Thầy Lê Công Nhã, giáo viên giảng dạy môn Vật lý Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển, TP Cà Mau được biết đến là người thầy “mát tay” khi liên tục hướng dẫn học trò thiết kế sáng tạo nhiều mô hình và đoạt giải thưởng tại các cuộc thi sáng chế dành cho học sinh, trong đó có sáng kiến “Cải tiến dụng cụ thí nghiệm con lắc đơn với độ bền và độ chính xác cao hơn, tối ưu hơn các thiết bị đang có trên thị trường”.
Thầy Nhã chia sẻ: “Trong bộ môn Vật lý, tần suất thí nghiệm, thực hành tương đối nhiều. Ðối với một số mô hình, bộ sản phẩm có sẵn tại trường, sau nhiều lần quan sát thực hiện, tôi nhận thấy còn một số hạn chế khi độ chính xác không cao và bất tiện trong những lần đo. Do đó, thúc đẩy tôi cải tiến lại bộ đồ dùng dạy học”.
“Việc cải tiến trong dạy và học là hết sức cần thiết, phát triển được năng lực và tư duy của học sinh, cải tiến sản phẩm thiết bị để có kết quả giáo dục tốt hơn, đồng thời giúp người học rèn luyện kỹ năng, nhớ bài lâu hơn. Với những sáng chế của mình, tôi mong muốn sẽ truyền lửa và tiếp thêm nhiều động lực nghiên cứu khoa học cho những ai yêu thích sáng tạo. Với những sáng chế tâm đắc, tôi đăng ký tham gia hội thi vừa để cọ xát nhưng mục đích chính vẫn là giáo dục cho thế hệ thanh niên, học sinh, cổ vũ các em tham gia nghiên cứu”, thầy Nhã chia sẻ thêm.
Ngoài những giờ lên lớp, thời gian còn lại thầy Lý Hoài Thanh đều dành hết để nghiên cứu sáng tạo ra những thiết bị điện có tính an toàn cao.
“Mô hình CB đa chức năng tự động giám sát tải tiêu thụ điện công suất cao giao tiếp thân thiện với người dùng bằng app smart phone thông qua đường truyền wifi” được thầy Lý Hoài Thanh, giáo viên Trường THPT Huỳnh Phi Hùng, huyện Trần Văn Thời, mày mò nghiên cứu, là kết quả sáng tạo từ giảng dạy trên lớp.
Lợi thế của thiết bị là có thể tự động ngắt khi có các trường hợp sự cố điện bất thường sắp xảy ra nhằm để bảo vệ hệ thống tải, có thể ứng dụng cho mọi tải điện, an toàn cho người dùng. Ngoài ra, thiết bị còn áp dụng chế độ hẹn giờ mở/tắt hệ thống trên theo lịch kế hoạch thời gian, có thể ứng dụng phổ biến tại nhiều nơi như: trường học, công sở để mở/tắt hệ thống chuông reo với số lần tuỳ chỉnh.
CB hoạt động đảm bảo độ chính xác, không chập chờn, tiết kiệm điện, an toàn, tuổi thọ cao. Tất cả linh kiện phần cứng kết nối, chương trình được cài đặt sử dụng nhiều loại ngôn ngữ lập trình. Giao diện phần mềm điều khiển thiết kế gọn nhẹ, dễ cài đặt, thân thiện với người dùng khi có thể truy cập trên điện thoại, máy tính.
Không chỉ truyền đam mê cho học sinh tại trường, ở nhà thầy Lê Công Nhã còn cùng con trai có sở thích chung là sáng tạo nghiên cứu khoa học kỹ thuật.
Thầy Thanh cho biết: “Mong muốn của tôi là những sáng chế ra đời, trước hết phục vụ cho đối tượng học sinh ứng dụng vào chương trình giáo dục mới, tạo sự hứng thú, chủ động trong việc học, sau đó là đi vào phục vụ đời sống. Với những thiết bị, sáng chế trước đây, tôi vẫn tiếp tục hoàn thiện và cải tiến theo thời gian. Việc học đi đôi với hành không chỉ giúp học sinh chủ động khắc sâu kiến thức mà cũng khơi gợi để các em dần chủ động say mê với việc nghiên cứu ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường”.
Với những tâm huyết đặt để trong sản phẩm sáng tạo, giải pháp “Cải tiến dụng cụ thí nghiệm con lắc đơn với độ bền và độ chính xác cao hơn, tối ưu hơn các thiết bị đang có trên thị trường” của tác giả Lê Công Nhã và giải pháp “Mô hình CB đa chức năng tự động giám sát tải tiêu thụ điện công suất cao giao tiếp thân thiện với người dùng bằng app smart phone thông qua đường truyền wifi” của tác giả Lý Hoài Thanh đều đoạt giải Ba tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Cà Mau lần thứ VIII./.
Ngô Nhi