ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 7-7-25 11:20:49
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Người vui vẻ

Báo Cà Mau (CMO) Anh ấy mặc áo màu hồng dạ quang kết hợp với quần thun, đeo kính đen và bắt đầu đi catwalk trên... đường. Hễ gặp bất kỳ ai, ảnh đều giơ tay chào và nở nụ cười thân thiện kiểu... người mẫu đúng mực. Người đang được nhắc đến là anh Nguyễn Hoàng Nam (tên thường gọi là Hải), 37 tuổi, ấp Tân Phong A, xã Hoà Thành, TP. Cà Mau.

Tôi thường đi đến đoạn Nhà thờ Hoà Thành là gặp ảnh. Thông thường chỉ chạy phớt ngang nhưng tôi và mọi người vẫn kịp hiểu thông điệp ảnh muốn nhắn nhủ là khoe mẻ vì đã nhận được bịch bim bim hay đồ ăn vặt từ một người tốt bụng nào đó. Lúc ấy, ảnh rất mực vui vẻ và hài lòng với cuộc sống.

Một số phận...    

Ngày ấy, ảnh là một thợ xây, đã thiết kế và xây dựng không biết bao nhiêu tổ ấm cho nhiều gia đình. Chàng thanh niên hiền lành luôn chăm chỉ làm việc mong sao kiếm đủ tiền để tự tay xây ngôi nhà cho riêng mình và ngỏ lời cầu hôn với người yêu.

Anh Hải cần mẫn với công việc giao nước đá của mình.

Đến khi hạnh phúc sắp đơm hoa kết trái, anh bất ngờ bị tai nạn giao thông và chấn thương sọ não. Trụ cột chính trong gia đình đang “thập tử nhất sinh” khiến người thân điêu đứng và suy sụp hoàn toàn. 3 tháng nằm viện, gia đình anh phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi để vay hỏi tiền điều trị. Vì quá đau xót, cha anh héo mòn từng ngày rồi qua đời không lâu sau đó. Thế là đau thương chồng chất đau thương.

Những tưởng tia hy vọng yếu ớt cuối cùng đã tắt lịm, nhưng sau một thời gian vật lộn với tử thần, ảnh bảo toàn được tính mạng và trở về với gia đình. Thời gian đầu, tất cả những sinh hoạt cá nhân, ảnh đều trông cậy vào mẹ già. Ảnh cũng không nói được, chỉ ú ớ rồi dùng ngón tay chỉ chỉ trỏ trỏ. Bà Huỳnh Thị Nhanh, mẹ của ảnh, nhớ lại: "Mấy tháng ròng rã nằm trong bệnh viện không được tắm gội nên khi về nhà nó chỉ tay lên người ra dấu hiệu nóng nực. Thấy vậy, tôi dẫn nó đi tắm. Nó khoái, cười sằng sặc".

Ông Dương Quốc Trung, Trưởng ấp Tân Phong A, xã Hoà Thành, TP. Cà Mau cho biết, anh Hải bị tai nạn giao thông nên thần kinh không ổn định. Thế nhưng anh không có giấy chứng nhận bệnh tâm thần nên không được hỗ trợ.

Tai nạn giao thông mỗi năm trên toàn quốc cướp đi sinh mạng của gần 10.000 người và cũng ngần ấy số người rơi vào cảnh tàn phế. Họ đa số trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, ít có người có nghị lực sống như anh Hải.

Một tháng sau, ảnh khoẻ dần rồi đi lại bình thường và bắt đầu... tập nói. Lúc này ảnh ghét ồn ào nên thường trốn ra căn chòi lá ở ngoài bờ vuông, đến khi nào đói lã người mới vào nhà kiếm cơm. Ăn xong, ảnh lại đi.

Ảnh có cái tật là khoái quần áo màu nổi. Thấy trên ti-vi có mấy cô người mẫu đi trình diễn thời trang, ảnh về nhà lấy áo dài của mẹ mặc lên người, đội thêm cái nón lá đi từ đầu xóm đến cuối xóm. Mọi người xung quanh thấy tính ảnh cũng dễ chịu, gặp ai cũng cười nên thường cho quần áo. Mà màu nổi mới lấy chứ màu thông thường là ảnh từ chối: “Thông cảm cho Hải đi, Hải có đồ rồi”.

Biết ý ảnh thích ăn vặt và chơi đồ chơi của trẻ con nên người ta cũng thường cho. Mỗi lần nhận được cái gì, ảnh lại đi khoe với cả xóm. Chả hiểu vì sao, từ lúc phát bệnh đến nay ảnh chưa hề kiếm chuyện rượt đuổi người nào nhưng miễn gặp lại cô người yêu là ảnh lại... chọi đá. Nên rồi, dần dần cô ấy cũng đi mất tăm hơi. Biết ảnh còn chút vấn vương, nhiều người cắc cớ trêu chọc: “Ê, tao cưới vợ cho mầy nghen”. Ảnh cười cười trả lời: “Đừng chọc Hải”.

Trong xóm cũng có một người cùng “đẳng cấp” như ảnh nên miễn hai người gặp nhau nói chuyện là cả xóm có trận cười đau bụng.

Làm việc nuôi thân

Ảnh có một điều rất dễ thương là những lúc đi nghêu ngao khắp xóm thấy ai làm việc gì nặng nhọc là nhảy vô làm tiếp. Bà con thấy ảnh nhiệt tình nên cho dăm ba chục ngàn coi như trả công. Mới đầu, nhận được tiền, ảnh mừng đi khoe khắp xóm rồi mua bim bim ăn cùng tụi nhỏ.

Anh Nguyễn Đông Phương là bạn cùng thời với ảnh, thấy hoàn cảnh đáng thương nên ngỏ ý muốn ảnh cùng đi bỏ nước đá để kiếm tiền tiêu xài. Thế là ảnh lập tức đồng ý.

Tầm khoảng 6 giờ sáng, xe chở nước đá của ảnh và anh Phương đã xuất hành. Anh Phương lái xe phía trước, ảnh ngồi sau chiếc xe ba gác hát nghêu ngao, hết bài này tới bài khác không biết mệt. Vì ảnh khoái ngọt, chủ nhà nói chuyện cộc cằn là ảnh không chịu vào giao nước đá. Mỗi lần như vậy, anh Phương phải động viên, năn nỉ lắm ảnh mới vào.

Anh Phương vui vẻ: "Đi làm chung với thằng Hải là cười suốt. Hôm nào nó bệnh không đi cùng tôi là bà con ở đây nhắc nó liền. Thằng Hải không ngại việc, tính tình lại thật thà nên tôi rất thương nó. Nó rất tiết kiệm. Mỗi lần đi làm xong, nó nhờ tôi giữ tiền công cho nó, vài hôm nó mới lấy một lần”.

Ảnh hay lên cơn đau đầu vào buổi trưa, nên khi bỏ nước đá xong là ảnh vội chạy về chòi để tránh nghe tiếng ồn ào của xe cộ. Nằm thin thít một lúc lâu, ảnh lại đi làm hồ hay đẩy đất mướn cho người khác. Ngoài tiền bỏ nước đá, có khi một ngày ảnh được tiền công hơn 150.000 đồng.

Cạnh bên căn chòi xiêu vẹo của ảnh là bầy vịt, bầy gà mà ảnh dùng tiền làm công đầu tư. Riêng con chó con là ảnh xin ở đâu đó. Ảnh coi đó là những người bạn của ảnh nên chăm sóc chúng từng chút một. Cuộc sống của ảnh không hề đơn độc mà ngược lại muôn màu, muôn vẻ.

Tháng trước, mưa gió nhiều nên căn chòi của ảnh có nguy cơ sập đổ. Nhưng vì mong muốn ảnh vào nhà sống cùng gia đình để tiện trông coi nên người nhà không sửa sang lại. Nhưng ảnh nói nay mai ảnh sẽ dùng số tiền có được để sửa nhà chứ không muốn phụ thuộc vào gia đình.

Tôi thường dùng sự ngưỡng mộ của bản thân dành cho một hình mẫu lý tưởng để làm động lực cố gắng cho mình. Nhưng lần này, chẳng hiểu vì đâu tôi lại nhen nhóm lên sự ganh tị với ảnh. Chắc có lẽ do lúc nào ảnh cũng yêu đời và hài lòng với cuộc sống, còn tôi thì hay dùng bộ mặt rầu rĩ và hay càm ràm với người thân.

Bút ký của PHÙNG NGỌC TRẦM

Bà Huỳnh Thị Nhanh, mẹ của anh Hải, chia sẻ: “Tôi còn nhớ như in, ngày 3/7/2006, tôi nhận được hung tin là con trai tôi bị tai nạn giao thông ở ấp Hoà Trung, xã Hoà Thành, TP. Cà Mau, chỉ cách nhà vài cây số. Người gây tai nạn tẩu thoát, mãi cho đến giờ vẫn không biết là ai. Lần đó, nó có đội nón bảo hiểm nhưng do va quẹt quá mạnh nên nón bảo hiểm bể nát và nó “bay” vào nhà người dân rồi bất tỉnh. Nếu không có nón bảo hiểm chắc nó không sống được rồi”.

Bà Nhanh cho biết thêm, hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn nên từ lúc anh Hải xuất viện, bà ít khi thăm khám bệnh cho con. “Số tiền vay mượn khi trước lên tới gần 100 triệu đồng mà cho đến thời điểm này tôi chưa trả hết. Mặc dù nó vẫn thường lên cơn đau đầu vào buổi trưa nắng nóng nhưng nó rất siêng năng làm việc. Thấy xót xa nên tôi để nó tự quản lý tiền của mình, mà đa phần nó đều dùng tiền đó để ăn quà vặt và nuôi gà, vịt”, bà Nhanh tâm sự.

 

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc - Bài cuối: Dệt nghĩa tình nơi vùng biên

Thắt chặt tình quân - dân, Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở các địa bàn biên giới biển, đảo, thường xuyên thực hiện các hoạt động nghĩa tình, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con. Ðiều này góp phần củng cố sức mạnh đại đoàn kết, tạo nên thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc - Bài 2: Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng

Là lực lượng chủ công trên mặt trận phòng chống các loại tội phạm trên biển, Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau ngày đêm tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi xâm phạm chủ quyền, vi phạm pháp luật. Những chiến công liên tiếp trong việc triệt phá các chuyên án, bắt giữ tội phạm đã góp phần giữ vững an ninh trật tự, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế biển.

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc

Năm 2025 là năm đặc biệt đối với Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau khi đánh dấu 50 năm xây dựng, chiến đấu và không ngừng lớn mạnh, trở thành “lá chắn thép” nơi cực Nam Tổ quốc, đảm bảo sự bình yên và vững chắc cho vùng biển, đảo quê hương. Cán bộ, chiến sĩ BÐBP còn là những người bạn, người thân của Nhân dân, cùng chung tay xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Bộ đội Cụ Hồ.

Lớn lên từ những chuyến đi

Trong suốt chặng đường theo nghề báo hơn 25 năm, có những lúc áp lực, tưởng chừng sẽ phải dừng lại. Song, khi nhìn lại, tôi thầm cảm ơn và tự hào với những gì mà nghề đã mang lại cho tôi, đó là những chuyến đi, khám phá những vùng đất mới, xa xôi, đặc biệt là những chuyến đi biển, đảo. Chính những hành trình ấy đã tiếp thêm sức mạnh, tình yêu quê hương, đất nước, bùng thêm ngọn lửa nghề trong tim tôi.

Khi ý Ðảng gặp sức dân - Bài cuối: Nâng cao hiệu quả quản trị cộng đồng

Bức tranh toàn cảnh về sự hình thành và những thành công bước đầu của mô hình tổ Nhân dân tự quản (NDTQ) tại Cà Mau, cho thấy một thiết chế đầy tiềm năng trong việc kết nối ý Ðảng với sức mạnh cộng đồng. Tuy nhiên, hành trình xây dựng và phát triển mô hình này không tránh khỏi những “gập ghềnh”, những “nút thắt” cần được tháo gỡ.

Viết báo tết trong chiến khu

Buổi sáng cuối đông năm 1973, bầu trời se lạnh. Chúng tôi ngồi viết báo Tết trong khu vườn dừa của chú Sáu Lân ở ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.

Khi phóng viên địa bàn đồng hành cùng địa phương

Từ thời Báo Minh Hải, phóng viên đã được Toà soạn phân công phụ trách địa bàn để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với cơ sở, với bà con, nắm bắt thật sát tình hình địa phương, thực hiện các tin, bài nóng hổi tính thời sự, góp phần và đồng hành cùng với sự ổn định, phát triển của địa bàn phụ trách.

Khi ý Ðảng gặp sức dân

Trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân, vì dân”, ở Cà Mau, một mô hình tổ chức xã hội đặc biệt đang âm thầm bén rễ và lan toả sức sống: Tổ Nhân dân tự quản (NDTQ). Thoạt nghe, cụm từ này có vẻ khô khan, mang nặng tính hành chính, nhưng khi đặt chân đến những xóm, ấp nơi mô hình này đang hoạt động, người ta mới cảm nhận được hơi thở của sự tự nguyện, tinh thần đoàn kết và khát vọng làm chủ cuộc sống cộng đồng. Ðây không chỉ là hình thức tập hợp người dân theo địa bàn cư trú, mà sâu xa hơn, nó đang dần khẳng định vai trò như một cầu nối sống động, nơi ý Ðảng được truyền tải một cách gần gũi nhất, hoà quyện với nhu cầu và sức mạnh nội tại của Nhân dân.

Với nghề, tôi thấy mình như vừa chập chững tập đi...

Tôi bắt đầu công việc viết lách từ rất sớm, như các bạn tuổi mới lớn khác, tập tành sáng tác thơ và tản văn. Ở những năm học cấp III, tôi chi tiêu cho mua dụng cụ học tập, hàng quà hay những thứ lặt vặt khác, từ chính nguồn nhuận bút viết lách.

Thức cùng sóng biển

Hầu như năm nào cũng vậy, khi những làn gió chướng đầu tiên lao xao trên cành lá là cái rạo rực về những bài báo xuân cứ thôi thúc trong mỗi chúng tôi.