(CMO) Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, một số đối tượng đã lợi dụng mạng lưới công nghệ để thực hiện hành vi lừa đảo trên không gian mạng. Thời gian qua, ngành chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhưng tình trạng người sử dụng mạng xã hội vẫn bị lừa, không chỉ thiệt hại về tài sản mà còn bị đe doạ tới tính mạng.
Bài 1: Những chiêu trò mới
Ðể dẫn dụ, lôi kéo “con mồi”, các hacker của đường dây lừa đảo tạo ra nhiều kênh thông tin đánh vào nhu cầu thực tế của người sử dụng mạng xã hội để xâm nhập, lấy nguồn dữ liệu, thông tin hoặc nắm bắt tâm lý của họ để thực hiện hành vi phạm tội.
Ða dạng thủ đoạn lừa đảo
Các đối tượng mà kẻ xấu nhắm vào là người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, thanh niên, công nhân, người lao động, nhân viên văn phòng... Theo các cơ quan chức năng, hiện có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với rất nhiều hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng, như combo du lịch giá rẻ; cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice; khoá SIM vì chưa chuẩn hoá thuê bao; giả mạo biên lai chuyển tiền thành công; giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu; tuyển người mẫu nhí; giả danh các công ty tài chính, ngân hàng; cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen...; giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp (bảo hiểm xã hội, ngân hàng...); SMS Brandname, phát tán tin nhắn giả mạo; đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp; tuyển cộng tác viên Online; đánh cắp tài khoản mạng xã hội, nhắn tin lừa đảo; giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, toà án; rao bán hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử; đánh cắp thông tin căn cước công dân đi vay nợ tín dụng; chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng; dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa; lấy cắp Telegram OTP; tung tin giả về cuộc gọi mất tiền; dịch vụ lấy lại Facebook; dẫn dụ đầu tư tài chính, gửi bưu kiện, trúng thưởng...; rải link phishing, seeding quảng cáo bẩn trên Facebook; cho số đánh đề...
Bình tĩnh, nhận diện chiêu trò của bọn lừa đảo để tự bảo vệ chính mình. (Ảnh minh hoạ).
Vẫn còn nhiều người "sập bẫy"
Theo nhận định của cơ quan chức năng, phần lớn các vụ lừa đảo trên không gian mạng hiện nay xuất phát từ việc các đối tượng xấu thu thập được thông tin cá nhân của nạn nhân, như tên tuổi, địa chỉ, ngày sinh, số căn cước công dân, thông tin tài khoản ngân hàng, tài khoản Facebook, Zalo cá nhân... do nạn nhân vô tình để lộ hoặc do các đối tượng này tự tìm được. Sau khi lấy được thông tin, các đối tượng sẽ giả danh nạn nhân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của gia đình, bạn bè nạn nhân.
Chị Ng.Ph.Th, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, chia sẻ: “Thời gian gần đây, tôi hay bị các cuộc gọi điện thoại từ số lạ mời gọi tham gia quản lý không gian mạng, quản lý kênh TikTok, tham gian bán hàng Online lương cao... Hầu như ngày nào cũng có số lạ gọi, rất phiền phức. Tôi chặn rất nhiều số nhưng vẫn bị làm phiền”.
Từ khi công nghệ 4.0 phát triển mạnh, bên cạnh lợi ích mang lại cho cộng đồng thì cũng là điều kiện thuận lợi cho kẻ xấu lợi dụng, núp bóng để thực hiện hành vi phạm tội. Các câu chuyện về lừa đảo trên không gian mạng ngày càng trở nên khá phổ biến, tinh vi với nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau. Ðiều này cho thấy, tình trạng lừa đảo chưa dừng lại mà chỉ chuyển từ hình thức này sang hình thức khác, tinh vi hơn mà thôi.
24 hình thức lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng. (Ảnh minh hoạ).
Liên quan đến vấn đề này, ông Lý Quốc Thống, Trưởng phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau, cho biết, đơn vị vừa thành lập tổ kiểm tra, ghi nhận kết quả báo cáo về tình hình tội phạm mua bán người, người lao động đi làm việc nhẹ lương cao, bị lừa bán diễn ra trên địa bàn từng xã; xây dựng quy trình tiếp nhận thông tin và chuyển các tin trình báo của người dân đến cơ quan chức năng...
Qua rà soát, tại Ðồn Biên phòng Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, đã triệt phá 1 vụ mua bán người (gồm 4 nạn nhân bị bán xuống tàu cá làm ngư phủ). Hiện đã chuyển vụ án cho Công an tỉnh Cà Mau xử lý theo quy định của pháp luật.
Trên địa bàn xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, có 2 trường hợp là người lao động bị lừa đi làm việc nhẹ lương cao, để bán qua Campuchia. Người bị hại bị buộc làm việc tại các khu casino, sau đó gia đình phải tự thoả thuận gửi tiền chuộc.
Lừa đảo trên không gian mạng không chỉ chiếm đoạt tài sản, mà còn tạo lòng tin cho “con mồi” để từ đó thực hiện các phi vụ lừa đảo lớn hơn, như buôn người sang nước khác. Chính vì thế, mỗi người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, tuyệt đối an toàn bảo mật thông tin cá nhân để bảo vệ tài sản và tránh trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến./.
Kim Cương
Bài cuối: HÃY LÀ NGƯỜI THÔNG THÁI