Các trò chơi trực tuyến ngày càng phát triển, hấp dẫn. Hiện có nhiều bạn trẻ lạm dụng các trò chơi này làm cho nó trở thành nỗi lo cho nhà trường, xã hội và các bậc phụ huynh. “Game thủ” là từ ngữ quá quen thuộc đối với giới trẻ hiện nay.
Các trò chơi trực tuyến ngày càng phát triển, hấp dẫn. Hiện có nhiều bạn trẻ lạm dụng các trò chơi này làm cho nó trở thành nỗi lo cho nhà trường, xã hội và các bậc phụ huynh. “Game thủ” là từ ngữ quá quen thuộc đối với giới trẻ hiện nay.
11 giờ trưa, tạt vào những tiệm internet - game online trên địa bàn thị trấn Trần Văn Thời, khi các điểm trường trên địa bàn tan học, mọi người dễ dàng nghe thấy tiếng hò hét của các game thủ đang “nhập tâm” vào thế giới trò chơi. Khách chơi game có đủ mọi lứa tuổi, từ các em mặc đồng phục của trường cấp 1, cấp 2, đến những em mặc đồng phục của trường cấp 3. Thỉnh thoảng, chúng tôi lại nghe những tiếng la vui sướng của một em nào đó vì đã triệt hạ được đối thủ; một số em tức giận, đập bàn vì thua cuộc.
Các tiệm internet trên địa bàn thị trấn Trần Văn Thời thường đông khách là học sinh. |
Hiện nay, trên địa bàn thị trấn có 1 trường tiểu học, 1 trường cấp 2 và 2 trường cấp 3. Học sinh theo học chủ yếu đến từ các xã trong huyện, đa phần là ở trọ nên thiếu sự quản lý của gia đình, bên cạnh nhà trường cũng không thể nào kiểm soát được hoạt động của các em sau khi tan học.
Thầy Phạm Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Văn Thời, bộc bạch: “Tình trạng học sinh chơi game là rất phổ biến. Về phía nhà trường cũng đã có nội quy và hình thức xử phạt các em học sinh tự ý bỏ học để chơi game, nhưng cái khó ở đây là chỉ áp dụng được trong thời gian các em học ở trường, còn ngoài giờ thì khó mà quản lý các em được”.
Chỉ tính riêng khóm 9, thị trấn Trần Văn Thời đã có khoảng 5 tiệm internet. Qua tìm hiểu, tại các tiệm internet, nhiều em có thể ngồi chơi từ lúc tan học buổi sáng cho đến chiều tối, thậm chí còn có những em chấp nhận bỏ học để chơi game.
Chị Vũ Thị Vân Anh, khóm 9, thị trấn Trần Văn Thời, nói: “Giải trí bằng game online không phải là xấu, nhưng đáng lo ở đây là các em chơi game không còn là mục đích giải trí nữa, mà là kẻ thắng - người thua, chơi quên thời gian. Ðiều đó ảnh hưởng rất lớn đến tính cách của các em, nhất là ở độ tuổi mới lớn. Là cha mẹ, tôi nghĩ các bậc phụ huynh nên trao đổi với con em mình, chơi với thời gian vừa phải, hợp lý, không ảnh hưởng đến việc học của con em mình. Bậc cha mẹ như chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến cảm xúc, hành động của các em để kịp thời can ngăn đúng lúc khi mà để các em bị ảnh hưởng xấu từ game online quá nhiều”.
Do nhu cầu của khách hàng, nên các tiệm game - internet còn phục vụ cả ăn, uống tại chỗ, nên cho dù có chơi bao lâu đi nữa thì các em cũng không phải lo chuyện ăn và uống. Do bị ám ảnh bởi nhiều hình ảnh bạo lực trong game nên sau mỗi cuộc chơi, người nghiện game online dễ bị hụt hẫng, cảm xúc dễ bị hỗn loạn, trở nên liều lĩnh, sẵn sàng làm mọi chuyện để giải quyết mâu thuẫn cho dù đó chỉ là những xích mích nhỏ nhặt.
Thầy Phạm Văn Hùng cho biết thêm: “Trong năm học 2013-2014 có trường hợp 1 em học sinh tự ý nghỉ học 2 tuần, trường tìm hiểu thì được biết em đó nghỉ học do mê chơi game. Khi nhà trường liên hệ với gia đình thì gia đình mới biết. Cũng trong năm học trước, nhà trường phát hiện và phạt cảnh cáo dưới cờ 2 em học sinh của trường bỏ học để chơi game. Nhận thấy ảnh hưởng xấu của game đối với việc học của các em học sinh, nhà trường đã có kế hoạch cụ thể giao cho Ðoàn trường giám sát chặt chẽ thời gian học tập của các em. Ðồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương và bà con Nhân dân ở gần khu vực trường khi phát hiện có học sinh trốn học để vào các tiệm game thì báo ngay cho nhà trường để kịp thời xử lý”.
Chơi game để giải trí không phải là xấu, nhưng khi bản thân không biết dừng đúng lúc thì nó không còn là một trò giải trí lành mạnh nữa. Ðể hạn chế tình trạng thanh - thiếu niên, học sinh nghiện game online, ngoài sự quan tâm của nhà trường, trước hết các bậc phụ huynh cần quan tâm, hướng con em mình đến các hoạt động giải trí lành mạnh như chơi thể thao, đọc sách báo./.
Bài và ảnh: Khắc Luân