(CMO) LTS: Tỉnh Cà Mau hiện có 17.939 nạn nhân chất độc da cam (NNCÐDC)/Dioxin, trong số đó có 5.644 người khuyết tật đặc biệt nặng; 5.282 người đang được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước; số hộ nghèo, cận nghèo còn trên 300 hộ và trên 1.000 hộ khó khăn... Thế nhưng, họ trở nên phi thường giữa cuộc sống đời thường, làm được việc ngay cả người lành lặn, khoẻ mạnh chưa hẳn làm được; họ đã chiến thắng số phận, vực dậy và vươn lên, trở thành những tấm gương tiêu biểu trong lao động, sản xuất và cuộc sống… Xin được gọi họ là những “anh hùng da cam”!
Liên hệ nhiều địa phương trong tỉnh, nhờ chính quyền địa phương, Hội NNCÐDC các huyện, thành phố tìm và giới thiệu giúp những tấm gương NNCÐDC/Dioxin có thành tích tiêu biểu để chúng tôi thông tin, viết bài tuyên truyền, tôi đều nhận được câu trả lời: "Có nhiều NNCÐDC tiêu biểu, nhưng họ ngại "khoe" thành tích".
Ví như trường hợp ông Nguyễn Văn Gấm, NNCÐDC với tỷ lệ thương tật 41%, ở ấp Tắc Năm Căn A, xã Ðất Mới, huyện Năm Căn. Ông Gấm là một trong những nông dân, NNCÐDC tiêu biểu nhất của huyện Năm Căn. Tuy nhiên, nhiều năm qua ông đều từ chối gặp mặt báo chí, lần này thuyết phục được ông, xem như tôi thật sự may mắn và có duyên.
Ông Gấm (giữa) trở thành tỷ phú ở làng rừng Năm Căn nhờ nuôi tôm công nghiệp. |
Tỷ phú miệt rừng
Từ UBND xã Ðất Mới, tôi cùng Chủ tịch Hội NNCÐDC/Dioxin huyện Năm Căn Lê Xuân Thái vượt hơn 20 cây số lộ xuyên rừng, đường đi quanh co, trắc trở, có đoạn chỉ toàn rừng đước vắng vẻ… Sau gần 1 giờ đồng hồ vừa đi vừa hỏi thăm đường, cuối cùng 2 chú cháu cũng tìm được nhà ông Gấm. Từ bên đây sông nhìn qua, căn biệt thự mới tinh mọc lên giữa rừng đước, điều mà suốt cả đoạn đường đi qua rất hiếm thấy.
Quá giang chiếc vỏ máy sang sông, trèo lên cây cầu thang làm bằng thân cây đước rất đặc trưng của miền sông nước Cà Mau dẫn lên sân nhà ông Gấm, thấy ông đang loay hoay kéo ống bơm nước tưới cây, sẵn tay quơ mớ vỏ tôm xi phông bón cho mấy luống rau quanh nhà, rau xanh ươm, tốt mịt. Ông Gấm bảo, lượng vỏ tôm lột từ ao tôm công nghiệp rất nhiều, ông tận dụng trồng rau, hoa màu rất tốt, lại an toàn cho sức khoẻ. Có khi bà con không có điều kiện đến lấy, ông chở hẳn đến nhà cho bà con làm phân trồng rau. Sẵn đang trong bộ đồ làm nông, ông Gấm dẫn chúng tôi ra đầm tôm siêu thâm canh của gia đình, đầm tôm gồm 3 ao nuôi, 2 ao lắng được quy hoạch, cải tạo bài bản, đẹp mắt, đâu ra đó, hệ thống điện, nước hợp lý, an toàn, điều quan trọng nhất là duy trì hiệu quả nhiều năm qua.
Ông Gấm vác theo cái chài nhỏ, đến cầu thang đường dẫn ra vị trí thả chộp cho tôm ăn, rồi quăng chài xuống đầm. Cái chài nhỏ xíu, tầm 2 m2, vậy mà phút chốc kéo lên 3-5 kg tôm thẻ đến lứa 50-60 con/kg, cứ thế tôi chụp ảnh liên tục.
Ông Gấm hỏi: "Chụp hình đẹp chưa con? Có cần chú quăng thêm chài nữa không?". Thiệt tình, nghe câu hỏi của ông tôi mát ruột hết sức, khác hẳn với quan niệm của nhiều người nuôi tôm khác, vô đầm còn khó huống chi chụp hình, quay phim. Ông đệm tiếp: "Ðem mớ tôm này vô luộc, kèm rau chú trồng, chấm nước mắm chua ngọt cho cô nhà báo ăn, tôm tươi ăn liền ngọt lắm".
Dưới cái nắng gắt của mùa hạn, nhưng lòng tôi dịu lại khi thấy thành quả của ông. Ông Lê Xuân Thái giải thích thêm: “Cháu hên lắm đó nghen, mấy năm nay nhiều tổ chức, báo đài muốn xuống quay phim mô hình này mà chú Gấm không đồng ý, vì chú ấy nói còn nhiều người xứng đáng hơn".
Ðể tránh cái nóng oi bức của mùa hè, mấy chú cháu di chuyển tới căn nhà lợp bằng lá, nơi ông Gấm thường ngày ngồi uống trà, nhìn ra phía sau là quan sát toàn cảnh đầm tôm. Theo lời ông Gấm, với 3,8 ha đất tôm - rừng của gia đình, nếu nuôi theo hình thức truyền thống, hiệu quả kinh tế chỉ ở mức trung bình, sống được chứ không thể làm giàu. Ông nghĩ đến mô hình tôm công nghiệp, tuy nhiên, mô hình này khá rủi ro, không phải ai làm cũng thành công.
Ông Gấm suy trước tính sau, làm thế nào để tránh thiệt hại, mãi đến năm 2013 thì hạ quyết tâm đầu tư trên 100 triệu đồng cải tạo 4 ao tôm công nghiệp (ao đất). Ông cho biết: "Ao đất nuôi thời gian đầu, đất còn màu mỡ nên rất hiệu quả. Tuy nhiên, vài năm sau đáy ao bị ô nhiễm, khâu xử lý gặp nhiều khó khăn, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến rủi ro trong quá trình nuôi. Nắm chắc nguyên nhân rủi ro, cùng sự trợ giúp về kỹ thuật của các con, năm 2016 ông Gấm tiếp tục đầu tư trên 200 triệu đồng cho mô hình tôm công nghiệp trải bạt (tôm siêu thâm canh, công nghệ cao). Từ đó đến nay, vấn đề sinh trưởng của con tôm, nhiệt độ, ô-xy, thức ăn, mật độ tôm nhiều ít…, tất cả đều nằm trong tầm tay ông, từ đó ông chủ động xử lý nên hiệu quả mang lại rất cao, theo ông Gấm thì cầm phần thắng là 80%. 3 ao tôm công nghiệp trải bạt, hàng năm, với 3 vụ nuôi, bình quân mỗi đợt ông Gấm thu lãi từ 2-3 tỷ đồng, đồng thời ông vẫn giữ 1,5 ha đất tôm - rừng, hàng năm thu nhập thêm 200 triệu đồng.
Ông Gấm chia sẻ: "Nuôi tôm đôi khi phải chăm sóc kỹ hơn con mình nữa. Ví như nó lớn, trưởng thành mình mới an tâm phần nào. Làm ăn dĩ nhiên phải có thắng, có thua, nhưng có lẽ vì dốc hết tâm, sức cho mô hình này nên gần như chúng ít phản chủ. Nhờ đó, kinh tế gia đình dần ổn định và ăn nên làm ra…".
Vẹn tình cho quê hương thứ hai
Nhắc về một thời quá khứ đầy tự hào của gia đình, ông Gấm dẫn chúng tôi lên phòng khách ở tầng thượng ngôi nhà, ông bảo đây xem như góc phòng truyền thống của gia đình. Nơi ấy có treo nhiều bằng Tổ quốc ghi công, Huân chương Kháng chiến của cha, anh và cả ông Gấm... Theo ông, mục đích là để giáo dục truyền thống cho con cháu sau này, cũng là niềm tự hào của gia đình.
Gia đình ông Gấm quê gốc Quảng Ngãi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cha ông Gấm theo cách mạng, vào chiến trường miền Nam, rồi trụ lại nơi đây vừa hoạt động cách mạng, vừa khai phá đất hoang, lập nghiệp. Năm 1959, mẹ ông mất nên 4 anh em ông theo cha về ấp Tắc Năm Căn A sinh sống.
Năm 1972, tròn 18 tuổi, ông Gấm tiếp bước cha và các anh tham gia bộ đội (Trung đoàn 3 - Tiểu đoàn U Minh 3). Năm 1974, trong trận đánh tại Ðá Hàn (thuộc xã Hiệp Tùng, huyện Năm Căn), ông bị trọng thương ở đầu và chân; sau hơn 1 tháng điều trị, lành bệnh ông tiếp tục cùng đồng đội lập nhiều chiến công cho đến ngày giải phóng, thống nhất đất nước. Ông Gấm trở thành thương binh 4/4, đồng thời là NNCÐDC ở mức 4 (41%). Xem như tuổi xuân của cha ông và ông đã vẹn tình với quê hương thứ 2.
Ðến vùng đất mới, mọi thứ đều lạ, nhưng với ý chí quyết tâm, không ngại gian khó, 4 cha con ông Gấm khai phá đất rừng làm rẫy, tuổi trẻ ông Gấm cũng kinh qua hết các nghề đào đất, sên vuông, mò cua, bắt ốc, đặt lú, trồng rẫy... miễn có tiền phụ giúp gia đình. Cha ông Gấm tuổi ngày càng cao, các anh em đến tuổi dựng vợ gả chồng, có gia đình riêng. Ông Gấm cũng như các anh làm ra của cải lo cho gia đình bằng chính sức lao động, mồ hôi công sức thời tuổi trẻ.
Nay ở tuổi 66, nhưng do vết thương ở chân và đầu thời chiến tranh để lại, trông ông có vẻ yếu hơn so với tuổi. Ông nói vui: “Chú đi bệnh viện như cơm bữa. Từ ngày hoà bình đến nay, vết thương cứ hành hạ chú mãi…”. Thế mà ông đã gồng gánh nuôi 6 người con khôn lớn, ăn học thành tài, trong số đó có 2 đảng viên. Riêng ông giờ trở thành "đại gia" xứ rừng với hơn 20 năm kinh nghiệm nuôi tôm công nghiệp, đặc biệt là tôm siêu thâm canh, duy trì hiệu quả liên tục trong nhiều năm qua.
Chi hội trưởng Chi hội NNCÐDC/Dioxin ấp Tắc Năm Căn A Hồ Văn Oai cho biết, là hộ khá giàu, có thể gọi là tỷ phú ở xứ này, nhưng ông Gấm rất giản dị, gần gũi, sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Ðồng thời, tiên phong đi đầu trong các phong trào ở địa phương, góp công và tiền xây dựng nông thôn mới, chia sẻ khó khăn cùng bà con nghèo… Ðặc biệt, năm 2015, ông được UBND xã xét xây dựng nhà tình nghĩa cho đối tượng người có công, trị giá 50 triệu đồng, ông tự nguyện nhường lại cho gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Nghĩa cử ấy, chính quyền địa phương, bà con, hội viên cựu chiến binh, NNCÐDC/Dioxin càng thêm trân trọng và quý mến./.
Loan Phương
BÀI 2: "PHONG CỤT" THOÁT NGHÈO