(CMO) Mới ngày nào còn là "huyện đảo" vì giao thông cách trở, nay Đầm Dơi từng bước chuyển mình, thay da đổi thịt. Cầu Hoà Trung nối đôi bờ sông Gành Hào đã mang đến cho xứ Đầm những đổi thay kỳ diệu.
Bí thư Huyện uỷ Đầm Dơi Võ Thanh Tòng vui mừng thông tin: “Giao thông nối mạch không chỉ thúc đẩy kinh tế thuỷ sản phát triển mà còn là cơ hội lớn để Đầm Dơi thu hút đầu tư".
Với nhiều lợi thế cùng tiềm năng sẵn có của Đầm Dơi, nhiều công ty, doanh nghiệp bắt đầu “đổ bộ” vào đầu tư. Nếu khoảng 7 năm về trước, cả huyện chỉ có 1 chi nhánh ngân hàng, cùng một số ít cơ sở dịch vụ về xây dựng và vài trăm cơ sở kinh doanh, thì nay, toàn huyện có tới 836 cơ sở tiểu thủ công nghiệp, 2.657 cơ sở kinh doanh và 4 chi nhánh ngân hàng.
Với tiềm năng phát triển, huyện Đầm Dơi đang thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư. |
Ông Diệp Lâm Kỳ Phương, Giám đốc Ngân hàng Sacombank chi nhánh Cà Mau, chia sẻ: “Từ năm 2014, Sacombank đã có định hướng phát triển mạng lưới tại huyện Đầm Dơi. Đến năm 2016 hoàn thành, triển khai kế hoạch mở trụ sở. Nắm bắt và vận dụng các điều kiện thuận lợi của địa phương để phát triển hoạt động kinh doanh, Sacombank tăng trưởng nhanh về quy mô hoạt động với tổng số dư huy động và cho vay đạt trên 200 tỷ đồng, hơn 1.300 khách hàng mới giao dịch. Kết quả này một phần nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ, quan tâm từ phía địa phương”.
Khang trang thị trấn ven sông Đầm. Ảnh: THANH QUANG |
Từ một huyện đi lại chủ yếu bằng đường thuỷ, đến nay, Đầm Dơi đã xây dựng hơn 800 km lộ với tổng vốn đầu tư khoảng 630 tỷ đồng. Gần 700 cây cầu nối liền các sông rạch, từng bước mở rộng đến các vùng nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương. Đặc biệt, có 3/15 xã đã về đích nông thôn mới.
Bí thư Huyện uỷ Đầm Dơi Võ Thanh Tòng trải lòng: “Mặc dù hiện nay huyện còn gặp một số khó khăn nhất định, nhưng với chiến lược hợp lý trong phát triển kinh tế thuỷ sản, cùng nhiều chính sách khuyến khích, mời gọi đầu tư sẽ giúp khai thác hợp lý những tiềm năng trên vùng đất năng động này. Đó là nền tảng vững chắc đưa Đầm Dơi bứt phá đi lên”.
Năm 2017, tổng sản phẩm nội huyện (GRDP) đạt hơn 4.500 tỷ đồng, tăng 410 tỷ đồng so với cùng kỳ. Cơ cấu kinh tế ngư - nông - lâm nghiệp chiếm 53,7%, công nghiệp, xây dựng chiếm 21,7%, dịch vụ chiếm 24,5%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 38,7 triệu đồng/năm, đạt 100% chỉ tiêu nghị quyết. Tổng sản lượng nuôi trồng, khai thác thuỷ sản ước đạt 103.600 tấn, đạt 100,1%. Toàn huyện có 845 cơ sở sản xuất, kinh doanh lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giá trị sản xuất 1.610 tỷ đồng, đạt 101,3% kế hoạch; có 2.672 cơ sở kinh doanh lĩnh vực thương mại, dịch vụ với doanh số mua bán 1.820 tỷ đồng, đạt 101,2% kế hoạch. Các dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông, xây dựng... tiếp tục phát triển, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện đúng hướng. |
Hồng Nhung