(CMO) Cuối tuần, chúng tôi hẹn nhau về quê bắt cá bởi đã gần đến mùa bắt cá đồng... ăn tết rồi. Quê ngoại tôi vẫn còn cá. Xứ Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời ngày xưa cá nhiều lắm, hầu như nhà nào cũng có cái đìa lớn sau hậu đất, đến mùa hạn đồng ruộng khô cạn, cá kéo về đó trú ngụ.
Lúc nhỏ tôi vẫn hay về ngoại mùa tát đìa. Từ lúc mờ sương, mặt trời còn chưa ló dạng, cánh phụ nữ thức dậy chuẩn bị cơm cho cánh đàn ông ra đìa hậu bắt cá. Tôi chỉ làm chân phụ việc, chạy lăng xăng cũng chẳng biết làm gì, chỉ biết theo chân mấy cậu ra đồng. Đến mùa cá đồng cả xóm sôi nổi hẳn, mọi người bàn xem đìa nhà mình năm nay nhiều cá không, tôi cũng chẳng hiểu gì. Nước mênh mông, lại đục ngầu có nhìn thấy gì đâu mà nhiều hay ít? Nhưng không phải thế, theo kinh nghiệm người ta có thể dự đoán mùa tát đìa trúng hay thất. Cậu tôi bảo, khi đào đìa thì mọi người đã tính toán vị trí nào thuận lợi để cá về nhiều, đìa không bị phèn, tránh gió và nhiều thứ khác nữa. Tết “lớn” hay “nhỏ” cũng có thể phụ thuộc vào mùa đìa cuối năm “trúng” hay “thất”.
Lúc ấy, mọi người bắt cá vần công, ai tát đìa trước thì nhờ thanh niên hàng xóm đến bắt phụ, đến lượt nhà họ thì giúp lại. Xóm giềng hỗ trợ nhau bởi đìa rộng, cá nhiều một gia đình khó bề kham nổi. Có lúc trong nhà đã đỏ đèn thì những giỏ cá cuối cùng mới được khiêng vào. Nhiều lúc tôi thắc mắc không biết cá ở đâu mà nhiều, hàng năm tát đìa là có, cậu chỉ cười khà rồi nói: “Mình bắt còn chừa lại mà, có bắt hết đâu”.
Đúng thế thật, ngày trước khi bắt cá đìa, mọi người chia làm nhiều loại, cá lóc, cá rô lớn thì bán, nhỏ hơn để nhà ăn và để "bà con lại ai muốn bắt thì bắt". Đó cũng là lúc tụi nhỏ được dịp “hôi cá”. Chỉ cần người lớn bước lên bờ là cả bọn nhảy ùm xuống nhập cuộc. Sướng nhất là vớ được một con lóc “cơi”, nhưng nhiều khi trớ trêu là nó bị gãy cổ mà còn nằm sâu trong bọng đất. Thì ra có tay nào đó bẻ cổ con cá rồi “ém” làm dấu để đó, đợi chủ nhà cho "hôi" thì đến “bắt”. Những lúc ấy “hung thủ” chỉ biết nhìn, không thể nói gì nhưng lòng đau thắt ruột!
Bắt cá đìa. Ảnh: PBT |
Mỗi mùa tát đìa là phụ nữ lại cực, họ phải làm hàng trăm ký cá sặt, cá rô, cá lóc làm mắm. Cá sặt nhiều vô kể nhưng bán chẳng ai mua, chỉ còn cách làm mắm để dành ăn. Từ nhỏ tôi đã nghiện món mắm. Mỗi lần nhà dỡ hũ mắm là thơm nức cả xóm, đang chơi với đám bạn cũng bỏ ngang chạy vào xin mấy con. Cầm con mắm sặt, tôi leo tọt lên cây ổi vì mắm sống ăn với ổi không gì bằng. Mỗi lúc đói chỉ cần tô cơm nguội kèm vài con mắm, thế là đủ.
Giờ nhiều lúc muốn tìm lại hương vị ấy nhưng chẳng mấy khi gặp bởi cá đồng khan hiếm quá, với lại mùi vị cũng không như xưa. Đi nhiều nơi tôi vẫn để ý tìm nhưng mùi vị chỉ là “giông giống” hoặc rất khác. Mẹ tôi thường làm mắm “gối đầu”, năm nay làm thì năm sau mới dỡ, thậm chí lâu hơn nếu là mắm cá rô, cá lóc. Giờ người ta làm mắm theo kiểu “thị trường” vài tháng là khui nắp, nhưng như thế thì chỉ có thể nấu chín chứ ăn sống tôi chẳng mấy khi đoái hoài tới.
Về ngoại mùa này chỉ thèm được ăn mắm với ra đồng bắt cá nướng rơm nhưng nhiều lúc chẳng được. Cá vẫn còn nhưng không đủ để ăn, đâu có tới làm mắm. Cái đìa hậu tát lên được chục ký cá đã mừng, nhưng 2 hoặc 3 năm mới tát 1 lần chứ tát hoài chỉ tổ tốn xăng. Nghe tin tụi tôi về, biết ý mấy đứa cháu, đêm trước cậu đã nhấp cá lóc và chuẩn bị sẵn... mắm cá biển! “Mắm nào chẳng là mắm mấy đứa”, ngồi lai rai với cháu, cậu nói đùa thế nhưng giọng có vẻ buồn.
Cái đìa hậu cách nhà hơn nửa cây số giờ chẳng mấy khi cậu ra thăm. Mợ bảo, lấp đi lấy chỗ trồng chuối thì cậu không muốn. “Để đấy còn có cá cho tụi nhỏ lâu lâu về ăn”, cậu thường nói thế nhưng có lẽ trong lòng cũng không tin tưởng lắm. Cậu cười cười: “Cá giờ ít chắc do người ta canh tác ruộng đồng thuốc men nhiều, với lại có cũng không giữ được với tình trạng câu trộm, xiệc điện. Đìa xa mình canh sao nổi tụi bây”.
Ngay thời điểm này, câu chuyện mỗi mùa tát đìa thu được hàng trăm ký cá dần trở thành ký ức với thế hệ như tôi. Có lẽ không lâu nữa nó sẽ trở thành câu chuyện vui trong chuyện kể “bác Ba Phi” ở xứ Rạch Lùm.
Về lại với công việc hàng ngày, thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ câu nói của cậu “Mình bắt cá có chừa lại mà!”./.
Đặng Duẩn