ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 13:21:31
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Những nhà báo trẻ vững tay nghề

Báo Cà Mau (CMO) Những nhà báo trẻ vững tay nghề

NHÀ BÁO NGUYỄN PHÚ, BÁO CÀ MAU: Học hỏi mỗi ngày để tự hoàn thiện

Nhà báo Nguyễn Phú luôn xông xáo, nhiệt huyết với nghề.                               Ảnh: THANH MINH

Vào nghề báo một cách rất tình cờ, thiếu chuyên môn, lại chưa hiểu biết nhiều về nghề, suốt thời gian qua, những đồng nghiệp, anh chị đi trước là những người thầy đã dạy tôi rất nhiều để bản thân có được một chút kết quả nhỏ nhoi như đã qua.

Ra trường với chứng chỉ chuyên môn là Kỹ sư Nông học, tôi mong ước về làm việc trên lĩnh vực nông nghiệp của địa phương, công việc gắn liền với bản thân và gia đình từ nhỏ. Thế nhưng, mọi thứ không như những gì mình dự tính, đang trong thời gian chờ xin việc tình cờ được nhận vào thử việc tại báo Cà Mau. Công việc với tôi lúc ấy vô cùng lạ lẫm. 

Theo chân các đồng nghiệp đi trước, tôi học cách lấy thông tin viết bài, cách khai thác, xử lý số liệu để làm tin, cách chụp ảnh… Tôi không sao quên được cái tin đầu tiên của mình viết được đăng trên báo Cà Mau dưới sự chỉ dẫn của người anh đi trước là Nhà báo Phan Trung Đỉnh: “Cà Mau đầu tư 143 tỷ đồng cho xây dựng cơ bản”. Mặc dù tin chỉ vỏn vẹn khoảng 160 chữ, nhưng là nguồn động viên rất lớn cho tôi, tiếp thêm động lực để bản thân nỗ lực hơn, vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp đi trước.

Mỗi bài, tin được đăng là động lực để tôi tiếp tục phấn đấu và học hỏi ngày càng hoàn thiện, vững nghề hơn; bởi bản thân tôi luôn ý thức mình không được đào tạo bài bản ngay từ đầu là một hạn chế và con đường để bổ sung, khoả lấp những lỗ hổng kiến thức nghề từ lý thuyết cho đến thực tiễn nhanh nhất là từ đồng nghiệp.

Bao nỗ lực rồi cũng được đền đáp xứng đáng dù chưa phải quá lớn, nhưng thời gian qua bản thân cũng gặt hái được một số thành công nhỏ. Cụ thể như từng được nhận bằng khen của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam về thành tích xuất sắc trong nghiệp vụ và xây dựng hội năm 2015; Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền biển, đảo năm 2010; bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác từ năm 2010-2011; Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau tặng giấy khen trong cuộc thi báo chí truyền thống viết về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2012; bằng khen của Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Cà Mau trong cuộc thi giải báo chí “Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn” năm 2014 và 2016.

Bên cạnh đó, bản thân còn chủ động tham gia, đoạt nhiều giải báo chí do Trung ương và tỉnh tổ chức như: vào vòng chung khảo giải báo chí quốc gia năm 2013 với loạt bài “Tìm hướng mở cho rừng tràm”; vào vòng chung khảo giải “Búa liềm vàng” năm 2018 với loạt bài “Sức sống từ nghị quyết”; vào vòng chung khảo giải báo chí viết về đồng bằng sông Cửu Long với tác phẩm “Đồng bằng sông Cửu Long trước thách thức biến đổi khí hậu”. Đối với giải Báo chí Trần Ngọc Hy của tỉnh: giải Nhất các năm: 2010 với tác phẩm “Lạ lùng Tân Phú”, 2011 với tác phẩm “Vì sao nông dân Cà Mau chưa giàu?”, 2013 với tác phẩm “Tìm hướng mở cho rừng tràm”, 2016 với tác phẩm “Quy hoạch sản xuất vùng ngọt trước nguy cơ bị phá vỡ”, năm 2020 đạt giải Nhất với tác phẩm “Khu neo đậu có còn chỗ đậu?” và được Ban Tuyên giáo Trung ương tặng bằng khen tại Hội nghị “Gặp mặt tuyên dương người làm báo tiêu biểu” nhân kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Ngoài ra, còn đoạt trên 5 giải Nhì và khoảng 20 giải Ba, Khuyến khích các cuộc thi báo chí trong và ngoài tỉnh từ năm 2010 cho đến nay.

Những thành công đó là động lực, cũng là lời nhắc nhở thời gian tới bản thân cần nỗ lực nhiều hơn, học hỏi nhiều hơn để hoàn thiện bản thân và gắn bó với nghề lâu dài.

NHÀ BÁO NGUYỄN LÂM NHƯ, ĐÀI PHÁT THANH - TRUYỀN HÌNH CÀ MAU: Gắn bó với nghề từ những chuyến đi

Nhà báo Nguyễn Lâm Như vinh dự nhận giải Nhất giải Báo chí Trần Ngọc Hy năm 2020.                                               Ảnh: HN

Tôi đến với nghề báo có thể gọi là cái duyên, bởi khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành Ngữ văn, tôi đã nghĩ về nghề “bụi phấn bám đầy tay”. Khi được tuyển dụng làm phóng viên phát thanh, tôi gặp không ít khó khăn và bỡ ngỡ, nhưng may mắn được làm việc trong môi trường thân thiện, hoà đồng, cùng sự chỉ dạy tận tình từ lãnh đạo phòng cho đến các anh chị đồng nghiệp đã dìu dắt, hướng dẫn những bước đi đầu tiên. Niềm đam mê được rong ruổi càng vun đắp khi có thể chuyển tải chân thực về đời sống người dân, những mong mỏi, kiến nghị của người dân đến các cấp chính quyền. Qua đó, tuyên truyền, thông tin kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân.

Mỗi công việc đều có những khó khăn riêng, có những chuyến công tác đường xa mắc mưa ướt sũng, bụng đói meo, cứ thấy thương thương, tủi tủi cho chính mình, nhưng đến nơi làm việc, thấy cô chú đợi mình, nói chuyện thân tình, quan tâm hỏi han mà rưng rưng. Chính sự nhiệt tình, chân chất ấy khiến tôi thêm yêu thương và gắn bó với nghề. Và chính những nhân vật tôi tiếp xúc, làm việc cũng dạy cho tôi về tinh thần hăng say lao động, sự tươi trẻ trong tâm hồn khi làm được những việc làm hay, giúp ích cho đời.

 NHÀ BÁO LÂM PHÚ HỮU, BÁO ẢNH ĐẤT MŨI: “Chúng ta cứ đi, rồi sẽ đến”

Không chỉ làm nhiệm vụ phóng viên, Nhà báo Lâm Phú Hữu còn tích cực làm cầu nối cho các chương trình từ thiện xã hội, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.       Ảnh: HN

Hơn 10 năm qua, bản thân tôi đã được sống và trưởng thành với nghề dưới ngôi nhà chung báo ảnh Đất Mũi. 

Trong quá trình công tác, bản thân tôi tích luỹ rằng, những tác phẩm có hiệu ứng xã hội là những tác phẩm hình thành trong quá trình đi sâu, đi sát cơ sở. Đặc biệt, loạt bài “Nữ thủ lĩnh 8X” viết về chân dung những nữ bí thư huyện đoàn 8X của tỉnh Cà Mau đã được Ban Dân vận Trung ương tặng bằng khen và được tuyển chọn vào vòng chung khảo giải báo chí “Dân vận khéo” vào năm 2020.

Tôi còn đoạt giải B, giải báo chí viết về nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức năm 2019. Mới đây là giải Khuyến khích giải Báo chí Trần Ngọc Hy năm 2020. Có một thông điệp tôi muốn gởi đến các bạn đồng nghiệp trẻ hiện nay là: “Chúng ta cứ đi, rồi sẽ đến”. Hãy cứ phát huy sức mạnh, nhiệt huyết của tuổi trẻ, phát huy năng lực của mình, rồi cuối cùng cũng sẽ đến “đích”- đó chính là thành công./.

Hồng Nhung

Vũ Minh Hiển: Sự chắt lọc từ trái tim

Vũ Minh Hiển sinh năm 1981, là nhiếp ảnh gia tự do tại Hà Nội. Mang trong mình niềm đam mê nhiếp ảnh từ thuở thiếu thời, anh quyết định từ bỏ công việc ổn định tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai để theo đuổi tiếng gọi nghệ thuật.

Dịu dàng cảm xúc

Tác giả Nguyễn Thị Thu Cúc sinh năm 1963, công tác tại Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật. Nghỉ hưu năm 2018, chị tham gia nhiếp ảnh, hiện sinh hoạt tại Cung Văn hoá hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội.

Nét đẹp Tây Nguyên

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Hữu Hạt sinh năm 1955, tại Ðắk Lắk. Trước đây kinh doanh, khi đến tuổi được nghỉ ngơi, anh mua máy ảnh chụp lưu niệm trong những chuyến du lịch đó đây.

Xê dịch cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Nguyễn Tuấn Anh sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng, thành viên Câu lạc bộ Ảnh Báo chí Hải Phòng, hội viên Hội Nhiếp ảnh Hải Phòng, hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Hiện anh công tác tại Công ty Cổ phần bia Tây Âu - Hải Phòng.

Cảm nhận cuộc sống tích cực hơn

Quê tỉnh Bình Ðịnh, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bình Ðịnh, nhưng do trước đây từng có thời gian dài công tác tại Ðà Nẵng, vì làm việc xa nên anh chọn nhiếp ảnh như một thú vui giúp khuây khoả nỗi nhớ nhà, giải toả căng thẳng trong công việc cũng như cuộc sống. Anh là NSNA Trần Hưng Ðạo, sinh năm 1988.

“Tình sen”

Vốn có tình yêu mãnh liệt với hoa sen và từ lâu đã ấp ủ dự định chuyên tâm vào các tác phẩm sen nghệ thuật - chủ đề mang đến sự thư thái, bình yên, NSNA Hoàng Bích Vân vừa tổ chức thành công triển lãm cá nhân đầu tay, với chủ đề “Tình sen”.

Bình yên Phố Cổ

Sinh năm 1985, hội viên Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật TP Ðà Nẵng, là nhiếp ảnh gia tự do tại TP Hội An, Cường Art đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế: “Du xuân”, giải Nhất cuộc thi ảnh do Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Ðà Nẵng tổ chức năm 2016; “Tưởng nhớ”, giải Nhất cuộc thi sáng tác ảnh nhanh trong vòng 24 giờ tại Liên hoan Nhiếp ảnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2016. “Ngôn ngữ nghề” là 1 trong 10 tác phẩm đại diện cho Việt Nam tham dự FIAP World Cup lần thứ 33 tại Hàn Quốc năm 2016.

Nắng gió Tây Nguyên

Dấn thân sáng tác ảnh nghệ thuật từ năm 2018, trong quá trình rong ruổi với đam mê, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Dương Hoài An nhận được sự giúp đỡ của các anh chị trong Chi hội Nhiếp ảnh tỉnh Ðắk Lắk và bạn bè nhiếp ảnh mọi miền đất nước. Chủ đề yêu thích của anh là văn hoá, cuộc sống, cảnh đẹp mọi miền, đặc biệt là về vùng đất Tây Nguyên.

Khi sắc màu "dạo chơi"

Tác giả Phạm Thị Quỳnh Nga tốt nghiệp Ðại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh năm 1994. Chị là hoạ sĩ, nhiếp ảnh gia tự do, hiện tại chị gắn bó với công việc thiết kế thời trang công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh.

Quà tặng cuộc sống từ những chuyến đi

Theo nghề ảnh dịch vụ khoảng 20 năm, bước vào đam mê ANT với thể loại ảnh phong cảnh và đời thường từ năm 2016, sáng tác nhiều, nhưng tác giả Ðỗ Trường Vinh cho biết “vẫn chưa có tác phẩm tâm đắc, vì còn quá nhiều khoảnh khắc đẹp cho ngày mai bấm máy”.