ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 8-5-25 03:02:24
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Những "anh hùng da cam" - Bài 2: "Phong Cụt" thoát nghèo

Báo Cà Mau (CMO) Qua lời giới thiệu của Chủ tịch Hội NNCÐDC/Dioxin xã Trí Phải, huyện Thới Bình Nguyễn Văn Chiến, anh Ðặng Thanh Phong (Phong cụt) là NNCÐDC/Dioxin khá tiêu biểu và đặc biệt... Tôi tò mò và quyết định tìm gặp anh.

Theo lời hẹn, 7 giờ kém, chúng tôi đã có mặt tại nhà anh Phong, Ấp 2, xã Trí Phải, để kịp gặp trước khi anh lên rẫy. Tuy nhiên, khi tìm đến thì cửa nhà đóng, tôi gọi điện thoại, anh Phong cho hay đã qua rẫy từ 5 giờ sáng, tranh thủ tưới rau trước giờ nắng lên, do gần đây hạn, rau thiếu nước…Thường anh Phong qua rẫy đến gần xế mới về nhà, nên chúng tôi phải tìm đến rẫy để gặp anh.

Quyết tâm chiến thắng  cái nghèo

Tôi cùng Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Trí Phải Nguyễn Văn Toàn hỏi thăm bà con đường đến rẫy anh Phong. Khi nhắc tên anh Phong, mọi người thông tin với thái độ tích cực và ánh mắt ngưỡng mộ: “Phong cụt tuy chân yếu, đi lại khó khăn nhưng siêng năng, chịu khó hết phần thiên hạ. Sáng nào vợ chồng nó cũng chạy vỏ máy ngang qua đây, có khi về chở đầy xuồng rau, cải… Gần đây nó cất nhà tường, mọi người mới chưng hửng, công nhận nó hay và giỏi thật”.

Tuy rẫy cách nhà chỉ hơn 3 cây số, nhưng do xe máy không tới nơi nên hàng ngày vợ chồng anh Phong phải đi bằng xuồng máy. Khi xe chúng tôi đến cách rẫy anh Phong tầm 1 cây số thì cùng đường, anh Phong chạy vỏ máy ra rước chúng tôi. Nơi đó, có căn nhà nhỏ để vợ chồng anh nghỉ ngơi, trú mưa nắng, xung quanh vợ chồng anh Phong lên liếp trồng cải, củ cải, bí, ớt… luân phiên quanh năm. Phía sau là 8 công vuông nuôi tôm - cua kết hợp. Tay xách thùng nước tưới đám ớt đang cho trái, cùng đám cải xanh sắp tới lứa thu hoạch, anh Phong bộc bạch: “Trồng 2 công rau màu vậy mà thu nhập cao và ổn định hơn 8 công vuông phía sau. Vuông thì khi trúng khi thất, nhưng rau trồng được quanh năm, sẽ bù khoản hụt thu nhập khi thất vuông, nhờ vậy mà thoát cảnh nghèo khó, vươn lên cuộc sống khá như hiện nay…”.

Tuy làm nông nhưng anh Phong lên lịch cụ thể, bài bản cho công việc hàng ngày. Vợ chồng anh thường dậy sớm từ 3-4 giờ sáng, cùng chia sẻ việc nhà, đến 5-6 giờ có mặt tại rẫy và vuông tôm để chăm sóc hoa màu, thăm lú, đến trưa mới ăn cơm, bán tôm cua, rau cải. Khoảng 5 giờ chiều vợ chồng anh tiếp tục chạy vỏ máy sang trông coi 2 ha lúa - tôm cách nhà trên 3 cây số. Anh Phong nói vui: “Lịch hàng ngày kín mít, cất ngôi nhà khang trang chứ vợ chồng đêm ngủ ở chòi vuông nhiều hơn, làm như quen với cảnh ruộng đồng rồi”.

Nhắc nhớ lại một thời khó khăn của gia đình anh Phong, anh Nguyễn Văn Toàn cho biết: “Nhớ năm 2010, khi ấy tôi còn phụ trách công tác Ðoàn, dẫn đoàn sinh viên tình nguyện Trường Ðại học Cần Thơ về đây trong chiến dịch Mùa hè xanh, xin ở nhờ nhà anh Phong. Khi ấy, nhà anh còn lụp xụp, kinh tế khó khăn, nhưng rất quý tấm lòng của anh chị… Có gì cho nấy, nhiệt tình giúp đỡ sinh viên tình nguyện hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nay thấy kinh tế gia đình anh phát triển, ổn định, trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương; xây nhà mới trên 300 triệu đồng, vươn lên cuộc sống khá giả, thật sự rất mừng cho anh. Anh là điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, thu nhập từ 2 miếng vuông (2,8 ha) và 2 công màu trên 250 triệu đồng/năm”.

Ban đầu chỉ với 7 công đất, nhưng nhờ chí thú làm ăn, anh Phong đã mua và cố thêm tổng cộng 30 công đất, từ hộ khó khăn vươn lên hộ khá ở địa phương.

Tự hào gia đình cách mạng

Bà Nguyễn Thị Lan, mẹ anh Phong, năm nay đã 90 tuổi nhưng trông khoẻ mạnh và minh mẫn. Theo lời kể của bà Lan, năm 14-15 tuổi bà bắt đầu tham gia cách mạng, phụ trách công tác binh vận ở địa phương. 17 tuổi, bà kết duyên với ông Ðặng Thành Công. Ông Công cũng bí mật tham gia cách mạng từ Cần Thơ chuyển về địa phương. Các con của vợ chồng bà lần lượt ra đời, lớn lên giữa chiến tranh ác liệt và cũng chính chiến tranh đã lấy đi của bà rất nhiều… Nhắc đến đây, bà Lan không kìm nén được niềm xúc động: "Ðồn giặc cách nhà tôi chỉ 500 m, tình nghi ông nhà tôi tham gia cách mạng, địch bí mật gài mìn sẵn cặp vách nhà, mục đích dụ ông ấy về nhà để giết. Ðêm ấy chồng tôi không về, mìn nổ văng trúng chết đứa con trai thứ hai (theo hẹn thì 10 ngày sau đó nó tham gia công tác hậu cần địa phương, chưa kịp đi thì chết). Con trai thứ ba tham gia Tiểu đoàn U Minh 4, hy sinh ở Tân Lộc (Bàu Thúi, Cả Nhút). Thời điểm đó tôi bị bắt tù ở Cần Thơ, con chết 3 ngày tôi mới về tới nhà tiễn con. Chiến tranh cũng đã lấy đi 1 chân của đứa con gái thứ năm, đến thằng Phong thì để lại di chứng suốt đời…".

Bà Lan nín lặng một hồi lâu, cố gắng nén cơn xúc động, nhưng rồi chợt nhớ thêm điều gì đó, bà nói tiếp: "Hoà bình, thống nhất đất nước, vợ chồng tôi cố gắng gác lại nỗi đau riêng, bắt tay lao động sản xuất. Nói thiệt ở Ấp 2 này không ai khổ bằng gia đình tôi. Là gia đình cách mạng nằm trong tầm ngắm của địch, nên ngày độc lập, gia đình không còn chén ăn cơm, nhà bị địch phá nát, con cháu nương tựa nội, ngoại... Tất cả bắt đầu lại từ tay trắng. Sau giải phóng, ông nhà tiếp tục tham gia công tác ở địa phương, đồng thời vợ chồng tập trung lao động sản xuất trên 2 ha đất Nhà nước cấp theo chế độ, nuôi các con khôn lớn, thằng con trai thứ 4 từng là trung tá công an, nay đã về hưu, còn lại cũng có cuộc sống riêng, ổn định".

Bà Lan bảo rằng: “Trong 7 đứa con thì thằng Phong chịu nhiều thiệt thòi nhất do bệnh tật bẩm sinh, liệt chân từ nhỏ vì di chứng chiến tranh để lại. Lớn lên, gia đình tạo điều kiện cho nó ăn học để bù đắp lại, nhưng một lần nữa nó chọn cách hy sinh, tạm gác ước mơ trở thành thợ cơ khí, thay các anh, chị gánh vác việc đồng áng, lo cho gia đình để các anh, chị em nó an tâm đi học, làm việc… Vì thế, tôi dành tình thương phần nhiều cho nó”.

Chiến tranh lùi xa, vợ chồng bà Lan cùng các con gửi cả thanh xuân và cả những nỗi đau riêng nơi chiến trường, riêng vợ chồng bà Lan trở thành thương binh 4/4, bà Lan trở thành mẹ liệt sĩ và cả ông bà đều vinh dự nhận Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất... Bề dày truyền thống cách mạng của gia đình là niềm tự hào của dòng họ, là nền tảng giáo dục thế hệ con cháu noi theo, sống có ích cho xã hội.

Thắp sáng ước mơ đại học cho con

“Sức khoẻ vốn đã yếu, đến khi lập gia đình riêng nhiều việc phải lo, nó càng cố gắng thì càng hay bệnh, con cái đến tuổi ăn học, có lúc cuộc sống hết sức khó khăn… Vì đông con nên khi ra riêng, tôi chỉ cho vợ chồng thằng Phong được 7 công đất, nhưng nhờ vợ chồng nó đồng lòng, chăm chỉ làm ăn, đến nay nó đã mua và cố thêm tổng cộng 30 công đất. Nhờ vậy mà nay vợ chồng nó mới vươn lên khá, nuôi 2 con học đại học. Tôi mừng và tự hào về nó lắm...”, bà Lan với ánh mắt hạnh phúc khi kể về con trai của mình.

Anh Phong nhớ lại một thời gian khó, ngày xưa, dù việc đi lại khó khăn nhưng anh cố gắng học hết lớp 12, dự định kế tiếp là đi học nghề cơ khí, mong muốn có cái nghề, có thu nhập nuôi sống bản thân để không là gánh nặng cho gia đình và lo cho tương lai sau này. Tuy nhiên, thời điểm ấy gia đình đơn chiếc, các anh chị có gia đình riêng, em trai còn nhỏ đang đi học, suy đi tính lại anh quyết định tạm gác ước mơ, ở nhà tiếp cha mẹ làm việc đồng áng và có người bên cha mẹ lúc tuổi già…

Tuổi trẻ, anh Phong đã hy sinh, tạm gác ước mơ riêng, làm tròn trách nhiệm với gia đình. Khi có gia đình riêng, dù sức khoẻ hạn chế nhưng anh luôn không ngừng cố gắng làm tròn trách nhiệm người cha, trụ cột trong gia đình, quyết tâm nuôi 2 con theo đuổi ước mơ đại học. Anh Phong chia sẻ: “Tôi đã một lần lỡ hẹn với ước mơ của mình, tiếc lắm! Vì vậy, tôi không muốn các con giống như mình khi mất cơ hội vào đại học”.

Qua điện thoại trao đổi với 2 người con gái của anh Phong, 1 đã tốt nghiệp đại học ngành Thống kê cách đây 4 năm, hiện đang công tác tại TP Hồ Chí Minh và 1 đang là sinh viên năm thứ 4 ngành Kinh tế, Trường Ðại học mở TP Hồ Chí Minh, còn vài tháng nữa là ra trường. Chị Ðặng Như Ý, con gái lớn anh Phong, chia sẻ: “Ba luôn vĩ đại trong mắt chúng tôi. Cùng với đó là sự đồng hành sẻ chia của mẹ. Rất may mắn khi chúng tôi có ba mẹ luôn hy sinh và quyết tâm giúp các con thực hiện ước mơ, cho các con tương lai tươi sáng…”.

Khuyết tật ở chân, anh Phong luôn đau nhức, phải uống thuốc thường xuyên và điều trị liên tục, nhưng ý chí quyết tâm thoát nghèo luôn thôi thúc anh Phong cố gắng và anh đã làm được điều ấy. Anh không chỉ mạnh mẽ vươn lên chiến thắng số phận mà còn là con thuyền vững chãi đưa các con đến bến bờ tươi sáng... Bên đám rẫy xanh pha với nắng vàng óng ánh giữa trưa hè, nghĩ về thành quả hiện tại, như phần nào xoa dịu nỗi đau da cam, xoa dịu một phần sự đánh đổi, hy sinh của gia đình và của riêng cuộc đời anh./.

 

Loan Phương

BÀI CUỐI: HIÊN NGANG THỜI CHIẾN, SỐNG ÐẸP THỜI BÌNH

 

Lưu Hữu Phước – Nhạc sĩ tài danh đất Tây Đô

Hai ba thế hệ người Việt Nam hát những ca khúc của nhạc sĩ tài danh Lưu Hữu Phước. Không có cuộc đời nào, tâm hồn nào trên đất nước Việt Nam thân yêu thế kỷ vệ quốc anh hùng mà không được Lưu Hữu Phước giục giã.

Ngày giải phóng Cà Mau

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 3: Bức tranh văn hoá đa sắc

Dù ở vùng đất mới, gốc gác khác biệt, song khi về tới Cà Mau, thế hệ tiền nhân đã sớm ý thức về nguồn cội, quần tụ và cố kết với nhau bằng sợi chỉ đỏ chảy xuyên suốt của nền văn hoá dân tộc Việt Nam bốn ngàn năm: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 2: Con người Cà Mau - Nét duyên xứ sở

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng: “Con người là chủ thể văn hoá, cách ứng xử của con người với chính mình, với thiên nhiên và các mối quan hệ xã hội định hình nên đặc điểm và tính cách của nền văn hoá ấy”. Ở vùng đất mới Cà Mau, nếu không nói về con người Cà Mau, tính cách và cốt cách của con người Cà Mau thì quả thật là một điều thiếu sót lớn. Hồn cốt quê hương, khí phách của ông cha là nơi hậu thế soi chiếu vào đó để nhận diện được chính mình và khơi mở những chặng đường tương lai của mảnh đất này.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc

Khi Báo Cà Mau đăng loạt ghi chép pha chút hơi hướng khảo cứu này, tỉnh Cà Mau đang hừng hực khí thế, với thế và lực mới vững vàng hoà vào dòng chảy thời đại cùng cả dân tộc, đất nước Việt Nam tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển phồn thịnh, giàu mạnh, hạnh phúc.

Dì tôi - Người đàn bà đi qua hai cuộc kháng chiến

Trước đây không lâu, Báo Cà Mau có đăng bài viết về chuyện bà Hai Ðầm tham gia trận diệt đồn Tân Bằng năm 1946. Trong trận đánh táo bạo này, bà được Chi bộ Thới Bình cài vào đồn giặc Pháp làm nội gián để cùng bộ đội ta thực hiện phương án “nội công ngoại kích”. Bài viết theo lời kể của ông Huỳnh Văn Tứ ở thị trấn Thới Bình, người cùng thế hệ và có mối quan hệ thân tộc với bà Hai Ðầm.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài cuối: Ðổi mới phương pháp dạy và học

Việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi chính phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo nhận ra đã đến lúc cần thay đổi tư duy giáo dục theo hướng mở.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài 2: Chia nhau trách nhiệm

Ðể siết chặt vấn đề dạy thêm - học thêm, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự nhìn nhận đúng và sự giám sát của phụ huynh, của xã hội.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều

Thông tư 29/2024/TT-BGDÐT ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Câu hỏi đặt ra là việc quản lý sau đó như thế nào để không có việc “nóng” kiểm tra thời gian đầu, còn sau lại đâu vào đó? Giáo viên, phụ huynh và học sinh các cấp sẽ “sống” cùng với thông tư như thế nào? Bên cạnh đó, các cơ sở dạy thêm trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đang oằn mình để đón thêm lượng học viên quá tải...

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài cuối: Nền móng vững chắc cho Cà Mau vươn xa

Chủ trương sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, một quyết sách chiến lược của Chính phủ hướng đến bộ máy hành chính tinh gọn đã mang đến những thay đổi sâu rộng trong quản lý đô thị trên cả nước. Tại Cà Mau, bối cảnh mới này đòi hỏi sự đánh giá lại về quỹ đạo phát triển của các khu vực đô thị, đặc biệt là những nơi đã nỗ lực xây dựng các tiêu chí đô thị văn minh. Tới đây, các danh xưng hành chính có thể thay đổi, nền tảng hạ tầng, kinh tế và xã hội đã được kiến tạo vẫn là tài sản vô giá, làm nền móng vững chắc, định hình tương lai phát triển của Cà Mau sau này.