(CMO) Trước nay, nhiều dự án, nhiều chương trình xóa đói giảm nghèo hướng vào khuyến khích sản xuất rau màu. Từ các huyện vùng mặn đến vùng ngọt, đâu đâu cũng có phong trào cải tạo đất hoang hóa trồng rau màu để cải thiện thu nhập. Dẫu vậy, khi mùa màng bội thu về sản lượng, nông dân lại hụt hẫng vì không biết bán ở đâu. Và khi ấy, hỏi ngành từng khuyến cáo mình trồng, thì họ đã… dắt con bỏ chợ.
Bài 2: Đắng cay vì rau màu
Ông Duy Quốc Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời cho biết, chỉ tính riêng vụ rau màu, huyện đã có gần 800 ha cho năng suất rất cao. Nhưng vấn đề muôn thuở là đầu ra của sản phẩm không ổn định. Đôi khi tới vụ thu hoạch không có thương lái đến mua buộc người nông dân phải bán tháo bán đổ để tránh tình trạng vứt bỏ.
Giàu lên vì rau, khổ cũng vì rau
Xã Phong Điền là một trong những xã đi đầu trong việc trồng màu của huyện Trần Văn Thời. Chỉ tính riêng năm qua, toàn xã có gần 700 hộ trồng màu với diện tích khoảng 60 ha, tập trung ở ấp Đất Biển và Đất Mới.
Để tận mắt chiêm ngưỡng màu xanh trên vùng đất mặn, từ ủy ban xã, chúng tôi phải đi đò gần 1 tiếng đồng hồ mới đến được 2 ấp này. Bà Nguyễn Thị Út, Trưởng ấp Đất Biển tình nguyện làm “hướng dẫn viên” để giới thiệu về các mô hình trồng màu ở địa phương. Bà Út cho hay, ở đây, bà con chủ yếu là trồng màu trên đê và một số trồng trên bờ vuông. Do ven biển, phù sa thường xuyên bồi đắp nên đất đai màu mỡ. Và cũng nhờ mô hình này mà nhiều hộ dân đã trả sổ hộ nghèo và vươn lên làm giàu.
Bà Út cho biết, do nuôi tôm thất bát, một số hộ dân đã thử nghiệm trồng màu. Ấy vậy mà, rau màu phát triển tươi tốt quanh năm, bà con liên tiếp trúng vụ. Nhận thấy thuận lợi, bà con ồ ạt cải tạo đất, lên liếp trồng và thành lập tổ hợp tác rau màu 30/4. Thế nhưng, hiện nay giá cả rau màu lại bấp bênh và đầu ra không ổn định nên nông dân gặp nhiều khó khăn.
Ở ấp Đất Mới cũng có 1 tổ hợp tác trồng rau màu là Tổ hợp tác 1/5 và cũng cùng nỗi niềm ế ẩm. Ông Phạm Thái Hòa, Bí thư Chi bộ ấp Đất Mới, cho biết, Tổ hợp tác trồng rau màu 1/5 được thành lập vào tháng 11/2008. Ban đầu chỉ có 18 thành viên và đến nay đã tăng lên 53 thành viên với 11 ha trồng màu. Trung bình mỗi vụ, tổ hợp tác cung cấp ra thị trường trên 80 tấn rau màu các loại.
Anh Lê Văn Sáng, 45 tuổi, thành viên tổ hợp tác, tâm tình, lúc mới ra riêng chỉ vỏn vẹn 5.000 m2 đất sản xuất, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn và thuộc diện hộ nghèo. “Nhiều đêm tôi trằn trọc, suy tính tìm cách để vươn lên và cuối cùng tôi quyết định cải tạo đất trồng màu và cuộc sống ổn định hơn”, anh Sáng trãi lòng.
Chỉ sau vài năm làm việc chăm chỉ, anh Sáng đã trả lại sổ hộ nghèo và trở thành người thuần thục kỹ thuật trồng màu nhất vùng. Vụ mùa này, anh trồng dưa leo và đã thu về cho gia đình gần 150 triệu đồng. Nhưng hiện nay, các hộ dân đều gặp khó về đầu ra. Do lượng cung quá lớn nhưng thương lái lại ít nên dẫn đến “dội hàng” và bị ép giá. Anh Sáng cho biết thêm, ở đây bà con chỉ bán ra chợ Sông Đốc. Mà đường sá không có nên trời nắng thì còn có thể chở đi bán được, chứ trời mưa thì đành nhìn rau, củ úng thúi rồi bỏ đi.
Ông Trần Văn Bính, ấp Đất Mới, xã Phong Điền, huyện Trần Văn Thời (bìa trái) có gần 1 ha chủ yếu trồng bí đỏ và mãng cầu. Mỗi ngày, hai vợ chồng già phải dùng xe gắn máy chở ra Sông Đốc bán, không hết thì lại vất vả chở về. Ảnh: Chí Diện. |
Đồng cảnh ngộ với anh Sáng, lão nông Trần Văn Bính, ấp Đất Mới, cho biết, mảnh vườn của ông gần 1 ha chủ yếu trồng bí đỏ và mãng cầu. Hễ cứ đến mùa thu hoạch, hai vợ chồng già phải khệ nệ dùng xe gắn máy chở ra Sông Đốc bán. Bữa nào hên thì bán được nhiều, còn không thì lại vất vả chở về.
Ông Nguyễn Văn Giới, Chủ tịch Hội nông dân xã Phong Điền, cho biết, từ khi bà con tham gia vào Tổ hợp tác trồng màu 30/4 và Tổ hợp tác 1/5, đời sống cải thiện rõ nét. Thế nhưng, thời gian gần đây giá cả bấp bênh và đầu ra không ổn định nên nhiều hộ dân rất ái ngại sản xuất quy mô lớn, nên diện tích trồng rau màu trong thời gian tới có nguy cơ thu hẹp lại. Và như thế, đồng nghĩa con đường thoát nghèo, làm giàu của nông dấn dần bị thu hẹp lại.
Rau VietGAP cũng khổ lây
Những tưởng, trồng màu không theo quy hoạch thì hiển nhiên sẽ gặp khó về đầu ra, còn có quy hoạch hẳn hoi, thương hiệu đàng hoàng thì bà con chỉ cần cố gắng sản xuất thì khách hàng sẽ ồ ạt đến mua; chí ít cũng có đầu mối bao tiêu. Nhưng không, mọi ước vọng của người dân xã Lý Văn Lâm, TP. Cà Mau đều đã bị sụp đổ tan tành.
Lúc trước, bà Lưu Thị Đẹp, ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm trồng rau sạch, cây rau không mướt, bà phải vất vã ra chợ Phường 7, TP. Cà Mau bán lẻ từ 3 giờ chiều đến 8 giờ đêm, rồi từ 10 giờ đêm đến 5 giờ sáng mới mong hết ra số rau đã trồng. |
Anh Nguyễn Văn Toàn, Bí thư chi bộ ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, TP. Cà Mau từ chối quyết liệt khi tôi đặt vấn đề ông cùng xuống nhà dân để nắm tình hình. Ông nói, giờ mà “ló mặt xuống” là dân chửi chết. Dân chửi cũng không sao, ông quen rồi, nhưng sợ tôi là người lạ, sẽ bị sốc. Ông buồn rầu kể, khoảng 3 năm trước, lúc mới triển khai trồng thí điểm rau sạch trong nhà lưới, ấp đi vận động bà con tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật, quy trình trồng rau sạch, rau an toàn và kêu gọi bà con mua lưới, mua cây để làm nhà lưới. Vì hứa hẹn sẽ bao tiêu đầu ra nên bà con rất phấn khởi nhưng đến lúc thu hoạch thì lại nơi tiêu thụ khiến người dân vô cùng hụt hẫng. Không còn cách nào khác, họ phải đem ra chợ bán với giá bằng với rau thường, đôi khi còn thấp hơn hoặc cho không. Vì trồng theo quy trình VietGAP, nông dân phải hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật nên mẫu mã sản phẩm xấu hơn rau thường.
Từ hơn 2 ha đất trồng theo quy trình rau an toàn, đến nay ấp Ông Muộn chỉ còn 8.000 m2 trồng theo quy trình này. Bà Lưu Thị Đẹp, 64 tuổi, ấp Ông Muộn, nói: “Trồng theo quy trình để làm gì khi giá cả bán ra cũng vậy. Lúc trước, tôi đầu tư nhà lưới hơn 500 m2 để trồng rau mà mấy ổng có bao tiêu đâu. Bây giờ tôi trồng rau ở ngoài, khi nào thấy sâu thì cứ xịt thuốc, cây rau phát triển nhanh hơn, mập mạp hơn trồng trong nhà lưới nhiều”.
Bà Đẹp hồi tưởng, trước đa phần người dân ở đây đều sống nhờ cây lúa. Nhưng sau thời gian nhận thấy trồng lúa vất vả, thời gian thu hoạch dài nhưng lợi nhuận không cao nên hầu hết người dân chuyển sang trồng màu. Lúc nghe triển khai trồng màu theo quy trình, ai nấy đều rất háo hức vì nghĩ không còn lo sợ về đầu ra nữa. “Ai ngờ, rau chất hàng đống mà không thấy ai xuống thu mua. Ngặt cái, cây rau sạch mẫu mã không được xanh mướt nên rất khó bán lẻ. Cho nên mỗi ngày tôi phải đem ra chợ Phường 7 bán lẻ. Bán từ 3 giờ chiều đến 8 giờ đêm, rồi từ 10 giờ đêm đến 5 giờ sáng. Bán liên tục như vậy để không bị ứ hàng. Thời điểm đó thiệt quá khổ”, bà Đẹp chua chát.
Ông Nguyễn Văn Tiếng, ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm vừa trồng rau vừa phải mang đi bán lẻ, rất vất vả. |
Tiếc 1.000 m2 nhà lưới, ông Nguyễn Văn Tiếng, 53 tuổi, ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm tiếp tục trồng. “Trồng rau trong nhà lưới hạn chế được sâu, bọ tấn công. Mấy năm nay, dân tụi tui luôn được mùa mà cứ mất giá hoài nên mong các ngành, các cấp hỗ trợ tìm đầu ra ổn định. Chớ mỗi ngày chở ra chợ Phường 7 bán lẻ thì thật là khốn khổ, còn thời gian đâu trồng, chăm sóc rau?” ông Tiếng bức xúc.
Câu chuyện trồng rau cũng kết thúc không có hậu như câu chuyện người nuôi cá.
Bài 3:Hướng mở nào cho nông dân?
Phóng sự của Phùng Ngọc Trầm
Ban đầu, theo quy hoạch sẽ thực hiện trồng rau VietGAP ở ấp Ông Muộn nhưng do vào khu đô thị nên chuyển sang ấp Chánh. Hiện tại, dự án trồng rau VietGAP đang được trình diễn thí điểm. Do việc vận động bà con tham gia vào hợp tác xã gặp khó nên số thành viên chỉ mới 12 người trồng thí điểm trên diện tích 5 ha. Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ tịch UBND xã Lý Văn Lâm cho biết, dưa hấu đã được công nhận chuẩn VietGAP. Vụ dưa Tết vừa qua bán rất chạy, chưa đến 30 Tết mà đã không còn một trái dưa. “Còn dự án rau VietGAP thì mới bắt đầu trồng trình diễn, đến khi nào nông dân làm ra sản phẩm và được kiểm định đạt chất lượng mới được cấp giấy chứng nhận. Và sau đó, chúng tôi còn phải chào hàng để tìm đầu ra cho sản phẩm, đây là điều không hề dễ dàng. Rất mong các ngành, các cấp quan tâm, giúp đỡ”, ông Phúc kiến nghị. |
“Làm cán bộ ấp như tôi lương bổng không có bao nhiêu, chủ yếu làm vì tinh thần phục vụ, cống hiến cho bà con địa phương mình. Nhưng hóa ra chưa giúp được gì cho họ mà thấy lời hứa của mình vô phương thực hiện rồi. Mỗi khi gặp họ là lại nghe hỏi: “Khi nào có người xuống mua rau vậy chú?”, dần dần họ bức xúc nhiều nên cũng có đôi lời không hay. Mà sao trách được họ, tại khổ quá thôi!”, anh Toàn trải lòng. Sau khi thuyết phục anh Nguyễn Văn Toàn bất thành, anh Trương Chí Nguyện, Trưởng ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, miễn cưỡng: “Để tôi dẫn đi hen! Mà phải chuẩn bị tâm lý trước, vì phóng viên mà xuống hỏi thăm thì người dân họ tranh nhau nói ra bức xúc của mình nhiều lắm”. |