Theo quy hoạch tổng thể bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2006-2015 sẽ hình thành 35 cụm, tuyến dân cư mới trên địa bàn 8 huyện trong tỉnh. Giai đoạn I, từ năm 2006-2010, thực hiện 17 dự án, sắp xếp bố trí dân cư cho khoảng 7.800 hộ, nhu cầu vốn đầu tư 222,4 tỷ đồng. Giai đoạn II, từ năm 2011-2015, thực hiện 18 dự án, sắp xếp bố trí dân cư cho khoảng 6.073 hộ, nhu cầu vốn đầu tư 202,6 tỷ đồng.
LTS: Báo Cà Mau số 3026, 3027 ra ngày 18, 20/7, có đăng loạt phóng sự: Ðê biển Tây “oằn mình” trước sóng dữ. Sau loạt phóng sự được đăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử có ý kiến xung quanh vấn đề này.
Tỉnh Cà Mau đã và đang được Trung ương, cộng đồng quốc tế quan tâm hỗ trợ cho mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là chống sạt lở. Hiện nay, WB, AFD, KFV, FAO… đang tích cực hỗ trợ nghiên cứu tìm giải pháp chống sạt lở bờ biển cũng như tài trợ vốn để thực hiện.
Ðã qua, tỉnh Cà Mau có nhiều cố gắng trong việc tìm nhiều giải pháp, huy động nhiều nguồn lực để ứng phó với tình trạng sạt lở đất: Triển khai dự án Đầu tư xây dựng nâng cấp đê biển Tây, chiều dài 21,8 km; nâng cấp đê kết hợp xây dựng đường giao thông trên mặt đê, chiều dài 72,52 km; xây dựng kè chống sạt lở, chiều dài 8.608 m và xây dựng 4 cầu giao thông trên tuyến.
Lực lượng Hạt Ðê điều tỉnh gia cố đoạn đê tại ấp Thời Hưng, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Ảnh: ÐẶNG DUẨN |
Tổng mức đầu tư dự án 1.697 tỷ đồng, trong đó, đã bố trí kế hoạch vốn 425 tỷ đồng. Thi công hoàn thành 7.185 m kè khẩn cấp. Khắc phục sạt lở tại những vị trí rất xung yếu bằng kè vật liệu địa phương, kè bản nhựa, kè rọ đá, kè ngầm tạo bãi… với tổng chiều dài khoảng 17 km.
Tuy nhiên, do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, phạm vi, mức độ sạt lở quá lớn, diễn biến hết sức phức tạp, nên việc đầu tư đã qua trên thực tế vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu.
Quan điểm của lãnh đạo tỉnh là phải hết sức chủ động; một mặt yêu cầu sự hỗ trợ của Trung ương nhưng không trông chờ. Tỉnh đã tích cực triển khai thí điểm nhiều giải pháp công trình, phi công trình cho các dạng sạt lở khác nhau (như kè mềm giảm sóng gây bồi tạo bãi trồng rừng chống xói lở, kè tạo bãi trồng rừng ngập mặn ven biển, kè trụ rỗng tiêu sóng...); chủ động trồng rừng lấn biển ở những đoạn đang có diễn thế bồi để chủ động giữ đất.
Mục tiêu của việc nghiên cứu, thí điểm là tìm giải pháp công trình phù hợp cho tình trạng cụ thể của từng diễn thế bờ biển khác nhau, sao cho suất đầu tư thấp hơn, hiệu quả cao hơn, nhưng quan trọng nhất là phải bảo vệ và phát triển được rừng phòng hộ thì mới ngăn chặn được sạt lở.
Theo quy hoạch tổng thể bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2006-2015 sẽ hình thành 35 cụm, tuyến dân cư mới trên địa bàn 8 huyện trong tỉnh. Giai đoạn I, từ năm 2006-2010, thực hiện 17 dự án, sắp xếp bố trí dân cư cho khoảng 7.800 hộ, nhu cầu vốn đầu tư 222,4 tỷ đồng. Giai đoạn II, từ năm 2011-2015, thực hiện 18 dự án, sắp xếp bố trí dân cư cho khoảng 6.073 hộ, nhu cầu vốn đầu tư 202,6 tỷ đồng.
Ðến nay, có 7 dự án được phê duyệt và triển khai thực hiện, với kinh phí đã giải ngân 129,131 tỷ đồng, đạt 33% tổng vốn đầu tư được duyệt. Trong đó, đầu tư xây dựng hạ tầng (giao thông, nước, điện sinh hoạt, trạm y tế, trường học, nhà văn hoá,..), với tổng vốn 20,991 tỷ đồng; sắp xếp dân cư kết hợp bố trí diện tích sản xuất (trồng màu) được 127,32 ha, khoanh nuôi, bảo vệ rừng 495 ha và chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản... Qua đó, bố trí tái định cư 487 hộ, với 1.948 khẩu; đáp ứng một phần nhu cầu đất sản xuất, đất ở cho hộ nghèo không đất, dân cư sống nơi có nguy cơ sạt lở đất và dân di cư tự do; giảm thiểu tình trạng phá rừng; hạn chế đáng kể hộ dân di cư tự do; tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật… góp phần ổn định đời sống Nhân dân vùng tái định cư và đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng khu dân cư còn quá ít, nên tiến độ thực hiện dự án chậm, hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, việc thực hiện bố trí dân cư không đạt yêu cầu kế hoạch đề ra. Ðời sống của một bộ phận dân tái định cư, nhất là dân di cư tự do còn gặp nhiều khó khăn, do thiếu vốn, không đất sản xuất và không có nghề nghiệp ổn định.
Quỹ đất để thực hiện công tác tái định cư, định canh còn thiếu, phải thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng với nhiều chi phí, nhưng nguồn vốn thực hiện không đảm bảo nên chỉ đáp ứng được đất ở, không có quỹ đất sản xuất. Áp lực dân di cư tự do từ địa phương khác đến ngày càng tăng, nhưng công tác quản lý dân cư, quản lý hộ tịch, hộ khẩu tại một số địa phương còn hạn chế, dẫn đến không kịp thời phát hiện và xử lý tình trạng dân di cư tự do vào rừng phòng hộ, cửa sông, cửa biển… để sinh sống.
Ðể hoàn thành mục tiêu sắp xếp lại dân cư những nơi cần thiết trong tỉnh theo quy hoạch đến năm 2020, cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020, theo Quyết định số 1776/QÐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Phải tăng cường quản lý chặt chẽ dân di cư tự do từ nơi khác đến, ngăn chặn kịp thời tình trạng cất nhà trái phép tại khu vực vùng cửa sông, ven biển, rừng phòng hộ rất xung yếu, khu vực thường xảy ra thiên tai, sạt lở đất và những nơi có nguy cơ bị thiệt hại khi xảy ra thiên tai. Ðồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, di dời hộ dân hiện hữu đến nơi an toàn, nhằm từng bước giảm số hộ dân tại các khu vực này.
Tích cực huy động nhiều hơn các nguồn lực để đầu tư hạ tầng, gắn liền với tạo việc làm cho hộ dân tại các khu tái định cư. Trong đó, thực hiện tốt việc bố trí tái định cư và giải quyết việc làm tại chỗ như: thuê, khoán hộ dân quản lý bảo vệ rừng, kết hợp nuôi một số loài thuỷ sản và du lịch sinh thái dưới tán rừng ở những nơi có điều kiện; tổ chức để hộ dân tham gia quản lý bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ven bờ, kết hợp nuôi trồng và khai thác hợp lý một số loài thuỷ sản…
Thực tế, mô hình thí điểm thuê, khoán hộ dân quản lý bảo vệ rừng, kết hợp nuôi một số loài thuỷ sản dưới tán rừng tại huyện Phú Tân, mô hình đồng quản lý nguồn lợi thuỷ sản… đã đạt được kết quả bước đầu và sẽ được tỉnh triển khai nhân rộng trong thời gian tới.
Bên cạnh, tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện việc chuyển nghề và bố trí tái định cư tại những vùng sản xuất phù hợp, trước mắt chỉ đạo các huyện ven biển kết hợp với các công ty lâm nghiệp tuyển chọn, đào tạo nghề nông, lâm nghiệp và bố trí định cư tại diện tích sản xuất của công ty để lao động gắn bó ổn định, lâu dài tại các đơn vị này. Trong 6 tháng đầu năm 2016, UBND các huyện: U Minh, Trần Văn Thời và các đơn vị có liên quan chuẩn bị bố trí cho khoảng 100 hộ dân (1-4 khẩu/hộ) đến lao động tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chế biến gỗ Cà Mau.
Tiếp tục tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác để lồng ghép, hỗ trợ các hộ gia đình chính sách và hộ nghèo khi vào khu tái định cư, nhất là hỗ trợ phát triển sản xuất và giải quyết việc làm. Tuyên truyền, vận động các hộ dân vào khu tái định cư.
Trước đây, tỉnh chủ trương khoán quản lý, bảo vệ rừng kết hợp nuôi thuỷ sản dưới tán rừng theo Nghị định số 01/CP ngày 4/1/1995 của Chính phủ. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi thuỷ sản, các hộ dân đã tác động bất lợi đến rừng và đất lâm nghiệp. Mặt khác, do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nên khu vực rừng phòng hộ rất xung yếu bị sạt lở nghiêm trọng. Vì vậy, UBND tỉnh chấm dứt chủ trương khoán bảo vệ rừng tại khu vực rừng phòng hộ rất xung yếu.
Ðến nay, các ban quản lý rừng phòng hộ đã thanh lý hợp đồng đối với 630/630 hộ dân nhận giao khoán. Ðể giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần ổn định đời sống của các hộ dân vùng ven biển, cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm là tiếp tục rút kinh nghiệm hoàn thiện mô hình thuê khoán quản lý bảo vệ rừng kết hợp nuôi thuỷ sản và phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng tại những nơi thích hợp. Quá trình triển khai phải được thực hiện thận trọng, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, tránh để xảy ra mất rừng do nuôi thuỷ sản. Thực hiện chuyển đổi nghề tại chỗ, chủ yếu chuyển các hộ khai thác nguồn lợi thuỷ sản ven bờ sang quản lý bảo vệ rừng kết hợp nuôi thuỷ sản và phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng. Nuôi và khai thác hợp lý một số loài thuỷ sản ven biển.
Ðồng thời, bố trí chuyển đổi nghề, di dời hộ dân đến nơi thích hợp. Việc chuyển đổi nghề phải đảm bảo theo hướng tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho hộ dân nhưng đảm bảo môi trường sinh thái và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ rừng. Về giảm nghèo, tỉnh tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 8/8/2011 của Tỉnh uỷ về đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. Tiếp tục điều tra, rà soát, phân loại các hộ dân sinh sống ven biển để đề ra giải pháp thích hợp đối với từng đối tượng cụ thể. Trong đó, tập trung thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả và tính bền vững đối với những ngành nghề đã có. Ðối với những hộ có điều kiện, chuyển sang nghề khác có hiệu quả hơn hoặc di dời tái định cư nơi khác./.
Vẫn là chuyện thiếu vốn Các vấn đề đặt ra trong việc “giải cứu” đê biển Tây hiện nay là xây dựng kè để phục hồi vành đai rừng phòng hộ và giải quyết vấn đề con người sống ven đê. Thoạt nhìn thì thấy không khó, nhưng từ mối quan hệ chồng chéo với nhau đã dẫn đến kết cục là biển Tây vẫn tiếp tục “oằn mình” trong sóng dữ… Theo các nhà chuyên môn, có 2 giải pháp hữu hiệu nhất trong lúc này để bảo vệ đê biển Tây là giải pháp công trình và giải pháp phi công trình. Giải pháp công trình hiện tại đang bị “mắc cạn” vì thiếu vốn, còn giải pháp phi công trình (vấn đề con người) thì xem ra cũng không mấy khả quan. Hạt trưởng Hạt Ðê điều Cà Mau Bùi Văn Ðông: "Làm chưa được 1% kè chống lở biển Tây" Trong 94 km đê biển Tây, giờ chỉ mới xây dựng được 8,7 km kè ly tâm chống sạt lở (chiếm chưa tới 1% trong tổng số kè cần xây dựng). Với nguồn vốn được rót như hiện tại thì chỉ mang tính chất “chữa cháy” ở những đoạn bức thiết nhất mà thôi. Tình hình sạt lở thì ngày một nghiêm trọng, việc xây dựng kè thì quá chậm do thiếu vốn, tình hình này nếu không có giải pháp mạnh về vốn thì có khả năng đê sẽ không giữ được trong vài năm tới. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau Lê Văn Hải: "Trong 2 năm tới phải trồng 815 ha rừng phòng hộ" Vấn đề trồng và khôi phục rừng phòng hộ đê biển Tây thì cũng đang làm quyết liệt. Dự án trồng rừng thuộc chương trình ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2018 là sẽ trồng 920 ha rừng phòng hộ ven biển, tổng vốn đầu tư cho chương trình là 90 tỷ đồng. Ðến thời điểm này, các đơn vị chủ đầu tư đã tiến hành trồng được 105 ha (trong đó, có 60 ha khu vực bãi bồi Ðất Mũi). Trong khi đó, diện tích rừng hằng năm mất đi cũng lên đến hàng trăm héc-ta. Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Cà Mau Ðỗ Chí Sỹ: "Nguồn vốn để xây dựng mô hình chuyển đổi nghề cho dân cư ven biển chỉ vài trăm triệu đồng mỗi năm". Giải quyết vấn đề con người và chuyển đổi nghề cho cư dân ven biển, hiện tại trên địa bàn tỉnh chỉ có nguồn vốn từ Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD) đang được triển khai tại 8 tỉnh trong cả nước, trong đó có Cà Mau. Tuy nhiên, nguồn vốn để xây dựng mô hình trong dự án này không lớn, bình quân chỉ vài trăm triệu đồng mỗi năm nên cũng chưa thể giải quyết được hết các vấn đề về chuyển đổi nghề cho cư dân ven biển. Hiện UBND tỉnh đang cho chủ trương đơn vị xây dựng đề án để nhóm tàu cá có công suất dưới 20 CV chuyển đổi nghề. Tuy vậy, đối tượng ngư dân sống ven rừng phòng hộ như hiện nay cũng không nằm trong danh mục tàu cá dưới 20 CV nên cũng không có cách nào hỗ trợ chuyển đổi nghề được. Trưởng Phòng Di dân, Chi cục Phát triển Nông thôn Cà Mau Phùng Sơn Kiệt: "Vốn tái định cư và giải quyết việc làm cho dân sống ven biển chưa được 30% so nhu cầu". Ðể giải quyết dứt điểm vấn đề con người sinh sống ven đê và dưới tán rừng phòng hộ này thì chỉ còn có cách duy nhất là đào tạo nghề phù hợp và làm tốt tái định cư. Nhưng với nguồn vốn rót như hiện tại (chưa tới 30% tổng nhu cầu vốn hằng năm) thì vấn đề tái định cư và giải quyết việc làm cho cư dân ven biển sẽ tiếp tục là bài toán khó./. Ngọc Huệ lược ghi |