ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 8-1-25 22:36:59
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nguyên vẹn lời thề

Báo Cà Mau Năm nào đến 30/4 tôi cũng muốn ghi lại hồi ức của mình. Không viết sao được. Trong cuộc đời của những con người Việt Nam sau chiến tranh có sự kiện nào bằng sự kiện chiến thắng 30/4/1975? Vậy mà gần 40 năm rồi. Viết gì đây, bởi tất cả như vừa mới diễn ra hôm qua đấy thôi!

Năm nào đến 30/4 tôi cũng muốn ghi lại hồi ức của mình. Không viết sao được. Trong cuộc đời của những con người Việt Nam sau chiến tranh có sự kiện nào bằng sự kiện chiến thắng 30/4/1975? Vậy mà gần 40 năm rồi. Viết gì đây, bởi tất cả như vừa mới diễn ra hôm qua đấy thôi!

Không biết mệt mỏi là gì suốt những ngày cùng đoàn quân vào tiếp quản thị xã Cà Mau. Tháng 1/1974, tôi là Chính trị viên của Đại đội Vũ trang tuyên truyền do Ban Tuyên huấn tỉnh Cà Mau thành lập, Lê Lương làm Đại đội trưởng, Bùi Chí Hiếu làm Đại đội phó. Nói đại đội nhưng chỉ là “khung”, Ban Tuyên huấn sẽ tiếp tục bổ sung, còn thực tế chỉ tập hợp chừng vài chục anh em, trang bị máy âm ly, loa phóng thanh và súng đạn để vào thị xã Cà Mau phát động đồng bào nổi dậy giành chính quyền. Khi hoan tiễn chúng tôi lên đường, sau bữa cơm, anh em tôi đều viết vào một quyển sổ tay tuy nhỏ nhưng đẹp, những dòng chữ mang tính “hạ quyết tâm” nếu không giải phóng thề không trở lại. Quyển sổ này Thường trực Ban Tuyên huấn giữ, nếu anh em có hy sinh, bút tích vẫn còn!

Ngày tiếp quản, chúng tôi không có ai hy sinh nên tiếng hát, giọng hò cứ vang lên rát cả cổ họng. Tôi tìm được một chiếc xe hơi, bây giờ không nhớ chủ là ai, anh tài xế tình nguyện chở chúng tôi chạy khắp các đường phố. Nơi nào băng cờ cũng rợp trời, không biết người từ đâu đổ ra đầy đường, cả người thành thị lẫn nông thôn. Chúng tôi mắc loa lên xe, mở lớn hết cỡ, rồi tất cả ngồi trong xe tha hồ phát loa, tha hồ ca hát.

Cựu chiến binh Tiểu đoàn U Minh I trong ngày khánh thành Bia Chiến thắng Bến Dựa (xã Hiệp Tùng, huyện Năm Căn). Tác giả: Nhà điêu khắc Trần Thanh Phong.          Ảnh: MAI PHƯƠNG

Tôi vào Dinh Tỉnh trưởng, Toà Hành chính, Tiểu khu, Trại Cao Thắng, Ty Công an, Chiêu hồi, Công chánh, Bưu điện, Viễn thông… nơi nào cũng có cán bộ, bộ đội của ta đến tiếp quản. Tất cả đều còn ngổn ngang, bừa bộn do địch bỏ chạy tán loạn từ đêm trước. Ngây ngất trong niềm vui chiến thắng, tôi như kẻ mất hồn, bước đi nhẹ tênh. Làm sao không vui được, khi đêm trước, chiến tranh khói lửa còn tràn ngập quê hương, ngày nào cũng bom đạn, cũng hy sinh, tang tóc; trong mắt lúc nào cũng thấy vần vũ những bầy quạ sắt mang chết chóc đi khắp nơi. Bây giờ tất cả đã qua rồi, đã thuộc về quá khứ hết rồi.

Tìm về ngôi trường cũ, Trường Trung học Công lập An Xuyên, nơi mười lăm năm trước, tôi và các bạn học sinh như đàn chim non líu lo, ca hót quanh tổ ấm của mình. Không gặp một người quen. Mười lăm năm kể từ khi tôi rời khỏi mái trường, bây giờ ai còn, ai mất? Trong cuộc đời con người, thời gian đẹp nhất, trong trắng, ngây thơ, dễ thương nhất là thời gian được làm học trò. Vậy mà chúng tôi đã “xếp bút nghiêng”, thành kẻ phiêu bạt cùng trời, cuối đất, làm bạn với ba lô trên lưng, khẩu súng bên sườn.

Làm sao quên được Trần Quang Liêm, Nguyễn Văn Thảo, Mạc Thanh To, Phạm Hữu Đô, Nguyễn Thanh Nhàn, Trịnh Cầm Sắc cùng hàng chục bạn học của tôi đã anh dũng hy sinh. Họ đã hiến dâng tuổi trẻ cho đại cuộc. Trong ngày đoàn tụ hôm nay không có họ. “Mình là kẻ còn sống sót”, nghĩ như vậy nên tim tôi như trào dâng niềm yêu mến cuộc đời đến miên man, ngây dại.

Mấy hôm sau có một việc, làm lòng tôi như lắng lại. Anh em rủ tôi lên Khách sạn Bồng Lai (Nhà khách UBND tỉnh bây giờ), để ngắm cảnh. Bồng Lai cao ba, bốn tầng, chúng tôi leo lên tầng cuối. Dù trời đêm, mọi người vẫn thấy được phố xá rực rỡ dưới ánh đèn điện, thấy cả một vùng trời cao rộng.

Một anh cán bộ ở Tiểu ban Giáo dục khu Tây Nam Bộ, người miền Bắc, vừa tặc lưỡi, vừa nói với tôi: “Đúng là mình giành thắng lợi to lớn và nguyên vẹn quá anh nhỉ?”. Chữ “nguyên vẹn” làm tôi thoáng chốc bồi hồi. Lúc tôi bỏ học vào rừng (năm 1961), khu vực phường 5 bây giờ chỉ có những dãy phố cặp mé sông, mái lá, mái thiếc hãy còn thưa thớt, phần lớn là vựa cá; địch vừa cho xây dựng Dinh Tỉnh trưởng (cơ quan Tỉnh uỷ bây giờ); lúc đó chưa có Toà Hành chính (cơ quan UBND tỉnh ngày nay); chưa xây bệnh viện. Từ đó lên đến căn cứ Trung đoàn 32 (Tỉnh đội bây giờ) là một cánh đồng năn mênh mông.

Từ Cầu Quay cũ rẽ qua phường 2 và phường 4 chỉ có vài dãy phố bằng lá; khu vực công ty xổ số kiến thiết hiện nay là sân vận động, không có nhà ai. Bến xe đò liên tỉnh nằm trên đường Lý Bôn, trước cửa UBND phường 4 bây giờ. Kinh 16 nằm cặp đường Nguyễn Trãi, phường 9 rộng hơn 20 m, hằng ngày ô-bo của khu Dinh điền chạy ra, chạy vào (con kinh này bây giờ không còn).

Vậy mà hôm tiếp thu, phố xá đã sừng sững, lấp lánh dưới ánh nắng ban mai, phạm vi thị xã đã mở rộng, nhà cao tầng, khách sạn, ngân hàng đều cao ngất trước mắt tôi. Chúng ta giành thắng lợi trọn vẹn quá, sự thật như trong mơ. Cả Sài Gòn, cả ĐBSCL trong giờ phút cuối cùng không bị chiến tranh tàn phá, làm sao không vui sướng được? Sự chỉ đạo kết thúc chiến tranh không để gây thiệt hại cho Nhân dân, quả có "một không hai" trong lịch sử.

Ngày nhận nhiệm vụ lên đường với Đội Vũ trang tuyên truyền vào thị xã Cà Mau trong trận quyết đấu cuối cùng, tôi không hy vọng mình còn sống. Dù không phải là bộ đội trực tiếp đương đầu với địch, nhưng không biết bao nhiêu lần cái chết đã cận kề. Khi Mỹ tiến hành chiến tranh cục bộ, chúng cho 17 lần máy bay B52 ném bom rải thảm ở Cà Mau, trong đó 3 lần tôi đã tận mắt chứng kiến: Đường Cuốc, Hương Mai và Kinh Dớn Hàng Gòn, xã Khánh Lâm, nay thuộc  huyện U Minh. Cả xóm vùi trong bùn đất mà Nhân dân nói một cách hình tượng “B52 bừa”, giống như trâu bừa đám mạ, nhiều gia đình cả vợ chồng, con cái đều chết khi chưa kịp tỉnh ngủ, một bà mẹ tan xác chỉ còn một nắm thịt, có người chỉ tìm thấy một miếng gan. Mùi thuốc nổ nồng nặc, tanh tưởi. Sự tàn phá của chiến tranh hết sức kinh hoàng.

Làm sao tôi quên được trận phản kích của địch tại Đặc khu Khai Hoang trên sông Cái Tàu, nơi tôi công tác: 86 chiến sĩ hy sinh. Họ là những thanh niên còn rất trẻ. Tám Lăng, bạn học cùng trường với tôi, ôm trung liên bắn tới viên đạn cuối cùng, khi hai bên xáp lá cà. Địch gom thây chất thành đống và canh gác. Đến ngày thứ chín, chúng ta mới lấy được hết xác chiến sĩ đem về chôn cất.

1.675 người bị địch sát hại tại Bình Hưng, nhiều hố chôn người vẫn còn rải rác quanh “lò sát sinh” ghê tởm này. Nhiều người bị địch ăn gan, uống mật. Khủng khiếp hơn, chúng còn nấu nước sôi để làm thịt người. “Cầu Vĩnh Biệt”, nơi quân địch  dắt tù nhân đi qua và sẽ không bao giờ còn trở lại. Biết bao nhiêu người bị thủ tiêu, cho đến bây giờ vẫn chưa xác định được danh tính.

Vào thị xã Cà Mau, chúng tôi tìm đến nơi địch chôn các chiến sĩ hy sinh trong Tổng tiến công Mậu Thân 1968. Bà con kể cho chúng tôi nghe, bọn địch gom xác chiến sĩ hy sinh đến ngã năm, trước Trường THPT Hồ Thị Kỷ bây giờ. Khi trời nắng lên, những người còn sống, cục cựa, biết anh em ta chưa chết, địch bắn tiếp chứ không hề băng bó. Sau đó chúng cho xe GMC chở vào phía cầu Số Một để dập xác.

Chúng tôi tìm đến nơi, không thấy có nấm mồ nào. 75 chiến sĩ bị địch vùi dập nơi đây (khu mộ tập thể này ở trung tâm Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Cà Mau bây giờ). Anh em chúng tôi đốt nhang cho các anh và đốt nhang tại khu mộ 10 liệt sĩ khởi nghĩa Hòn Khoai: Các anh ơi, hãy cùng dân tộc mừng ngày chiến thắng, chiến tranh đã vĩnh viễn qua rồi! Nhiều đồng chí đi cùng tôi không cầm được nước mắt.

Trong niềm vui náo nức của ngày 30/4/1975, làm sao tôi quên được những chiến sĩ Đ10 (Trung đoàn 10), họ đều là những thanh niên còn rất trẻ, rất dễ thương từ miền Bắc, miền Trung đã cùng quân dân Cà Mau chiến đấu đánh bại 4 lần chiến dịch “Nhổ cỏ U Minh” của địch. Trước Tổng tiến công 1968, cả huyện U Minh ngày nay chỉ còn 2 đồn địch ở Vàm Cái Tàu và Trại Trú, vậy mà khi tiến hành bình định, địch đóng đến 25 đồn bót, trong đó có 2 căn cứ kiên cố bậc nhất của Sở Chỉ huy Trung đoàn 32, 33 là Hoà Bình (Bà Thầy) và Lâm Dương (Nổng Cạn).

Ngày 16/9/1971, Tiểu đoàn 7 của Đ10 tiến công căn cứ Lâm Dương, diệt nhiều địch, ta hy sinh 20 chiến sĩ, không lấy thây ra được. Đêm 6/4/1972, Tiểu đoàn 8 và Đại đội Đặc công của Đ10, cùng lúc tiến công 2 căn cứ Lâm Dương và Hoà Bình, làm địch bị tổn thất nặng nề, ta hy sinh tại Lâm Dương 18 chiến sĩ, tại Hoà Bình 39 chiến sĩ. Số chiến sĩ Đ10 hy sinh ở Cà Mau trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trên 800 người. Đối với tôi, con số đó không hề nhỏ.

Lần đầu tiên tôi gặp Đ10 ở xã Khánh Bình Tây, là đơn vị tinh nhuệ nhưng mọi người đều rất hiền hoà, ăn nói nhỏ nhẹ. Bà Má Ba ở kinh Công Nghiệp kêu các anh ra vườn hái rau, mò cá lên ăn. Trời sắp sa mưa, rau muống xanh rờn, cá dưới đìa lạn ục như cơm sôi, nhưng không anh nào dám vì sợ ảnh hưởng công tác dân vận. Các anh kể: Chúng em hầu hết là học sinh trung học và đại học, có người chưa học xong nhưng có lệnh là lên đường.

Thấy các anh chuẩn bị ra trận mới thương làm sao. Họ thừa biết sẽ có người ra đi không bao giờ trở lại, vậy mà tất cả vẫn hăm hở, tươi cười. Rất nhiều trường hợp anh em hy sinh, khi chôn cất không có hòm rương chi cả. Điều gì nung nấu trong tim, để họ xem cái chết nhẹ tựa lông hồng như vậy?

Năm 1969, khi Bác Hồ từ trần, đi đến đâu cũng thấy nước mắt tuôn rơi, cả một trời đau thương trùm phủ. Đồng bào vùng Đất Mũi xây dựng đến 4 ngôi đền để thờ Bác (Đến nay tỉnh Cà Mau đã xây dựng gần 20 ngôi đền, trong đó đã sưu tầm được 16 ngôi đền). Sau ngày Bác mất, quân thù tung quân đánh phá vô cùng ác liệt và quyết “nhổ sạch cỏ U Minh”. Nhưng chúng không ngờ, sau khi cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ta học tập Di chúc Bác Hồ, khí thế “Thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” sục sôi như thác đổ. Lòng yêu kính Bác và niềm ân hận “vì đánh giặc chưa giỏi để rước Bác vào thăm” đã biến thành bão lửa trút xuống đầu thù, xông lên giành thắng lợi cuối cùng.

40 năm trôi qua, những kỷ niệm từ thời trai trẻ vẫn âm thầm lưu giữ trong tôi. Lúc còn ở Ban Tuyên huấn huyện Trần Văn Thời, chiến tranh ác liệt quá, khi đi ngủ phải giăng mùng trên nấp hầm tránh ô-buýt, vì đêm nào “Dàn nhạc Tân Tây Lan” từ Hạm đội 7 của Mỹ cũng xối xả vào xóm làng những trận mưa pháo dồn dập. Hơn 11 giờ đêm, khi tỉnh giấc, tôi thấy Tư Oanh, cán bộ Tiểu ban Giáo dục huyện, một chàng trai vui tính, hồn nhiên vẫn còn thức.

- Thức làm gì khuya vậy Oanh? Tôi hỏi.

- Em ôn đại số.

- Để làm gì vậy?

- Đến ngày thống nhất, em sẽ thi vào đại học.

 Tôi kêu trời. Đại học đối với tôi là đỉnh cao thật quá xa vời, mãi mãi không bao giờ với tới được.

- Biết có còn sống hay không mà vào đại học?

Oanh nói:

- Nếu còn sống thế nào em cũng vào đại học. Mơ ước của em mà anh.

Tôi cười rồi vào mùng ngủ. Không biết Oanh thức đến bao giờ. Không ngờ mấy năm sau, Oanh hy sinh tại Phong Lạc trong một chuyến đi công tác ra vùng ven. Ngày hoà bình thống nhất, biết bao nhiêu nỗi nhớ tràn về, tôi vẫn không quên được Oanh, một con người có ý chí như sắt thép, nhưng không còn trên đời để thực hiện hoài bão của mình. Tôi nguyện với lòng sẽ học thay Oanh. Thú thật, mỗi đêm cắp sách đến lớp để học bổ túc văn hoá, ngao ngán vô cùng, vừa mệt mỏi, vừa khó tiếp thu bởi tuổi tác. Nhưng hình ảnh “ôn đại số” của Oanh cứ ám ảnh tôi. Cảm ơn Oanh đã gia tăng cho tôi tất cả nghị lực để học hành, để làm một con người không bị bánh xe tiến hoá nghiền nát.

Một sự kiện đọng lại sâu sắc nhất trong tôi thời chiến tranh là vào năm 1964, khi chứng kiến một em du kích xã Khánh An anh dũng chiến đấu và bị thương. Vết thương rất nặng, em nằm điều trị tại Trạm Y tế xã Khánh An. Anh Hai Xuyên, Xã đội trưởng đến thăm em. Thấy em hôn mê, anh cố nói to cho em nghe: “Các anh quyết chiến đấu đến cùng để trả thù cho em và xây dựng quê hương giàu đẹp như mơ ước mà em đã nói với anh”. Chúng tôi lau nước mắt tiễn biệt em. Lời của anh Hai Xuyên như một câu tuyên thệ đối với tất cả chúng tôi. Lúc địch bình định ác liệt, anh Hai Xuyên bị địch bắt và bị đày ra Côn Đảo, đến giải phóng mới về. 40 năm kể từ ngày hoà bình, tôi đã làm được gì để giữ trọn lời thề đối với người đã chết? Đã làm được gì cho quê hương như mơ ước của một chàng trai mới 17 tuổi ấy?

“Người còn sống phải giữ trọn lời hứa của mình trước những người đã vĩnh viễn ra đi như giữ trọn một lời thề”, nghĩ như thế nên tôi luôn cố gắng để không làm điều gì có thể không yên lòng người đã về với đất. Mong ước của Bác Hồ: “Đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” có lẽ còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa. Vâng, chúng ta đã thắng lợi trọn vẹn, có nơi còn nguyên vẹn, đó là phần thưởng cao quý mà lịch sử ban tặng cho những người còn sống.

“Biết kính trọng quá khứ là đặc điểm phân biệt văn minh với dã man”. Câu nói của Puskin, nhà thơ Nga vĩ đại, mãi mãi là “khúc nhân hành” soi sáng trái tim tôi./.

Nhà báo Nguyễn Văn Nghiệp

Tám Nhanh làm giàu

(CMO) Thực ra gọi ông là Tám Nhanh là theo thứ bên vợ, bà Tám Nhã (Trần Thị Nhã). Ông Tám Nhanh sinh năm 1963, là con duy nhất của Liệt sĩ Võ Văn Năm. Cha ông hy sinh khi bà Nguyễn Thị Dẽ đang mang thai ông.

Nét chấm phá từ bức tranh giảm nghèo

(CMO) Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,76%, vượt kế hoạch đề ra, tương đương với 687 hộ đã vươn lên thoát nghèo. Đời sống của người dân đang từng ngày khởi sắc, bức tranh kinh tế - xã hội huyện nhà có nhiều thay đổi. Năm nay, bà con huyện Ngọc Hiển đón cái Tết ấm no, sung túc hơn.

50 năm - vọng mãi bản anh hùng ca

(CMO) Tết này nữa là tròn 50 năm cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Trong khí thế hừng hực của cách mạng miền nam, ngày ấy quân và dân Cà Mau đã thấy hoà bình, thống nhất đang đến thật gần.

Năm mới thắng lợi mới

(CMO) Năm 2017, trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song, với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tỉnh nhà tiếp tục chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực. Đây là nỗ lực lớn, là tiền đề quan trọng để Cà Mau thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ của năm bản lề 2018.

Vững tâm bước vào năm mới

(CMO) Là tỉnh cách xa trung tâm chính trị, kinh tế của vùng và cả nước, điều kiện đi lại hết sức khó khăn; là "đứa con út chót" ở nơi cuối cùng Tổ quốc giữ gìn biên cương lãnh thổ nên Cà Mau được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước.

Cho ngày xuân bình yên

(CMO) Không khí xuân đã tràn ngập trên các nẻo đường, người người, nhà nhà nô nức xuống phố hoà vào lễ hội của mùa xuân. Hoà trong dòng người ngược xuôi, tấp nập là hình ảnh các lực lượng làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự. họ luôn căng mình, túc trực 24/24, giữ bình yên cho ngày xuân.

Trao nông dân cơ hội làm giàu

(CMO) Năm 2017, huyện Thới Bình mạnh dạn tổ chức và liên kết thực hiện nhiều mô hình sản xuất mới, cách làm hay mang lại hiệu quả thiết thực, được nhiều nông dân quan tâm áp dụng vào sản xuất đạt hiệu quả cao.

Chó "độc nhãn"

(CMO) Quê tôi, mùng Ba Tết là ngày mặc định ai có con "gửi" thầy cúng đều mang nhang, đèn, gà thả vườn đến vái lạy, thay tom. Nhà tôi hơn mười năm trở lại đây cũng được cái vinh hạnh gần giống vậy. Người nhờ vả, người đồn đại theo hướng tôn vinh nhưng sau trước gì cũng vẹn tình, quà cáp hoặc phong thư... Có điều, họ không "thần tượng" tôi mà là con chó “độc nhãn”.

Trên dòng kinh Tám Khệnh

(CMO) Dòng kinh Tám Khệnh hôm nay trong tiết trời se se lạnh bỗng trở nên nhộn nhịp lạ thường. Những chiếc ghe chở cá tươi nối đuôi nhau cập bến. Không cần đợi lệnh phân công của ông chủ, lần lượt nhóm thanh niên khuân vác cá lên bờ, còn nhân công làm thuê thì bắt tay vào công việc thường nhật: phân loại cá, làm cá, phơi cá. Tiếng trò chuyện, tiếng nói cười huyên náo cả một khúc sông.

Động lực giảm nghèo

(CMO) Đảng viên giúp đỡ hộ nghèo là việc làm không mới đối với huyện Phú Tân và trở thành một trong những tiêu chí đánh giá đảng viên, tổ chức Đảng hằng năm. Song, cái mới ở đây là sự phối hợp chặt chẽ thực hiện các giải pháp đồng bộ, từ đó, tạo động lực, niềm tin để hộ nghèo phấn đấu tự vươn lên, không trông chờ, ỷ lại.