ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 22-9-24 03:31:48
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nỗi lo con chữ vùng sâu

Báo Cà Mau (CMO) Năm học mới đã đến gần với biết bao lo toan của các bậc phụ huynh, nhất là các gia đình ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đời sống còn nhiều khó khăn.

Cái nghèo ngăn bước

Gia đình em Thạch Mộng Nghi, 12 tuổi (ấp Tân Điền B, xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi) hiện có 4 nhân khẩu nhưng chỉ là người già và trẻ con. Cha mẹ em đi làm công nhân tại Bình Phước, 2 chị em Mộng Nghi phải ở nhà cùng bà nội, trong nhà còn có đứa em gái bà con của Mộng Nghi bị mẹ bỏ từ nhỏ. Năm học tới, Mộng Nghi vào lớp 7, còn em của em vào lớp 4. Gia đình các em là hộ đồng bào dân tộc Khmer thuộc diện hộ nghèo của xã từ nhiều năm qua. Tuy ông bà nội cũng có đất đai nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên hiện tại phần đất đó đã đem cầm cố từ hơn 6 năm trước. Căn nhà ọp ẹp nằm lọt thỏm trên mảnh đất chừng vài chục mét vuông đủ để che mưa nắng cho 4 bà cháu. Mỗi tháng, nếu cha mẹ Nghi làm thuê dư dả thì gửi về nhà hơn 3 triệu đồng, còn không thì bà cháu tự xoay xở.

Bà Lâm Thị Khanh, bà nội của Mộng Nghi, tâm sự: “Tôi năm nay đã 69 tuổi nên không thể làm thuê để lo cho các cháu. Tôi có 3 đứa con mà đứa nào cũng nghèo, khó khăn nên tôi phải ở nhà trông coi 3 đứa cháu để tụi nó đi làm ăn xa. Mỗi tháng tụi nó gửi tiền về lo nhưng cũng vừa đủ trang trải cuộc sống, chứ không thể chuộc lại phần đất đã cầm cố”.

Cái nghèo hiện diện thì con chữ cũng nhọc nhằn, như lời Mộng Nghi bày tỏ: “Con ráng học đến lớp 9 rồi đi làm công nhân để có tiền lo cho em và bà nội”.

Mộng Nghi (bên phải) mong muốn được học đến lớp 9 để có thể phụ giúp lo cho gia đình.

Ấp Tân Điền B được xem là nơi còn nhiều khó khăn của xã Thanh Tùng. Toàn ấp hiện có 314 hộ dân sinh sống, trong đó có 49 hộ nghèo, 11 hộ cận nghèo. Ông Lê Thế Anh, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Tùng, chia sẻ: “Ấp Tân Điền B là nơi còn nhiều khó khăn nhất, chủ yếu là hộ đồng bào Khmer sinh sống. Ở đây người dân đa phần không đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định, trình độ văn hoá còn thấp, con đông, do vậy hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao. Trong khi đó, nhận thức về tìm kiếm thu nhập hay việc làm còn hạn chế đối với một bộ phận người dân. Tuy nơi đây được nhiều sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương nhưng câu chuyện tạo sinh kế cho vùng này vẫn còn nhiều điều trăn trở, do đó kéo theo chuyện học hành của các em còn lắm khó khăn”.

Năm học vừa rồi, tại ấp Tân Điền B có 1 điểm lẻ của Trường Tiểu học Tân Điền với 3 phòng học, từ lớp 1 đến lớp 3. Cơ sở vật chất điểm trường này còn gặp nhiều khó khăn do đã được xây dựng lâu và nay xuống cấp trầm trọng, nhưng nếu xoá điểm trường này thì đồng nghĩa với việc các em bỏ học.

Bà Danh Thị Phượng, ấp Tân Điền B, cho biết: “Nhà tôi có 4 đứa cháu nhưng đứa nào cũng đến tuổi vào lớp 1 mới đi học, chứ học mẫu giáo thì không ai đưa đón. 2 đứa học lớp 4 và lớp 5 đều phải tự đi học. Đi học trường gần ở đây thì dễ, chứ đi học xa hơn thì tôi không biết làm sao để đưa đón nó. Nhà tôi có 3 đứa con nhưng đứa nào cũng làm ăn xa, còn đứa con gái thì gãy gánh có con riêng nên mấy đứa này tôi nuôi luôn. Thấy thương tụi nó, giờ tôi lo được tới đâu hay tới đó”.

Ở ấp Tân Điền B, không riêng gì gia đình bà Khanh, bà Phượng nuôi cháu nhỏ, mà hầu như đa phần là thế. Trăn trở chuyện học hành của các em, địa phương cũng đã ra sức vận động tuyên truyền, hỗ trợ học sinh nghèo. “Năm học vừa rồi toàn xã có 1.742 học sinh. Do địa bàn quá rộng nên các em học sinh tại ấp Tân Điền B từ lớp 4, lớp 5, cấp THCS phải đến trường xa hơn. Nguyên nhân sâu xa từ việc đông con, thiếu sự quan tâm của người lớn nên các em còn lắm thiệt thòi, thiếu thốn. Xã cũng đã vận động các gia đình nỗ lực cho con em mình học hết lớp 9, sau đó sẽ tiếp tục vận động tham gia học nội trú tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh. Năm học mới, địa phương nỗ lực vận động các mạnh thường quân để hỗ trợ các em học sinh nghèo sách giáo khoa, tập học sinh, dụng cụ học tập nhằm tiếp thêm động lực để nâng bước các em đến trường”, ông Thế Anh chia sẻ.

Tiếp sức đến trường

Năm học này Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời có 21 lớp (479 học sinh) và 2 điểm lẻ (11 lớp) đã cơ bản hoàn thành khâu chuẩn bị trường lớp. Trường có rất đông học sinh ở các ấp Tham Trơi, Tham Trơi B, Lung Bạ, Rạch Nhum và Ấp 7. Các em chủ yếu đi học bằng xe đạp hoặc cha mẹ đưa rước. Thầy Lê Văn Tươi, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Hiện còn 1 tuyến Bờ Cảng có 40 học sinh phải đi học bằng đò vì rất xa trường. Nhà của các em phải luồn lách qua nhiều kênh rạch, vì thế trường đã hợp đồng với 1 phụ huynh để đưa đón các em hàng ngày”.

Gắn bó với công việc chạy đò cho các em khoảng 4 năm nay, thấy nhiều em xa trường không có khả năng đi học, anh Nguyễn Quốc Hội, ấp Lung Bạ, xã Khánh Bình Đông tình nguyện phối hợp với nhà trường để đưa đón các em bằng đò. Anh Hội tâm sự: “Khoảng cách từ nhà đến trường khoảng hơn 10 cây số nên đi bằng đò thấy an toàn hơn, dự kiến năm nay tôi sẽ đưa đón 2 buổi/ngày cho phụ huynh yên tâm. Mấy ngày nay tôi bắt đầu sửa chữa lại chiếc đò, trang bị đầy đủ áo phao cho các em, nhắc nhở các em trong quá trình di chuyển”.

Cũng như mọi năm, từ khi nghỉ hè, Ban giám hiệu nhà trường đã vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm hỗ trợ các em tập, sách, dụng cụ học tập và một số đồng phục… Hiện tại, trường còn 27 học sinh nghèo, được hỗ trợ bảo hiểm y tế 100%.

Ở vùng nông thôn, nhiều bậc cha mẹ tranh thủ làm mọi công việc để có tiền trang trải cho con mình vào năm học mới. Hộ chị Cao Thị Liên, ấp Lung Bạ, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời thuộc diện hộ nghèo. Chồng mất khoảng 4 năm nay nên mọi chi phí trong nhà đều dựa vào bản thân chị cùng với đứa con trai lớn 17 tuổi để lo cho đứa nhỏ đang chuẩn bị vào lớp 3. Không có đất sản xuất, đêm đến chị đi bắt ốc để buổi sáng bán kiếm tiền cho con mình sắm sửa chuẩn bị đến trường. “Định cho nó nghỉ học mà mấy thầy động viên nên tôi ráng, tới đâu hay tới đó”, chị Liên bộc bạch.

Chị Cao Thị Liên, ấp Lung Bạ, xã Khánh Bình Đông đang lo lắng chuyện chuẩn bị cho con vào năm học mới.

Ý thức chăm lo chuyện học hành của con cái, nhiều gia đình khó khăn không vì hoàn cảnh mà cho các con nghỉ học. Chị Lê Thảo Vân, Ấp 16, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, chia sẻ: “Năm nay đồng loạt 3 cháu lớp 5, lớp 3, lớp 1 đi học, dù hoàn cảnh vất vả nhưng phải ráng lo. Cha mấy nhỏ thấy con ham học quá, cố gắng đi làm thuê, ngày đêm để có nhiều tiền”.

Về các ấp lâm phần rừng tràm của xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, chuyện học nơi đây đáng lo hơn khi số lượng hộ nghèo còn đông. Anh Mai Quốc Sự, Trưởng Ấp 16, cho biết: “Trên địa bàn ấp hiện còn 40 hộ nghèo, trong đó có 8 hộ đồng bào Khmer; chủ yếu đông con, ít đất sản xuất. Năm nào tôi cũng đứng ra vận động để hỗ trợ các em nghèo, chủ yếu là tập. Có ai cho xe đạp thì tôi cũng ưu tiên đến bà con. Riêng sách thì ở vùng sâu, vùng xa này việc vận động vẫn còn hạn chế, nhưng tôi cũng ráng hết sức mình vì mấy đứa nhỏ”.

Anh Mai Quốc Sự, Ấp 16, xã Nguyễn Phích vận động, hỗ trợ tập cho một số học sinh thuộc diện hộ nghèo của ấp.

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng địa phương luôn nỗ lực hỗ trợ các em, vận động gia đình cố gắng chăm lo, không để các em bỏ học giữa chừng./.

 

Hằng My - Nhật Minh

 

Trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau: Đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên

Năm học 2023-2024 đánh dấu chặng đường 27 năm Trường Đại học Bình Dương hình thành và phát triển. Riêng tại Phân hiệu Cà Mau đến nay đã tuyển sinh và đào tạo được 11 khoá học.

Cô bé Trạng nguyên tiếng Anh

Tại Festival Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc năm 2024, do Báo Thiếu Niên Tiền Phong và Nhi Ðồng tổ chức, tại Ðại học Hàng hải Việt Nam, TP Hải Phòng, tỉnh Cà Mau có duy nhất một em đạt danh hiệu "Trạng nguyên tiếng Anh". Ðó là em Vũ Bảo Ngọc, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn (Phường 9, TP Cà Mau).

Trao giải Đại sứ văn hoá đọc năm 2024 cho 34 học sinh

Cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc năm 2024 phát động từ ngày 1/5-10/6/2024, dành cho học sinh của các trường Tiểu học, THCS, THPT và các loại hình giáo dục khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Ổn định trường lớp năm học mới

Năm học 2024-2025, huyện Năm Căn có 30 trường học do huyện quản lý, trong đó, mầm non - mẫu giáo 9 trường, tiểu học 11 trường và THCS 9 trường, với tổng số trên 10.500 học sinh, được biên chế thành 337 lớp.

Ðường đò đến trường

Huyện Ngọc Hiển, mảnh đất cực Nam Tổ quốc, là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cà Mau. Năm học mới 2024-2025, toàn huyện có trên 11 ngàn học sinh theo học ở 27 trường, với 10 điểm lẻ trên địa bàn.

Quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025

Nghị quyết số 05/2024/NQ-HĐND ngày 11/7/2024 của HĐND tỉnh Cà Mau quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025 bằng mức thu học phí năm học 2021-2022 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Đảm bảo nguyên tắc tổng số tháng thu học phí không vượt quá 9 tháng/năm học.

Sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức, huyện Đầm Dơi

Ngày 11/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau công bố Quyết định của UBND tỉnh Cà Mau về việc sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức (huyện Đầm Dơi) thành Trường THCS và THPT Tân Đức.

Ứng dụng công nghệ thông tin, nâng chất lượng dạy học

Xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong trường học là hết sức cần thiết và là xu thế tất yếu, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên Trường THPT Thái Thanh Hoà, huyện Ðầm Dơi, đã có nhiều cố gắng trong ứng dụng CNTT vào việc dạy học, công tác quản trị nhà trường.

Phấn đấu 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT

Năm học 2023-2024, tỉnh Cà Mau có 99,31% học sinh, sinh viên (HSSV) tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Nhằm phấn đấu 100% HSSV tham gia BHYT năm học 2024-2025, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các trường học trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh, để đảm bảo tất cả HSSV, bất kể điều kiện kinh tế hay hoàn cảnh gia đình, đều có cơ hội nhận được sự chăm sóc y tế cần thiết.

Ðảm bảo chất lượng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018

Chia sẻ về nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục trong năm học 2024-2025, ông Lê Hoàng Dự, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT), cho biết, toàn ngành sẽ tập trung quán triệt phương châm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong mọi hoạt động giáo dục: "Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, làm chủ thể - thầy cô giáo làm động lực - nhà trường làm bệ đỡ - gia đình làm điểm tựa - xã hội làm nền tảng".