ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 5-7-25 07:23:32
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nối nhịp yêu thương

Báo Cà Mau (CMO) Các chị là người nội trợ, người kinh doanh, có chị đã về hưu... mỗi người một công việc, nhưng khi có một hoàn cảnh cần trợ giúp được đăng tải trên mạng xã hội facebook, các chị sẵn sàng chung tay kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng. Đã có rất nhiều cảnh đời tưởng đi vào ngõ cụt đang hồi sinh...

Tôi biết đến các chị cũng thông qua trang mạng xã hội facebook.

Đó là lần kêu gọi cho em Lê Huệ Nhân, ngụ ấp Tắc Thủ, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình bị di chứng bệnh lao cột sống dẫn đến sức khoẻ suy kiệt trầm trọng. Chỉ hơn tuần, số tiền kêu gọi từ cộng đồng xã hội đã hơn 150 triệu đồng. Huệ Nhân nhanh chóng được nhập viện điều trị tại Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Cà Mau. Tại đây, Huệ Nhân được chị Quách Kiều Phụng, Điều dưỡng trưởng khoa (chị cũng là người gieo kết nối nhà hảo tâm hỗ trợ rất nhiều hoàn cảnh bệnh nhân khó khăn điều trị tại bệnh viện) theo dõi hồ sơ bệnh án, hỗ trợ tích cực để phục hồi sức khoẻ. 

Chung một tấm lòng

Là người đưa thông tin Huệ Nhân lên facebook kêu gọi sự giúp đỡ, chị Lê Kiều Phương chia sẻ, mỗi người góp một chút tấm lòng sẽ làm nên điều tốt đẹp. Tiếp nhận số tiền hỗ trợ Huệ Nhân, chị lập nguồn quỹ, chi tiêu rõ ràng, minh bạch. Chị vào ra bệnh viện thăm em như chính người thân của mình, Huệ Nhân thích ăn gì, muốn mua gì chị cũng giúp. 

Huệ Nhân tâm tình: “Em gọi chị Kiều Phương là chị ruột, vì chị thương em lắm, lo lắng tận tình cho em. Tư (chị Kiều Phụng) cũng thương em, Tư còn tắm, vệ sinh các vết loét trên da cho em. Em đau, em khóc, Tư động viên em cố gắng để mau khoẻ”. 

Rất nhiều chương trình thiện nguyện do các chị kết nối mang hiệu ứng cộng đồng. (Trong ảnh: Phát quà cho bà con nghèo ở xã Tân Thành, TP Cà Mau).

Còn có chị Trần Thị Thu Ba, chị Mai Mỹ Thanh, chị Phạm Thị Mỹ Não... cũng là người kết nối giúp Huệ Nhân nối dài sự sống. Trên trang cá nhân facebook của các chị, hầu hết dung lượng là chia sẻ thông tin về các mảnh đời để vận động kêu gọi giúp đỡ, mà theo cách các chị gọi là “hùn phước” và “gieo duyên”.

Tôi tìm gặp chị Mỹ Não (ngụ Phường 6, TP Cà Mau). Trò chuyện hơn 2 giờ đồng hồ, chị không kể về mình, việc làm của mình mà dành trọn tình cảm cho những hoàn cảnh chị đã từng đến thăm, từng giúp đỡ, những nụ cười hạnh phúc khi những khốn khó đã qua, những giọt nước mắt và nỗi niềm canh cánh khi sự giúp đỡ của mình trở thành “nghĩa tử là nghĩa tận”.

Chị Mỹ Não bùi ngùi: “Có những hoàn cảnh mình gặp được thì bệnh đã trở nặng, bước vào giai đoạn cuối, việc mình có thể giúp chỉ là lo hậu sự chu đáo, trợ lực người nhà vượt qua nỗi đau, khó khăn trước mắt. Giá như chúng tôi có thể đi nhiều hơn, kết nối kịp thời, có lẽ sẽ giúp được họ nhiều hơn”. 

Chị Mỹ Não nay đã hơn 60 tuổi, nhưng khoẻ khoắn, giàu lòng nhân ái, facebook của chị là những chuyến hành trình chị đi thực tế xác minh các hoàn cảnh và cập nhật nhanh chóng, liên tục để kêu gọi cộng đồng chung tay. Chị kể, có khi nửa đêm điện thoại báo tin nhắn facebook, chị choàng tỉnh mở xem ngập tràn hạnh phúc vì có mạnh thường quân ở nước ngoài đóng góp, hay có những trường hợp cấp bách cần hỗ trợ trong vài giờ thì ngay sau bài viết, tin nhắn chuyển khoản cứ báo liên hồi, những điều đó như thúc giục chị cần nỗ lực nhiều hơn để “gieo duyên” giúp nhiều người không may có cuộc sống tốt hơn, đủ đầy, hạnh phúc.

Hồi sinh nhờ sức mạnh cộng đồng, Võ Quốc Triều đã hồi phục 70%, vui vẻ, sinh hoạt bình thường.

Với chị Mai Mỹ Thanh, một doanh nghiệp ở xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, tâm niệm của chị là làm sao các nhóm thiện nguyện có thể gắn kết và lan toả để việc thiện ngày càng nhân rộng ra, để có thể giúp đỡ được nhiều người, nhiều mảnh đời bất hạnh được hồi sinh. Và chị đã và đang làm tốt vai trò người kết nối. Chị đồng hành cùng chương trình Khát vọng sống, chị là trưởng nhóm thiện nguyện Tân Tiến, chị mở cơ sở châm cứu - bấm huyệt - phục hồi chức năng cho bệnh nhân nghèo tại chợ Tân Tiến. Chị vận động mọi người tham gia nhiều hoạt động như nấu cơm từ thiện cho bệnh viện huyện; Tặng tập, sách, học bổng cho học sinh nghèo; Hỗ trợ duy tu, sửa chữa chùa, các trường mầm non vùng sâu của huyện... Chị suy nghĩ, hạnh phúc không ở đâu xa, hạnh phúc là sự cho đi, là tâm hồn thanh khiết, là sự an yên khi thấy mọi người có được cuộc sống tốt hơn, những người kém may mắn có được cơ hội đổi thay cuộc đời.

Những phép màu kỳ diệu

Khi tôi ngỏ ý viết bài, các chị đều bảo rằng chỉ là việc làm nhỏ bé. Nhưng đó lại là những phép màu kỳ diệu, có sức mạnh hồi sinh và đổi thay nhiều cuộc đời.

Như trường hợp của Huệ Nhân. Suốt 3 năm nằm liệt một chỗ, thân thể suy kiệt, gầy gò, trơ xương, gia đình khánh kiệt. Sau khi được các chị thắp lên ngọn lửa yêu thương, Huệ Nhân phục hồi khá tốt. Tín hiệu đáng mừng là sau gần 2 tuần điều trị theo chế độ dinh dưỡng, Huệ Nhân tăng 1 kg (23 kg). Theo lời chị Phụng, duy trì theo cách này, kết hợp tập vật lý trị liệu, cơ thể Huệ Nhân sẽ sớm tạo cơ, hồi phục sức khoẻ rất nhanh. 

Được hỗ trợ hơn 40 triệu đồng, anh Dũng Em được chuyển tuyến điều trị tại TP Hồ Chí Minh để chữa lành chân bị giập xương do tai nạn lao động.

Điều trị cùng khoa với Huệ Nhân, hơn 2 tháng trước Võ Quốc Triều, sinh năm 1988, ngụ xã Phú Hưng, huyện Cái Nước bị tai nạn giao thông dập não trán, nứt sọ, nhập viện trong tình trạng nguy kịch, tưởng chừng không qua nổi. Gia cảnh Triều lại rất khó khăn, không có bảo hiểm y tế. Từ sự kết nối của các chị và thông qua facebook, số tiền đóng góp từ vài trăm, vài triệu đến vài chục triệu, nhờ đó Quốc Triều có chi phí duy trì điều trị, đến nay Triều đã hồi phục được 70%, có thể đi đứng bình thường. Triều cười tươi: “Em như từ cõi chết trở về. Em biết ơn tất cả mọi người đã cho em cơ hội được sống”.

Gần nhất là trường hợp sản phụ bị suy tim, cấp cứu tại Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, sinh non bé 34-35 tuần, chỉ nặng hơn 1,3 kg, cần hỗ trợ khẩn cấp chi phí điều trị và sữa cho bé. Nhận thông tin từ bệnh viện, chị Kiều Phương, chị Thu Ba và nhiều nhóm thiện nguyện chung tay hỗ trợ hơn 10 triệu đồng và 10 hộp sữa. Hiện nay, sức khoẻ hai mẹ con sản phụ tiến triển tốt, bé bú khoẻ. Niềm vui hạnh phúc của người mẹ luôn thường trực vì thấy con lớn lên mỗi ngày. 

Thứ Bảy này, chị Kiều Phụng, chị Mỹ Não, chị Kiều Phương, cùng các chị khác sẽ có chuyến về Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời thăm em Hà Văn Bảo, mắc bệnh ung thư máu giai đoạn cuối. Cha mẹ ly hôn, Bảo sống với bà ngoại hơn 70 tuổi và người cậu bị nhiễm chất độc da cam. Chị Mỹ Não cho biết, sau các đợt thăm khám điều trị tại Bệnh viện Huyết học TP Hồ Chí Minh, số tiền kêu gọi từ cộng đồng hiện còn 46 triệu đồng. Tâm nguyện của Bảo là có được ngôi nhà lành lặn che nắng mưa cho bà và cậu. Do đó, chuyến đi này mang rất nhiều ý nghĩa. Các chị sẽ thực hiện ước nguyện của Bảo và động viên em lạc quan hơn. 

“Chúng tôi chỉ là những chiếc cầu nối nhịp yêu thương. Tuy nhiên, gần đây có nhiều trường hợp lợi dụng lòng nhân, sao chép những bài viết hoặc chia sẻ thông tin sai sự thật trục lợi cá nhân, rất mong mọi người tìm hiểu, xác minh rõ. Riêng tôi, mọi hỗ trợ phải minh bạch. Dù vài chục ngàn, vài trăm hay là bao nhiêu cũng là tấm lòng hảo tâm giúp người khác, đều đáng trân trọng”, chị Mỹ Não bày tỏ./.

Băng Thanh

Trên 800 thủ tục hành chính được phân cấp, phân định thẩm quyền giải quyết

Chủ tịch UBND tỉnh vừa công bố Danh mục thủ tục hành chính (TTHC) được tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Cà Mau và Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã.

Thước đo hiệu quả của chính quyền

Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ phản ánh tiếng nói của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước, thực thi chính sách và dịch vụ công của chính quyền các cấp từ tỉnh đến xã. Năm 2024, Chỉ số PAPI của tỉnh Cà Mau xếp hạng 17 trên toàn quốc. Hiện tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện Chỉ số PAPI, nâng cao sự hài lòng của người dân đối với chính quyền các cấp.

Khẩn trương nâng cấp hạ tầng viễn thông cấp xã

Thực tế cho thấy, hạ tầng viễn thông, đường truyền trực tuyến ngày càng đóng vai trò quan trọng trong mọi hoạt động của cấp chính quyền cơ sở. Dù đã có sự quan tâm đầu tư, song hạ tầng viễn thông, đường truyền kết nối trực tuyến, chất lượng trang thiết bị ở các xã hiện nay tại Cà Mau chưa đồng bộ, dễ bị gián đoạn, tắc nghẽn, làm ảnh hưởng đến hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Ðể mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức vận hành vào ngày 1/7 tới, việc tháo gỡ vướng mắc này đang là ưu tiên lớn của tỉnh.

Tổ chức bộ phận một cửa cấp tỉnh, cấp xã mới

Ðể đáp ứng mô hình tổ chức bộ máy hệ thống chính trị mới, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 118/2025/NÐ-CP ngày 9/6/2025 (Nghị định 118) về thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ phận Một cửa và Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Ðây được xem là một bước đi quan trọng trong lộ trình tái cấu trúc bộ máy hành chính, góp phần tạo dựng một nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, thân thiện với người dân và doanh nghiệp.

Khi lòng dân là “thước đo” công quyền

Giữa nhịp sống hiện đại, khi mọi thiết bị hầu như đều có thước đo chính xác đến từng con số, thì trong guồng máy hành chính Nhà nước có một thứ thước đo “vô hình” nhưng lại rất quan trọng, đó chính là lòng dân. Sự hài lòng của người dân không chỉ phản ánh chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, mà còn là “tấm gương” soi chiếu hiệu quả cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh. Xác định điều này, thời gian qua, cả hệ thống chính trị tỉnh đã không ngừng đẩy mạnh cải cách, cải thiện Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS).

Tinh gọn để phát triển

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, huyện Năm Căn đang triển khai đề án sáp nhập các đơn vị hành chính trên địa bàn. Theo đó, từ 7 xã và 1 thị trấn hiện tại, huyện sẽ tổ chức lại thành 3 đơn vị hành chính cấp xã.

Sẵn sàng cho bước chuyển đổi lớn

Thực hiện chủ trương lớn của Trung ương về tinh gọn bộ máy, từ ngày 1/7 tới đây, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ chính thức đi vào hoạt động. Huyện U Minh là một trong những địa phương đi đầu trong công tác chuẩn bị. Hiện các xã trung tâm đã hoàn tất các bước chuẩn bị cần thiết, sẵn sàng cho ngày chuyển đổi mang tính lịch sử.

Tiến đến chính quyền chuyên nghiệp, vì dân

Trong nỗ lực nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng phục vụ và tăng cường niềm tin của người dân, Cà Mau quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính (CCHC) với quyết tâm xây dựng một nền hành chính hiện đại, minh bạch và hướng đến phục vụ. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tiên phong của người đứng đầu các cấp, các cơ quan, Cà Mau đang dần định hình hình ảnh một chính quyền năng động, chuyên nghiệp và gần dân.

Ðưa Cà Mau vào nhóm thứ hạng cao về PAR INDEX

Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh Cà Mau năm 2024 đạt 89,33%, xếp hạng 20/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 2,44%, tăng 14 bậc so với năm 2023); xếp thứ 3 khu vực Ðồng bằng sông Cửu Long. Ðây là năm mà Chỉ số Cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh có vị trí xếp hạng cao nhất trong 13 năm qua kể từ khi Bộ Nội vụ triển khai việc chấm điểm, xác định Chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến nay.

“Cú bứt phá” ngoạn mục

Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh Cà Mau năm 2024 đạt 89,33%, xếp hạng 20/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 2,44%, tăng 14 bậc so với năm 2023); xếp thứ 3 khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ðây là năm mà Chỉ số Cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh có vị trí xếp hạng cao nhất trong 13 năm qua kể từ khi Bộ Nội vụ triển khai việc chấm điểm, xác định Chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến nay.