(CMO) Xã hội phát triển, các trang mạng xã hội từ đó cũng phát triển theo để đáp ứng nhu cầu thông tin của đông đảo người dân. Tuy nhiên, sử dụng như thế nào để đảm bảo an toàn thông tin cá nhân và văn minh trên không gian mạng là vấn đề cần xem xét.
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên báo Cà Mau đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Ðen, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, để tìm hiểu thực trạng này, cũng như đưa ra những khuyến cáo đến người sử dụng mạng xã hội.
Người dân tìm hiểu chiêu lừa đảo trên mạng xã hội qua các báo chính thống. Ảnh: LÊ TUẤN
- Qua những chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi trên không gian mạng, ông có khuyến cáo như thế nào đến người dân khi tham gia sử dụng mạng xã hội, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Ðen: Với sự hấp dẫn của mình, mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày, đặc biệt là với giới trẻ. Không thể phủ nhận những lợi ích mà mạng xã hội đem lại cho con người trong thời đại công nghệ số, nhưng sử dụng mạng xã hội không đúng cách sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ, gây ảnh hưởng xấu đến bản thân, thậm chí bị lừa đảo, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự và an toàn xã hội.
Chính vì thế, người sử dụng mạng xã hội cần lưu ý một số biện pháp phòng ngừa lừa đảo qua mạng xã hội, như cảnh giác với số điện thoại lạ, nhất là các số máy có đầu số nước ngoài; không tiết lộ thông tin cá nhân để tránh bị lừa đảo trên mạng xã hội; tuyệt đối không mua, bán, không cung cấp căn cước công dân, tài khoản cá nhân, tài khoản ngân hàng... cho bất kỳ ai trên mạng xã hội; cảnh giác với các tin nhắn yêu cầu chuyển/nhận tiền, cần gọi điện xác nhận thông tin nếu chưa biết rõ người nhắn tin là ai; chỉ thực hiện giao dịch trên các website chính thức của các tổ chức tài chính, ngân hàng, tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho người khác, các tài khoản công khai dùng để giao dịch online cần hạn chế số tiền dư quá lớn; không truy cập, đăng nhập vào các đường dẫn do đối tượng gửi đến qua tin nhắn; thường xuyên đổi mật khẩu tài khoản mạng xã hội để tăng tính bảo mật; tỉnh táo trước những thông tin tuyển dụng làm cộng tác viên, làm việc nhẹ, lương cao, tuyệt đối không chuyển tiền đặt cọc theo yêu cầu nếu như chưa xác định được phía tuyển dụng có thật hay không, có uy tín hay không...
Ngoài ra, khi tham gia mạng xã hội, người dân cần tuân thủ “Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội” của Bộ Thông tin và Truyền thông, ban hành kèm theo Quyết định số 874/QÐ-BTTTT ngày 17/6/2021. Theo đó, có 4 nguyên tắc để khi đăng thông tin trên mạng xã hội đúng chuẩn mực và phù hợp, không vi phạm pháp luật và đạo đức, đó là: Phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; hành vi, ứng xử trên mạng xã hội phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hoá, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; tuân thủ các quy định và hướng dẫn về bảo vệ an toàn và bảo mật thông tin; tự chịu trách nhiệm về các hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật.
Nhiều số điện thoại giả danh, lôi kéo lao động với chiêu trò việc nhẹ lương cao. (Ảnh minh hoạ).
- Trong Tháng Hành động tuyên truyền về nhận thức và phòng chống lừa đảo trực tuyến (diễn ra từ ngày 23/6-23/7), Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai các hoạt động nào? Thời gian tới, đơn vị tiếp tục có những giải pháp như thế nào để tuyên truyền, quản lý, hạn chế tối đa tình trạng lừa đảo trên không gian mạng xảy ra trên địa bàn tỉnh, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Ðen: Thực hiện Tháng Hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến, Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành và triển khai Công văn số 1262/STTTT-TTBCXB đến các cơ quan báo chí; Cổng thông tin điện tử tỉnh; các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND cấp huyện để đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị. Nội dung và tài liệu để thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền được đăng trên đường link: https://khonggianmang.vn. Ðến nay, đã có trên 10 cơ quan, đơn vị và các cơ quan truyền thông đăng tải.
Thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục có những giải pháp để thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, quản lý nhằm hạn chế tối đa tình trạng lừa đảo trên không gian mạng xảy ra trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, chú trọng tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kỹ năng nhằm trang bị cho mỗi cá nhân những kiến thức và kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng. Ðổi mới hình thức tuyên truyền, kết hợp giữa hình thức truyền thống với hình thức trực tuyến, áp dụng các công nghệ hiện đại, như trí tuệ nhân tạo (AI), hệ thống tương tác tự động (chatbot) để triển khai các hoạt động tuyên truyền một cách chủ động, thông minh và tự động. Chỉ đạo thực hiện tin, bài, ảnh, video, clip, chuyên trang, chuyên mục về nội dung lừa đảo trên không gian mạng để đăng, phát trên các trang mạng xã hội, các kênh, nền tảng khác nhau và trên phương tiện truyền thông đại chúng. Phối hợp linh hoạt các biện pháp tuyên truyền, tận dụng ưu thế của mạng xã hội, phương tiện truyền thông đại chúng để các nội dung tuyên truyền có sức lan toả rộng rãi, tạo ra năng lượng tích cực đến người dân khi tham gia mạng xã hội. Chỉ đạo tăng cường phối hợp thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để ngăn chặn, hạn chế phát sinh vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Trên thực tế, cơ quan công an, các cơ quan Nhà nước không gửi quyết định, giấy mời, giấy triệu tập qua mạng xã hội và không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản để bảo lãnh, xác minh công việc. Chính vì thế, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, tuyệt đối không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP, số tài khoản ngân hàng, số căn cước công dân... cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là cơ quan chức năng, nhân viên ngân hàng. Không truy cập, đăng nhập, tải các web, đường link... mà chưa xác minh rõ nguồn gốc. Qua đó, kêu gọi Nhân dân bình tĩnh nhận diện, phòng chống lừa đảo nhằm bảo vệ bản thân, người thân trước những chiêu trò lừa đảo chiếm dụng thông tin và tài sản.
- Xin cảm ơn ông!
Kim Cương thực hiện