Thời gian qua, phong trào học tập, làm theo Bác lan toả mạnh mẽ trên địa bàn huyện Đầm Dơi. Qua đó xuất hiện nhiều tấm gương điển hình với những việc làm đáng trân trọng.
Thời gian qua, phong trào học tập, làm theo Bác lan toả mạnh mẽ trên địa bàn huyện Đầm Dơi. Qua đó xuất hiện nhiều tấm gương điển hình với những việc làm đáng trân trọng.
Trong gia đình, ông Hà Quốc Sử, Trưởng Ban Nhân dân ấp Hiệp Hoà, xã Ngọc Chánh, là trụ cột lo chuyện kinh tế. Trong công việc, ông luôn gần gũi, lắng nghe tâm tư, tình cảm và kịp thời giải quyết những bức xúc của Nhân dân. Hằng ngày, nhìn bà con bên này sông, các em học sinh trong ấp đi lại khó khăn, lệ thuộc vào con nước ròng, những sản phẩm của nông dân làm ra bị ép giá do giao thương không thuận lợi, ông nghe xót xa. “Mình quyết tâm vận động người nhà, bà con trong xóm bắc cây cầu qua sông”, ông Hà Quốc Sử phân trần.
Một trong những chiếc cầu được xây bởi sự gương mẫu đóng góp của đảng viên. |
“Nhà tôi ở bên sông, có lộ rồi, khi được địa phương vận động, tôi cũng động viên con cháu giúp thêm. Bản thân tôi cũng đóng góp 5 triệu đồng để xây dựng cây cầu cho cô bác, học sinh đi lại dễ dàng, thuận tiện”, ông Tô Văn Chắt, người dân ấp Hiệp Hoà, chia sẻ.
Qua 2 tháng thi công, cây cầu bằng bê-tông cốt thép dài 32 m, ngang 1 m hoàn thành, vốn đầu tư gần 80 triệu đồng, trong đó Nhân dân đóng góp 20 triệu đồng, 60 triệu đồng còn lại do ông Hà Quốc Sử và gia đình đóng góp. Cầu hoàn thành tạo điều kiện cho 25 hộ dân và 15 em học sinh trong ấp đi lại thuận tiện, dễ dàng, không còn cảnh lội sông mỗi khi con nước ròng.
“Làm được cây cầu, người dân rất mừng, trước để cho con em đi học dễ dàng, sau đó người dân trong ấp thuận lợi trong giao thương”, ông Lê Trung Can, ấp Hiệp Hoà, phấn khởi.
Ở xã Tạ An Khương Đông, ông Bùi Hồng Quân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã cũng là một tấm gương điển hình hết lòng vì dân. Ông vận động gia đình, người thân bỏ tiền ra xây dựng cầu nối liền xóm, ấp để cho các em học sinh và người dân đi lại thuận tiện.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, năm 1980, ông xuất ngũ trở về, tham gia công tác tại địa phương. Trải qua nhiều vai trò, từ Xã đội phó, Bí thư Chi bộ ấp, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được mọi người tin yêu, quý mến. Ông còn là nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền. Với 5,8 ha đất sản xuất, ngoài nuôi tôm, ông còn nuôi cá sấu, cá nước ngọt, mỗi năm cho thu nhập từ 350-400 triệu đồng.
“Học tập và làm theo Bác, bản thân tôi luôn mong muốn góp chút sức mình đối với địa phương. Hằng ngày thấy các cháu học sinh đi học còn khó khăn do không có cầu, tôi vận động gia đình bắc cây cầu qua sông”, ông Bùi Hồng Quân bộc bạch.
Năm 2014, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện đóng góp hơn 3 tỷ đồng xây dựng 14 cây cầu cơ bản trên các tuyến sông, nâng tổng số đến nay, toàn huyện xây dựng được hơn 600 cây cầu giúp người dân đi lại thuận tiện, làm ăn dễ dàng. Những công trình thiết thực đó đã góp sức cùng cộng đồng mang lại niềm vui cho bà con vùng nông thôn sâu. |
Nói là làm, chỉ trong vòng 3 tháng, từ tháng 5-7/2014, cây cầu bê-tông cốt thép nối từ ấp Gành Hào qua ấp Tân Thới đi ra trung tâm xã Tạ An Khương Đông, dài 27 m, ngang 1,5 m, vốn đầu tư hơn 63 triệu đồng, do gia đình ông Quân bỏ tiền xây dựng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trong niềm vui mừng khôn tả của hơn 50 hộ dân các ấp: Gành Hào, Tân Phong, Thầy Ký. Hơn 60 học sinh trong ấp không cần cha mẹ đưa đón nữa mà có thể tự đạp xe đến trường.
Ngoài cây cầu bê-tông ở kinh Chẹt Ráng, ông Quân tiếp tục đổ trụ bê-tông, tận dụng cây bạch đàn xung quanh vườn xả ván bắc thêm cây cầu qua kinh xáng Nông Trường, nối ấp Gành Hào và ấp Tân Phong.
Ông Nguyễn Đông E, Bí thư Chi bộ ấp Gành Hào, xã Tạ An Khương Đông, cho biết: “Việc ông Bùi Hồng Quân bỏ ra gần 100 triệu đồng bắc 2 cây cầu cho người dân đi lại không chỉ tác động đến ý thức của mọi người trong việc chung tay xây dựng nông thôn mới, mà còn thúc đẩy phong trào làm theo Bác ở địa phương”./.
Bài và ảnh: Trần Chiến