ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 1-7-25 18:02:43
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21/6/1925 - 21/6/2025)

Nhà báo - Anh hùng Trần Ngọc Hy khí tiết lưu danh

Báo Cà Mau Hiếm có mảnh đất nào lại có truyền thống báo chí cách mạng đầy tự hào như ở Cà Mau khi có đến 3 nhà báo là liệt sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân (LLVTND): Phan Ngọc Hiển, Trần Ngọc Hy và Nguyễn Mai. Đó là những đại diện ưu tú nhất, thể hiện đầy đủ khí phách, tài hoa, tấm lòng tận hiến của những người làm báo Cà Mau với sự nghiệp cách mạng. Trong đó, Nhà báo - Liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Trần Ngọc Hy đã để lại những dấu ấn sâu đậm, niềm tự hào lớn lao và cảm hứng dào dạt để những thế hệ người làm báo tiếp nối ở Cà Mau nghiêng mình ngưỡng vọng, tri ân và kế tục.

Người con xứ Ðầm ưu tú

Hôm chúng tôi về nơi sinh ra Nhà báo - Liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Trần Ngọc Hy, một vùng quê yên bình thuộc ấp Gành Hào, xã Tạ An Khương Ðông, huyện Ðầm Dơi, những câu chuyện về người con ưu tú của xứ sở cứ dâng trào thổn thức. Ông Trần Ngọc Triết, người em thứ 10, nói về người anh ruột của mình với tình cảm sâu sắc và niềm tự hào lớn lao: “Ở nhà ảnh thứ Ba, còn đi kháng chiến dùng tên là Tư Nhân. Hồi nhỏ ảnh đĩnh ngộ, học giỏi lắm, năm 1943, khi 19 tuổi đã thi đậu Diplome (tú tài) rồi. Xong là tham gia phong trào cách mạng chống lại bọn gian ác cầu vinh, bán nước”.

Ông Trần Ngọc Triết (người cầm di ảnh ông Trần Ngọc Hy) ôn lại những câu chuyện về người anh - Nhà báo, Liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Trần Ngọc Hy với cán bộ, bà con tại quê hương.

Ông Trần Ngọc Triết (người cầm di ảnh ông Trần Ngọc Hy) ôn lại những câu chuyện về người anh - Nhà báo, Liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Trần Ngọc Hy với cán bộ, bà con tại quê hương.

Trần Ngọc Hy trở thành thủ lĩnh phong trào đấu tranh cách mạng tại quê hương, cái gai trong mắt bọn giặc thời gian tiền khởi nghĩa. Theo Nhà báo Phạm Văn Tri, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Minh Hải - Cà Mau, đích thân quan chủ tỉnh khi ấy phải “năm lần, bảy lượt” chỉ thị từ quan làng, quan quận rồi quan Pháp tay sai xuống chiêu dụ, hứa hẹn cho ông Trần Ngọc Hy làm quan to, phản bội cách mạng, nhưng đều bất thành.

Cùng với các cuộc tranh đấu tạo được tiếng vang lớn, gây tổn thất và làm chấn động bè lũ ác ôn tay sai và quân cướp nước, mật thám giặc ra lệnh truy nã gắt gao “tên cộng sản cầm đầu Trần Ngọc Hy” và cho lực lượng ruồng bố, vây bắt quyết liệt, nhưng với sự đùm bọc, chở che của bà con tại quê hương, ông vẫn an toàn.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ông Trần Ngọc Hy được Tỉnh uỷ Bạc Liêu rút lên Ty Thông tin. Là một trong những người có mặt đầu tiên ở Ty Thông tin và có học thức, nghiệp vụ viết lách, am hiểu chuyên môn báo chí nên ông Trần Ngọc Hy được Tỉnh uỷ phân công phụ trách tờ báo Chiến của Ðảng bộ vào cuối năm 1945. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, ông Trần Ngọc Hy được Tỉnh uỷ phân công phụ trách công tác báo chí của tỉnh, kiêm Trưởng ban Biên tập tờ báo Hoà Bình Thống Nhất của Ðảng bộ.

Trong điều kiện hoạt động bí mật, gian khổ, Mỹ - Diệm ra sức đàn áp, khủng bố để “tìm cộng - diệt cộng”, tờ báo Hoà Bình Thống Nhất do ông Trần Ngọc Hy lãnh đạo vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng tờ báo trở thành món ăn tinh thần để củng cố niềm tin, tạo ra sức mạnh động viên to lớn cho cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân vào cách mạng. Sinh thời, ông Nguyễn Hải Tùng (Út Nghệ), người có thời gian gắn bó với ông Trần Ngọc Hy, từng kể lại rằng: “Báo Hoà Bình Thống Nhất hoạt động bí mật, anh em cùng sống trong nhà dân..., anh Trần Ngọc Hy dành thời gian kiếm củi, nấu cơm, làm cá... Thấy con chủ nhà trần trụi, dơ bẩn, anh Trần Ngọc Hy tắm rửa và dạy bảo các cháu ăn ở phải biết giữ vệ sinh”.

Bất tử với quê hương

Theo lời kể của ông Út Nghệ, một hôm khi đang in tờ báo Hoà Bình Thống Nhất ở khu vực đồng Ông Nghệ, Cái Trăng (Năm Căn) thì nhận được tin ông Trần Ngọc Hy bị bọn giặc biệt kích ở Chi khu Ðầm Dơi nổ súng vây bắt. Người báo tin còn tả lại cảnh ông Trần Ngọc Hy bị giặc tra tấn hết sức dã man, “sưng phù mình mẩy, không còn nhận ra nữa”.

Nhà báo, Liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Trần Ngọc Hy luôn sống mãi với quê hương. (Ảnh: Ông Trần Ngọc Triết, em ruột ông Trần Ngọc Hy và những cán bộ, đảng viên, bà con xã Tạ An Khương Đông bên phần đất hương hỏa của gia đình)

Nhà báo, Liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Trần Ngọc Hy luôn sống mãi với quê hương. (Ảnh: Ông Trần Ngọc Triết, em ruột ông Trần Ngọc Hy và những cán bộ, đảng viên, bà con xã Tạ An Khương Đông bên phần đất hương hỏa của gia đình)

Cũng phải nói thêm, tên gian ác khét tiếng Lê Phú Nhung, Quận trưởng Ðầm Dơi là bạn học cũ của ông Trần Ngọc Hy. Tên ác ôn này biết ông Trần Ngọc Hy là người học giỏi, có tài nên dùng đủ mọi chiêu trò khuyến dụ, chiêu hàng. Cùng với tên Tỉnh trưởng Trần Thanh Bền, tên Nhung bày ra kế hoạch đưa ông Trần Ngọc Hy về khám Lò Heo rồi thực hiện âm mưu nham hiểm để mua chuộc, lôi kéo. Bọn chúng cam kết, chỉ cần ông Trần Ngọc Hy gật đầu thì trả tự do tại chỗ và phong chức Quận phó Chi khu Ðầm Dơi liền tức khắc. Chưa hết, chúng còn kiên trì thuyết phục, bày tiệc “chiêu đãi” ông Trần Ngọc Hy trong nhiều ngày. Ðáp lại là những lời đanh thép, kiên định của ông Trần Ngọc Hy: “Không làm việc phản nước, hại dân”.

Sau khi biết không khuất phục được ông Trần Ngọc Hy, bọn giặc liền trở mặt tra tấn, dùng đủ mọi loại nhục hình dã man. Trong tù, khí tiết, đức độ và nhân cách của ông Trần Ngọc Hy khiến đồng chí bạn tù nhất mực thân quý, yêu kính. Nhà thơ Nguyễn Bá kể về ông Trần Ngọc Hy khi cùng bị giam giữ tại khám Lò Heo: “Anh Trần Ngọc Hy có phong thái bình tĩnh, sâu sắc. Anh nói năng chậm rãi, chặt chẽ, chắc chắn, lời lẽ uyên bác”.

Ông Trần Ngọc Hy nhanh chóng trở thành thủ lĩnh để anh em bạn tù cách mạng sôi nổi sinh hoạt, trao đổi thời cuộc chính trị. Trong bối cảnh tù đày, ông Trần Ngọc Hy tổ chức và phân công anh em cùng nhau diễn vở “Trưng Nữ Vương khởi nghĩa” để cổ động tinh thần yêu nước vào đêm 2/9/1957 nhân dịp Quốc khánh của nước ta.

Sau đêm văn nghệ vài ngày, ông Trần Ngọc Hy nói với bạn tù bằng linh cảm xấu: “Chúng sắp đưa tôi ra bắn! Các đồng chí khi ra tù gặp anh Bảy, anh Tư (tức Bảy Thạng, Phó bí thư Tỉnh uỷ; Tư Bình, Bí thư Tỉnh uỷ - PV) nói với các anh cần đẩy mạnh cả đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, lấy thanh niên làm ngòi pháo và đưa thật nhiều nội tuyến vào lòng địch. Các đồng chí nói giùm tôi lời từ biệt anh Bảy, anh Tư và tất cả đồng chí, đồng bào”.

Bọn giặc vẫn chưa từ bỏ ý định chiêu hàng ông Trần Ngọc Hy, dẫn giải ông Hy về Chi khu Ðầm Dơi với mục đích là “chiêu dụ một lần nữa”, đồng thời ra mật lệnh “nếu không được thì thủ tiêu”. Tên Nhung gian ác còn rước vợ ông Trần Ngọc Hy ra với đủ thứ lời lẽ đe doạ, mua chuộc và kêu “án tử” để hòng lung lạc tinh thần của người chiến sĩ cách mạng. Khi gặp vợ, ông Trần Ngọc Hy nói: “Em đừng nói lời thằng quận Nhung nói với em làm gì, anh đã biết hết rồi. Nó là tên bán nước buôn dân, nó là thằng gian ác khát máu, tán tận lương tâm”. Căn dặn người vợ hiền mọi lẽ, ông Trần Ngọc Hy nói lời từ giã và lựa chọn cho mình cái chết vinh quang, cái chết mãi mãi hoá thành bất tử vì lý tưởng cao đẹp của cách mạng.

Buổi sáng 26/10/1957, một tiểu đội lính kè hai bên áp giải Trần Ngọc Hy ra sân lễ quốc khánh của chúng trước dinh quận Ðầm Dơi. Một tên tay sai hung tợn nhưng lộ rõ vẻ bất lực: “Ðại uý quận trưởng cho ông một cơ hội cuối cùng. Ông nói đi, ông có chấp nhận cộng tác với đại uý không?”.

Trước cái chết, trước bè lũ tay sai man rợ bán nước, hại dân, Trần Ngọc Hy phun nước bọt, quát thẳng mặt tên ác ôn: “Ðả đảo Mỹ - Diệm! Ðả đảo bọn sát nhân”. Ðối diện với họng súng thù, Nhà báo Anh hùng Trần Ngọc Hy đã tạc vào núi sông những lời bất tử: “Tao là thanh niên Việt Nam phải cứu nhà, cứu nước, không cúi đầu làm tay sai cho ngoại bang để hại dân, hại nước”. Toán lính khát máu bu lại, lôi xểnh Trần Ngọc Hy ra bến sông trước dinh quận. Nhiều loạt súng khô khốc vang lên nhắm thẳng vào người anh hùng. Sông nước xứ Ðầm xao động tiếc thương một người con đã trở về với đất mẹ.

Cuộc đời 33 năm của Nhà báo, Liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Trần Ngọc Hy sôi động, xông pha không mệt mỏi với nhiều đóng góp cho phong trào cách mạng địa phương và nhất là khi tham gia vào lĩnh vực báo chí tại Cà Mau. Trần Ngọc Hy thuộc những thế hệ tiền bối đầu tiên của báo chí cách mạng Cà Mau. Bút sắc, lòng son, Nhà báo Trần Ngọc Hy đã ghi dấu ấn đậm nét trong các tờ báo kháng chiến của Cà Mau. Ngay trong những năm tháng kháng Mỹ ác liệt, Nhà in của tỉnh mang tên Nhà báo - Anh hùng Trần Ngọc Hy ra đời và tồn tại, phát triển cho đến tận ngày nay. Tên tuổi của ông còn được trân trọng đặt tên đường, tên trường, tên giải báo chí truyền thống hằng năm của tỉnh để mỗi người Cà Mau hôm nay khi nhìn thấy, đều lặng người để dành một phút tưởng nhớ thành kính, tri ân một con người sống anh hùng, thác hoá thành bất tử./.

 

Ghi chép của Phạm Hải Nguyên

 

Một thời làm báo

Cà Mau, mảnh đất tận cùng Tổ quốc, nơi sông ngòi chằng chịt, rừng đước bạt ngàn và con người mang trong mình chất mộc mạc, chân thành, hào phóng của miền Tây Nam Bộ. Ở đó, tôi đã sống và cống hiến với những năm tháng làm báo đầy nhiệt huyết, nơi mà mỗi dòng chữ, mỗi câu chuyện đều thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả nụ cười. Một thời làm báo tại Cà Mau là ký ức không thể quên, như cuốn sách cũ, dù thời gian có làm phai màu bìa, nhưng những trang bên trong vẫn sống động.

Báo giấy - Ký ức một thời vàng son

Chẳng nhớ rõ từ khi nào, những sạp báo giấy giữa lòng thành phố đã biến mất dần trong xu thế không thể tránh khỏi khi công nghệ thông tin bùng nổ, với sự "lên ngôi" của báo điện tử, mạng xã hội. Báo giấy - mấy ai còn nhớ một thời vàng son...

Quá khứ hào hùng - Hiện tại vươn xa

Báo - đài là hợp chất gắn kết niềm tin giữa Ðảng với Nhân dân như bê-tông cốt thép, là ngọn lửa giữa đêm đông nung sôi bầu nhiệt huyết hàng triệu trái tim yêu nước, thương dân; là ánh đèn pha giữa đêm đen soi sáng mọi bước đường khi dân tộc ta xông lên chiến đấu và chiến thắng quân thù; là ánh mặt trời chân lý xua tan âm u, tâm tối, đem lại mùa xuân của hạnh phúc con người và tô thắm màu cờ của nhận thức, lý tưởng, lẽ sống đối với biết bao thế hệ...

Những địa chỉ đỏ trên quê hương anh hùng

Trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Cà Mau là căn cứ địa cách mạng, là địa bàn đứng chân hoạt động của nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Ðảng và Nhà nước. Từ rừng đước, rừng tràm thành làng rừng kháng chiến; từ xóm ấp, chùa chiền, nhà dân thành nơi nuôi chứa cán bộ.

Nguyễn Mai và những chuyện đời thường

Người đa tài nhất trong những người cầm bút vùng Tây Nam Bộ những năm đánh Mỹ cứu nước là Nguyễn Mai. Anh viết thạo, viết vững chắc các loại ký, truyện, bình luận, xã thuyết và tuỳ bút... Anh sử dụng được các thể loại thơ, đặc biệt thơ trào lộng.

Nhà báo Trần Ngọc Hy một lòng trung kiên, bất khuất

Năm 1943, tốt nghiệp Diplôme, Trần Ngọc Hy về quê tham gia phong trào nông dân đấu tranh chống bọn địa chủ ác bá, chống bọn chính quyền tay sai hà khắc bóc lột nông dân, chống sưu cao thuế nặng.

Phan Ngọc Hiển - Nhà báo cách mạng trên vùng đất Nam Bộ

Tuần báo Tân Tiến số phát hành trung tuần tháng 2/1937, chủ bút Hồ Văn Sao giới thiệu với độc giả: “Bạn tôi Phan Ngọc Hiển, tức Phan Phan, một nhà văn chân chính - lương tâm, bắt đầu đi khắp Nam Kỳ để làm phận sự nhà báo - năm nay lần lượt bạn Phan Ngọc Hiển sẽ hiến cho độc giả: 1. Ðại náo thôn quê - 2. Tinh thần bạn trẻ nước nhà - 3. Giọt nước mắt của dân - 4. Thương - là 4 vấn đề quan hệ xã hội cần thay đổi - muốn tránh sự sơ sót, ngoài những tài liệu của bạn tôi thâu thập trong những lúc gian nan, nay bạn tôi cần đi viếng các làng, dân quê, bạn trẻ... cho cuộc điều tra thêm chu đáo - luôn tiện biết nhau, biết điều sơ sót của Tân Tiến đặng sửa đổi...”.

Ðài Tiếng nói Nam Bộ Kháng chiến - Tiếng nói của khát vọng độc lập, tự do

Đài Nam Bộ Kháng chiến ra đời những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp (1947-1954). Có lúc đóng ở Ðồng Tháp Mười (Long An); có giai đoạn ở Thới Bình, Ðầm Dơi, Ngọc Hiển, U Minh (Cà Mau), hay Kiên Giang, Bạc Liêu; có thời điểm đài đổi tên thành Ðài Tiếng nói Nam Bộ. Tuy vậy, dù ở bất cứ nơi đâu, tên gọi khác nhau, nhưng các thế hệ cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên của đài không ai được đào tạo bài bản về phát thanh nhưng đã làm nên một đài phát thanh vang danh, lừng lẫy; tạo dấu ấn đặc biệt trong lịch sử báo chí Việt Nam nói chung và ngành phát thanh nói riêng. Ðó là tiếng nói của Uỷ ban Nam Bộ Kháng chiến; cầu nối của Ðảng, Bác Hồ với đồng bào Nam Bộ; là ước mong, khát vọng của đồng bào nơi đây về một Việt Nam độc lập, tự do.

Những khó khăn, thách thức của người làm báo trong thời kháng chiến

Mùa khô năm 1964, lần thứ hai tôi theo mẹ từ Bến Tre vào Cà Mau thăm ba tôi đang làm ruộng và dạy học tư ở Kinh Hãng Giữa... Ba tôi bất hợp pháp kể từ năm bác ruột thứ tư của tôi - 1 trong 12 người Việt Minh làng Ba Mỹ bị giặc Pháp bắt chặt đầu ở bót Nhà Việc Mỹ Chánh năm 1946... Lần này, ba tôi không cho tôi trở về quê nữa, vì về ngoải mai mốt lớn lên tụi giặc nó bắt lính... Thế là tôi phải ở lại trong này, thành công dân Cà Mau từ đó.

Báo chí cách mạng Cà Mau góp phần động viên, cổ vũ kháng chiến

Báo chí cách mạng không những góp phần động viên, cổ vũ mà còn là “vũ khí sắc bén” trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, thống nhất đất nước. Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử của những cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước vĩ đại. Trong nhiều loại vũ khí chống chọi với quân thù, có một thứ vũ khí “thanh cao mà đắc lực”, “có sức mạnh hơn mười vạn quân”. Ðó là văn chương nghệ thuật, đặc biệt là văn chương, báo chí cách mạng Hồ Chí Minh.