ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 2-12-23 18:01:10

Nhức nhối nạn trộm cắp ven biển

Báo Cà Mau (CMO) Sơ hở là mất, dù đó là ngày hay đêm, ngoài biển hay trên sông, thậm chí là trên ghe đang đậu trước nhà..., thực trạng mất trộm lú đang khiến ngư dân tại cửa biển Giá Lồng Đèn ăn ngủ không yên.

Dù được để trên vỏ và đậu tại bến nhưng nếu sơ hở, lú vẫn bị mất.

Cửa biển Giá Lồng Đèn, một bên là ấp Thuận Tạo, xã Tân Tiến, một bên là xã Nguyễn Huân (huyện Đầm Dơi). Đây là một cửa nhỏ, với khoảng 22 hộ dân đang sinh sống với các nghề chủ yếu là lú và lưới… có khi lên rừng bắt ốc len, thụt hang cua. Tuy nhiên, nghề chủ yếu của người dân là đặt lú gần bờ, nếu vào con nước có ngày được vài trăm, có khi cũng vài triệu đồng, nhưng cũng có lúc chỉ vài chục ngàn đồng.

Cuộc sống vốn dĩ đã bấp bênh, phụ thuộc thời tiết, giờ cuộc mưu sinh của họ còn thêm gánh nặng từ nạn trộm cắp ngày một táo tợn. “Mất lú, ngư dân tại cửa biển này hầu như ai cũng bị, ít nhất là vài chục cái”, anh Nguyễn Văn Chụi ngao ngán.

Nói về vất vả trong cuộc mưu sinh, anh Chụi bộc bạch: "Có khi 1 tháng không ra biển được ngày nào do biển động, có khi được 5-7 bữa, có tháng hên lắm biển êm thì được 15-16 ngày. Sau khi bị mất 45 cái lú, hơn 1 năm không dám đánh vào ban đêm mà chỉ đánh vào ban ngày. Mà đánh ngày thì thường không có nhiều, cuộc sống khó khăn hơn".

Để có 1 cái lú phải bỏ ra 450.000 đồng, một khoản không nhỏ đối với người dân sống ven biển vốn đã khó khăn này. Tuy nhiên, không phải mất mỗi lần 5-7 cái, mà phải tính đến vài chục, thậm chí cả trăm, đó là trường hợp gia đình anh Nguyễn Văn Thiết.

Anh Thiết cho biết, trong vòng 2 năm trở lại đây, anh đã mất 3 lần, hơn 100 cái. Nhiều lúc chán muốn bỏ nghề, nhưng ở đây không làm nghề này thì làm gì? Do đó, dù cho tiền vay bạc hỏi cũng phải ráng chạy kiếm để mua dụng cụ làm nghề mà sống. Vùng biển Đông này chủ yếu chỉ hoạt động những tháng gió Nam, những tháng còn lại thì vô rừng bắt ốc, bắt cua, ngày kiếm vài chục ngàn đồng, lay lắt.

Đã có trường hợp không chịu nổi trước nạn trộm cắp, phải bỏ nghề. Đó là gia đình ông Thuộc, ấp Thuận Tạo. Khi đến nhà ông Thuộc để tìm hiểu thêm thông tin thì chỉ còn lại căn nhà đang bỏ hoang. Hỏi ra, mới biết do nhiều lần bị mất trộm, gia đình đã quyết định bán hết những cái lú còn lại, đi Bình Dương làm công nhân. Theo lời kể của người dân nơi đây, sau 2 lần bị mất trộm ngư cụ ngoài biển, gia đình ông Thuộc chuyển vào hành nghề trong sông, nhưng cũng bị mất tiếp, cuối cùng phải bỏ nghề.

Với nạn trộm cắp như hiện nay, cuộc sống người dân Giá Lồng Đèn càng khó hơn.

Để bảo vệ tài sản cũng như bảo vệ mình, các ngư dân đã liên kết với nhau thay phiên canh giữ. Tuy nhiên, hành động của bọn trộm tinh vi, chúng dùng vỏ máy có công suất lớn nên khi bị phát hiện thì tẩu thoát nhanh chóng, thậm chí tấn công trở lại, người dân dù xót của cũng không thể làm được gì.

Anh Nguyễn Văn Nguyên cho biết, bọn chúng đi vỏ dài từ 9-11 m, đặt máy 105 mã lực, dù có phát hiện cũng không làm gì được. Chủ yếu anh em thay nhau canh để đuổi đi, chứ không dám làm quá, sợ bọn chúng manh động chống trả lại thì rất nguy hiểm.

Đã từng đối diện với nguy hiểm khi bị các đối tượng trộm lú chống trả, anh Thiết nhớ lại, vào đêm 20/6 vừa qua, khi phát hiện một số đối tượng đang rút lú, anh em kéo ra định vây bắt. Tuy nhiên, các đối tượng này dùng vỏ máy lớn, quay đầu đâm thẳng vào vỏ của mấy anh. Để tránh tai nạn, anh em đành bỏ chạy.

“Nói là trộm nhưng sự manh động của các đối tượng này giống như cướp. Có khi bọn chúng đi 2-3 vỏ. Biết phương tiện mình không rượt lại, chúng còn cố tình chọc tức, chạy được một đoạn khoảng 40-50 m lại xuống ga, chờ khi mình gần tới thì rồ ga chạy tiếp. Bọn chúng cố tình nhử cho mình rượt để những chiếc còn lại tiếp tục rút lú”, anh Chụi tiếp lời. 

Không chỉ bây giờ, tình trạng trộm ngư cụ đã diễn ra nhiều năm nay. “Bọn chúng hoạt động cả ngày lẫn đêm, sóng gió êm thì ra biển, khi biển động thì vào các sông để lấy luôn. Thậm chí, lú mình để trên vỏ đậu trước nhà cũng bị mất. Nếu thấy chủ nhà sơ hở, chúng sẽ mở dây vỏ, cập sát vào thả trôi và chất lú qua phương tiện mình. Khi bị phát hiện, chúng rồ ga chạy mất”, anh Thiết nói.

Trước nạn trộm cắp hoành hành, các ngư dân đã trình báo nhiều lần đến các cơ quan chức năng từ ấp, xã cho đến huyện. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để. “Bà con nơi đây vừa có đơn trình báo gửi lên tỉnh, mong ngành chức năng sớm vào cuộc triệt phá và xử lý nghiêm minh, tạo điều kiện cho ngư dân có đường mưu sinh”, anh Chụi tha thiết./.

 

Nguyễn Phú

 

Cỏ Mỹ - ma dược có thể giết người

Cỏ Mỹ là dạng ma tuý, đang được rao bán công khai trên các trang mạng xã hội, mức độ mà nó gây nguy hiểm cho sức khoẻ và tinh thần của người sử dụng là đáng báo động.

Góc dân gian trong trường mầm non

Để làm mới các góc học tập, vui chơi, nhiều điểm trường mầm non, mẫu giáo tích cực đưa trò chơi dân gian vào các hoạt động ngoại khoá, giờ lên lớp để giáo dục truyền thống văn hoá cho các em. Ðây cũng là phương pháp học tập mới, giúp trẻ phát huy sức sáng tạo, tăng khả năng vận động ngoài trời, gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc.

Góp sức vì quê hương

Thời gian qua, phong trào xây dựng NTM trên địa bàn huyện U Minh thu hút sự tham gia tích cực từ phía người dân. Ông Nguyễn Cảnh Toàn, Ấp 10, xã Khánh An là một điển hình.

Ðồng hành giúp phụ nữ vươn lên

Từ sự quan tâm, tìm hiểu hoàn cảnh, nguyện vọng của hội viên rồi hỗ trợ vốn, hướng dẫn cách thức làm ăn, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa giúp nhiều phụ nữ hoàn cảnh nghèo khó vươn lên ổn định cuộc sống.

Gỡ khó thanh toán BHYT cho các cơ sở khám chữa bệnh

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018, Nghị định số 75/2023 đã bãi bỏ quy định về tổng mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT), thực hiện thanh toán chi phí KCB BHYT theo phương thức thanh toán theo giá dịch vụ. Quy định này được đánh giá có tính đột phá, tháo gỡ các vướng mắc về thanh toán chi phí KCB BHYT giữa cơ sở KCB và cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH). Qua đó, tạo thuận lợi cho công tác KCB BHYT, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT.

Tăng quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái

“Muốn xoá bỏ bạo lực gia đình, chấm dứt nạn bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái cần xoá bỏ bất bình đẳng giới để tạo nên sự bình đẳng giữa nam và nữ”, đó là lời kêu gọi của ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh, nhân lễ phát động Tháng Hành động vì bình đẳng giới năm 2023.

Hoa đẹp học đường

Ðam mê, chăm chỉ học tiếng Anh từ bé, dù mới học lớp 4 nhưng cô học trò nhỏ Ngô Nhã Trâm (học sinh lớp 4C, Trường Tiểu học Quang Trung, Phường 5, TP Cà Mau) đã gặt hái nhiều thành tích đáng khâm phục.

Cô giáo nặng tình với quê hương

Là người con sinh ra và lớn lên ở vùng đất Dớn Hàng Gòn (thuộc Ấp 2, xã Khánh Lâm, huyện U Minh), cô giáo Trịnh Hà Giang, Phó hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong, xã Khánh Lâm, luôn dành tình yêu đặc biệt cho quê hương.

Công đoàn Dầu khí Việt Nam trao học bổng cho học sinh; trang thiết bị cho Trung tâm Bảo trợ xã hội

Sáng 25/11, thực hiện Chương trình “Nghĩa tình dầu khí”, Công đoàn Dầu khí Việt Nam (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) đã trao học bổng cho học sinh lớp 12 các trường THPT thuộc diện gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn; thăm tặng quà và hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau.

Các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ

Thông thường căn bệnh đột quỵ sẽ có những dấu hiệu dự báo trước khoảng 1 tuần, trước khi xảy ra. Việc nhận biết được các dấu hiệu này có thể sẽ giúp cho chính người bệnh hoặc cho người thân có các biện pháp phòng ngừa một cách hiệu quả, tránh được nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng.