ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 7-7-25 03:24:49
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Những ánh than hồng

Báo Cà Mau (CMO) Mặt trời đã cao hẳn ngọn tre, tạm cấy tràm thuê xong phần đất của ngày hôm nay, vợ chồng chị Thưởng mới về đến nhà. Bữa cơm trưa vội vã, đơn sơ, với các món cây nhà lá vườn được dọn lên nhanh chóng để kịp no lòng đôi vợ chồng trẻ và hai đứa con thơ. Lùa vội miếng cơm, chị Thưởng lại hối hả ra chòi, canh lửa, chăm coi mấy mẻ than. Đã quen với công việc này không biết bao nhiêu năm, vậy mà, khói lửa, bụi nghi ngút cũng làm mắt người phụ nữ dạn dày sương gió này cay xè.

Mẻ than… ấm lòng

Nói về tay nghề hầm than và câu chuyện đổi đời từ những mẻ than nóng hổi ở xứ rừng Ấp 4 (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời) này, dân trong nghề đều bảo chị Thưởng là số 1. Thật ra, chị Thưởng là thế hệ sau nối nghề hầm than từ những người đi trước, nhưng chị được cho là giỏi nhất, bởi tấm gương chịu thương chịu khó và nhất là “có gan”.

Phải trải qua 3 ngày, 2 đêm, một mẻ than mới được ra lò.
Các con của chị Ngô Kim Thưởng đều được cắp sách đến trường.

Nhắc lại chuyện này, lục lại ký ức trong hành trình mưu sinh nơi vùng đất khó, chị Thưởng bảo đấy là một kỷ niệm vui và cũng là niềm tự hào của chị. Chị kể, thời điểm mấy năm về trước, là diện hộ nghèo của ấp, vợ chồng chị được xét hỗ trợ vay vốn chăn nuôi của Ngân hàng Chính sách chục triệu đồng. Vay nhưng về chẳng nuôi con heo, gà hay vịt nào cả. Lý do là vì suy đi tính lại, chị thấy chăn nuôi đối mặt quá nhiều rủi ro, nào là dịch bệnh, nào là giá cả, chưa kể đến chuyện chăn nuôi thường được xem là lời lãi không nhiều. Cái thời ta hay nói “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo” đã qua rồi. Đang có cơ sở hầm than và có mối lái tiêu thụ ổn định, chị bàn bạc với chồng sẽ sử dụng đồng vốn này để xây thêm lò than nữa, còn bao nhiêu thì để làm vốn liếng mua cây. Bà con chòm xóm thấy vậy, ai cũng bảo chị liều. Chị không lưỡng lự, đã quyết là làm, thế là lò hầm than thứ hai được mọc lên, tạo đà phất lên cho nghề hầm than của gia đình chị. Sản lượng làm ra nhiều hơn trước, thu nhập cao hơn, vậy là chị có điều kiện vừa mở rộng làm nghề vừa trả được vốn vay.

Chị Thưởng không phải là dân gốc xứ này. Quê chị ở tận vùng đất mặn Phong Điền, thuở đôi mươi, cô gái Ngô Kim Thưởng theo chồng và gắn bó với vùng đất phèn này cho đến nay. Nhớ về những ngày tháng chân ướt chân ráo về xứ chồng sinh sống, chị Thưởng tâm tình, nhiều lúc nhớ lại giật mình, không biết sao mình vượt qua được thời khổ ơi là khổ đó. Đất ruộng toàn là phèn, trồng lúa chẳng đủ gạo ăn, nhiều đêm ngủ không được ngon giấc, cứ trằn trọc, lo âu. Cuộc sống vậy sao khá lên nổi, rồi chuyện con cái học hành sau này liệu có được chu toàn. Chị không muốn con mình phải thất học vì nghèo. Nếu xa xứ làm ăn thì cũng không chu toàn việc chăm sóc con cái, muốn bám trụ ở quê trong tay phải có cái nghề nào đó. Ngó qua ngó lại, chị thấy chẳng nghề nào hợp bằng nghề hầm than của cha mẹ chồng chị thuở trước. Vậy là, vợ chồng chị bất đắc dĩ trở thành đứa con duy nhất trong hơn chục anh em nối nghiệp gia đình.

Muốn ra được những mẻ than đẹp, nguyên, người làm nghề phải đổ không biết bao nhiêu công sức, mồ hôi và cả những đêm thức trắng canh lửa. Cái nghề khổ cực muôn phần. Nhiều lúc nhìn vợ mà xót thương, cô gái xinh đẹp năm xưa đã không còn, khi ngày nào cũng hứng khói, hứng bụi, tần tảo từ sáng đến tối muộn, anh Phan Minh Thơ - chồng chị Thưởng, khuyên bỏ nghề, kiếm việc khác làm. Nghe thế, chị Thưởng lại lắc đầu, nhỏ nhẹ động viên chồng: “Nghề này tuy cực, tuy khổ nhưng được cái bền”.

Nhờ những mẻ than và bươn chải đủ thứ nghề ở xứ rừng như trồng tràm thuê, dọn củi thuê mà vợ chồng chị Thưởng cất được căn nhà, có vốn làm ăn, mở được tiệm bán nước, bán đồ lặt vặt nho nhỏ và thoát được nghèo vào cuối năm 2018.

Nghe chúng tôi tìm hiểu về nghề hầm than, ông Phan Thanh Hùng (cha anh Thơ) góp thêm câu chuyện. Nghe chủ trương giao khoán đất rừng, trước khi những ngọn lửa đốt cháy mấy cánh rừng, vợ chồng ông đã dắt dìu mấy đứa con rời vùng đất Phú Tân về Ấp 4 sinh sống. Cháy rừng, cháy luôn bao kế mưu sinh. Rừng không trồng được, lúa cũng không, thấy nhiều người trong xóm gom cây rừng sót lại về hầm than, vợ chồng ông cũng làm theo, rồi bắt đầu sinh nhai bằng nghề này.

Ông Hùng chia sẻ: “Hồi đó đâu có lò hầm than như vợ chồng con Thưởng bây giờ. Hầm ở ngoài bằng trấu vậy thôi. Khói bụi dữ lắm, cũng không có ai đặt, tới nhà mua như giờ đâu. Than hầm xong phải chở dọc theo kênh So Le bán, có khi ngay chuyến ghe nhà chở chuối ra Cà Mau thì chở thêm than bán luôn”.

Cũng là dân xứ khác về đây sinh sống trước cơn cháy rừng và là thế hệ đi trước trong nghề hầm than, bà Nguyễn Kim Hạnh nay đã 75 tuổi, vui cười nói: “Tôi mới nghỉ hầm than 2, 3 năm nay thôi. Lúc mới về đây sống, khổ lắm. Rừng cháy, 5 năm trồng lúa chưa có gạo ăn. Để sống, để nuôi con, tôi hầm than bán. Thời xưa, bao than có mấy ngàn chớ nhiêu. Cũng nhờ nghề này mà có được gạo ăn, nuôi được mấy đứa con. Sau này, các con lớn lên, làm nghề này nghề khác, cuộc sống đỡ hơn trước. Mừng là trong số các con, vợ chồng đứa thứ 3 nối nghề, mình thấy nó làm, lâu lâu qua nhìn lò than, nhìn những mẻ than chín cũng đỡ nhớ nghề”.

Đang cất lại căn nhà mới, chị Phan Thị Tiết, cho biết: “Hổm nay, bận bịu cất nhà cất cửa nên tạm ngưng hầm than”. Thật bất ngờ và thật mừng khi được biết, nhờ những đồng tiền lẻ từ nghề hầm than mà vợ chồng chị có mớ vốn góp thêm với số tiền được hỗ trợ từ căn nhà 33 để ngôi nhà mới khang trang hơn và sẽ thoát khỏi danh sách hộ nghèo của ấp.

Hỏi chị nghĩ sao về nghề này? Chị bảo, nghề hầm than có cực, có vui. Cực vì phải vào rừng gom củi, chở về, lột vỏ, phơi khô, hầm mấy đêm mới ra được mẻ than. Tối ngày chang chang ngoài nắng. Không chịu nổi vất vả thì không thể đeo được với nghề, nhưng đổi lại cũng nhiều cái vui. Vui vì có đồng tiền đều đều, vô hụi, rồi có tiền dành dụm, giàu không giàu nhưng qua khỏi cơn túng quẫn, có tiền cho con đến trường và làm gì cũng có vợ có chồng.

Gian nan, chăm sóc hai đứa con, thân hình chị ngày càng mảnh khảnh. Thấy vậy nhưng cũng như nhiều chị em xứ này, chị Tiết không kém giỏi giang. Hầm than, trồng tràm mướn, róc củi mướn. Cất nhà thì chồng xây, vợ trộn hồ để tiết kiệm đồng nào đỡ đồng đó. Tết năm nay sẽ là cái tết vui quá chừng khi ngôi nhà mới hoàn thành, mở ra nhiều hy vọng. Vợ chồng chị rồi sẽ tiếp tục chăm lo làm ăn, những lò than sẽ bừng lửa để ra những mẻ than mới.

Nhặt chữ cho con

24 năm về quê chồng sinh sống, chị Nguyễn Kim Thuý đã gắn bó với công việc hầm than cả nửa thời gian. Có đất rừng, đất ruộng nhưng nghề hầm than là điều gì đó không thể thiếu như hơi thở trong cuộc sống hàng ngày của chị. Cũng nhờ những mẻ than nối nghiệp từ mẹ chồng mà gia đình chị có đồng ra đồng vô lo toan cuộc sống, con cái được cắp sách đến trường. Những năm nay, giá than cao hơn nhiều so với trước, 80 ngàn đồng/bao và giữ giá ổn định 2 năm nay tiếp thêm động lực để chị bám nghề.

Chị Thuý tâm sự, cuộc đời chị hối tiếc nhất là đứa con gái lớn dang dở học hành, chỉ mới học xong lớp 8. Không phải vì nghèo mà buộc con thôi học. Mười mấy năm trước đâu có được con lộ 2,5 m thông thoáng như bây giờ. Lộ làng không có, đường đến trường vất vả quá, không bám nổi, thế là con gái lớn bỏ trường, bỏ lớp. Giờ, việc học hành đã vơi bớt, có lộ có làng, đường đến trường tiện lợi hơn nhiều, vợ chồng chị quyết tâm cho các con học hành đến nơi đến chốn. Sau này, đến tuổi trưởng thành, các con muốn theo học chữ tiếp hay học nghề nào, vợ chồng chị sẽ lo đến cùng.

“Mừng là đứa con gái kế đang học lớp 11, Trường THPT Võ Thị Hồng mê học lắm, học khá, giỏi nữa. Cháu thích ngành công an, gia đình sẽ lo cho cháu học như mơ ước nếu đậu. Còn đứa con trai út cũng học lớp 5 rồi”, chị Thuý cho biết.

Cũng gắn bó với nghề hầm than, giờ có điều kiện vợ chồng chị Nguyễn Kim Cương đã chuyển sang nghề khác. Chị Cương tâm sự: “Bà con xứ rừng này cơ cực lắm. Ấp 4 là ấp khó khăn. Đâu có công ty gì, ở đây, chị em muốn có thêm đồng tiền thì đi làm thuê làm mướn hay hầm than bán. Nhưng chuyện lo cho con học hành thì không kém ai đâu”.

Những ngọn lửa cứ bập bùng cháy, những mẻ than mới cứ ra lò, đem đến cho đời những nguyên liệu tốt phục vụ cuộc sống. Và đem đến cho những người làm nghề, yêu nghề như chị Thưởng, chị Tiết, chị Thuý… những đồng tiền mướt mồ hôi, ấm lòng, để hành trình chinh phục tri thức của những trẻ thơ nơi đây không dang dở./.

Ngọc Minh

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc - Bài cuối: Dệt nghĩa tình nơi vùng biên

Thắt chặt tình quân - dân, Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở các địa bàn biên giới biển, đảo, thường xuyên thực hiện các hoạt động nghĩa tình, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con. Ðiều này góp phần củng cố sức mạnh đại đoàn kết, tạo nên thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc - Bài 2: Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng

Là lực lượng chủ công trên mặt trận phòng chống các loại tội phạm trên biển, Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau ngày đêm tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi xâm phạm chủ quyền, vi phạm pháp luật. Những chiến công liên tiếp trong việc triệt phá các chuyên án, bắt giữ tội phạm đã góp phần giữ vững an ninh trật tự, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế biển.

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc

Năm 2025 là năm đặc biệt đối với Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau khi đánh dấu 50 năm xây dựng, chiến đấu và không ngừng lớn mạnh, trở thành “lá chắn thép” nơi cực Nam Tổ quốc, đảm bảo sự bình yên và vững chắc cho vùng biển, đảo quê hương. Cán bộ, chiến sĩ BÐBP còn là những người bạn, người thân của Nhân dân, cùng chung tay xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Bộ đội Cụ Hồ.

Lớn lên từ những chuyến đi

Trong suốt chặng đường theo nghề báo hơn 25 năm, có những lúc áp lực, tưởng chừng sẽ phải dừng lại. Song, khi nhìn lại, tôi thầm cảm ơn và tự hào với những gì mà nghề đã mang lại cho tôi, đó là những chuyến đi, khám phá những vùng đất mới, xa xôi, đặc biệt là những chuyến đi biển, đảo. Chính những hành trình ấy đã tiếp thêm sức mạnh, tình yêu quê hương, đất nước, bùng thêm ngọn lửa nghề trong tim tôi.

Khi ý Ðảng gặp sức dân - Bài cuối: Nâng cao hiệu quả quản trị cộng đồng

Bức tranh toàn cảnh về sự hình thành và những thành công bước đầu của mô hình tổ Nhân dân tự quản (NDTQ) tại Cà Mau, cho thấy một thiết chế đầy tiềm năng trong việc kết nối ý Ðảng với sức mạnh cộng đồng. Tuy nhiên, hành trình xây dựng và phát triển mô hình này không tránh khỏi những “gập ghềnh”, những “nút thắt” cần được tháo gỡ.

Viết báo tết trong chiến khu

Buổi sáng cuối đông năm 1973, bầu trời se lạnh. Chúng tôi ngồi viết báo Tết trong khu vườn dừa của chú Sáu Lân ở ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.

Khi phóng viên địa bàn đồng hành cùng địa phương

Từ thời Báo Minh Hải, phóng viên đã được Toà soạn phân công phụ trách địa bàn để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với cơ sở, với bà con, nắm bắt thật sát tình hình địa phương, thực hiện các tin, bài nóng hổi tính thời sự, góp phần và đồng hành cùng với sự ổn định, phát triển của địa bàn phụ trách.

Khi ý Ðảng gặp sức dân

Trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân, vì dân”, ở Cà Mau, một mô hình tổ chức xã hội đặc biệt đang âm thầm bén rễ và lan toả sức sống: Tổ Nhân dân tự quản (NDTQ). Thoạt nghe, cụm từ này có vẻ khô khan, mang nặng tính hành chính, nhưng khi đặt chân đến những xóm, ấp nơi mô hình này đang hoạt động, người ta mới cảm nhận được hơi thở của sự tự nguyện, tinh thần đoàn kết và khát vọng làm chủ cuộc sống cộng đồng. Ðây không chỉ là hình thức tập hợp người dân theo địa bàn cư trú, mà sâu xa hơn, nó đang dần khẳng định vai trò như một cầu nối sống động, nơi ý Ðảng được truyền tải một cách gần gũi nhất, hoà quyện với nhu cầu và sức mạnh nội tại của Nhân dân.

Với nghề, tôi thấy mình như vừa chập chững tập đi...

Tôi bắt đầu công việc viết lách từ rất sớm, như các bạn tuổi mới lớn khác, tập tành sáng tác thơ và tản văn. Ở những năm học cấp III, tôi chi tiêu cho mua dụng cụ học tập, hàng quà hay những thứ lặt vặt khác, từ chính nguồn nhuận bút viết lách.

Thức cùng sóng biển

Hầu như năm nào cũng vậy, khi những làn gió chướng đầu tiên lao xao trên cành lá là cái rạo rực về những bài báo xuân cứ thôi thúc trong mỗi chúng tôi.