Cuối năm 2016, Nhà văn Nguyễn Hồ từ TP Hồ Chí Minh gọi điện cho tôi: “Nhớ Cà Mau quá! Tao muốn đi Năm Căn một chuyến. Không biết bây giờ ra sao?
Tôi đáp ngắn gọn cho anh dễ hình dung: Giao thông đường bộ ở Cà Mau đang phát triển tốt. Việc đi lại bây giờ thuận lợi lắm rồi anh.
Anh hẹn tuần sau khi về tới Cà Mau sẽ gọi và tôi đón anh ở Cái Nước. Chiều đó, tôi đi bộ ra trước Bưu điện huyện ven Quốc lộ 1, đứng chờ… Ðiện thoại reo, tôi mở nghe, anh Nguyễn Hồ nói:
- Tới bưu điện rồi đây!
Tôi nhận định: Chắc Bưu điện Hưng Mỹ ở Rau Dừa à! Anh chạy xuống tiếp đi…
Hồi sau, chiếc xe 7 chỗ màu đen, có biểu trưng TFS, biển số 51A… chạy tới và dừng lại. Kính cửa xe tiệp màu đen nên nhìn không thấy ai. Tôi bước đến. Ðúng rồi! Anh Nguyễn Hồ mở cửa xe, tôi bước lên băng ghế giữa, ngồi với anh.
Thật mừng, bởi ý nghĩa năm chẵn, tròn 40 năm gặp lại anh Nguyễn Hồ tại Cà Mau, chỉ khác lần này gặp ở thị trấn Cái Nước.
Anh Nguyễn Hồ, người Bến Tre, thời kháng chiến ở báo Giải phóng trên “R”. Sau ngày giải phóng 30/4/1975 tiếp quản Sài Gòn, anh có chuyến đi xe đò về Cà Mau cuối năm 1976. Lần ấy, tôi với anh lên sân thượng nhà ông chủ khách sạn Bồng Lai - nơi đặt Toà soạn báo Minh Hải. Ðứng nhìn quanh ngoại vi thị xã Cà Mau, anh Nguyễn Hồ nói:
- Từ vĩ tuyến 17 trở về đây, tao thấy 2 thị xã trọc: Ðó là Quảng Trị và Cà Mau!
Tôi nhớ chi tiết này và cũng mới vừa đi đám cưới cháu Hà Minh Văn, con trai duy nhất của anh bạn Hà Phương Dũng bên đó. Tôi kể lại với anh Nguyễn Hồ, nơi anh em mình đứng trên sân thượng nhìn đồng nước mênh mông sậy cỏ, năn lác… vùng đất hoang hoá ấy sau 40 năm bây giờ là Phường 9, mọc lên mấy toà nhà như Trung tâm Hội nghị của tỉnh, Khách sạn Mường Thanh Cà Mau cao 14 tầng và khu dân cư đô thị Minh Thắng với quy hoạch phố rộng, nhà lầu phải hơn cấp 4 trở lên.
Anh Nguyễn Hồ cười, rồi anh giới thiệu cho tôi biết: Anh mặc áo đen ngồi ngang “bác tài” là Nhà văn Ngô Thảo, “bác tài” là Nguyễn Hoàng Oanh. Ngồi sau anh Nguyễn Hồ là Ðạo diễn Trần Mỹ Hà (TFS) và cháu Nguyễn Nguyên Ngọc, quay phim, là cháu vợ anh Nguyễn Hồ.
Nhà văn Ngô Thảo quê Quảng Trị, nghỉ hưu, sống ở Hà Nội, từng là người lính chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Anh Nguyễn Hồ cho biết: Sau giải phóng 30/4/1975, anh Ngô Thảo từng sưu tầm, tập hợp các tác phẩm của Nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi cho Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản tập “Năm tháng chưa xa” (1985) và “Toàn tập Nguyễn Thi” (1995). Tôi thật ngưỡng mộ việc làm đầy ý nghĩa của anh Ngô Thảo.
Tôi chợt nhớ và kể cho anh nghe, ngay chính vùng đất đầm Bà Tường thời kháng chiến, nhiều anh chị em ngành Tuyên huấn tỉnh Cà Mau đóng tại vàm Khâu Bè và dọc tuyến sông Giáp Nước, Rạch Láng, tôi nhớ rõ chị Sáu Kiều với nét chữ đứng, từng chép tay truyện ngắn "Im lặng" của Nguyễn Ngọc Tấn (Nguyễn Thi). Chị Sáu Kiều có đưa tôi đọc một lần, tôi còn nhớ và thuộc mấy dòng kết thúc: “Tôi cười (phẩy), gật đầu (chấm). Tôi muốn nói với anh là mùa nhãn đã qua rồi (chấm). Những trái nhãn ngọt lịm của mùa hè vừa qua đã hết rồi (chấm). Bây giờ thì anh đang đứng giữa bóng mát của một con sông chảy về nơi có rất nhiều vườn nhãn (chấm hết).
Những ngày cuối năm này, Nhà văn Ngô Thảo muốn “khám phá” con đường bộ - tuyến đường Hồ Chí Minh mới mở hoàn thành từ Năm Căn chạy ra tận Ðất Mũi, thay vì trước đây tới Cà Mau phải đi ca-nô cao tốc 2 giờ, đi đường sông mà xóc nảy người hơn cả đường bộ thời gian khổ. Và đây là chuyến anh ngồi xe 4 bánh ra chót Mũi lần đầu…
Anh Nguyễn Hồ dự tính lịch trình chuyến đi này sẽ qua Vườn Quốc gia U Minh Hạ và ra Hòn Ðá Bạc, nhưng không còn kịp. Hẹn dịp khác! Nhà văn Ngô Thảo từ TP Hồ Chí Minh nhắn tin, gửi tôi mấy dòng: “Với nhà báo Nguyễn Minh của báo Cà Mau những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tạm biệt nhé! Và nếu là lần cuối/Cũng diệu kỳ hoàn hảo chớ sao!”.
ÐIỀU DIỆU KỲ HOÀN HẢO
Không ngờ ngay từ giờ phút gặp gỡ quen biết đầu tiên đã cho điều “diệu kỳ hoàn hảo” như lời nhắn của Nhà văn Ngô Thảo gửi tôi thành hiện thực. Thật thú vị! Chi tiết tôi đọc thuộc lòng mấy dòng cuối truyện ngắn "Im lặng" của Nguyễn Ngọc Tấn chỉ sau 6 ngày trở về TP Hồ Chí Minh, tức đến ngày 22/12/2016, anh đã viết xong bài dài cho chuyên mục bình luận văn nghệ, nhan đề “Gặp Im lặng nơi Ðất Mũi - Cà Mau”, đăng tạp chí Văn nghệ quân đội số 860-861 tháng 1/2017, là số Xuân Ðinh Dậu 2017, cũng là số đặc biệt kỷ niệm 60 năm ra số đầu tiên (1957-2017).
Cà Mau là vùng căn cứ kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Ðầu những năm 1960, Rạch Gốc từng là nơi tiếp nhận vũ khí từ hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Những chuyến tàu không số đầu tiên đã cặp bến ở đây. Ngoài vũ khí, đạn dược, trên những chuyến tàu ấy còn có sách vở, tài liệu học tập chính trị và văn hoá. Bọn trẻ chúng tôi thích nhất là những cuốn sách văn học, đặc biệt là tạp chí văn nghệ quân đội, cá biệt tôi được người cô bà con - Út Cẩm tặng một tờ báo Văn nghệ Việt Nam số Xuân Giáp Thìn 1964. Báo chí không nhiều nên chúng tôi thường xuyên chép tay những bài mình yêu thích. Ðó còn là cách học hỏi viết lách, làm báo chí, văn nghệ nơi cuối đất; ngoài mảng thời sự chính trị, những chuyện về tình cảm hoàn toàn không có hoặc có rất ít. Những truyện ngắn phục vụ kháng chiến như “Mối tình năm cũ” của Nguyễn Mai, “Nắng mùa xuân” của Lê Vĩnh Hoà là những chuyện tình cảm gợi một chút yêu đương, thời trai gái còn trẻ đọc những chuyện như vậy gọi là lãng mạn cách mạng, nghe hay lắm, xao động tâm hồn, rung động con tim, rồi chuyền nhau chép tay nhiều người và có người còn thuộc lòng nữa… Còn "Im lặng" với tuổi trẻ và số chị em đứng tuổi thì… không đơn giản đâu nha!
Minh hoạ: Minh Tấn |
Nhà văn Ngô Thảo viết: “Có gì trong Im lặng làm các anh chị mê say? Chúng tôi cùng Nguyễn Minh, lần trí nhớ mà ôn lại cốt truyện một thời từng bị phê phán. Người lính yêu mà đến phát điên, không phải vì người yêu phản bội, mà vì sự phản bội của kẻ từng là đồng chí, đồng đội của mình. Kẻ đó từng là một thần tượng của đơn vị, từng lập nhiều chiến công xuất sắc, và vì bảo vệ cán bộ mà người vợ trẻ cắn răng không kêu la khi bị anh ta xâm hại. Thủ trưởng đơn vị khi biết sự việc cũng muốn dìm đi, không cho trả thù, vì nhiệm vụ chiến đấu còn nặng nề, rất cần những người mưu trí, gan dạ. Nào ngờ, khoảng cách từ sự sa đoạ về nếp sống, đạo đức đến phản bội chỉ là sợi tóc. Kẻ địch biết thế, móc nối và trước khi đầu hàng, anh ta lập công bằng việc bẫy đơn vị vào ổ phục kích của giặc. Khốn nạn hơn, trước khi sang hàng, y còn chạy về lừa dối vợ đồng đội, nói là chồng cô đã chết, để một lần nữa hãm hiếp người y si mê. Lần này chị đã phản ứng quyết liệt hơn, kịp khi người chồng về thăm… Lòng khoan dung, sự thương cảm thân phận người phụ nữ đã giúp họ có những ngày hạnh phúc ngắn ngủi trước khi anh theo đơn vị tập kết ra miền Bắc. rồi họ đã có một người con gái. Chị nuôi con trong vòng kềm kẹp của bọn cầm quyền mới. Gửi con về cho ngoại, chị đã làm mọi cách phá huỷ nhan sắc của mình để giữ vẹn lời hứa với chồng: thà chọn cái chết chứ không để thân thể bị lem ố. Nhưng ông bạn xưa là một chức sắc có thế lực của chính quyền mới. Vẫn mê say người phụ nữ xưa, hắn quyết chiếm đoạt. Và lần này hắn đã gặp một người phụ nữ khác hẳn: chị chủ động tấn công để bảo vệ sự trong sạch của mình. Cái giá phải trả, đúng như lời chị đã hứa với chồng: mạng sống của chị. Nhận tin đó trên miền Bắc, anh đã phát điên. Trong cơn điên loạn, anh không chỉ thương xót người vợ trẻ thuỷ chung, căm ghét kẻ từng là đồng đội cũ đã trở nên khốn nạn, mà còn tự trách mình: Có phải vì lời mình đã bắt vợ hứa ngày nào mà cô phải chọn cái chết, khi tình thế không thể giữ tròn sự trong sạch? Câu chuyện không đơn giản chỉ có thế. Trong bệnh viện, những lúc tỉnh táo, anh đã kể cho người nữ hộ lý trực tiếp săn sóc mình như một sự giải toả tinh thần. Nhiều khi lên cơn, anh ta tưởng cô là vợ mình và có những hành động ứng xử như vợ mình thật. Và cô hộ lý đã âm thầm chịu đựng vì trách nhiệm và tình thương anh bộ đội miền Nam có chuyện đời éo le. Bản thân cuộc đời cô cũng từng là du kích, bị địch bắt, bị bầm dập, bị hãm hiếp tập thể, bị người yêu bỏ rơi. Nên mỗi lần nghe anh bộ đội bị tâm thần kể cách ứng xử với vợ cứ như một nhát dao cứa vào lòng mình.
Câu chuyện ấy được tác giả kể lại sau hai lần tới thăm bạn ở quân y viện. Lần đầu, vào lúc đã mờ mặt người… Mây che mất ánh sáng và gói tròn không khí trở lại. Dưới cái mền bông khổng lồ ấy, những con người ngơ ngác nhìn nhau, lo ngại đến một ngày dông bão, đổ vỡ. Thay vì gặp lại người bạn cùng lên một chuyến tàu tập kết tráng kiện, sởi lởi, thường trực một nụ cười của người hạnh phúc, anh đã gặp một thân hình gầy guộc không mảnh vải trên người, đang nằm lăn trên gạch. Hai chân bị cột vào hai chiếc vòng sắt. Anh mắc bệnh thần kinh nặng đã 5 tháng. Có những mẫu đời trong cuộc sống hoà bình đã thách thức con người phải trả giá gấp trăm lần trong chiến tranh. 5 tháng sau, tác giả trở lại, thì như một phép lạ, người đồng đội đã hồi phục và sắp trở về đơn vị, đó là một sáng mùa đông chớm nắng, không lạnh lắm. Ðiều làm Hải - tên nhân vật chính - phân vân trước khi lên đường là không thể gặp để nói lời cảm ơn với người hộ lý đã tận tình săn sóc anh trong mười tháng nằm viện. Mọi người cố ý không cho anh biết là, trước đó ít lâu, trong một lần anh lên cơn, nửa đêm, nhảy xuống sông bơi. Cô hộ lý bơi theo, giằng co chới với giữa dòng. Nước tháng bảy băng băng. Nhiều người nhảy xuống bị nước cuốn đi. Một lúc lâu lắm, người ta mới vớt được một người, đó là Hải. Người con gái đã thương mến anh, một tình thương dậy lên từ những đau khổ, dậy lên từ những mất mát đang chịu chung với đất nước, cũng như trước kia, vợ anh đã im lặng để yêu anh trọn đời, đã bị cuốn theo dòng nước của con sông chảy về Hưng Yên, miền đất nhãn, quê hương của cô.
Khi chuyền tay nhau chép và đọc "Im lặng" với niềm cảm phục tác giả và những nhân vật thật đẹp trong truyện, những người đọc trẻ ở tận Ðất Mũi Cà Mau ngày ấy, hoàn toàn không biết rằng, nội dung truyện mang chở một phần tâm trạng và ứng xử của chính tác giả…”.
Kết thúc truyện ngắn "Im lặng", tác giả tâm sự cùng nhân vật chính, như gợi nhớ về miền đất nhãn Hưng Yên, quê hương của cô hộ lý: “Tôi cười, gật đầu. Tôi muốn nói với anh là mùa nhãn đã qua rồi. Nhưng trái nhãn ngọt lịm của mùa hè vừa qua đã hết rồi. Bây giờ thì anh đang đứng giữa bóng mát của một con sông chảy về nơi có rất nhiều vườn nhãn”.
Qua anh Nguyễn Hồ, tôi được quen biết và nhớ lần gặp Nhà văn Ngô Thảo, vì tôi là nhân vật chính trong một bài viết của anh. Cuối 2020, anh gởi tặng tôi quyển sách “Bốn nhà văn nhà số 4” mà anh là tác giả, có ghi câu nhớ tôi “Một lần gặp mà nhớ mãi”.
Nguyễn Minh