Những năm qua, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học luôn được ngành giáo dục TP Cà Mau quan tâm, được xem là nhiệm vụ cốt lõi trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Những năm qua, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học luôn được ngành giáo dục TP Cà Mau quan tâm, được xem là nhiệm vụ cốt lõi trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Là một trường vùng sâu, vùng xa, Trường Tiểu học Hoà Thành 1, xã Hoà Thành, TP Cà Mau đã nỗ lực không ngừng trong việc bồi dưỡng chất lượng giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục. Theo kế hoạch của trường tham mưu lên UBND TP, trong năm 2017, Trường Tiểu học Hoà Thành 1 đã phấn đấu hoàn thành trường đạt chuẩn quốc gia, gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Cô trò Trường Mầm non Hương Tràm trong giờ vui chơi, giải trí.
Trường Tiểu học Hoà Thành 1 được thành lập vào năm 1993, với tổng diện tích trên 4.000 m2, trường có 23 giáo viên, đạt 100% chuyên môn nghiệp vụ. Cả 3 Trường Tiểu học Hoà Thành 1, 2, 3 được đưa vào kế hoạch đầu tư trong năm 2017 sẽ đạt chuẩn quốc gia, riêng Trường Tiểu học Hoà Thành 1 dự toán kinh phí khoảng 5 tỷ đồng. Hiện các trường cơ sở vật chất còn hạn chế, có các phòng chức năng nhưng chưa được trang thiết bị đầy đủ, với tình hình như hiện nay thì việc nâng cao chất lượng giảng dạy và giáo dục toàn diện của nhà trường chưa đáp ứng được nhu cầu của địa phương.
Ngoài ra, với điều kiện kinh tế của địa phương còn nhiều khó khăn, chưa đủ sức hỗ trợ tích cực trong chiều hướng phát triển, mặt khác, một số giáo viên vẫn còn hạn chế về năng lực, thì đây là một thách thức đối với nhà trường trong việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2016-2017. Ông Nguyễn Thiện Chơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoà Thành 1, cho biết: “Thời gian tới, ở trường tham mưu tích cực cấp trên đầu tư các hạng mục công trình, nhằm đảm bảo đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, trong đó đặc biệt là cơ sở vật chất”.
Nằm ở nội ô TP Cà Mau, Trường Mầm non Hương Tràm, Phường 5, TP Cà Mau, luôn đi đầu về nuôi dạy trẻ. Hiện nay, trường đang phát triển đội ngũ giáo viên và các quản lý giáo dục theo hướng nâng cao phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện của ngành bậc học mầm non. Với quy mô trên 4.500 m2, có 13 lớp (bao gồm lớp Nhóm, Mầm, Chồi, Lá, với 524 trẻ), là trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 đầu tiên của khu vực ÐBSCL.
Với 3 năm liên tiếp đứng đầu trong ngành giáo dục mầm non, Trường Mầm non Hương Tràm luôn là trường tiên tiến, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Có như vậy cũng là nhờ sự nỗ lực của các giáo viên trong việc nuôi dạy trẻ.
Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Tràm Lâm Hạnh Hoa nhận định: “Muốn nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ theo thời đại mới thì tất cả các cô phải thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, học không những trong sách vở mà phải học trên báo đài, cập nhật kiến thức; đặc biệt là bản thân các cô phải nghiên cứu các sáng kiến khoa học của mình, để tìm ra các phương pháp khả thi nhất thực hiện ở các lớp”.
Tuy là trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, nhưng bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn về cơ sở vật chất, không đáp ứng nhu cầu nuôi dạy trẻ trong thời gian dài. Bà Lâm Hạnh Hoa mong mỏi: “Trong thời gian tới sẽ kết hợp cùng với các ban, ngành, đoàn thể, nhằm xây dựng trường mới cho Trường Mầm non Hương Tràm đạt chuẩn quốc gia mức độ 2”.
Ðến thời điểm hiện tại, số trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn TP Cà Mau là 39 trường, trong đó bậc học mầm non có 15 trường; bậc tiểu học có 15 trường; bậc THCS có 9 trường. Thời gian qua, các trường trên địa bàn TP Cà Mau đã thực hiện nhiều giải pháp và nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, không chỉ các trường đã đạt chuẩn, mà các trường chưa đạt chuẩn đang tiếp tục phấn đấu từng ngày và gắn với các tiêu chí trong công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Ông Lê Minh Hải, Phó Trưởng Phòng Giáo dục - Ðào tạo TP Cà Mau, nhấn mạnh: “Phòng Giáo dục cố gắng chỉ đạo các trường đã đạt chuẩn quốc gia rồi, cố gắng giữ vững các tiêu chuẩn đã đạt được và phấn đấu đạt chuẩn quốc gia mức độ cao hơn”.
Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là mục tiêu hàng đầu, đặc biệt là các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới. Thiết nghĩ, đối với những trường nào đang xuống cấp nghiêm trọng, ngành giáo dục phải có nguồn kinh phí xây dựng, đẩy mạnh đầu tư, sửa chữa các hạng mục và huy động các nguồn xã hội hoá, qua đó sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương./.
Bài và ảnh: Nhật Minh