Huyện Trần Văn Thời là địa phương hội đủ 3 hệ sinh thái mặn, ngọt, lợ, thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, nông dân huyện nhà đã thực hiện đa canh để nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác. Nhờ đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi mà chuyện làm giàu, thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm với nông dân Trần Văn Thời trở nên dễ dàng hơn.
Huyện Trần Văn Thời là địa phương hội đủ 3 hệ sinh thái mặn, ngọt, lợ, thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, nông dân huyện nhà đã thực hiện đa canh để nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác. Nhờ đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi mà chuyện làm giàu, thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm với nông dân Trần Văn Thời trở nên dễ dàng hơn.
Ông Đỗ Văn Khảnh, ấp Lung Tràm, xã Khánh Hải, chia sẻ: “Tôi mạnh dạn sản xuất theo mô hình đa cây, đa con, chọn những giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện hiện có. Ngoài trồng lúa, tôi tận dụng bờ bao, bờ liếp, đất đai xung quanh nhà trồng hàng trăm cây dừa xiêm lùn, chuối, cây ăn trái; dưới ao nuôi cá đồng, cá tra. Từ các loại cây, con trên, mỗi năm trừ chi phí tôi còn lợi nhuận trên 150 triệu đồng. Hiện nay, tôi đang trồng thử nghiệm cây đậu phộng, với mong muốn có thêm loại cây sản xuất mới, hiệu quả”.
Bà con nông dân ấp 2, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời áp dụng mô hình trồng rau sạch cho thu nhập 1 năm trên 50 triệu đồng. Ảnh: THANH TRÀ |
Chỉ với 20.000 m2 đất, trong đó có 15 công đất ruộng tầm nhỏ nhưng gia đình ông Trần Văn Thanh (Út Thanh), ấp Kinh Đứng A, xã Khánh Hưng có mức thu nhập từ 300-400 triệu đồng/năm. Ông Út Thanh tính toán: “15 công đất ruộng tầm nhỏ, tôi lên liếp toàn bộ, trên mặt liếp tôi trồng hoa màu các loại, còn dưới các ao hơn 8.000 m2 nuôi cá bổi, trung bình mỗi vụ thu hoạch được từ 9-14 tấn cá thương phẩm. Sau khi thu hoạch, tôi để lại 1/2 sản lượng cá và mua thêm để làm khô bán. Đồng thời, tôi còn nuôi thêm rắn ri tượng, ếch, bồ câu, thỏ và gà nòi”.
Anh Đỗ Văn My, ấp Trảng Cò, xã Khánh Lộc, cho biết, năm 2011, anh chuyển 10 công đất ruộng từ làm lúa 2 vụ lên liếp trồng các loại hoa màu như: dưa leo, khổ qua, mướp, bầu, bí… Mỗi năm trồng 3 vụ, trừ chi phí còn lãi hơn 80 triệu đồng. Dưới mương, anh thả nuôi nhiều cá đồng như: cá lóc, cá trê, cá bổi, thác lác, thu nhập hơn 30 triệu đồng/năm. Anh xuống hơn 2.000 gốc cà chua để bán vào dịp Tết Nguyên đán năm nay, nếu thời tiết thuận lợi sẽ cầm chắc trong tay 5 tấn, với giá 12.000 đồng/kg thì thu nhập trên 60 triệu đồng, nếu giá thấp nhất 8.000-9.000 đồng/kg thì cũng thu nhập từ 40-45 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn trồng 6.000 dây bí đao để bán sau Tết.
Ngoài 32.000 ha canh tác ổn định với sản lượng lúa năm 2015 đạt 296.500 tấn, vượt 9,8% kế hoạch, toàn huyện Trần Văn Thời hiện có 3.000 ha hoa màu, năng suất bình quân 11 tấn/ha/vụ; đậu xanh dưới ruộng hơn 1.000 ha, năng suất bình quân 2 tấn/ha; 3.000 ha dừa, sản lượng trung bình 60 trái/cây/năm; 2.000 ha chuối, sản lượng trung bình 18 tấn/ha/năm. Tổng diện tích nuôi cá đồng 14.000 ha, trong đó diện tích nuôi cá bổi thương phẩm là 205 ha, năng suất đạt 20 tấn/ha.
Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Sử Văn Minh cho biết, có rất nhiều mô hình sản xuất tốt, cách làm hay đã được các ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng sản xuất, tăng thu nhập, không những cải thiện đời sống mà còn giúp bà con vươn lên khá, giàu. Trong thời gian tới, huyện tập trung chỉ đạo nhân rộng các mô hình hiệu quả, trong đó đặc biệt quan tâm nhân rộng mô hình sản xuất theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục quy hoạch và đầu tư đồng bộ hệ thống thuỷ lợi phục tốt nhu cầu sản xuất quy mô lớn, bền vững, qua đó nâng cao đời sống cho nông dân./.
Hà Phương - Anh Thư