Hiện nay, việc sử dụng kết quả tốt nghiệp THPT xét tuyển vào đại học đã không còn là lựa chọn duy nhất. Một số trường đại học tuyển sinh bằng hình thức tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực.
Tại Trường THPT Ðầm Dơi (huyện Ðầm Dơi), nhiều học sinh đăng ký tham gia kỳ thi đánh giá năng lực để vào trường đại học mong muốn. Ðồng hành cùng các em trong việc chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng sắp tới, đội ngũ giáo viên nhà trường luôn theo sát, hỗ trợ học sinh kịp thời.
Năm 2024, sẽ có 9 đơn vị tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh đại học. Trong đó, Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức 2 đợt thi đánh giá năng lực trước kỳ thi tốt nghiệp THPT; Trường Ðại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh tổ chức 3 đợt thi đánh giá năng lực chuyên biệt xét tuyển vào các ngành đào tạo của trường; Trường Ðại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh tổ chức 4 đợt...
Trong thời gian này, học sinh Trường THPT Ðầm Dơi bắt đầu đăng ký với trường và lên kế hoạch cho việc tham gia thi đánh giá năng lực.
Qua rà soát, năm học 2022-2023, số lượng học sinh tham gia thi đánh giá năng lực của Trường THPT Ðầm Dơi là 200 em, chiếm 20%. Năm học 2023-2024, số lượng học sinh đăng ký thi đánh giá năng lực được báo cáo ở mức bằng hoặc thấp hơn năm trước.
Ngoài giờ học trên lớp, những học sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực còn dành thời gian giải đề của các kỳ thi trước. (Ảnh chụp tại Trường THPT Ðầm Dơi).
Ðể tăng cơ hội trúng tuyển, thầy và trò nhà trường nỗ lực từng ngày khi vừa giảng dạy theo chương trình, vừa ôn luyện nhiều dạng đề thi. Bởi, thông thường các trường tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực sẽ không phát hành sách hoặc các tài liệu liên quan.
Thầy Huỳnh Thanh Sang, giáo viên Vật lý, cho biết: “Chúng tôi thường khuyên các em nên ôn luyện và nắm vững nội dung cơ bản các môn, đồng thời cố gắng truyền đạt để học sinh nắm vững kiến thức. Tuy nhiên, kết quả đạt được phần lớn là ở sự cố gắng của bản thân các em".
Mỗi trường đại học sẽ có cách chọn đề thi với nhiều nội dung khác nhau, nhằm đánh giá năng lực các em trước khi tuyển chọn vào trường. Tuy nhiên, nhìn chung đòi hỏi vốn kiến thức rộng và dàn trải, nên ngoài những kiến thức được truyền đạt trên lớp, học sinh phải tự tìm hiểu dựa trên đề của những kỳ thi trước.
Em Mai Tiến Dũng (lớp 12T1) dự định thi đánh giá năng lực vào Trường Ðại học Bách Khoa (Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), chia sẻ: “Kỳ thi đánh giá năng lực đòi hỏi lượng kiến sâu rộng, nên ngoài giờ học trên lớp, em thường xuyên tìm những đề thi trước đó và làm thử. Hiện tại, em khá tự tin cho kỳ thi đánh giá năng lực sắp tới, nhưng cũng không khỏi hồi hộp và lo lắng”.
Dự định thi vào ngành Kinh doanh quốc tế của Trường Ðại học Kinh tế - Luật (Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), em Nguyễn Thuý Nga (lớp 12T1) cho biết: “Em đã chuẩn bị tâm lý cho kỳ thi đánh giá năng lực từ khi quyết định thi vào Trường Ðại học Kinh tế - Luật. Ðây là kỳ thi quan trọng, em đã tham khảo và hỏi ý kiến từ thầy cô cho đến các anh chị khoá trước từng dự thi, qua đó, em được truyền đạt nhiều kinh nghiệm. Thời gian rảnh, em hay tìm đề thi của các kỳ thi trước để làm thử”.
Thầy Phạm Việt Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Ðầm Dơi, cho biết: "Dù quyết định hình thức vào đại học là ở các em, nhưng giáo viên có trách nhiệm định hướng cho các em xét tuyển theo hướng nào để phù hợp với khả năng; trao đổi với phụ huynh xây dựng phương án kịp thời. Ðối với những em lựa chọn hình thức thi đánh giá năng lực, trường hỗ trợ các em bằng việc tổ chức đưa học sinh đi thi. Qua rà soát và đánh giá, năm học 2022-2023, số lượng các em thi đánh giá năng lực đều đạt kết quả tương đối, có nhiều trường hợp đạt trên 900 điểm”./.
Phương Thảo