(CMO) “Mặc dù Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tại Cà Mau chuyển biến tích cực, song vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức. Tốc độ cải thiện PCI của tỉnh còn chậm so với các tỉnh, thành phố, cả nước nói chung và các tỉnh, thành phố khu vực ÐBSCL nói riêng”, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Phan Hoàng Vũ cho biết.
Theo kết quả công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chỉ số PCI tỉnh Cà Mau năm 2020 đạt 62,82 điểm (giảm 1,28 điểm), xếp thứ 43/63 tỉnh, thành trong cả nước (tăng 2 hạng so với năm 2019), xếp thứ 8/13 so với các tỉnh, thành trong khu vực ÐBSCL (tăng 1 bậc), nằm trong danh sách các tỉnh, thành phố thuộc nhóm điều hành trung bình trên bản đồ PCI cả nước.
Trưng bày sản phẩm trong chuỗi sự kiện xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch tỉnh Cà Mau 2020. |
Ông Phan Hoàng Vũ cho biết, kết quả PCI năm 2020 đánh dấu 5 năm liên tục PCI của tỉnh Cà Mau chuyển biến tích cực về thứ hạng so với cả nước và 2 năm liên tục PCI của tỉnh Cà Mau chuyển biến tích cực về thứ hạng so với khu vực ÐBSCL. Kết quả này đã ghi nhận những nỗ lực, quyết tâm phấn đấu của các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.
Tuy nhiên, với góc nhìn toàn diện thì kết quả này không thật sự như kỳ vọng. Xếp hạng PCI của tỉnh Cà Mau năm 2020 tuy có cải thiện về thứ hạng, nhưng điểm số giảm so với năm 2019. Qua phân tích các chỉ số thành phần và các chỉ tiêu thuộc các chỉ số thành phần của PCI cho thấy vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức. Tốc độ cải thiện PCI của tỉnh vẫn chậm so với các tỉnh, thành phố cả nước nói chung và các tỉnh, thành phố khu vực ÐBSCL nói riêng.
Thêm vào đó, điểm số các chỉ tiêu, chỉ số thành phần luôn biến động, duy trì sự chuyển biến tích cực không bền vững. Nhiều chỉ số thành phần (chi phí không chính thức, tính minh bạch, thiết chế pháp lý) bị tụt hạng mạnh và có vị trí xếp hạng rất thấp năm 2020 (tính minh bạch, tính năng động). Vẫn còn nhiều chỉ tiêu thuộc các chỉ số thành phần có chuyển biến tiêu cực, cụ thể là kết quả số chỉ tiêu chuyển biến tiêu cực của PCI tỉnh Cà Mau năm 2020 có 63/128 chỉ tiêu (chiếm 49,2%).
Ông Phan Hoàng Vũ đánh giá, kết quả PCI tỉnh Cà Mau không đạt như kỳ vọng do nhiều yếu tố, trong đó có tác động của tình hình dịch Covid-19 ở các nước còn diễn biến phức tạp nên hầu hết các hoạt động xúc tiến thương mại ngoài nước của tỉnh phải dừng lại, không tham gia được các hội chợ thương mại, xuất khẩu thuỷ sản quốc tế... Hiệu quả kết nối giao thương của các doanh nghiệp (DN) chưa cao, chỉ dừng lại ở biên bản ghi nhớ.
Bên cạnh đó, một số dự án đầu tư phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện năng lượng mặt trời) trên địa bàn tỉnh có tiến độ thực hiện còn chậm. Hạ tầng kỹ thuật của các khu, cụm công nghiệp đều chưa được đầu tư hoàn thiện, nên chưa thu hút được các nhà đầu tư đến khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Theo ông Phan Hoàng Vũ, hiện tại quy hoạch sử dụng đất của tỉnh chưa đồng bộ với các quy hoạch xây dựng cũng như các quy hoạch ngành khác, vấn đề này đã và đang gây khó khăn trong quá trình thẩm định dự án, đề xuất quyết định chủ trương đầu tư. Công tác theo dõi tiến độ thực hiện dự án, thời hạn sử dụng đất sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất còn hạn chế. Việc điều chỉnh cục bộ thực hiện quy hoạch ngành, lĩnh vực khác có sử dụng đất ở các cấp vẫn còn xảy ra.
Một hạn chế khác cần được nhìn nhận là DN còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn do không đáp ứng đủ điều kiện tín dụng theo quy định. Qua rà soát cho thấy, trên địa bàn tỉnh chủ yếu là DN có quy mô nhỏ, hộ kinh doanh nên khả năng tiếp cận, tìm hiểu thông tin qua mạng, các kênh thông tin điện tử hạn chế. Các sản phẩm đặc trưng của tỉnh phần lớn sản xuất còn nhỏ lẻ, theo mùa vụ, chất lượng, mẫu mã hàng hoá chưa đáp ứng theo tiêu chuẩn, nhu cầu thị trường, đặc biệt là đối với các siêu thị lớn trong nước và các nhà nhập khẩu, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của DN.
Cùng với đó là công tác triển khai dịch vụ trực tuyến mức độ 3, 4, người dân, DN chưa tích cực tham gia, thể hiện ở tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích còn thấp (ở cấp huyện, xã). Việc giám sát các dự án đầu tư còn nhiều khó khăn; công tác xúc tiến đầu tư chưa mang lại hiệu quả cao, số lượng dự án thu hút đầu tư hàng năm còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
“Từ thực tế đặt ra, để cải thiện chỉ số PCI tỉnh Cà Mau đòi hỏi các cấp, các ngành cần tìm ra nhũng nguyên nhân và giải pháp mang tính đột phá, thực hiện quyết liệt hơn về nhiệm vụ cải thiện các chỉ tiêu theo nhiệm vụ được giao trong năm 2021”, ông Phan Hoàng Vũ kỳ vọng./.
Văn Ðum