ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 10-5-25 22:28:00
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Người thương binh 6 lần dũng sĩ

Báo Cà Mau (CMO) Đánh tàu sắt, bắn máy bay, đánh đồn, diệt bộ binh, chống càn… Chiến đấu ở địa hình đồng bằng, trên sông rạch, vùng sình lầy, nơi rừng đước… Bị thương vẫn hăng say đánh giặc và lập được nhiều chiến công lớn… Người đang nói đến là ông Phạm Quốc Quân, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn U Minh 2.

Ông Phạm Quốc Quân kể chuyện chiến đấu.

Tôi nói với ông, “thành tích chú nhiều quá con đâm bối rối không biết viết thế nào?”.

Ông bảo:

- Thì cháu cứ ghi như những gì chú kể. Chú cũng muốn công khai cho anh em, đồng đội đọc và thừa nhận, để người ta khỏi nói mình thêm thắt, tô hồng…

Chuyện của ông nghe cả ngày chưa hết, mà dung lượng bài báo thì có hạn, không thể nào chuyển tải đầy đủ được...

Đó là lần thứ ba tôi gặp ông, vào một ngày đầu đông năm 2017. Ông nói, “mấy hôm nay trời trở lạnh, chú bị đau nhức và tăng huyết áp quá!”.

Lần đầu tôi đến, cách đó 3 tuần, ông vừa nằm viện hơn 2 tháng về. Lần đó, ông bị cắt bỏ 1 bên tinh hoàn do miểng đạn nằm trong bìu làm độc. Ông nói, “trong người chú từ đầu tới chân có gần 20 vết thương, giờ còn nhiều miểng đạn. Thỉnh thoảng có một cục u bướu nổi lên đau nhức, mổ ra là có miểng đạn. Chụp phim phát hiện riêng trong bụng còn tới 3-4 miếng  miểng. Trời mưa, thời tiết lạnh là nó hành hạ đau nhức suốt. Chắc sau này chú chết trong mùa mưa”.

Dù phải vật vã chống chọi với thương tật trong suốt hơn 40 năm qua, sức khoẻ bị giám định còn 0%, xếp vào mút hạng (thương binh 1/4), lại thêm nhiều lần tiểu phẫu, đại phẫu cắt bỏ thêm các bộ phận trên cơ thể do ảnh hưởng từ các vết thương, sức khoẻ ngày càng bị bào mòn, nhưng ông nói chuyện về bệnh tật vẫn thản nhiên. Có lẽ nhờ vậy mà ông mới đánh vật được với những cơn đau trong suốt mấy chục năm qua.

Càng nghe ông kể chuyện chiến đấu, càng ngộ ra, với một người mà cái chết còn xem nhẹ, “ém nhẹm” thương tích để đi đánh trận thì quả là bệnh tật khó quật ngã được tinh thần.

6 lần bị thương, 6 lần dũng sĩ

Ông bị thương cả thảy 6 lần, trong đó có 2 lần nặng nhất. Lần đầu vào tháng 3/1968, trong trận diệt đồn Cầu Sắt. Khi đó ông vừa từ xã Nguyễn Huân được rút lên huyện Duyên Hải (Năm Căn) làm Trung đội trưởng bộ binh. Ông bị 1 viên đạn trúng vào sống mũi trổ qua gò má làm hư nặng mắt trái.

Ông kể, vết thương mắt bị nung mủ, lỗ dò dưới mắt mỗi ngày nặn ra từ 1-2 giọt mủ lợn cợn máu bầm. Bác sĩ nói phải lên tuyến trên mới giải quyết được. Trong điều kiện chưa đi điều trị được thì đề nghị khi về đơn vị công tác nhẹ hoặc chuyển làm công tác đoàn thể. Nhưng về đơn vị ông “ém nhẹm” yêu cầu của bác sĩ để được tiếp tục đi chiến đấu. Nhiều lần đi điều nghiên, bị con thiêu thân bay vào mắt còn lại, là nằm chịu trận đợi đồng đội tới giúp.

Bấy giờ, nhờ dũng cảm, mưu trí trong chỉ huy và trực tiếp chiến đấu, ông lần  lượt  được Tỉnh đội đề bạt làm cán bộ tác huấn Huyện đội và giữ chức vụ Huyện đội phó. Dù vậy, ông vẫn thường xuyên trực tiếp làm tổ trưởng đi chiến đấu.      

Sau Mậu Thân 1968, trước tình hình quân địch tăng cường máy bay, tàu chiến, binh lực, hoả lực phản công dữ dội, không thể đối đầu, ông sáng kiến ra cách đánh nhỏ lẻ độc đáo. Ông làm mô hình nhà lợp lá, phơi quần áo làm mục tiêu “nhử” kéo máy bay địch đến để bắn. Và tăng cường huấn luyện kỹ thuật bắn máy bay, đánh tàu.

Sáng sớm ngày 28/1/1969, bọn địch “mắc bẫy”. Chiếc L19 (máy bay trinh sát) đến quần đảo khu vực nhà “nhử” tại xóm rẫy Kinh Ba, ấp Ngã Quát, xã Năm Căn (nay là xã Hàm Rồng), sau đó phóng pháo chỉ điểm. Liền sau đó, 2 chiếc F5 (máy bay tiêm kích hiện đại nhất của Mỹ lúc ấy) bay đến thay nhau thả bom xuống khu nhà “nhử”. Ông dùng súng bán tự động Mỹ (Garant) nhắm vào chiếc F5 đang bổ nhào đầu tiên, bắn liên tiếp hết 8 viên đạn. Cùng lúc, 2 tiếng bom nổ kinh hoàng. Lúc này 1 chiếc F5 bốc cháy, dần hạ thấp độ cao bay một đoạn rồi rơi ở mé biển Đông. Tên phi công Mỹ thiệt mạng.

Chiếc F5 còn lại cất lên cao rồi bay về căn cứ. Ông bị sức ép của bom bất tỉnh tại trận địa, được đồng đội cấp cứu tỉnh lại. Đây là trận đầu tiên ông được tặng danh hiệu “Dũng sĩ hạ máy bay”.

Ông nói, có những trận chuẩn bị công phu, nhưng có những trận cũng hết sức đơn giản, như trận ngày 29/8/1969.  Khi ấy đơn vị đi công tác, chỉ còn ông và 1 chiến sĩ ở hậu cứ. Sáng sớm, 1 chiếc L19 đến quần đảo khu vực xóm rẫy ấp Ngã Quát. Ông rủ anh chiến sĩ “đi bắn chim sắt về ăn cơm chơi”. Anh này nói chỉ còn 1 khẩu trung liên, 13 viên đạn, sao đủ bắn. Ông nói: “Với trình độ bắn máy bay của anh em mình thì cần gì nhiều đạn”.

Rồi 2 người nhanh chóng đem súng xuống xuồng chèo đến khu đất rẫy. Lúc này, chiếc L19 ném trái khói màu chỉ điểm, liền sau đó, 2 chiếc trực thăng bay tới hạ xuống khu đất trống (cách đó khoảng 70 mét) chuẩn bị đổ quân. Ông liền bắn thẳng vào đầu 2 chiếc trực thăng khi chúng chưa chạm đất. Bị trúng đạn, nó lảo đảo bay lên khói lửa bốc cháy mịt mù lao về hướng mũi Cà Mau và rơi ở đó.

 Trận này ông được tặng danh hiệu “Dũng sĩ hạ máy bay” lần thứ 2 và “Dũng sĩ diệt nguỵ”.

Tôi thầm nghĩ, ông nói vậy chứ không đơn giản. Bởi đâu phải ai cũng có gan xách súng đi bắn máy bay. Chưa kể còn kỹ thuật đặt súng, kỹ thuật bắn, sự linh động, mưu trí xử lý các tình huống phát sinh…

Và lần đó, ông cũng gian nan lắm mới bảo toàn mạng sống về đến đơn vị. Ông kể, “sau khi 2 chiếc máy bay cháy, chiếc L19 quay lại phóng pháo chỉ điểm, 2 chiếc trực thăng khác quần đảo bắn anh em chú gần tiếng đồng hồ. Chiếc xuồng lủng mười mấy lỗ. Lúc đó tận dụng xuồng làm công sự lặn trốn dưới lườn xuồng. Đi bất ngờ, khi chú bị thương chân chạm tới xương đâu có gì băng bó, phải xé áo ra cột vết thương. Đợi chúng bỏ đi mới nhanh chóng về trạm quân y gần đó điều trị”.

Cứ như thế, gác qua thương tật hành hạ hằng ngày ở mắt, ông lao vào đánh hết trận này đến trận khác. Nhờ bản lĩnh, gan dạ, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo, ông liên tục giành thắng lợi. Có thể nói, năm 1969 là năm “được mùa” của ông với 5 lần được phong danh hiệu dũng sĩ, gồm: Dũng sĩ diệt nguỵ (2 lần); Dũng sĩ diệt tàu; Dũng sĩ hạ máy bay (2 lần).

Sang đầu năm 1970, ông còn lập thêm thành tích “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Bấy giờ, đường liên lạc của ta qua kinh xáng Cái Ngay bị địch phát hiện. Chúng cho tàu cao tốc với 12 lính Mỹ thường neo đậu, ém quân biệt kích ở đó. Huyện đội giao nhiệm vụ ông “xử lý”. Sau khi thực địa, ông cùng 2 chiến sĩ dùng 1 bệ phóng đạn B40 4 quả, đặt bệ phóng trên chiếc bè nổi kết bằng bập dừa nước, cặm cây cho bệ lên xuống theo nước lớn nước ròng tại con kinh nhỏ trên tuyến kinh xáng Cái Ngay. Ông cho các chiến sĩ lui xuồng về vị trí phía sau 500 m và chờ. Một mình ông ở lại phục kích. 4 giờ sáng ngày 26/1/1970, tàu cao tốc từ hướng Chi khu Đầm Cùng chạy tới. Khi chạm mục tiêu, ông điểm hoả. 4 quả B40 cắm vào mạn tàu phát nổ dữ dội, khói lửa bốc lên mù mịt. Ông nhanh chóng rút về xuồng có đồng đội đang chờ sẵn.

Sau đó, theo tin báo của cơ sở mật, chiếc cao tốc của địch bị cháy hết phần trên, chỉ còn lườn tàu, toàn bộ quân Mỹ trên tàu đều chết hết.              

Tháng 10/1970, ông được Tỉnh đội Cà Mau rút về Tiểu đoàn U Minh 2  làm đại đội phó, sau là Tiểu đoàn phó, Tham mưu trưởng. Ông tiếp tục có điều kiện bộc lộ tài năng quân sự trên chiến trường.  

Gần cuối năm 1973, trong một trận đụng độ bất ngờ với địch, ông bị thương rất nặng: trúng đạn cả 2 chân chạm tới xương, thủng bụng, đứt chót gan, thủng dạ dày và đứt 1 đoạn ruột non phải vào Quân y tỉnh cấp cứu. Sau khi điều trị tạm ổn, ông lại xin về đơn vị tiếp tục chiến đấu.

Nặng tình đồng đội, nặng nghĩa đồng bào

Vào sáng ngày 18/12/1969, địch đổ quân xuống xóm rẫy ấp Ngã Quát, nơi đặt Văn phòng Huyện đội Duyên Hải và có kho vũ khí dã chiến. Lúc đó anh em đều đi công tác, chỉ còn anh thương binh cụt 1 chân làm văn thư ở cơ quan. Ông từ đơn vị vừa về tới cơ quan thì phát hiện tốp trực thăng đổ quân xuống. Ông vội vào kho dã chiến lấy khẩu đại liên 30, 1 dây đạn 100 viên ra công sự, bắn thẳng vào tốp trực thăng. 2 chiếc đầu bị trúng đạn bốc cháy, lảo đảo cất lên bay về hướng Cà Mau. Đang bắn, khẩu đại liên kẹt đạn, ông nhanh chóng vác súng ém xuống kinh và chạy vào cơ quan dìu anh thương binh vào rừng tránh giặc sát hại.

Dìu được một đoạn vào khuất rừng thì thấy bọn địch xông vào Văn phòng Huyện đội. Có lẽ lùng sụt tìm diệt cán bộ, chiến sĩ ta không được, bọn chúng đốt văn phòng và phá huỷ kho vũ khí dã chiến (chỉ còn vài quả mìn định hướng, một ít thủ pháo) rồi lên trực thăng rút lui.

Người thương binh đó chính là ông Cao Minh Tiến, sau giải phóng là Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Năm Căn. Hiện đã nghỉ hưu và là Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Năm Căn.

“Chuyện cảm động nhất là lúc đó địch chỉ cách chúng tôi khoảng 50 m. Hàng trăm tên đang hò hét, càn ruồng, nã đạn. Tôi nhiều lần yêu cầu đồng chí Quân chạy nhanh tránh giặc, nếu có chết thì chỉ mình tôi chết. Nhưng đồng chí Quân nhất quyết không nghe, cố gắng dìu kéo tôi đi mà không nghĩ gì đến tính mạng mình... Đến bây giờ, mỗi lần nhớ lại việc đồng chí không kể thân mình cứu sống tôi trong khoảnh khắc cái chết cận kề đó, tôi rất biết ơn đồng chí”, ông Cao Minh Tiến xúc động chia sẻ.

Một điều mà ông Quân bao giờ cũng lưu tâm khi tiến hành các trận đánh là đặc biệt tìm những phương án ít đổ máu cho anh em chiến sĩ. Ông bộc bạch: “Cha mẹ nuôi con mười mấy năm, giao cho mình chỉ huy đánh giặc. Mình nắm trong tay sinh mạng của bao người. Vì vậy, mệnh lệnh ban ra phải hết sức sáng suốt, sơ suất thì bao nhiêu xương máu cán bộ chiến sĩ phải đổ, mình có tội với anh em, có tội với gia đình, người thân họ”.

Ông trần tình, cho tới bây giờ ông vẫn còn thấy áy náy một chuyện. Đó là vào năm 1969, ngoài rải chất độc hoá học, địch còn cho dân phá rừng đước, hòng triệt tiêu căn cứ cách mạng. Hằng ngày, chúng cho từ 800-1.000 chiếc xuồng ghe lớn nhỏ đi đốn củi  phá  rừng. Chúng luôn cho 2 tàu sắt chở đầy quân hỗ trợ những người phá rừng tránh ta ngăn chặn. Tháng 11/1969, ông được phân công cùng đồng đội nghiên cứu địa hình, chọn cách thích hợp để đánh tàu, làm thất bại âm mưu của địch.

Ông cùng 1 chiến sĩ và 1 y tá thực hiện trận đánh. Sau khi đặt trái ba-zơ-min chứa 60 kg thuốc nổ xong, ông cho 2 đồng đội lùi xa trận địa trên 400 m, còn mình ở lại chờ tàu địch tới để điểm hoả. Không may, khi tàu chạm mục tiêu, ông kéo dây nhưng trái không nổ. Đợi tàu địch đi qua, ông kiểm tra mới biết do dùng dây gân bị giãn.

Lội trở lại xuồng, ông cùng đồng đội đi tìm nhà dân vùng Kinh Năm (xã Hiệp Tùng ngày nay) xin dây chì. Gặp được tiệm tạp hoá có bán dây chì, ông bàn với chị chủ tiệm xin ăn bữa cơm và mua chịu 30 m dây chì để đánh tàu. Chị chủ nhà nói: “Nếu ngày mai các em đánh chìm chiếc tàu đó thì chị tặng 30 m dây chì luôn, khỏi trả tiền. Chị cũng đãi cho anh em ăn bữa cơm”.

Khoảng 4 giờ sáng hôm sau, ông tiếp cận trận địa cũ, thay dây, đặt trái và nguỵ trang ngồi chờ. Khi tàu chạm mục tiêu, ông kéo dây, một tiếng nổ lớn phát ra, khói lửa mịt mù. Chiếc tàu phía sau trờ tới nổ súng, phun xăng đặc, bắn M79 dây, đại liên hết sức dữ dội. Tiếp đó, thêm 2 chiếc trực thăng vũ trang đến phóng pháo, bắn trả quyết liệt.

Do địch phản kích ngày đêm, ông và đồng đội đến 5 ngày mới về tới đơn vị. Mấy ngày sau, Huyện uỷ gửi thư khen ngợi và cho biết chiếc tàu địch bị gãy làm đôi nằm dưới kinh xáng, địch chết khoảng 50 tên. Ông và đồng đội được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt ngụy” và “Dũng sĩ diệt tàu”.

 Trận đánh này đã làm thất bại mưu đồ phá rừng, phá căn cứ cách mạng vô cùng thâm độc của địch. Suốt mấy tháng sau đó, chúng không còn đưa dân đi phá rừng nữa.

“Điều tôi áy náy là chưa trở lại cảm ơn được chị chủ tiệm tặng dây chì và cho anh em ăn cơm trong lúc đói. Mãi sau này hỏi thăm, nghe ngóng, cố ý tìm vẫn không có tin tức mình chiến thắng địch được là nhờ dựa vào dân, được dân đùm bọc, giúp đỡ. Hôm ấy không có mấy chục mét dây chì của chị thì làm sao mà đánh tàu được”, ông từ tốn chia sẻ.

Đã trải qua 70 năm cuộc đời, từng dạn dày với chiến trường bom đạn, nhưng người cựu chiến binh ngồi trước mặt tôi không hề có diện mạo “dữ dằn, ghê gớm”. Ông trải lòng: “Mình đi chiến đấu là hoàn cảnh bắt buộc, muốn giải phóng đất nước, quê hương, chứ phải đâu vì thành tích...”.

Nhà ông nằm tại số 119, Trần Hưng Đạo, Phường 5, TP Cà Mau. Một ngôi nhà cấp 4 khiêm nhường nép mình bên các toà nhà cao tầng, trên con đường “VIP" luôn ào ồn, náo nhiệt. Trong ngôi nhà ấy, ngày ngày có 1 thương binh “mút hạng” âm thầm đánh vật với những cơn đau do thương tích chiến tranh. Bên cạnh ông là sự tận tình chăm sóc, sẻ chia của người vợ hiền bao dung, chung thuỷ. Bệnh tật nhưng vẫn lạc quan, bởi ông thấy mình còn may mắn hơn nhiều đồng đội được trở về bên người thân, được nhìn thấy đất nước hoà bình. Dù phải chịu nhiều thua thiệt về sức khoẻ, nhưng gần 20 vết thương để đổi lấy hoà bình, thì với ông, sự đánh đổi này không là vô nghĩa.

Trang Anh

 Ông Phạm Quốc Quân sinh năm 1948, nguyên quán ấp Tân Long A, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi; là con thứ 9 trong gia đình có 8/9 anh chị em tham gia cách mạng. Cha là ông Phạm Trần Trinh, cán bộ lão thành cách mạng. Từ năm 1965-1967, ông là du kích, Xã đội phó Nguyễn Huân, vào Đảng năm 1967. Từ 1968-1970, Trung đội trưởng, Huyện đội phó huyện Duyên Hải. Từ 1970-1975, Đại đội phó, Đại đội trưởng, Tiểu đoàn phó, Tham mưu trưởng Tiểu đoàn U Minh 2. Sau giải phóng, ông được phong quân hàm Đại uý, giữ chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn U Minh 2. Tháng 2/1978, vì lý do sức khoẻ, ông được biệt phái công tác tại Ty Thương binh và Xã hội tỉnh Minh Hải làm công tác chính sách hậu phương quân đội. Ông nghỉ hưu năm 1989.
Ông được đồng đội đặt mệnh danh "nhiều cái nhất”: Huyện đội phó trẻ nhất (21 tuổi). Tiểu đoàn phó trẻ nhất (25 tuổi). Tiểu đoàn trưởng trẻ nhất (27 tuổi).
Gần 10 năm tham gia chiến đấu, ông đánh địch trên 60 trận, tự mình tiêu diệt trên 80 tên, có 12 tên Mỹ; bắn rơi 3 máy bay, cháy 2 chiếc; đánh chìm 1 tàu cao tốc, 1 tàu mặt dựng; thu trên 20 khẩu súng và nhiều quân trang quân dụng khác. 6 lần được phong danh hiệu “dũng sĩ”; được tặng thưởng 6 huân chương các loại; 3 huy hiệu; trên 10 bằng khen, hơn 20 giấy khen về thành tích chiến đấu. Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

 

Cà Mau - Ðịa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài cuối: Bừng sáng vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc

Cà Mau hôm nay đổi mới, phát triển từng ngày. Những cán bộ lão thành cách mạng, những bậc cao niên ở Cà Mau mà chúng tôi có dịp gặp, đã trải qua bom đạn chiến tranh, trải qua những ngày tháng Cà Mau còn đầy khó khăn, tất cả đều nói rằng, Cà Mau mình bây giờ đã phát triển nhiều lắm, đời sống Nhân dân đã sung túc hơn trước bội phần. Từ vùng đất hoang vu, nê địa; từ những đau thương, mất mát lớn lao trong kháng chiến; đến nay, Cà Mau đã vươn mình đi lên bằng sức vóc mới, thế và lực mới, để chặng đường phát triển tương lai sẽ làm bừng sáng vùng đất địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 4: Vùng đất của những sản vật vang danh

Dù lên rừng hay xuống biển, Cà Mau đều sẵn có những đặc sản trứ danh. Nếu chỉ nhắc đến đại khái, nhiều người sẽ chưa thoả dạ hoặc lòng còn hoài nghi, thắc mắc. Sự trù phú của thiên nhiên hoà quyện với quá trình lao động siêng năng, bền bĩ, đúc kết kinh nghiệm và sự sáng tạo tài hoa của lớp lớp con người Cà Mau đã kết tụ nên giá trị và sức sống lâu bền của những sản vật đặc trưng ở vùng đất mới.

Lưu Hữu Phước – Nhạc sĩ tài danh đất Tây Đô

Hai ba thế hệ người Việt Nam hát những ca khúc của nhạc sĩ tài danh Lưu Hữu Phước. Không có cuộc đời nào, tâm hồn nào trên đất nước Việt Nam thân yêu thế kỷ vệ quốc anh hùng mà không được Lưu Hữu Phước giục giã.

Ngày giải phóng Cà Mau

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 3: Bức tranh văn hoá đa sắc

Dù ở vùng đất mới, gốc gác khác biệt, song khi về tới Cà Mau, thế hệ tiền nhân đã sớm ý thức về nguồn cội, quần tụ và cố kết với nhau bằng sợi chỉ đỏ chảy xuyên suốt của nền văn hoá dân tộc Việt Nam bốn ngàn năm: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 2: Con người Cà Mau - Nét duyên xứ sở

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng: “Con người là chủ thể văn hoá, cách ứng xử của con người với chính mình, với thiên nhiên và các mối quan hệ xã hội định hình nên đặc điểm và tính cách của nền văn hoá ấy”. Ở vùng đất mới Cà Mau, nếu không nói về con người Cà Mau, tính cách và cốt cách của con người Cà Mau thì quả thật là một điều thiếu sót lớn. Hồn cốt quê hương, khí phách của ông cha là nơi hậu thế soi chiếu vào đó để nhận diện được chính mình và khơi mở những chặng đường tương lai của mảnh đất này.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc

Khi Báo Cà Mau đăng loạt ghi chép pha chút hơi hướng khảo cứu này, tỉnh Cà Mau đang hừng hực khí thế, với thế và lực mới vững vàng hoà vào dòng chảy thời đại cùng cả dân tộc, đất nước Việt Nam tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển phồn thịnh, giàu mạnh, hạnh phúc.

Dì tôi - Người đàn bà đi qua hai cuộc kháng chiến

Trước đây không lâu, Báo Cà Mau có đăng bài viết về chuyện bà Hai Ðầm tham gia trận diệt đồn Tân Bằng năm 1946. Trong trận đánh táo bạo này, bà được Chi bộ Thới Bình cài vào đồn giặc Pháp làm nội gián để cùng bộ đội ta thực hiện phương án “nội công ngoại kích”. Bài viết theo lời kể của ông Huỳnh Văn Tứ ở thị trấn Thới Bình, người cùng thế hệ và có mối quan hệ thân tộc với bà Hai Ðầm.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài cuối: Ðổi mới phương pháp dạy và học

Việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi chính phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo nhận ra đã đến lúc cần thay đổi tư duy giáo dục theo hướng mở.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài 2: Chia nhau trách nhiệm

Ðể siết chặt vấn đề dạy thêm - học thêm, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự nhìn nhận đúng và sự giám sát của phụ huynh, của xã hội.