(CMO) Mặc dù có nhiều nỗ lực từ việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, tuyên truyền, vận động đến xây dựng các khu tái định canh, định cư, chuyển đổi nghề, song, phương tiện hoạt động gần bờ, xâm hại nguồn lợi thuỷ sản vẫn là bài toán hàng chục năm qua chưa có lời giải đáp thoả đáng.
Ngư dân tại một số cửa biển, sông nhỏ thông ra biển chủ yếu dựa vào những phương tiện nhỏ thế này để khai thác nguồn lợi thuỷ sản ven bờ. |
Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chuyên môn có liên quan thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế việc khai thác thuỷ sản ven bờ. Tiêu biểu như triển khai thí điểm đề án chuyển đổi nghề cho ngư dân khai thác thuỷ sản ven bờ; thành lập đội kiểm tra liên ngành thực hiện các quy định về quản lý và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trên địa bàn tỉnh nhằm đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực khai thác thuỷ sản như: hoạt động sai tuyến quy định, kích cỡ mắt lưới khai thác không phù hợp...
Chưa hiệu quả trong quản lý
Tuy nhiên, với hàng ngàn hộ dân, vì cuộc sống hằng ngày, họ đã xâm hại và tận thu nguồn lợi thuỷ sản ven biển bằng các phương tiện vỏ máy sử dụng lú bát quái, đăng, đáy… rồi tới các tàu nhỏ khai thác vi phạm luồng tuyến, sử dụng mắt lưới nhỏ hơn quy định… tất cả đã góp phần làm cho nguồn lợi thuỷ sản ngày một cạn kiệt như hiện nay. Năm 2017, Đội Kiểm tra liên ngành và lực lượng thanh tra chuyên ngành thuỷ sản đã xử lý 301 trường hợp tàu cá vi phạm.
Phương tiện sử dụng lú bát quái khai thác mang tính sát hại nguồn lợi thuỷ sản cao. |
Đó chỉ là còn số chưa phản ánh hết thực tế hoạt động vi phạm khai thác hiện nay. Bởi, theo nhận định của ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở NN&PTNT, việc quản lý hoạt động khai thác đang gặp khó khăn do ngư trường khai thác thuỷ sản trên địa bàn tỉnh rộng lớn, trong khi lực lượng chuyên môn còn ít; việc tuần tra, kiểm soát trên biển tốn nhiều kinh phí…
Để quản lý phương tiện tàu khai thác nhỏ dưới 20 CV, năm 2008, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về phân cấp quản lý phương tiện khai thác công suất nhỏ dưới 20 CV cho cấp huyện quản lý. Theo đó, vào thời gian này, tổng số phương tiện có công suất dưới 20 CV trên địa bàn tỉnh là 1.294 phương tiện. Đến cuối năm 2016, qua rà soát, số phương tiện nói trên do hư hỏng, hoán cải… chỉ còn lại 591 phương tiện.
Theo ông Triều, số tàu có công suất dưới 20 CV đang có chiều hướng gia tăng. Một phần do người dân tự phát sinh không đúng quy định, một phần do công tác quản lý về tàu cá của cấp huyện chưa hiệu quả, sự phối hợp giữa chính quyền cấp xã chưa chặt chẽ.
Liên quan đến vấn đề này, ông Triều cho biết thêm, từ những khó khăn trên, Sở NN&PTNT đã xây dựng đề án chuyển nghề khai thác gần bờ. Hiện đang tiến hành thí điểm, dự kiến đến cuối năm 2018 sẽ có tổng kết, đánh giá kết quả để có hướng chỉ đạo cụ thể.
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT sẽ xin ý kiến UBND để kiến nghị Bộ NN&PTNT trong việc phân cấp quản lý phương tiện khai thác hiện nay. Theo ông Triều, để công tác quản lý hoạt động khai thác chặt chẽ và hiệu quả hơn nên giao về cho Sở NN&PTNT quản lý và tăng cường lực lượng thanh tra chuyên ngành ở các huyện ven biển. Còn như hiện nay, anh em ở huyện rất thiếu về lực lượng cũng như phương tiện và cả kinh phí để phục vụ cho công tác quản lý này.
Khó do dân nghèo
Bên cạnh những khó khăn về con người, phương tiện, ngư trường… thì một nút thắt lớn trong công tác quản lý hoạt động khai thác ven bờ nói chung và các tàu có công suất dưới 20 CV nói riêng chính là đời sống ngư dân còn quá khó khăn.
Nghề te, lưới ven bờ là nguồn thu cơ bản của một bộ phận người dân sống ven đê biển Tây, đoạn từ Hương Mai đến Tiểu Dừa. |
Một thực tế gần như ai cũng biết, đa số bà con sống dựa vào nguồn lợi thuỷ sản ven bờ đều là hộ nghèo, nếu không cũng thuộc diện cận nghèo. Thứ tài sản lớn nhất mà họ có để nuôi cả gia đình chính là sức lao động, chiếc xuống máy và nguồn lợi ven bờ, thậm chí có hộ không có nổi vỏ máy. Vậy là họ tận dụng những gì sẵn có để mưu sinh, có hộ thì đi bạn tàu, có hộ hằng ngày vào rừng mò cua, bắt ốc, người thì vài trăm mét lưới cá đối, vài chục cái lú bát quái… sống bám theo các cửa biển.
Xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển là một trong những nơi có bức tranh sinh động nhất về đời sống của người dân ven biển. Là khu vực được xem là "bãi đẻ" của nhiều loại thuỷ hải sản nên vùng bãi bồi xã Ðất Mũi cũng là điểm đến của nhiều hộ nghèo không đất, không tư liệu sản xuất trong nhiều năm qua.
Gia đình anh Võ Văn Thiết, ấp Rạch Thọ, xã Đất Mũi, là một trong số hàng trăm hộ như vậy, cuộc sống gần như phụ thuộc hoàn toàn vào vùng bãi bồi này. Anh cho biết, đặt lú, đăng cá kèo giống, cua giống là nghề chính mang lại thu nhập cho gia đình. Mặc dù vất vả quanh năm nhưng cuộc sống cũng không thể thoải mái được, bởi nghề này bấp bênh lắm.
Có phần khá hơn anh Thiết, gia đình ông Trần Văn Lực còn sắm được phương tiện tàu nhỏ với dàn lú bát quái để hành nghề xa bờ hơn một tí so với những người hàng xóm. Tuy vậy, theo anh Lực, cuộc sống gia đình cũng chẳng khá hơn bởi nguồn lợi ở đây đã cạn kiệt đi rất nhiều, trong khi chi phí mọi thứ đều tăng, lam lũ suốt ngày cũng chỉ đủ ăn ngày 2 bữa.
Có thể thấy, chính sự khó khăn buộc họ phải bám víu vào nguồn lợi ven bờ để mưu sinh, đây cũng chính là nút thắt lớn nhất cần phải gỡ nếu muốn giảm thiểu các hoạt động khai thác xâm hại nguồn lợi thuỷ sản. Một trong những hướng mở nút thắt này thời gian qua chính là việc xây dựng các khu tái định canh, định cư cho người dân ven biển. Mặc dù hướng đi được xem là phù hợp, song cách thức triển khai có phần chưa ổn.
Sau nhiều lần tham gia hoạt động giám sát của HĐND tỉnh tại các khu tái định canh, đinh cư cho người dân ven biển cũng như cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, ông Nguyễn Minh Đương, Phó Ban Dân tộc HĐND tỉnh, nhận định, còn tồn tại nhiều hạn chế cần được quan tâm tháo gỡ trong thời gian tới.
Ông Đương dẫn chứng, tiêu biểu như một khu tái định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số lại có đến 3 đơn vị cùng quản lý. Cụ thể, Ban Dân tộc thì chịu trách nhiệm lập dự toán, kiểm tra, theo dõi đánh giá và báo cáo về việc thực hiện dự toán; Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm phối hợp với địa phương trong việc rà soát, hỗ trợ và bố trí dân vào tái định cư; còn Ban Quản lý các công trình nông nghiệp và nông thôn thì chịu trách nhiệm trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản. “Vừa qua, khi Ban Dân tộc HĐND tỉnh đi giám sát còn không biết chủ thể được giám sát là ai”, ông Đương chia sẻ.
Ngoài ra, ông Đương cho biết thêm, sau khi khảo sát một số dự án tái định canh, định cư cho thấy nhiều hạng mục công trình chưa phát huy hiệu quả. Tiêu biểu như hầu như các dự án đều có chợ, nhà văn hoá, tổ y tế… nhưng tất cả các hạng mục này đều không phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, nhiều hạng mục công trình như đường, hệ thống thoát nước, bồn nước cấp cho dân cư, trường học… đã hư hỏng nhưng chưa được sửa chữa. “Đi mà thấy xót vô cùng”, ông Đương bộc bạch.
Trước những tồn tại, ông Đương kiến nghị, thời gian tới, khi tiến hành xây dựng các khu tái định cư cần theo chuẩn nông thôn mới. Đồng thời, công tác quản lý các khu tái định cư nên giao về một đơn vị làm đầu mối quản lý để thuận lợi hơn trong quá trình tổng hợp đánh giá, cũng như tranh thủ các nguồn vốn xây dựng hoàn thành 9 khu tái định cư còn dở dang, nhằm tạo điều kiện cho người dân sinh sống ổn định. Đặc biệt, cần có chính sách tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở các khu tái định cư, định canh để không còn phụ thuộc vào đi biển như hiện nay thì cuộc sống mới ổn định, giảm được xâm hại nguồn lợi thuỷ sản ven bờ.
Như vậy, để giảm thiểu những hoạt động khai thác xâm hại nguồn lợi thuỷ sản thì công tác quản lý hành chính Nhà nước cần có sự hài hoà với đời sống dân sinh, cụ thể là làm cách nào để người dân có thể sống được bằng nghề khác mà không phải phụ thuộc vào nguồn lợi thuỷ sản ven bờ./.
Nguyễn Phú