(CMO) Muôn vàn khó khăn do tình hình dịch bệnh trong nước và thế giới còn diễn biến phức tạp, nhất là từ ngày 19/7 đến nay, khi Cà Mau cùng 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Các hoạt động sản xuất, nhất là các mặt hàng cho xuất khẩu, chủ yếu từ con tôm, phân đạm ít nhiều bị ảnh hưởng, tác động lớn đến đời sống người nuôi tôm vốn là ngành kinh tế chính, chủ lực của địa phương.
Cà Mau đang bước vào vụ thu hoạch lúa hè thu, ngoài đảm bảo tiêu thụ trong tỉnh còn dư một lượng rất lớn lúa, gạo hàng hoá cần được xuất tỉnh. |
Thực tế trên được minh chứng khi giá tôm nguyên liệu những ngày cuối tháng 7 và đầu tháng 8 giảm, nguyên nhân từ việc xuất khẩu tôm chế biến trong tháng 7 chỉ đạt 106 triệu USD. Nếu tính luôn từ xuất khẩu phân đạm cũng chỉ đạt 110 triệu USD, giảm 10,7% so với tháng trước.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận cả quá trình từ đầu năm đến nay, bức tranh kinh tế từ nuôi trồng, khai thác, chế biến, xuất khẩu có nhiều gam màu sáng. Cụ thể vài con số: Tổng sản lượng thuỷ sản đạt 354.247 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 54,8% kế hoạch, tăng 5,2% so với cùng kỳ; khai thác đạt 61,2% kế hoạch, tăng 1,1% so với cùng kỳ. Từ đây kéo theo sản lượng chế biến tôm ước đạt 101.080 tấn, đạt 66,5% kế hoạch, tăng 18,3% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 544,6 triệu USD, đạt 52,2% kế hoạch, tăng 20% so với cùng kỳ.
Ðối với sản lượng phân bón (đạm và N.P.K), 7 tháng sản xuất ước đạt 573.375 tấn, đạt 57,3% kế hoạch, tăng 3,1% so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 7, sản xuất ước đạt 87.819 tấn, tương đương so với tháng trước, xuất khẩu ước đạt 4 triệu USD, luỹ kế 41,21 triệu USD, bằng 74,9% kế hoạch, tăng 54,6% so với cùng kỳ.
Thông tin từ bộ phận truyền thông của Nhà máy Ðạm Cà Mau, hiện nay do giá phân bón trong nước đang tăng cao nên Bộ Công thương chỉ đạo doanh nghiệp hạn chế tối đa xuất khẩu, ưu tiên cung ứng sản phẩm trong nước nhằm bình ổn giá, nhất là trước những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch tác động, giúp nông dân khôi phục sản xuất, sớm bình ổn đời sống trong tình hình mới.
Ảnh hưởng dịch bệnh, nguồn sản xuất phân bón tại Nhà máy Ðạm Cà Mau tới đây sẽ ưu tiên cho thị trường trong nước, giúp người dân khôi phục sản xuất trong tình hình mới. |
Nhận định tình hình, theo ngành công thương tỉnh, dịch Covid-19 đến nay dù được kiểm soát, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất, vận chuyển nguyên liệu, hàng hoá xuất khẩu như thiếu tàu, thiếu container, cước phí tàu tăng... Không để đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng, nhất là đối với các thị trường truyền thống, với thế mạnh và ngành hàng chủ lực, lĩnh vực chế biến thuỷ sản xuất khẩu trên địa bàn vẫn được tiếp tục duy trì, với nhiều hình thức phù hợp thực tế, từ “3 tại chỗ” đến “1 cung đường, 2 điểm đến” hoặc kết hợp giữa 2 hình thức trên cùng một đơn vị.
Song song đó, tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 107/KH-UBND ngày 3/8/2021 về hỗ trợ kết nối cung ứng hàng nông sản, thuỷ hải sản đến các tỉnh, thành phố nhằm phối hợp, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 60 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có nhu cầu hỗ trợ, kết nối với các địa phương khác để tiêu thụ sản phẩm gồm: cá biển các loại 670 tấn, lúa 19.050 tấn, gạo 179,5 tấn, cá cơm khô 100 tấn, tôm đã qua sơ chế 300 tấn, tôm, cá khô các loại hơn 30 tấn, chả cá phi 40 tấn… Ngoài ra, còn một số mặt hàng có thể cung ứng hàng tháng: thuỷ sản (tôm, cua, cá) 36 tấn/tháng; thuỷ sản chế biến 286 tấn/tháng; rau, củ, quả 237 tấn/tháng; nước mắm 288.000 lít/tháng…
Thuỷ sản là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh, vẫn tiếp tục sản xuất để xuất khẩu dù dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. |
Uỷ viên BCH Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải yêu cầu các cấp và toàn hệ thống chính trị rà soát lại từng lĩnh vực để duy trì và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh nhằm tạo nguồn lực cho phòng, chống dịch bệnh. Phải có giải pháp, phương án, cách làm phù hợp, hiệu quả để thực hiện mục tiêu kép.
Cụ thể, tiếp tục duy trì, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh tại những nơi an toàn, đủ điều kiện, nhất là các nhà máy chế biến thuỷ sản. Rà soát lại kế hoạch sản xuất, hướng dẫn người dân có kế hoạch sản xuất, thu hoạch phù hợp để cung ứng lương thực thực phẩm trong và ngoài tỉnh, đảm bảo giá tốt nhất cho người dân. Tổ chức lại khâu lưu thông hàng hoá của người dân. Các địa phương phải nắm chặt sản xuất của từng hộ (chủng loại, sản lượng, thời điểm thu hoạch…) để hướng dẫn, hỗ trợ vận chuyển hàng hoá… tất cả phải đảm bảo theo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.
Con số từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thông tin đến Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong tháng 8, Cà Mau sẽ thu hoạch khoảng 28.800 ha lúa, sản lượng đạt 129.600 tấn. Sau khi trừ lượng tiêu thụ theo số dân trong tỉnh, lượng lúa hàng hoá còn lại cần xuất ngoài tỉnh 111.000 tấn, tương đương 66.600 tấn gạo; đối với thuỷ sản, tháng 8 cần xuất ngoài tỉnh khoảng 43.560 tấn. |
Trần Nguyên