảo rộng lớn, luôn canh giữ sự bình yên cho Tổ quốc!./.
Trường Sơn Đông