(CMO) Nghề thông cống, rút hầm cầu luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm độc hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ. Thế nhưng, những công nhân nghề này vẫn ngày ngày làm việc với thông điệp giữ sạch môi trường đô thị thành phố.
Nghề của những nhọc nhằn và rủi ro
Nghe tới nghề thông cống, hút cầu nhiều người chắc hẳn sẽ có cái nhìn không mấy thiện cảm. Đa phần những người đến với nghề là những lao động phổ thông, trình độ thấp, họ phải làm việc nuôi bản thân và gia đình. Theo ông Dương Thành Nghĩa, Phó giám đốc Công ty Đô thị môi trường Cà Mau, hiện tại công ty có 2 đội rút hầm cầu và thông cống. Đội rút hầm cầu cơ giới có 4 công nhân làm việc theo nhu cầu khách hàng. Đội thông cống với 11 công nhân làm theo giờ hành chính là lao động phổ thông có sức khoẻ tốt. Với mức lương cơ bản cộng với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Anh Nguyễn Hoàng Te lặn ngụp dưới ống cống để vớt các chất thải, cặn bã. |
Anh Nguyễn Hoàng Te (quê ở Chà Là, Đầm Dơi) thuộc bộ phận thông ống cống với hơn 8 năm trong nghề. Sinh ra lớn lên trong gia cảnh nghèo khó, anh rời quê lên Cà Mau để kiếm việc làm nuôi bản thân và gia đình. Được một người thân giới thiệu công việc thông cống, anh liền đồng ý nhận lời vì không đòi hỏi nhiều về bằng cấp, chủ yếu là có sức khoẻ tốt. Một ngày làm việc của anh bắt đầu từ 7 giờ sáng và làm theo kế hoạch của công ty, anh chạy xe máy đến những tuyến đường được hoạch định cần thông cống cùng với một nhóm công nhân 4 người. Quy trình thông ống cống bắt đầu từ việc cạy nắp đal, sau đó 1 người xuống cống nạo vét rác thải rồi đưa lên xe để xử lý, khi ống cống được làm sạch thì dùng máy để thông ống cống và kết thúc một ngày làm việc khi đảm bảo đường ống cống được lưu thông, sạch sẽ.
Vì làm việc trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với nhiều chất thải nguy hiểm, chứa vi khuẩn độc hại nên trong một lần bất cẩn anh Nguyễn Hoàng Te đã bị tai nạn nghề nghiệp. “Hơn một năm trước vì thông cống ở khu vực chợ do quá nhiều rác thải bẩn, tôi đã bị một vật sắc nhọn đâm vào bàn tay, đau và chảy máu rất nhiều. Sau đó tôi được đưa đến bệnh viện thì bác sĩ báo rằng một bên tay của tôi đã bị hoại tử, phải mổ và nghỉ dưỡng 6 tháng mới hồi phục và có thể trở lại làm việc”, anh Te vừa nói vừa đưa đôi bàn tay lấm lem bùn đất chi chít những vết sẹo, và cánh tay phải bị hoại tử để chứng minh.
Ngoài ra, còn có rất nhiều công nhân phải chịu đựng các căn bệnh về mắt, hô hấp và các vấn đề về da sau một thời gian dài làm việc và tiếp xúc với các chất bẩn. Hay có những trường hợp khi đang thông ống cống, dọn dẹp ống thải bị ngạt khí độc phải nằm viện truyền nước hoặc bị những vật thể nhọn như kim tiêm, miểng chai… đâm vào tay, ảnh hưởng nặng nề đến sức khoẻ sau này.
Đan xen nỗi niềm
Những công nhân môi trường đô thị làm việc rất thầm lặng, với họ không có ngày nghỉ lễ, không có thời gian dành cho gia đình. Bên cạnh đó còn tiềm ẩn những nguy cơ lây bệnh do thường xuyên tiếp xúc chất độc hại nhưng họ vẫn chấp nhận làm việc vì môi trường xanh - sạch - đẹp. Tuy nhiên, cái nhìn của phần đông xã hội dành cho họ vẫn còn không mấy thiện cảm. Anh Lê Văn Đại tâm sự, nghề nào cũng có cái khó riêng, tuy nhiên, với nghề hút hầm cầu, ngoài việc tiếp xúc với những thứ nước thải, rác thải bẩn thiểu, còn phải chịu áp lực rất lớn từ xã hội. “Lúc trước quen bạn gái nhưng khi nói làm bên lĩnh vực vệ sinh môi trường thì cô ấy cắt đứt mọi liên lạc vì gia đình không chấp nhận. Chưa hết, còn ánh nhìn của mọi người xung quanh dành cho công nhân như chúng tôi rất tiêu cực, họ coi thường và xa lánh, không dám đến gần trò chuyện vì ngại mùi hôi thối dù chúng tôi đang làm sạch môi trường sống cho họ”, anh Đại chia sẻ.
Tuy nhiên, công việc khó khăn là thế, nhưng trong mỗi người thợ thông ống cống, rút hầm cầu cũng tìm được niềm vui cho bản thân, họ tự hào khi nhìn lại những gì mình làm được cho những căn nhà, những con đường thông thoáng, sạch sẽ. Họ biết được công sức nhỏ bé của mình đã góp phần làm cho cuộc sống trong lành, dễ chịu hơn. Anh Nguyễn Hoàng Te trần tình: “Với tôi, công việc này là vô cùng chân chính, mình làm việc chính đáng bằng sức lao động của bản thân nên không việc gì phải mặc cảm. Tuy vất vả nhưng cho tôi nguồn thu nhập ổn định nuôi vợ con. Năm trước tôi được công ty hỗ trợ tiền để mua nhà ở ổn định và con cái tôi được đi học đến nơi đến chốn”.
Có một điều phải khẳng định về nghề vệ sinh môi trường là rất vất vả, tuy nhiên, khi bắt gặp các công nhân vệ sinh làm nghề này, chắc hẳn sẽ dễ dàng nhận ra họ làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Nhiều lúc bị xa lánh, coi thường nhưng họ luôn vui vẻ, tươi cười, tạo cảm giác thân thiện, dễ chịu. Vì lẽ đó, những người làm nghề này rất cần được trân trọng, cảm thông của mỗi người, vì không có họ chúng ta đâu hít thở không khí trong lành và môi trường sống xanh - sạch - đẹp như hiện tại./.
Võ Thảo