(CMO) Trong khi các sân chơi tiền tỷ không phát huy tác dụng thì những sân chơi tự tạo “cây nhà lá vườn” lại cho hiệu quả ngoài mong đợi. Tập hợp những phế liệu, đồ cũ tái chế cộng một chút khéo léo, sân chơi cho trẻ tại nhiều nơi đã được tạo ra một cách giản đơn như thế...
Không rầm rộ cũng không phải là công trình lớn đòi hỏi hàng tỷ đồng, nhiều sân chơi cộng đồng mọc lên từ những bãi đất trống cạnh khu dân cư đã giải quyết phần nào tình trạng thiếu sân chơi tại những vùng nông thôn.
Sân chơi “thay áo mới”
Hiểu được tâm lý trẻ thích màu sắc, đơn giản lại chóng “ngấy” các trò chơi điện tử công nghệ, một sân chơi tự tạo ngay tại Nhà Thiếu nhi huyện U Minh được hình thành.
Khó khăn ở công tác kêu gọi đầu tư, hay trích kinh phí mua sắm các trang thiết bị đồ chơi đắt tiền, cán bộ Huyện đoàn bắt tay vào việc thu gom phế liệu và tái chế để làm mới và sửa chữa lại một số đồ chơi, công trình cũ trước đó.
Bằng cách đi vận động các vỏ xe, trang trí thêm hoa văn, hoạ tiết sinh động, thế là công trình sân chơi bao gồm xích đu, vượt chướng ngại vật, bập bênh ra đời... Vẫn là những đồ chơi cũ, nay chỉ cần tân trang và thay màu áo mới, lập tức thu hút nhiều trẻ em địa phương đến vui chơi, trải nghiệm.
Trước đó, sân chơi do CLB Nụ Cười Hồng phối hợp với Xã đoàn Khánh Hội đặt tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám, xã Khánh Hội, huyện U Minh đã đưa vào sử dụng. |
Phó bí thư Huyện đoàn, Giám đốc Nhà Thiếu nhi huyện U Minh Nguyễn Việt Trinh phấn khởi chia sẻ: “Vỏ xe cũ thì đi vận động từ nhiều nơi, khoảng kinh phí 10 triệu đồng ban đầu vận động được từ các nhà hảo tâm sử dụng để mua ốc vít, nước sơn, gỗ... Các bạn đoàn viên rất nhiệt tình, hăng hái trong việc tạo ra sân chơi mới cho các em, bằng cách góp công, góp sức, góp của cải vật chất. Nhà bạn nào có máy hàn thì đem đến phục vụ, nhờ vậy mà tiết kiệm được một khoản lớn chi phí”.
Sau khi hoàn tất đưa vào sử dụng, trong khi phần nước sơn đã tô trước đó chưa kịp khô lập tức thu hút sự quan tâm của phụ huynh và trẻ con khi có dịp đi ngang qua.
Chị Bùi Ngọc Tiểu Ny, Khóm 3, thị trấn U Minh, huyện U Minh, chia sẻ: “Nhà tôi gần đây, khi đi ngang thấy có nhiều trò chơi mới nên con cứ nằng nặc đòi vào. Trước đó, nếu muốn cho con đi chơi như vậy một là qua khu vui chơi tư nhân Công Nhận (thị trấn U Minh), hai là chở con ra tận Cà Mau vào những dịp lễ, cuối tuần”.
Nhìn con thích thú hết tuột cầu trượt lại đến sảy ngựa, đung đưa xích đu, chị Ny cảm thấy rất vui. Vậy là từ nay không cần đi xa, con chị vẫn có một nơi vui chơi an toàn. Gần nhà lại gần gũi với thiên nhiên, quan trọng hơn là hoàn toàn miễn phí, phụ huynh có thể đưa con đến chơi bất cứ khi nào muốn.
Mỗi tuần 1 lần, anh Nguyễn Khắc Tiệp, Khóm 4, thị trấn U Minh cùng vợ và 2 con ra khu trò chơi này để cho con được vui chơi thoả thích.
Công trình sân chơi cộng đồng tại khu dân cư xã Khánh Bình Đông hứa hẹn là sân chơi hè tuyệt vời. |
Anh Tiệp chia sẻ: “Ở đây trước nay nói về chỗ vui chơi thì chỉ có bên Công Nhận, hoặc ra hồ bơi Khang Huy (thị trấn U Minh), nhưng con chơi mãi cũng chán nên buộc mình phải đi xa, ra tận TP Cà Mau. Hy vọng sắp tới tại huyện nhà sẽ có những nơi vui chơi dành riêng cho trẻ miễn phí như thế này càng tốt. Thu phí cũng không sao, miễn có nơi vui chơi lành mạnh là được, phụ huynh chúng tôi sẵn sàng ủng hộ”.
Nhân rộng sân chơi cộng đồng
Xuất phát từ ý nghĩ đem lại cho trẻ em vùng nông thôn, khó khăn có được nơi vui chơi hoàn chỉnh trong ngày hè sắp đến, công trình sân chơi tại khu dân cư do cán bộ Đoàn địa phương xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời thực hiện nhanh chóng ra mắt.
Với kinh phí hơn 15 triệu đồng, được các đoàn viên vận động từ nhiều nguồn khác nhau, không quản ngại về thời gian, sau giờ làm việc, đoàn viên cùng dành ít thời gian để tạo nên một sân chơi cho các em vào dịp hè.
Sân chơi được đặt tại khu đông dân cư nên thu hút sự quan tâm của trẻ em lẫn phụ huynh trong khu vực. Ông Dương Trung Thành, Ấp 6, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Có được sân chơi ngay khu vực thì hay quá, chiều chiều trẻ con có thể ra đây chơi mà không cần phải đi đâu xa, mình cũng dễ trông chừng chúng nó”.
Trẻ em “khát” sân chơi là tình trạng chung hiện nay. |
Bí thư Xã đoàn Khánh Bình Đông Trần Trọng Thể chia sẻ: “Sân chơi rất quan trọng, nhất là sau khi nghỉ hè, có được một sân chơi như vậy các em có thể tập hợp lại một chỗ để vui chơi, vui hè rất ý nghĩa”.
Trong "cái khó ló cái khôn", tuỳ tình hình thực tế mà ngày càng nhiều sân chơi cộng đồng được mọc lên, kinh phí ban đầu tuy nhỏ nhưng tạo hiệu quả lớn.
Thực thi nhiệm vụ, trách nhiệm là nghĩa vụ của những người làm công tác Đoàn - Hội địa phương. Thế nhưng, việc khởi công những sân chơi cộng đồng hiện nay còn quá ít so với nhu cầu. Tình trạng khan hiếm những sân chơi tập thể vô hình trung dẫn đến trẻ tự tìm đến những sân chơi thiên nhiên hoang dã như ao, hồ, công trình xây dựng, rất nguy hiểm, dễ dẫn đến những kết cục bi đát.
Quan tâm đến việc vui chơi cho trẻ bằng cách tạo ra những sân chơi an toàn, lành mạnh, phù hợp với lứa tuổi và kinh phí của địa phương là hết sức cần thiết. Trong khi việc chờ kinh phí mở, tu sửa sân chơi hoặc kêu gọi đầu tư sân chơi còn hạn chế thì việc tự túc một sân chơi nhỏ, vừa sức là việc nên làm ở các địa phương.
Làm sao để quản lý tốt và phát huy hết công năng của những sân chơi, nhà thiếu nhi có sẵn là câu hỏi những người trong cuộc cần quan tâm. Trăn trở về việc đem lại sân chơi an toàn, lành mạnh cho trẻ vẫn là câu hỏi chờ lời giải đáp. Và ở nhiều nơi, người lớn còn nợ trẻ em một sân chơi./.
“Trong hè cho các em đang sinh hoạt ở nhà thiếu nhi đến tham gia hoạt động trải nghiệm ngoài trời như làm cỏ, ươm mầm cây, dạy trẻ kỹ năng sống, sinh tồn. Thay vì tập làm chiến sĩ thì ở đây chúng tôi cho các em trải nghiệm, tự trồng cây, nấu cơm, phủ xanh khu vực đất trống, tạo khuôn viên xanh nhà thiếu nhi. Ngoài ra còn một số trò chơi, bánh xe chưa sử dụng hết thì chúng tôi tiếp tục tìm và liên kết với một số trường tiểu học trên địa bàn, trước mắt là trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai để vận chuyển và đưa về đó phục vụ các em”, Phó bí thư Huyện đoàn, Giám đốc Nhà Thiếu nhi huyện U Minh Nguyễn Việt Trinh cho biết. Chủ tịch Hội đồng Đội, Giám đốc Nhà Thiếu nhi huyện Trần Văn Thời Lâm Yến Nhi cho biết: “Mong muốn của chúng tôi là làm sao mỗi xã đều có một sân chơi. Nếu được thì nhân rộng thêm các sân chơi đến các ấp, khóm”. |
Yến Nhi