Thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất, thời gian qua, nông dân huyện Cái Nước nỗ lực tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác. Họ đã xây dựng thành công nhiều mô hình sản xuất bền vững để phổ biến, nhân rộng tại địa phương.
Thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất, thời gian qua, nông dân huyện Cái Nước nỗ lực tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác. Họ đã xây dựng thành công nhiều mô hình sản xuất bền vững để phổ biến, nhân rộng tại địa phương.
Đa canh làm giàu
Với suy nghĩ “tấc đất tấc vàng”, anh Nguyễn Văn Phận, ấp Vịnh Gốc, xã Hưng Mỹ quyết tâm bắt đất quay vòng quanh năm. Từ hộ có mức sống trung bình, nhờ cần cù, năng động, nhạy bén ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, anh đã vươn lên khá giả.
Nông dân Nguyễn Văn Phận với mô hình trồng rau má sử dụng giàn tưới phun sương. |
Anh Phận cải tạo hơn 3.000 m2 đất vườn tạp quanh nhà trồng rau má có mái che, lắp đặt hệ thống tưới tiêu dạng phun sương do anh tự chế tạo, giúp nhẹ công chăm sóc, cho hiệu quả kinh tế cao. Anh Phận cho biết, rau má rất dễ trồng, trồng 1 lần là cho thu hoạch mãi mãi. Sau khi rau má phát triển, từ 5-7 ngày là bắt đầu thu hoạch. Với diện tích 3.000 m2, ngày nào anh Phận cũng có rau để bán, trung bình thu nhập trên 400.000 đồng.
Anh Phận so sánh, 1 công đất trồng rau má cho hiệu quả kinh tế bằng 5 công vuông nuôi tôm. Nuôi tôm còn có khi trúng khi thất, mấy tháng mới cho thu hoạch, còn rau má cho thu hoạch mỗi ngày. Trên bờ trồng rau má, dưới ao anh Phận nuôi cá chình, cá bống tượng kết hợp trồng bông súng, rau nhút… Những thứ rau đồng tưởng chừng không đáng là bao, nhưng thực chất lại là những thứ mà người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Anh Phận đúc kết kinh nghiệm: “Bây giờ nông dân mình cũng phải học hỏi các kỹ thuật tiên tiến để áp dụng vào sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao hiệu quả sản xuất. Bỏ công sức ra lao động theo kiểu truyền thống sẽ không bao giờ khá được. Phải chọn mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện của gia đình”.
Mô hình trồng rau má sử dụng hệ thống tưới tiêu dạng phun sương của anh Phận là cách làm hiệu quả, nếu được phổ biến, nhân rộng sẽ khắc phục được tình trạng đất hoang vườn tạp, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân, nhất là những hộ ít đất sản xuất.
“Kỹ sư” lúa -tôm
Xuất thân từ nông dân, từ nhỏ đã gắn bó với ruộng đồng, nên khi chuyển từ trồng lúa sang nuôi tôm, điều kiện sản xuất khó khăn, nhưng nông dân Mai Văn Quốc, ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú vẫn duy trì, gắn bó và thực hiện thành công mô hình lúa - tôm kết hợp.
Trước tác động của biến đổi khí hậu, mưa nắng bất thường, nhiều hộ nông dân trong vùng trọng điểm sản xuất lúa - tôm của huyện đã bỏ lúa chạy theo con tôm, nhưng anh Quốc vẫn thực hiện thành công mô hình này và được mệnh danh là “kỹ sư chân đất” ở huyện Cái Nước.
Nông dân Mai Văn Quốc (bìa phải) kiểm tra giống lúa khảo nghiệm. |
15 năm qua, chưa năm nào anh Quốc thất bại vụ lúa. Hơn thế nữa, anh còn thực hiện thành công các giống lúa chịu mặn trên 5%o. Vụ mùa năm 2014-2015, hơn 2 ha đất của anh Mai Văn Quốc được Trường Đại học Cần Thơ, Công ty Giống cây trồng miền Nam và Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Cà Mau chọn làm điểm khảo nghiệm để sản xuất bộ lúa giống chịu mặn phục vụ cho vùng sản xuất lúa - tôm. Theo đó, anh đảm nhận gieo cấy 30 bộ lúa giống có khả năng chịu mặn từ 5-8 %o. Đến cuối tháng 11/2015, toàn bộ diện tích lúa khảo nghiệm do anh thực hiện đã trổ, độ mặn trong vuông nuôi tôm cũng đạt ngưỡng hơn 5%o, cây lúa phát triển tốt. Qua kiểm tra, các đơn vị thực hiện khảo nghiệm đều khẳng định, mức độ thành công rất cao và sẽ thu mua toàn bộ số lúa của anh Quốc với giá lúa giống.
Cùng với việc thực hiện khảo nghiệm bộ giống lúa chịu mặn từ 5-8%o, vụ mùa năm nay, nông dân Mai Văn Quốc còn tiến hành thả nuôi 6.000 con tôm càng xanh trên ruộng lúa, tôm phát triển tốt, đạt trọng lượng khoảng 5 con/kg, thu hoạch vào cuối tháng 12/2015. Anh Mai Văn Quốc nhẩm tính, chỉ cần đạt 50%, vụ tôm càng xanh trong ruộng lúa sẽ cho thu hoạch 600 kg, nhưng chắc chắn năng suất sẽ còn cao hơn nhiều.
Thành công mô hình tôm - lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh mở ra triển vọng mới cho nông dân Cái Nước phát triển kinh tế./.
Bài và ảnh: Kiều Châu