ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 17-5-24 02:02:33
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Người tôn thêm giá trị di sản văn hóa

Báo Cà Mau (CMO) Ba khía muối rừng ngập mặn là món ăn đặc sản truyền thống được nhiều thế hệ người Cà Mau nói riêng và Nam Bộ nói chung yêu thích, khoái khẩu, có người ví nó như quốc hồn, quốc tuý của vùng đất cuối trời miền cực Nam Tổ quốc. Năm 2019, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch công nhận nghề ba khía muối Gạch Rốc - Ngọc Hiển Cà Mau là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.

Chị Trần Thị Xa, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Ba khía Đầm Dơi, người đã khởi nghiệp thành công và đưa sản phẩm truyền thống của quê hương Cà Mau đến thị trường trong và ngoài nước.
Cà Mau có tổng diện tích rừng ngập mặn hơn 60.000 ha với nhiều sản vật quý hiếm, trong đó có con ba khía với sản lượng khai thác hàng ngàn tấn mỗi năm, là nguồn nguyên liệu dồi dào tạo nên thương hiệu Ba khía muối Cà Mau.
Con ba khía (danh pháp khoa học là SESARMA MEDERI), là một loài thuộc họ cua có càng to, trên lưng có 3 vạch (khía) nên dân gian gọi là ba khía. Chúng có kích thước nhỏ như con cua đồng nhưng chắc thịt và nhiều gạch son màu đỏ. Ba khía chế biến được nhiều món ăn, nhưng phổ biến nhất là ba khía muối (mắm ba khía).
Con ba khía rừng ngập mặn có nhiều cách bắt khác nhau, nhưng phổ biến nhất là dùng đèn đi soi vào ban đêm.

Chị Trần Thị Xa thuộc thế hệ 8X (sinh năm 1987) cùng chồng là anh Nguyễn Văn Miên sau khi tốt nghiệp đại học năm 2013 đã về công tác ở hai xã Thanh Tùng và Tạ An Khương Đông, huyện Đầm Dơi theo đề án tri thức trẻ của Trung ương Đoàn. Từ đây, anh chị đã hình thành ý tưởng khởi nghiệp từ nghề ba khía muối truyền thống của quê hương bởi anh chị muốn mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm ba khía chất lượng, có xuất xứ rõ ràng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sau hơn 4 năm khởi nghiệp (bắt đầu từ năm 2018), hợp tác xã ba khía muối Đầm Dơi do chị Trần Thị Xa làm chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc quy tụ 10 xã viên, được đầu tư máy móc, dây chuyền hiện đại vào sản xuất nhưng vẫn giữ những công đoạn truyền thống quyết định chất lượng sản phẩm. Năm 2020 thương hiệu Ba khía muối Đầm Dơi đoạt cú đúp giải Nhất cuộc thi khởi nghiệp cấp tỉnh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long, ngoài ra còn nhận được nhiều giải thưởng từ các hội thi như: Giới thiệu sản phẩm hội viên phụ nữ, sự kiện truyền thông phụ nữ Cà Mau chung tay xây dựng nông thôn mới.

Cũng trong năm 2020, sản phẩm Ba khía muối Đầm Dơi được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh - đây là sản phẩm OCOP duy nhất của mặt hàng ba khía muối trong toàn tỉnh Cà Mau.

Ba khía được rửa sạch bằng vòi cao áp để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi đưa vào chế biến.
Muối ba khía là cả một nghệ thuật và là bí quyết của mỗi gia đình, đây là một công đoạn quan trọng nhất, tạo nên thương hiệu của nghề truyền thống và trở thành di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.
Ba khía sau khi muối khoảng 5-6 ngày thì ăn được. Trước khi ăn, người ta tách mai, bỏ phần yếm dưới bụng, xé nhỏ từng ngoe, thêm chanh, đường, tỏi, ớt giã nhuyễn, trộn đều, đảm bảo khi ăn đủ vị mặn, ngọt, chua, cay, nồng...

Hiện nay hợp tác xã Ba khía Đầm Dơi của chị Xa sản xuất trên 35 tấn ba khía các loại/năm, ngoài tiêu thụ thị trường nội địa, còn xuất bán sang Đài Loan, Malaysia, Mỹ, Hàn Quốc (theo dạng hàng xách tay), góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động nữ ở địa phương. Tuy nhiên, điều chị Xa trăn trở là hiện nay nguồn nguyên liệu chỉ được đánh bắt hoàn toàn trong tự nhiên, trong khi toàn tỉnh có hơn 400 cơ sở chế biến với sản lượng cả ngàn tấn mỗi năm, thì liệu về lâu về dài có còn đủ nguồn cung?

Mỗi tháng, sản phẩm ba khía muối của HTX Ba khía Đầm Dơi xuất bán từ 3-3,5 tấn ra thị trường trong và ngoài nước. (Trong ảnh: Kiểm tra chất lượng, đóng gói bao bì sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP trước khi đến với người tiêu dùng).

Là một trí thức trẻ, đảng viên và là đại biểu HĐND huyện Đầm Dơi nhiệm kỳ 2020-2025, chị Xa bày tỏ tâm nguyện cùng với các ngành chức năng làm cầu nối mời các chuyên gia tham gia nghiên cứu để giúp nhân giống, tái tạo các sản vật của rừng ngập mặn nói chung, trong đó có con ba khía để vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa giúp bảo vệ môi trường, sinh thái. Chị đã kết nối, tạo được mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cơ quan Đảng, Nhà nước địa phương với doanh nghiệp và Nhân dân, đồng thời là người thắp sáng, truyền lửa nghề truyền thống của địa phương, nâng cao niềm tự hào và giá trị của một di sản văn hoá cấp quốc gia. Chị xứng đáng là phụ nữ “2 giỏi” của thời đại mới và là tấm gương tiêu biểu của phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Ngoài mặt hàng ba khía muối truyền thống, cơ sở của chị Xa còn thử nghiệm sản phẩm mới là riêu ba khía đóng gói, đông lạnh, bước đầu được thị trường chấp nhận và ưa chuộng.

 

Nguyễn Thanh Dũng thực hiện

 

Kỳ vọng cho du lịch ẩm thực

Trong chuỗi hoạt động của Chương trình sự kiện "Cà Mau - Ðiểm đến 2024", một trong những hoạt động được kỳ vọng sẽ tăng sức quảng bá du lịch ẩm thực là Ngày hội Bánh phồng tôm gắn với văn hoá ẩm thực Năm Căn, dự kiến được tổ chức trong tháng 9 tới đây. Cùng với đó là kỳ vọng giới thiệu, quảng bá sản phẩm của các chủ thể có sản phẩm bánh phồng tôm OCOP 3 sao, 4 sao, đến tay người tiêu dùng khắp mọi miền đất nước, góp phần tăng số lượng xuất bán ra thị trường, tăng thu nhập cho người làm nghề.

Ðộc đáo bộ sưu tập thời trang từ bánh dân gian

Sẽ như thế nào khi những chiếc bánh dân gian ngọt ngào đậm chất miền Tây sông nước trở thành chất liệu để sáng tạo thành bộ sưu tập thời trang? Ý tưởng độc đáo này được nhà thiết kế trẻ Nguyễn Minh Công biến thành hiện thực.

Bánh lá rau mơ món ăn dân dã miền quê!

Những ai từng sinh ra, lớn lên ở các miền quê, có lẽ món bánh lá rau mơ đã trở thành một phần ký ức tuổi thơ; món ăn tuy dân dã, nhưng với hương vị đặc trưng ấy khiến nhiều người nhớ và sẽ lạ miệng, thú vị với người lần đầu thưởng thức.

Món ngon từ chuối ép khô

Nghề ép chuối khô ở huyện Trần Văn Thời hình thành từ rất lâu, chủ yếu tập trung nhiều ở 2 xã: Trần Hợi và Khánh Hưng. Ðây cũng chính là các địa phương nổi tiếng sản xuất chuối ép khô ngon và lớn nhất tỉnh, xây dựng được sản phẩm đạt chuẩn OCOP.

"Săn" đặc sản ở rừng

Ở Cà Mau, các khu rừng ngập mặn, bãi bồi ven biển là nơi sinh sống của các loài nhuyễn thể như: vọp, chem chép, ốc len..., thức ăn của chúng chủ yếu là các loại tảo, chất mùn hữu cơ dưới tán rừng. Theo đó, nhiều người dân địa phương mưu sinh từ nghề khai thác nguồn lợi này, tuy vất vả nhưng đem lại nguồn thu nhập cho gia đình.

Về Cà Mau thưởng thức khô cá đù

Cá lù đù (còn gọi là cá đù), đặc sản của ngư dân vùng ven biển Ðông - Tây Cà Mau, là món ăn rất gần gũi với bữa cơm thường nhật của người dân ven biển. Và giờ đây, khô cá đù Cà Mau đã trở thành món đặc sản nổi tiếng miền Tây Nam Bộ.

Ðặc sản kẹo cu đơ Hà Tĩnh

Có xuất xứ từ huyện Hương Sơn, kẹo cu đơ là một trong những đặc sản nổi tiếng của tỉnh Hà Tĩnh. Hiện có hàng nghìn cơ sở lớn nhỏ trong tỉnh được lập ra để sản xuất và bán thức quà này.

Cá kho làng Vũ Ðại

Làng Vũ Ðại là tên gọi trong tác phẩm của Nhà văn Nam Cao, nguyên mẫu là làng Ðại Hoàng, nay là thôn Nhân Hậu, xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Nam Ðịnh. Nơi đây nổi tiếng với món cá kho trong niêu đất.

Thực phẩm chay vào mùa cao điểm

Tháng Giêng là thời điểm nhu cầu sử dụng các thực phẩm chay tăng mạnh. Ðể cung ứng cho thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, hàng quán tăng số lượng hàng để phục vụ thực khách. Ngoài những món thông dụng như đậu hũ, rau củ quả... nhiều nơi chế biến sẵn món chay các loại để khách hàng có thể mua về dùng liền, rất tiện lợi.

Giữ trọn nếp xưa

Hưởng ứng Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Việt Khái, huyện Phú Tân đã tổ chức ngày hội bánh dân gian với chủ đề “Món ngon Nam Bộ”, để chị em họp mặt và giao lưu với nhau.