(CMO) Đã gần 10 năm kể từ ngày thành lập, Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật - Mồ côi Cà Mau (còn gọi là Nhân Ái, Khóm 3, phường Tân Xuyên, TP Cà Mau) đã nuôi dưỡng và giúp hàng trăm trẻ em khuyết tật hoà nhập với cộng đồng. Những cống hiến thầm lặng của các cô giáo, các sơ trong mái trường “không tiếng nói này” đã giúp nhiều em thay đổi cuộc đời.
Nếu chỉ nhìn gương mặt sáng ngời của các em thì không thể nào nhận biết được các em đang bị khiếm khuyết về khả năng nghe và nói. Chỉ đến khi các em khó khăn phát ra những âm thanh U, I, A thì mới thấy được công sức của các cô giáo nơi đây bỏ ra nhiều đến mức nào.
Cô Phan Thị Tú Trinh, dạy ở trung tâm gần 10 năm nay, tâm sự: “Mình là người khuyết tật nhưng dù sao thì mình cũng được may mắn hơn các em là nghe được, cảm nhận được, nói được nên thấy các em khuyết tật về khả năng nghe và nói thì thương lắm. Vô đây làm thì phải vừa là cô vừa là mẹ, những việc như vệ sinh cá nhân nếu như các em không làm được thì mình phải giúp. Cực lắm, nhưng những lúc các em làm được bài, các em kêu "Cô ơi", "Em chào cô" là mình vui lắm”.
Các sơ chăm lo từng bữa ăn cho các em. |
Các cô tận tình hướng dẫn các em học tập. |
Được thành lập từ năm 2009, ban đầu trung tâm tiếp nhận 40 trẻ khuyết tật, đến nay số lượng các trẻ khuyết tật, mồ côi đang học tại trung tâm đã lên đến con số 72. Các đối tượng mà trung tâm tiếp nhận là những trẻ em bị câm điếc bẩm sinh, mồ côi cha mẹ, lang thang cơ nhỡ. Đến trung tâm, các em được chăm lo từ miếng ăn, giấc ngủ, được các thầy, các cô quan tâm dạy chữ, nhận biết khẩu hình miệng, ký hiệu giao tiếp với nhau. Để duy trì và phát triển trung tâm gần 10 năm nay là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các cô giáo, các sơ, đặc biệt là của người đứng đầu trung tâm - Linh mục Nguyễn Văn Vinh.
“Là một linh mục, tìm hiểu thêm về những hoàn cảnh ở Cà Mau tôi thấy cần có trung tâm để giúp đỡ các em, vậy là xây dựng Trung tâm Nhân Ái nói lên cái tình người với nhau để giúp đỡ các em tìm lại tiếng nói. Và cũng chính vì lòng yêu thương đó mà các cô, các sơ lấy tình yêu thương, công sức của mình để phục vụ", Linh mục Nguyễn Văn Vinh chia sẻ.
Hơn 160 học sinh được trưởng thành từ mái ấm mang tên Nhân Ái, một số em có thể hoà nhập cộng đồng, một số khác cũng tìm được những công việc làm như điêu khắc, hớt tóc, nghề may để tăng thu nhập kinh tế gia đình. Sơ Vũ Thị Tươi chia sẻ: “Niềm vui của các sơ là các em từ không biết gì đã nói được "Con chào sơ". Những lúc các em bị bệnh thì sơ và cô giáo cùng ở bệnh viện luôn. Phải có cái tâm mới chăm sóc được các em như vậy. Các em ở đây được các cô và các sơ xem như con cháu trong nhà, dạy bằng tất cả sự quan tâm, lòng yêu thương”.
Trao đổi với chúng tôi, em Nguyễn Ngọc Ánh rạng ngời niềm vui, niềm hạnh phúc khi được sống trong mái ấm Nhân Ái này: “Em 11 tuổi, nhà ở Bạc Liêu, học ở đây em rất vui, có nhiều bạn bè, mấy sơ thương em lắm”. Ngọc Ánh chính là một trong những học sinh tiến triển tốt và có thể sẽ được tái hoà nhập với gia đình trong thời gian tới.
Tuy nhiên, những trường hợp như Ngọc Ánh là không nhiều ở Trung tâm Nhân Ái này. Do đa phần các em khi đến đây điều bị điếc sâu và đã hơn 6 tuổi nên khả năng hồi phục trở lại bình thường là không thể. Đối với những trường hợp này, các cô giáo vất vả hơn trong truyền đạt ngôn ngữ đối với các em. Thậm chí có những em có thể sẽ phải gắn bó với trung tâm này suốt đời vì đã không còn người thân nào trên cõi đời. Cô giáo Lê Thị Cam trải lòng: “Tôi đến ngôi trường này làm việc cũng có duyên, chuyên môn của tôi là kế toán, do ở đây ít người nên xuống dạy. Dạy một thời gian thấy rất thích, xem các em như những người em trong gia đình”.
Do là một đơn vị hoạt động trên cơ sở độc lập và tự chủ về kinh tế nên để chăm lo được cuộc sống và đảm bảo việc học hành của 72 em câm điếc là một vấn đề rất khó khăn. Tuy nhiên, bằng cái tâm của người tu hành, bằng tấm lòng của những người lành lặn đối với những cảnh đời khiếm khuyết nên Linh mục Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Trung tâm Nhân Ái tỉnh Cà Mau, luôn cố gắng tìm nguồn hỗ trợ để duy trì hoạt động trung tâm.
“Nhìn các em vui chơi, học hành vui vẻ ở trung tâm chính là động lực lớn cho Ban giám đốc và tập thể trung tâm. Cũng có những lúc trung tâm gặp nhiều khó khăn về kinh phí hoạt động, để đảm bảo cuộc sống sinh hoạt, ăn học của cả trăm con người đâu phải là chuyện dễ. Nhưng chúng tôi được nhiều mạnh thường quân tiếp sức nên khó khăn rồi cũng qua. Tôi hy vọng thời gian tới sẽ được sự hỗ trợ nhiều hơn nữa của mọi người để chung sức lo cho các em", Linh mục Nguyễn Văn Vinh mong mỏi.
Rời Trung tâm Nhân Ái trong một buổi chiều muộn trước những ánh mắt ngơ ngác của các em, trước những cử chỉ múa tay chào mà trong lòng dạt dào cảm xúc. Thì ra, trong ngôi trường “không tiếng nói" này tình yêu thương vẫn đong đầy. Các cô đã thắp lên trong lòng các em những hy vọng, những mong ước rất đỗi bình thường, giản dị - mong ước được gọi hai tiếng "Cô ơi" và mong ước được trò chuyện bằng giọng nói với cha mẹ mình./.
Thanh Huyền