(CMO) Ông Tư Việt (Nguyễn Quốc Việt, ấp Hải An, xã Nguyễn Huân, huyện Ðầm Dơi) có lẽ không còn xa lạ với báo đài trong tỉnh và cả nước. Ông xuất hiện ở nhiều buổi tuyên dương cấp tỉnh và Trung ương dành cho đối tượng thương binh tiêu biểu, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, NNCÐDC/Dioxin tiêu biểu, đến các giải thưởng nông dân sáng tạo kỹ thuật… Và nay ông vẫn giữ phong độ ấy, cùng với phương châm sống “Còn hơi thở là còn lao động và cống hiến”.
Những năm tháng không quên
Giữa những ngày tháng 4 lịch sử, tôi đến gặp ông Tư Việt để viết về tấm gương gia đình NNCÐDC/Dioxin tiêu biểu, bởi cả 2 vợ chồng ông đều tham gia chiến tranh chống Mỹ cứu nước, đồng thời cả 2 đều là NNCÐDC/Dioxin hạng 2. Vừa đến trước sân nhà ông Tư Việt, dòng chữ “Không có gì quý hơn độc lập tự do” hiện ra trước mắt tôi, dòng chữ màu vàng, nền đỏ được khắc lên cổng rào, dẫn vào nhà, cùng lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới dưới bầu trời trong xanh… Tôi mường tượng về sinh khí vui tươi, phấn khởi và đầy tự hào của đồng bào cả nước ở thời khắc thiêng liêng - chiến thắng 30/4/1975 lịch sử.
Câu chuyện ông Tư Việt kể về quá trình tham gia cách mạng của gia đình tiếp tục dẫn tôi về miền ký ức hào hùng của dân tộc. Theo lời ông Tư Việt, cha ông là ông Nguyễn Văn Châu, hy sinh trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ lịch sử (28/9/1953), khi đó ông Việt tròn 3 tuổi. 11 năm sau (1964), ông Tư Việt tiếp nối truyền thống cha tham gia cách mạng, từ giao liên ấp, đến du kích xã, bộ đội địa phương quân huyện Ðầm Dơi. Trong thời gian tham gia cách mạng, từng phối hợp trong nhiều trận đánh và chung lý tưởng cách mạng, ông Tư Việt quen và cưới bà Huỳnh Thị Lan. Cả 2 cùng bí mật tham gia cách mạng đến ngày hoà bình thống nhất đất nước.
Bà Lan cho biết: “Nhớ một kỷ niệm ở chiến trường, tôi với ông từng phối hợp tiêu diệt địch. Thời điểm đó là ngày 26/7/1971, tôi trong vai trò du kích bí mật, sau khi nắm chắc đường đi lối bước của địch, tôi vẽ sơ đồ phục vụ cho ông. Khi ấy ông là Chính trị viên Trung đội du kích xã Tân Duyệt, trực tiếp gài trái nổ bằng đầu đạn pháo 105 mm cải tiến, đón đánh địch ở đồn Bàu Sen đi càn qua Lô 1, kết quả tiêu diệt được 6 tên địch và bị thương 6 tên. Sau lần đó, lễ tuyên bố nhỏ do gia đình và đơn vị tổ chức cho 2 đứa, vừa ăn mừng chiến công luôn”, bà Lan cười hạnh phúc.
Chuyện tình đẹp trên chiến trường của ông bà, được ông Tư Việt kể tiếp. Sau đó 1 tháng, tức ngày 10/8/1971, ông cùng các đồng chí Nguyễn Văn Lương, Xã đội phó; đồng chí Trần Chí Thanh kết hợp với lực lượng Ðoàn 962 phục kích tại vàm Cả Bát, xã Tân Duyệt, dùng súng B40, bệ B40-B50 đánh hư 5 tàu sắt (trong đoàn tàu 8 chiếc của địch) đang chở lính Sư đoàn 21 từ Bàu Sen về Cà Mau, diệt và làm bị thương nhiều tên địch. Kế đến, ngày 20/8 năm đó, ông Tư Việt cùng lực lượng du kích xã tiếp tục lập công, chặn đánh và tiêu diệt 4 tên địch của Tiểu đoàn bảo an Cà Mau, giải cứu thành công 2 cán bộ và vợ đồng chí Thành Công (cán bộ trung đoàn của Quân khu) khi chúng áp giải cán bộ của ta về Cà Mau, ngang đồn Bàu Sen. Trong trận đánh này, ông Tư Việt bị thương nặng ở đùi, vết thương nhiễm trùng buộc phải cưa chân. “Nhớ lúc đó thiết bị y tế rất hạn chế, cưa chân bằng lưỡi cưa sắt, sát trùng bằng nước muối, gây tê chứ không có thuốc mê…, đau chết đi sống lại chứ không vừa. Mãi đến hơn 5 tháng sau vết thương mới lành”, ông Tư Việt nhớ lại.
Vết thương vừa lành, ông Việt thấy con em ở địa phương cần con chữ, ông nghĩ đến việc cất ngôi trường học nho nhỏ để dạy chữ cho con em, khi ấy ông đã học được lớp 6. Rồi ông Tư Việt đốn cây, chặt lá dừa nước, cất nhà nhỏ, đóng bàn ghế, làm phòng học và đứng lớp dạy chữ cho con em ở xóm, ấp. Ông Tư Việt hồi nhớ: "Khi ấy tôi vận động và dạy chữ miễn phí cho khoảng 30 con em ở địa phương, thấy vậy Nhà báo Võ An Khánh và ông Dương Việt Thắng tìm gặp tôi phỏng vấn viết bài, rồi tặng tôi 2 câu thơ: “Một chân anh bỏ chiến trường. Một chân anh đứng dạy trường Bàu Sen”, câu thơ ấy làm động lực cho tôi rất nhiều".
Thương binh sống đẹp thời bình
Ðường dẫn vào nhà ông Tư Việt được phủ bóng mát bởi xoài, mận, giàn chanh dây trĩu quả, xung quanh có ao nuôi cá, ba ba… Ông dẫn chúng tôi vào căn phòng khách trang trọng, nơi ấy có bàn thờ Liệt sĩ Nguyễn Văn Châu (cha ông Tư Việt). Cạnh bên là bàn thờ với ảnh Bác Hồ; xung quanh trưng bày hàng trăm bức ảnh, sách tư liệu quý gắn với cuộc đời và sự nghiệp của ông Tư và gia đình: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng bà Nguyễn Thị Hai (mẹ ông Tư Việt) đã góp công, góp sức vào cuộc kháng chiến chống Mỹ; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì (của ông Tư); Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba (của bà Lan, vợ ông Tư), hình ảnh tham dự tại các đợt tuyên dương ông chụp chung với lãnh đạo cấp Trung ương, cấp tỉnh qua các thời kỳ; chứng nhận giải Ba Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Cà Mau…, đó là những ký ức đầy tự hào, sáng đẹp trong lòng ông Tư Việt và cũng là niềm tự hào của gia đình, con cháu.
Từ vuông tôm, hoa màu, cây ăn trái và nuôi cá, ba ba, cua đinh… hàng năm ông Tư Việt thu về từ 200-300 triệu đồng. |
Ngày hoà bình, thống nhất đất nước, với vết thương khá nặng ở chân, ông Tư Việt trở thành thương binh hạng 2/4. Dù sức khoẻ hạn chế nhưng với quan niệm sống “Còn hơi thở là còn cống hiến”, ông Tư tiếp tục công tác, nhận nhiệm vụ Phó viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Ðầm Dơi. Hết giờ làm việc, ông trở về nhà vào vai một nông dân thực thụ, hăng hái trên mặt trận lao động, sản xuất. Nhờ đó, từ cuộc sống kinh tế ban đầu hết sức khó khăn, gia đình ông sớm vươn lên thành hộ khá, giàu ở địa phương.
Năm 1995, ông Tư Việt nghỉ hưu theo chế độ, ông mua 10 ha vuông ở xã Nguyễn Huân và về đây cải tạo, phát triển kinh tế. Ðất nhiễm mặn, khó có thể trồng cây ăn trái, ông Tư Việt khoanh diện tích riêng để lập vườn, giữ ngọt trồng cây ăn trái và nuôi cá nước ngọt. Chỉ 3 năm sau, vườn nhà ông Tư sum suê cây ăn trái, cá nước ngọt có quanh năm. Ðặc biệt, năm 2014 ông Tư Việt cùng con trai Nguyễn Trung Kiên, được nhiều người biết đến với ý tưởng sáng tạo nuôi cua ốp lên cua gạch, cua mềm lên cua chắc đạt giải Ba Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Cà Mau.
Thấy ông Tư Việt rất nhiệt tình, hăng hái tham gia mọi phong trào địa phương phát động, lại có nhiều sáng kiến hay trong quá trình lao động, sản xuất, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ hộ nghèo vươn lên, từ đó bà con, đồng chí rất tin yêu và liên tục tín nhiệm bầu ông Tư giữ vai trò Trưởng ấp, Bí thư Chi bộ ấp Hải An, đến nay là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Nguyễn Huân.
Khoảng thời gian này, ông Tư đã làm rất nhiều việc có lợi cho dân. Ðiển hình là việc ông bỏ tiền túi trên 100 triệu đồng xây dựng cây cầu bê-tông bắc qua kênh xáng gần nhà, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng trăm hộ dân, học sinh đi lại thuận tiện; hùn 50 triệu đồng cùng với số tiền vận động trong dân xây con lộ bê-tông nối từ ấp đến trung tâm xã; 50 triệu đồng xây dựng, sửa chữa trụ sở sinh hoạt văn hoá ấp; hỗ trợ xây dựng 2 căn nhà đồng đội, 1 căn nhà đại đoàn kết cho hộ dân trên địa bàn xã, trị giá trên 100 triệu đồng. Cũng xuất phát từ nghĩa cử cao đẹp, có rất nhiều hộ dân trên địa bàn ấp mang ơn ông Tư Việt. Ví như việc cho anh Trịnh Văn Ðường (gọi ông Tư Việt bằng cậu, thuộc diện hộ nghèo) 3 ha đất nuôi tôm; bán 3 ha đất nuôi tôm cho vợ chồng anh Kiều Minh Phụng, chị Võ Ngọc Lan theo hình thức đến khi nào có tiền thì trả. Nhờ đó, từ hộ nghèo không đất sản xuất, đến nay vợ chồng anh Phụng, chị Lan mua thêm 10 ha đất sản xuất, cất nhà khang trang, trở thành hộ khá, giàu ở địa phương.
Với ông Tư Việt, thấy ai nghèo, ai khổ là ông sẵn sàng giúp đỡ. Ông cho anh Nguyễn Văn Lầu cái máy D22 để làm máy khoan đất, khoan vuông mướn, có nghề, có thu nhập; cho anh Tài cái máy làm phương tiện mua bán nước đá. Ông còn giúp đỡ trên 10 hộ nghèo khác với số tiền từ 2-5 triệu đồng mua cây, con giống sản xuất…
Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp Hải An Nguyễn Văn Ðương cho biết: "Công của anh Tư Việt cho ấp này rất lớn. Nhờ sự góp sức của anh, ấp nghèo thành ấp khá, giàu; những hộ nghèo trong ấp mang ơn anh không kể xiết. Dù kinh tế khá, bỏ tiền túi hàng trăm triệu giúp dân, làm các công trình xã hội, nhưng hàng ngày mọi người vẫn nhìn thấy hình ảnh anh Tư Việt chở từng bó rau, bọc chanh, con cá ra chợ bán… Tích góp từ số tiền nhỏ nhưng anh Tư đã làm được nhiều việc lớn giúp ích cho gia đình và xã hội”.
Ðặc biệt, trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, với vai trò Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã, ông vận động trên 80 triệu đồng, giúp vốn cho 10 hộ nghèo sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Có thể nói, dù quá khứ hay hiện tại, ông Tư Việt vẫn giữ hình ảnh đẹp trong mắt mọi người, vẫn giữ sức sống mãnh liệt, gieo tình thương khắp nơi, vẫn yêu đời và không ngừng hành động vì mọi người…
Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, những vết thương để lại từ hậu quả của chiến tranh, cụ thể là chất độc da cam/Dioxin vẫn âm thầm theo ông Gấm, anh Phong và ông Tư Việt đến hết cuộc đời, song tất cả họ đều chiến thắng. Thời chiến họ chiến thắng quân thù, đến thời bình họ tiếp tục chiến thắng số phận, chiến thắng đói nghèo. Không những thế, họ còn giúp đời, giúp người, vươn lên trở thành những tấm gương tiêu biểu giữa đời thường. Họ xứng đáng là những "anh hùng da cam"./.
Loan Phương