(CMO) Sau những vụ mùa khấm khá, chị Năm Lệ quyết định đầu tư hơn 300 triệu đồng nâng cấp, mở rộng căn nhà đang ở. Với một gia đình thuần nông, đất đai không có bao nhiêu thì đó là khoản tiền rất lớn. Trước đó, chị cũng bỏ ra một số tiền kha khá để sửa lại căn nhà ba gian của ba má chị để lại.
Ở kênh Số 2, ấp Hào Sai, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời và một số khu vực lân cận, hỏi căn nhà kiểu xưa của ông Nguyễn Văn Tòng (tên thường gọi là ông Năm Tầm), ba chị Lệ, hầu như ai cũng biết. Ông Tòng và vợ đều đã qua đời, căn nhà này được anh em trong nhà giao chị Lệ coi sóc, làm nơi thờ cúng ba má, tổ tiên và lưu giữ những kỷ niệm của gia đình.
Chị Lệ kể lại, nhà cất vào năm 1977, tức là đã 44 năm. Lúc đó chị 21 tuổi, chưa lập gia đình, còn ở chung ba má. Thời gian cất nhà, chị là một trong những người vất vả nhất, ngày ngày phải chèo xuồng đi chở vật tư từ xa về, rồi lo ba bữa cơm cho thợ. Chị kể, có hôm gặp trời mưa, xuồng chở đá cát thì nặng, ngấp nghé chìm, chị vừa chèo, vừa tát nước, vừa khóc vì xuồng chìm thì vật tư kể như mất hết.
Thợ cất nhà được gia đình rước từ Bến Tre xuống, làm cật lực trong khoảng ba tháng mới xong. Hai cây cột cái trong nhà bằng gỗ căm xe cũng mua từ Bến Tre và mướn ghe chở xuống Cà Mau. Giờ đây, tuy nhà cửa đã khang trang, chị Lệ và anh em trong nhà vẫn quyết tâm giữ gìn ngôi nhà của ba má để lại.
Ở cùng xã với chị Năm Lệ, anh Nguyễn Văn Ðen - một công chức Nhà nước - cũng như chị, dù đã cất được căn nhà mới hoành tráng, nhưng vẫn giữ lại căn nhà xưa kế bên. Anh cho biết, căn nhà này cha mẹ anh cất năm 1983, cũng là năm anh chào đời. Tuy không ở nữa, nhưng đó là căn nhà kỷ niệm với biết bao ký ức khó quên.
Khoảng cuối những năm 1970 cho đến đầu 1990, các gia đình “có điều kiện” ở Cà Mau đều xây nhà tường kiểu ba gian. Nhà ba gian có chiều ngang rộng rãi, nhưng chiều dài thì không lớn hơn chiều ngang bao nhiêu, nên căn nhà gần như có hình vuông. Nhà thường xây khá cao, hai mái dốc về hai phía theo kiểu chữ V úp ngược. Nhà ba gian đa số lợp ngói, kết hợp với chiều cao, các khuôn bông thông gió phía trước và cửa sổ bên hông, nên khá mát mẻ. Thông thường, nhà có cửa chính ở gian giữa (được gọi là “cửa cái”) và hai cửa sổ hai bên, lắp cửa gỗ lá sách hoặc cửa pa-nô. Một số ít gia đình, do sở thích thì xây hẳn ba cửa cái ở mặt tiền ba gian, căn nhà của ông Năm Tầm nằm trong số ít đó.
Dù đã xây được căn nhà mới khang trang nhưng anh Nguyễn Văn Ðen vẫn giữ lại căn nhà ba gian đầy kỷ niệm của cha mẹ. |
Trong nhà, gian giữa được xem là nơi trang trọng nhất để đặt bàn thờ tổ tiên. Ngay phía trước bàn thờ là bộ bàn dài, hoặc sa-lon để tiếp khách quý, bày biện lễ vật khi hỷ sự hoặc giỗ quảy. Hai gian bên thường được đặt các bộ bàn ghế nhỏ, giường hộp hoặc bộ “ván ngựa”; ban ngày là không gian sinh hoạt chung của gia đình, ban đêm là chỗ ngủ của người lớn tuổi và các bậc trưởng thượng. Song song với bàn thờ, hai bên gian nhà hướng về sau là hai căn buồng dành cho các cặp vợ chồng, ưu tiên những đôi mới cưới. Nếu trong nhà không có cặp vợ chồng, thì buồng ở nhà trên dành cho con gái; đàn ông, con trai và đám con nít thường phải ngủ ở nhà sau. Phân công, quy củ rõ ràng như vậy.
Mặc dù đã bỏ công tìm kiếm những công trình nghiên cứu của các nhà văn hoá, nhà kiến trúc Nam Bộ xưa và nay, nhưng tôi vẫn chưa tìm thấy tài liệu, bài viết nào nói về lý do vì sao ông bà ta lại có ý tưởng thiết kế những căn nhà ba gian như vậy. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm thực tế và phỏng đoán của tôi, nhà ba gian chính là minh chứng rõ nét nhất khí chất hào sảng, phóng khoáng đặc trưng của người Cà Mau, cả về góc nhìn hướng ngoại lẫn hướng nội. Với khách, khi bước vào căn nhà, sẽ cảm thấy thoải mái bởi không gian khoáng đạt nhưng cũng không kém phần trang nghiêm, quy củ. Còn với gia đình, phần lớn nông hộ xưa có ba, bốn thế hệ cùng sống chung theo truyền thống “tam (tứ) đại đồng đường”, thì ba gian nhà trên rộng rãi là không gian lý tưởng cho mọi sinh hoạt chung. Nếu thêm sự góp mặt của người trong dòng họ hoặc láng giềng lân cận, thì không gian ấy vẫn đảm bảo cho các nghi lễ khi hữu sự. Tôi nhớ, những gia đình khá giả ở nông thôn ngày xưa thường mua được cái ti-vi trắng đen, mỗi tối hàng xóm đến xem đông nghẹt, nhất là những ngày cuối tuần có chương trình cải lương. Căn nhà ba gian khi đó trở thành một không gian văn hoá cộng đồng hết sức đầm ấm và lý tưởng.
Cất nhà tường ba gian kể ra cũng nhiều chuyện “ly kỳ” và cũng không kém phần thú vị. Những năm sau giải phóng, phần lớn nông dân Cà Mau kinh tế còn eo hẹp, do thu nhập chủ yếu dựa vào cây lúa nên việc cất nhà phải chuẩn bị trong nhiều năm trời.
Nhà ba má tôi cất sau nhà ông Năm Tầm, ba chị Năm Lệ hơn 10 năm, nhưng các công đoạn chuẩn bị thì gần như giống hệt. Và đó cũng là câu chuyện chung của phần lớn gia đình có nhà tường ba gian ở xứ ngọt Cà Mau. Hàng năm, xong mùa lúa, sau khi tính toán lượng lúa ăn, số dành làm giống thì lúa dư ra được bán rồi mua vật tư xây dựng dự trữ dần dần. Cát xây, đá, sắt, gạch, ngói, gỗ làm đòn tay, gác kèo…, những thứ lâu hư được mua trước, mỗi năm một ít. Bởi vậy, không ngạc nhiên khi đến nhà ai đó thấy trước sân có đống đá, đống cát; bên hiên nhà lủ khủ sắt cây, sắt khoanh…, chỉ chờ năm “được tuổi” là động thổ.
Muốn cất nhà phải chuẩn bị vật tư trước nhiều năm, nhưng không phải nhà nào cũng cất một lần là hoàn chỉnh. Có những nhà vì thiếu tiền, nên chỉ xây tường thô, lợp mái rồi vào ở; năm sau thì tô vách - quét vôi, năm sau nữa lót nền… cho tới khi nào hoàn thiện thì thôi. Cũng có nhà cất xong, chờ vài năm cho nền nhà lún chặt, ổn định mới lót nền bằng gạch tàu, hay các loại gạch bông xưa, loại gạch cỡ nhỏ với hoa văn cầu kỳ, sặc sỡ mà bây giờ đang có xu hướng “hot” trở lại.
Qua câu chuyện cất nhà, tôi chợt nghĩ người đời đã nói quá lên cái chuyện “chịu chơi” của dân Cà Mau. Theo truyền miệng thì người Cà Mau ỷ lại có thiên nhiên hào phóng nên làm bao nhiêu là ăn chơi hết, nhưng từ chuyện dè xẻn, tích trữ để cất căn nhà mơ ước, mới thấy người Cà Mau tuy chất chơi, nhưng vẫn biết tính toán và lo xa, việc nào ra việc ấy.
Người có kinh nghiệm, nhìn căn nhà có thể đoán được khá sát năm tuổi của nó. Ví dụ, nhà cất từ 1980 trở về trước thường chỉ tô tường “trơn”, sau này mới có thêm mặt đá rửa, đến gần những năm 1990 thì có thêm đá mài trang trí lan can phía trước nhà và một dãy hành lang bên tay trái.
Hồi ba má tôi cất nhà, anh em trong gia đình xúm lại phụ thợ, dùng đá mài dao loại nhỏ để mài lan can. Chất tẩy trong nước, cộng với ma sát của đá ăn mòn tay đến chảy máu. Vậy mà ai cũng vui vì sắp được ở “nhà tường”. Ở nông thôn, trước năm 1990, ai có nhà tường ba gian là cả một niềm hãnh diện. Thực tế, cho đến bây giờ nhiều căn nhà ba gian xưa vẫn còn sử dụng tốt. Như căn nhà của ông Năm Tầm, ngoài mái ngói đã được thay bằng tấm lợp cho nhẹ bớt, thì hầu hết hạng mục và đồ đạc trong nhà vẫn còn nguyên bản từ năm 1977, rất thú vị với những ai muốn tham quan, tìm về những ký ức xa xưa. Và, cần phải khẳng định rằng, những địa chỉ như nhà ông Năm Tầm không phải là hiếm thấy ở Cà Mau.
Ngày nay, khi ngành kiến trúc và công nghệ xây dựng phát triển mạnh mẽ, cùng với sự ra đời của các loại vật liệu tân tiến thì những công trình từ thành thị đến nông thôn mang dáng dấp ngày càng hiện đại hơn. Về các miền quê Cà Mau bây giờ, nhà kiên cố chiếm tỷ lệ áp đảo, nhiều căn nhà mới cất khá cầu kỳ, đẹp mắt theo phong cách tân thời đua nhau mọc lên. Bên cạnh đó, vẫn còn những căn nhà ba gian xưa được các thế hệ con cháu giữ gìn, tôn tạo như một cách bảo tồn giá trị truyền thống tốt đẹp.
Thậm chí, có những người tuổi đời còn trẻ, khi kinh tế khá giả, cất nhà mới họ vẫn chọn kiểu nhà ba gian xưa. Phải chăng cái khí chất hào sảng, nghĩ suy khoáng đạt vẫn hừng hực chảy trong huyết quản của người Cà Mau, dù cuộc sống có đổi thay thế nào đi nữa?
Cũ và mới, truyền thống và hiện đại, hội nhập và bản sắc…, tất cả đan xen, hoà quyện, cùng tạo nên một bức tranh Cà Mau năng động, nhiều điểm sáng như hôm nay./.
Tuấn Ngọc