(CMO) Mỗi năm, đến ngày truyền thống Báo chí cách mạng Việt Nam, tôi lại gặp gỡ, lắng nghe tâm tình của các nhà báo cao niên - những người chúng tôi luôn xem như cây cao bóng cả trong nghề. Trân quý hơn, các nhà báo này vừa cầm bút, cầm máy, vừa cầm súng đồng hành cùng quê hương trong kháng chiến.
Ba nhà báo tôi gặp, tuổi đời đều vượt qua ngưỡng “xưa nay hiếm”, nhưng vẫn thông tuệ và trăn trở với nghề.
Nhà báo Phạm Văn Tri, cư ngụ tại Phường 8, TP Cà Mau. Mọi người nhắc nhớ và quen gọi anh (chú) Bảy Minh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Cà Mau. Năm nay, Nhà báo Phạm Văn Tri đã hơn 80 tuổi. Thời trai trẻ, ông gắn bó với ngành giáo dục tại quê hương (huyện Cái Nước), sau đó trở thành nhà báo. Ký ức về thời chiến vẫn in đậm trong ông qua nhiều trang viết. “Nhớ nhiều lắm, những lần vượt sông, băng rừng, chúng tôi đã đồng cam cộng khổ với du kích, với bộ đội và Nhân dân chiến đấu chống kẻ địch. Cuộc sống vẹn nghĩa, trọn tình thời chiến đã giúp tôi tích luỹ nhiều vốn sống để trải lòng qua bao bài báo, cũng như làm cán bộ quản lý sau này”, ông Bảy Minh tâm sự.
Bút ký “Mùa gió chướng trở ngọn” và tập thơ “Quê hương - Con đường ban mai” là hai đứa con tinh thần lưu giữ nhiều kỷ niệm thời kháng chiến, cũng như món quà tri ân cuộc sống, tri ân quê hương, đồng nghiệp và độc giả của ông.
Từ trái sang: Nhà báo Phạm Văn Tri, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Cà Mau; Nhà báo Trương Thanh Nhã, nguyên Tổng Biên tập Báo Kiên Giang; Nhà báo Ngô Thanh Phong, nguyên Tổng Biên tập Báo An Giang cùng xem lại những tờ báo Cà Mau Giải phóng được xuất bản cách đây gần 50 năm, nhân dịp họp mặt nguyên Tổng Biên tập các báo ÐBSCL năm 2022. Ảnh: MINH TẤN
Nhà báo Phạm Văn Tri rời nhiệm sở đã lâu, nhưng vẫn còn “nghiện” đọc báo, nghe đài. Vì vậy, mọi thông tin thời sự trong tỉnh, trong nước và cả quốc tế, ông nắm sát sao.
Nhiều độc giả đã hơn một lần đọc những bài viết, những câu chuyện của tác giả Nguyễn Minh hoặc Minh Nguyễn. Ðó là bút danh của Nhà báo Nguyễn Minh Nối, hiện cư trú tại thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước. Sinh ra trên quê hương xứ dừa (Bến Tre), nhưng công tác, gắn bó với Cà Mau nhiều năm, nên Nhà báo Nguyễn Minh viết nhiều bài về Cà Mau; sau đó gom góp, chỉnh sửa in thành sách. Trong số ba cuốn sách đã xuất bản, ông ưng ý đứa con tinh thần mang tên “Quê hương những ngày chiến tranh”, phản ánh, ghi chép, lược thuật đất và người Cà Mau trong thời chiến. Với 30 bài viết, cuốn sách tái hiện những dòng kênh, bến đò và người Cà Mau đôn hậu, nồng nàn yêu nước, quyết giữ từng tấc đất quê hương.
Năm nay, Nhà Báo Nguyễn Minh Nối đã vào tuổi 73, cơ thể mang bệnh hiểm nghèo, vậy mà ngày ngày vẫn miệt mài viết lách. Thành quả lao động của ông đáng trân trọng, đã xuất bản ba đầu sách, mỗi đầu tròm trèm 30 bài viết, trong đó, phần lớn là những ghi chép, bút ký về một thời đã qua. Chỉ đọc tên những đầu sách “Nhớ”, “Làng tôi những năm tháng cũ”, "Thương nhớ một người thầy” cũng cảm nhận tâm hồn ông luôn hoài niệm, trân quý những tháng ngày đã qua. Một đồng nghiệp đã viết rằng, ông là “nhà báo sống bằng ký ức”. Trò chuyện về công việc đang và sẽ thực hiện, ông bộc bạch: “Tôi chỉ mong mình đủ sức khoẻ để hoàn thành hai cuốn sách và một tập thơ”.
Ảnh: HỒ TRÚC ÐIỆP
Tại Khóm 3, Phường 5, TP Cà Mau, Nhà báo Nguyễn Hữu Hiệp mừng đón tôi như người thân lâu ngày gặp lại. Với bút danh Nguyễn Hiệp, hơn nửa cuộc đời gắn bó với nghề, ông đã thực hiện nhiều bài viết làm lay động trái tim độc giả. Năm nay, Nhà báo Nguyễn Hiệp đã vào tuổi 86. Tuy sức khoẻ giảm sút nhiều, nhưng ông vẫn còn minh mẫn. Sinh ra bên bờ Sông Trẹm (Thới Bình), Nhà báo Nguyễn Hiệp mồ côi cha mẹ từ thuở thơ dại. Tuổi chưa tròn trăng, ông hoạt động giao liên, sau đó đi kháng chiến. Tuổi đôi mươi, Nhà báo Nguyễn Hiệp đã tham gia viết báo và cơ quan đầu tiên là báo U Minh Anh dũng (thuộc Tỉnh đội Cà Mau); tiếp đó là báo Cà Mau. Từ khi nghỉ hưu (năm 1984) đến nay, Nhà báo Nguyễn Hiệp tích cực cộng tác cho các báo: Cà Mau, Quân đội Nhân dân và Cựu chiến binh Việt Nam.
Những năm tháng đó, sản phẩm báo chí của Nhà báo Nguyễn Hiệp có rất nhiều ảnh. Trong “kho” ký ức về săn ảnh, Nhà báo Nguyễn Hiệp tự hào: “Năm 1982, tôi về Bãi Cạn (Mũi Cà Mau), tình cờ “chộp” được một loạt ảnh về hội cá đường - sản vật giờ dường như tuyệt chủng ở vùng biển Cà Mau". Tay cầm những tấm ảnh đen trắng, ghi lại hình ảnh giăng lưới bắt cá đường trên bãi, phơi bong bóng cá đường trước sân nhà, ánh mắt Nhà báo Nguyễn Hiệp lóng lánh. Có lẽ những ký ức về nghề đang trỗi dậy trong ông. Ngoài chụp ảnh, viết bài, Nhà báo Nguyễn Hiệp còn sáng tác nhiều ký hoạ thời chiến về cuộc sống, sinh hoạt của bộ đội, Nhân dân và quân y trong các bưng biền. Trọng bệnh nhiều năm, nhưng Nhà báo Nguyễn Hiệp vẫn kiên trì viết báo. Duy từ tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đến nay, ông gác bút lo tịnh dưỡng sức khoẻ.
Nhà báo Nguyễn Hiệp bên "gia tài" được nâng niu, gìn giữ qua nhiều năm tháng. Ảnh: TRẦM NGHĨ
Bên cạnh những thước phim, cuốn sách và tập ký hoạ thời chiến đã xuất bản, gia tài được Nhà báo Nguyễn Hiệp nâng niu, gìn giữ như báu vật là những huy chương, kỷ niệm chương và bằng khen của ngành và các cơ quan trao tặng. Trong đó, Huy chương “Nhà báo Kháng chiến ưu tú”, do Hội Nhà báo Việt Nam tặng, được ông đặt ở vị trí trang trọng trong nhà.
Chia tay ba nhà báo cao niên, tôi thầm mong các ông luôn khoẻ mạnh, yên an để mỗi năm đến ngày “Tổ nghiệp”, chúng tôi còn cơ hội gặp gỡ. Tạm biệt các nhà báo, tôi còn mang theo những ký thác, kỳ vọng mà các ông gửi gắm: Giai đoạn nào Cà Mau cũng có những nam, nữ nhà báo giỏi và yêu nghề. Hiện tại số nhà báo cao niên nghỉ hưu khá đông, mọi người đều mong muốn Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tổ chức họp mặt, để anh chị em có dịp gặp gỡ, hàn huyên./.
Quỳnh Mai