(CMO) Đầu xuân giới văn nghệ sĩ tỉnh Cà Mau phấn khởi khi được nhận lộc của Nhạc sĩ - Nghệ sĩ Ưu tú Lê Hoàng Bửu, đó là tập ca khúc và khí nhạc mang tên “Nhà tôi”. Ở tuổi ngoại thất thập, người nhạc sĩ vẫn căng tràn lửa đam mê với âm nhạc, nắn nót từng chữ ký tặng, quyển sách trao tay kèm theo lời chúc nhau cứ nối tiếp thắp lên nụ cười.
Ðây là tập nhạc thứ ba được xuất bản trong sự nghiệp sáng tác của Nhạc sĩ Lê Hoàng Bửu, trước đó là “Giai điệu ngoài khơi” và “Ðảo không xa bờ”. Lật đật hỏi ông về ý nghĩa tên tựa “Nhà tôi”, ông nhẹ nhàng lý giải, mỗi người sinh ra đều có nguồn cội, ai dù sang hèn thế nào ngôi nhà vẫn luôn có vị trí quan trọng trong tim. Nhà là nơi dung dưỡng và gom hết những ký ức vui buồn, đồng thời gắn chặt với quê hương, xứ sở thiêng liêng... Bởi vậy, lật từng trang “Nhà tôi” với 40 ca khúc được chấp bút trong khoảng 10 năm trở lại, đâu đâu cũng thấm đẫm tình yêu sâu nặng với đất và người Cà Mau, thấm đẫm niềm thương dào dạt của người sáng tạo mà chính ông khi nhìn lại cũng bộc bạch: "Những đứa con tinh thần đẻ ra bằng cảm xúc đều được cưng như nhau...".
“Nghề này phải đi nhiều, đọc nhiều, viết nhiều thì may ra mới có tác phẩm. Nhạc sĩ cần phải có 3 yếu tố: lao động, cái tâm và năng khiếu. Thiếu 1 trong 3 sẽ không thể làm nghề lâu dài và thành công, đặc biệt chữ tâm phải đặt lên trên hết...”, Nhạc sĩ Lê Hoàng Bửu nói bằng giọng chắc nịch. Chữ tâm được người nhạc sĩ tài danh nhấn mạnh, điều đó được dẫn dắt bằng chính bản thân mình, suốt quãng dài gần 50 năm qua với hơn 100 ca khúc và 20 tác phẩm khí nhạc, mỗi khi bắt được mạch rung cảm sáng tác, luôn có sự nắn nót giai điệu, chọn lọc ca từ thật sạch, sáng và đầy chất văn học để phục vụ công chúng. Chưa cần nghe đến giai điệu cất lên nhưng bạn sẽ yêu ngay thôi với những dòng mềm mại này: “...Về đây ta nghe chín dòng sông hát, khúc giao hoà giữa đất trời bình yên. Tấm lòng ơi! Sao mà ta yêu ta quý, sao mà dịu dàng dịu dàng như những dòng sông...”(Dòng sông hò hẹn, trang 22); “...Anh đi khắp mọi nơi, mang theo cả dòng sông để thương để nhớ trong lòng. Anh đi khắp mọi nơi con sông vẫn đầy vơi trong tim bao kỷ niệm” (Bến xưa, trang 11) hay “Mùa xuân mùa xuân nói những điều gì mà nghe hàng cây lá hát thầm thì hát cho mùa xuân đến xuân đi...” (Mùa xuân ơi ta mãi yêu em, trang 32)... Vẫn là những ngọt lịm mê say ở những nơi đi qua, sợ những sáo mòn cũ kỹ trong hành văn cũng như giai điệu nên mỗi ca khúc ra đời có sự nép nhìn từ một góc nhỏ khiêm cung, có lắng nghe sự phản hồi của công chúng để tự hoàn thiện mình, để rồi khi nhắc đến Nhạc sĩ Lê Hoàng Bửu người ta sẽ không thể nào quên “Dịu dàng Cà Mau”, “Con về hát giữa làng Sen”, “Mùa xuân chim én bay”...
Ở tuổi ngoài thất thập, Nhạc sĩ - NSƯT Lê Hoàng Bửu vẫn miệt mài sáng tác. |
Bên cạnh những ca khúc trau chuốt, “Nhà tôi” còn có một tác phẩm khí nhạc lớn mang tên “Bài ca Ðất Mũi” đầy kỷ niệm và cũng như dấu son đẹp đối với người nhạc sĩ. Câu chuyện xưa được kể lại, giữa những năm 97, 98 khi ông còn là Phó giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh Cà Mau, đời sống kinh tế ngày ấy còn eo hẹp, bỗng một ngày ông được bưu điện thông báo đến nhận một số tiền lớn. Thì ra Hội Nhạc sĩ Việt Nam gửi tiền đầu tư tác phẩm. Cầm tiền vừa mừng vừa lo, bởi vì đầu tư tác phẩm cấp Nhà nước nên nếu không có tác phẩm hoặc không đạt chất lượng phải hoàn tiền lại. Công việc bộn bề, ngày mải miết về cơ sở, tối lại lao vào viết nhạc, sau vài tháng nỗ lực, tác phẩm nhạc khí này ra đời, niềm vui nối tiếp niềm vui khi được Hội Nhạc sĩ Việt Nam nghiệm thu và chọn đưa vào biểu diễn tại nhà hát lớn Hà Nội nhân kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội. Ðây là niềm vinh dự lớn không chỉ cho Hoàng Bửu mà còn của cả giới âm nhạc nơi miền đất cuối trời.
“Tôi nghe rằng nghệ sĩ tính không phải ở bề ngoài, những thứ ngoại thân mà trong căn cốt. Ở bất cứ cương vị nào, Nhạc sĩ Lê Hoàng Bửu luôn đứng về phía văn nghệ sĩ đồng nghiệp, luôn nghĩ những ý nghĩ của họ, nhìn bằng vị trí của họ, bởi một lẽ hết sức tự nhiên, ông chính là một trong số họ...”. Gấp lại quyển sách, điều đọng lại với tôi hơn hết là những dòng cảm tưởng này của Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, bởi chỉ câu buông suông bâng của chị đã gói trọn nghĩa tình của một nhạc sĩ tài hoa với đồng nghiệp, với nghệ thuật mà từ lâu ông xem là cái đạo.
Ngoài kia từng giọt nắng xuân cố chen nhau đọng trên cánh mai còn sót lại, Nhạc sĩ Lê Hoàng Bửu vẫn ngồi đó điềm nhiên nâng niu trang sách còn thơm mùi mực mới, mải miết kể cho người đối diện nghe những cung bậc thăng trầm đã đi qua, trong câu chuyện đâu khó khẳng khái khen cái đáng khen, chê cái cần chê bằng cái tâm nghề nghiêm túc và vẫn trọn niềm thương khi nhắc về những gương mặt, những cái tên anh, chị, em dưới mái nhà nghệ thuật thiêng liêng./.
Hoàng Phúc