(CMO) Nắng đã lên nhưng những dây mướp héo vàng, bầu úng rễ, rũ xuống bờ kênh mênh mông nước do mưa dầm liên tiếp nhiều ngày. Bên cánh đồng, nông dân đang đợi nước rút bớt để bơm tát, kịp thu hoạch lúa hè thu - vụ mùa đầy vất vả vì thiên tai, dịch bệnh.
Lão nông Hồ Văn Trường canh tác hơn 1 ha lúa tại xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, trầm ngâm: “Chưa có năm nào sản xuất khó khăn như năm nay. Đầu vụ thì gặp hạn, xuống giống đã trễ lại thêm đạo ôn, rầy nâu hoành hành, giờ chuẩn bị thu hoạch lại gặp trận mưa kéo dài khiến lúa ngập, bờ bao cũng ngập, giờ chỉ biết ngồi chờ nước xuống để bơm tát mới thu hoạch được, mà mấy hôm nay nắng được 1 buổi thì chiều lại mưa, rầu muốn thúi ruột”.
Vụ lúa bấp bênh
Nhiều tuyến lộ nông thôn bị ngập khiến việc bơm tát nước cứu lúa và rau màu gặp khó khăn. |
Trần Văn Thời là nơi có diện tích lúa 2 vụ cao nhất toàn tỉnh, gần 29.000 ha đang bước vào vụ thu hoạch. Nhưng những cơn mưa như trút nước mấy ngày qua đã khiến lúa ngập sâu, đến nay chưa thể khắc phục được nhiều.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời Duy Quốc Tuấn thở dài: “Hầu hết lúa trên địa bàn ngập tới bông, dù các cống đã xổ, các trạm bơm hoạt động ngày đêm nhưng rất chậm vì mực nước bên ngoài con kênh và bên trong ruộng như nhau. Dù lúa không đổ ngã nhiều vì không có dông, nhưng mấy hôm nay vẫn còn mưa nên khắc phục chưa được nhiều. Chủ yếu bà con đợi nắng lên tới đâu thì thu hoạch tới đó, mưa thì ngưng lại”.
Theo kinh nghiệm của nhiều lão nông, tháng 10 âm lịch mới rơi vào cảnh đồng chung (vì nước ngập không còn phân biệt được đâu là bờ, đâu là ranh), nhưng năm nay thời tiết bất thường nên mới tháng 8 âm lịch mà đã ngập mênh mông.
Khó khăn về thu hoạch, thêm giá lúa giảm dần khiến nông dân như ngồi trên đống lửa. “Giá lúa thì giảm từng ngày, mà lúa chưa thu hoạch được vì bơm tát chưa kịp. Các tuyến lộ năm nay ngập, tràn qua sông nên không thể bơm tát. Tới ngày cắt rồi mà chủ máy cắt lại dời ngày, lúa thì đang sập. Không biết tới lúc thu hoạch giá còn được bao nhiêu. Vụ này coi như có lúa để ăn là mừng”, ông Hồ Văn Trường than thở.
Rẫy đậu đũa, mướp đang thu hoạch trái nhưng phải bỏ dở do ngập úng của vợ chồng ông Trần Minh Tàu. |
Được biết, đầu vụ giá lúa được thương lái thu mua khá cao, dao động từ 5.700-5.800 đồng/kg, một số ít hộ may mắn được đặt cọc trước giá không đổi, còn lại đều giảm nhiều. Theo ghi nhận từ Phòng NN&PTNT huyện, hiện giá lúa giảm chỉ còn 5.200-5.300 đồng/kg. Ông Duy Quốc Tuấn cho biết thêm: “Toàn huyện mới chỉ thu hoạch được hơn 7.000 ha, ước năng suất đầu vụ từ 4,5-5 tấn/ha. Mấy ngày nay, nhiều hộ liên tục bơm tát, máy gặt cũng chạy suốt để kịp thu hoạch vì sợ trời lại mưa. Tuy nhiên, với mực nước này nếu bơm tát nhanh thì lúa cũng dễ bị đổ ngã, nông dân đang rất lo lắng”.
Không những vậy, các địa phương khác cũng gặp không ít khó khăn do mưa ngập và kéo dài nhiều ngày qua. Theo Phòng NN&PTNT huyện U Minh, tính đến thời điểm này địa phương đã thu hoạch khoảng 3.000 ha, năng suất giảm đến 30%. Hiện tại, mực nước bên ngoài vẫn cao hơn nội đồng nên việc bơm tát thu hoạch bằng máy gặp không ít khó khăn.
Với diện tích hơn 2 ha, nông dân Quách Hoàng Lăng, Ấp 3, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, buồn bã: “Mấy đợt mưa vừa rồi khiến lúa thất thu nhiều, ước thiệt hại khoảng 50-70%. Chỉ khắc phục bằng cách bơm tát mà nước dưới sông thì mênh mông, tràn qua lộ nên giờ cứ bơm cầm chừng”.
Đám bí rợ mới xuống giống hơn nửa tháng của hộ ông Cao Văn Tâm, ấp Rạch Ruộng B, xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời bắt đầu thúi rể, đỏ lá vì ngập úng. |
Đìu hiu vụ màu
Không chỉ thiệt hại vụ hè thu mà rau màu của nông dân gần như mất trắng. Dẫn tôi đi thăm mấy rẫy đậu đũa, mướp đang độ thu hoạch trái nhưng đành ngậm ngùi bỏ dở do ngập úng, ông Trần Minh Tàu, ấp Rạch Ruộng B, xã Khánh Lộc, thở dài: “10 công đậu đũa, mướp vừa tới ngày thu hoạch, bẻ chưa được nhiêu, gặp mưa liên tục mấy ngày nên chết dài từ gốc lên, trái giờ cũng úng hết rồi. Đợi nước rút thì xuống giống lại, chứ chi phí bỏ ra làm giàn cũng khá lớn, ráng trồng gỡ gạc”.
Cùng chung cảnh ngộ với ông Trần Minh Tàu, hơn 1 ha khổ qua, bí đao đang trổ nụ của chị Nguyễn Thị Bé Nhỏ, ấp Rạch Ruộng B cũng héo do ngập nước. Chị Nhỏ giọng buồn hiu: “Mới sáng hừng đông ra còn tươi xanh, tới chiều héo từ từ, đỏ lá, rồi lụi luôn. Dưa leo, khổ qua đã hái được một lần, dưa leo cho trái đều bằng chừng nửa cườm tay nhưng ngập, không lớn nữa nên tôi hái vô làm dưa hết”.
Được biết, rau màu thời điểm này rất có giá. Các hộ nông dân cho biết, hiện tại khổ qua có giá 8.000 đồng/kg, dưa leo trên 7.500 đồng/kg, bầu 6.000 đồng/kg, mướp 8.000 đồng/kg, đậu đũa 5.000 đồng/kg.
Chỉ tay vào đám bí rợ xuống giống được hơn nửa tháng, ông Cao Văn Tâm, ấp Rạch Ruộng B, xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời, lắc đầu: “Bắt đầu đỏ lá héo hết rồi nè, thường bí rợ 70 ngày mới thu hoạch. Giờ nhìn còn xanh nhưng chỉ cần nắng lên, chân nước bị nóng sẽ đứt rễ chết hết. Lúa còn gượng được chút đỉnh, chứ rau màu mà ngập coi như thất trắng”.
Phó chủ tịch UBND xã Khánh Lộc Đặng Minh Sơn thông tin: “Nông dân đã thu hoạch được hơn 200 ha đối với trà lúa sạ sớm, còn lại hơn 1.500 ha đang thu hoạch đông ken. Khả năng lúa thiệt hại không cao như rau màu, nhưng sẽ ảnh hưởng năng suất. Bên cạnh đó, do nước ngập dẫn đến khâu thu hoạch khó khăn, ảnh hưởng cả vận chuyển và chất lượng lúa, gạo, kéo theo chi phí tăng, trong khi giá thành nông sản sẽ giảm. Đây là những khó khăn, thiệt hại mà nông dân đang gánh chịu"./.
Theo báo cáo từ Sở NN&PTNT tỉnh, vụ hè thu năm 2020, toàn tỉnh xuống giống gần 36.000 ha. Tính đến thời điểm này đã thu hoạch hơn 13.000 ha, năng suất bình quân ước đạt 4,81 tấn/ha. Trong đó, huyện Trần Văn Thời thu hoạch hơn 7.000 ha, huyện U Minh trên 3.000 ha, TP Cà Mau 2.100 ha, Thới Bình 482 ha. Giá lúa tươi 5.200-5.400 đồng/kg. Riêng trên địa bàn huyện Trần Văn Thời, mưa lớn kéo dài, kèm theo dông lốc đã làm ngập, đổ ngã gần 1.900 ha và thiệt hại gần 40 ha hoa màu. Ông Nguyễn Long Hoai, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho biết, một cơn áp thấp nhiệt đới đang xuất hiện hướng về phía Tây. Mặc dù vĩ độ khá xa nhưng khả năng địa phương sẽ chịu ảnh hưởng như biển động, mưa. Theo dự báo, mưa sẽ không tập trung, do vậy ngành chuyên môn khuyến cáo người dân sớm thu hoạch diện tích trà lúa hè thu còn lại, tránh ảnh hưởng năng suất. |
Hồng Nhung