ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 7-7-25 11:44:19
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nỗi niềm xóm “tam giác vàng”

Báo Cà Mau (CMO) Ấp Nhà Máy C, xã Khánh Hưng, huyện Trần Thời được gọi là xóm “tam giác vàng”, bởi giáp ranh với 3 xã: Khánh Hưng, Khánh Bình Tây và Khánh Bình Tây Bắc. Do ở đây điện, đường chưa có nên đôi khi bà con gọi đùa là “xóm tụt hậu”. 

Nghe nói có phóng viên đến, chưa tới 10 phút, hơn chục người trong xóm đã tập trung lại chật kín nhà cụ bà Nguyễn Thị Mão, ấp Nhà Máy C. Chuyện trò với bà chưa lâu, chòm xóm đã truyền tai nhau, rồi bà con nhanh chóng đến từng nhóm trước hàng ba và sân nhà bà Mão. Đa số là những cụ ông, cụ bà ngoài 70 tuổi, vài người ghé tai nói rằng: “Bệnh hổm rày nhưng tôi vẫn chống gậy đến đây”.

Nỗi niềm xóm nhỏ

Nhiều người sốt sắng là do họ cùng muốn giãi bày một nỗi niềm. Suốt mấy chục năm, 22 hộ dân ở kinh Cơi 3 (thuộc ấp Nhà Máy C) phải sống trong cảnh không điện, không đường. Ước mơ sở hữu một con lộ bê-tông thông thoáng không mấy người dám nghĩ đến vì họ còn bận "phải làm sao" trước sự đe doạ từ những sợi dây điện chia hơi kéo nhùng nhằng khắp xóm. Chúng xuất hiện quanh nhà, đường đi và cả ngoài ruộng đồng trong tình trạng chồng chéo lên nhau và bong tróc vỏ, có đoạn nằm sát mặt đất hoặc là đà trên mặt kinh mương.

Con kinh Cơi 3 dài gần 4,5 km, khoảng 1 km cuối con kinh là không có điện mặc dù 22 hộ dân đoạn này đã đóng tiền điện hạ thế từ những năm 1990. Ông Trần Trung Can, Trưởng ấp Nhà Máy C, thông tin, cớ sự này xảy ra là do trước kia cán bộ xã chỉ "nhắm chừng" chiều dài con kinh mà không đo đạc, nên khi kéo điện đã hết đường dây mà chưa đến 22 hộ dân cuối kinh.

Ông Phạm Văn Duy “giới thiệu” về hệ thống điện chia hơi giăng mắc như mạng nhện ở ấp Nhà Máy C.

Thoát cảnh đèn dầu leo lét, ông Phạm Văn Phước là người đầu tiên trong 22 hộ cuối xóm kéo điện chia hơi về nhà vào năm 2005.

Ông Phước hồi tưởng: "Thời đó chi phí kéo điện về nhà phải tốn mấy cây vàng, vì đường dẫn điện dài hơn 1 km. Nhưng bù lại niềm vui có điện khiến các thành viên trong gia đình tôi đều phấn khởi. Dần dà, một vài hộ dân cũng chắt chiu, gom góp tiền để mang ánh sáng về nhà. Nhưng khổ nỗi tiền điện cao ngất ngưỡng, có khi lên đến 5.200 đồng/kWh vì đường tải quá xa".

Ông Phạm Văn Duy, ấp Nhà Máy C, thông tin: "Tụi tôi không những xót tiền lại nơm nớp lo sợ tai nạn điện. Thời gian đầu, chừng vài tháng, bà con còn thay cột đỡ dây điện hoặc kiểm tra độ an toàn của dây. Nhưng dần dà, họ cũng bỏ mặc cho dây điện bong tróc hoặc bạo gan nối lại và quấn sơ sài bằng băng keo. Thế nên, trời mưa xuống hoặc gió mạnh thì dây điện có thể chập và cột đổ ngã".

Nghĩ đến cảnh tượng đó, chắc hẳn nhiều người sẽ rùng mình, khiếp đảm. Nhưng đối với nhiều người ở đây, đó là chuyện thường ngày.

Ông Huỳnh Khương Ninh nói: "Trước cửa nhà tôi, dây điện chia hơi giăng như mạng nhện. Ban đầu có trụ điện bằng cây, lâu ngày cây ngã đổ, dây điện hư rồi thay đi thay lại nhiều lần khiến bà con ngán ngẩm. Bây giờ nhìn xung quanh chỉ toàn dây dẫn điện nhỏ xíu và cây trụ chỉ nhỏ như cây củi".

Ông Ninh cho biết thêm, ông 4 lần bị điện giật nhưng "cao số". "Lần đó, trời đang nắng đẹp, tôi ra nói chuyện với hàng xóm rồi tiện tay vịn cây cột điện, không ngờ bị điện giật té xỉu nhưng may thoát nạn. Sau đó mọi người mới kiểm tra thì phát hiện trong số dây đang treo trên cây đã có một sợi bị hở mạch".

Do nguy cơ khó lường từ những sợi dây tử thần ấy, nên trong xóm thành lập một nhóm người để thường xuyên kiểm tra dây điện khi vào mùa mưa sòng.

Khó phát triển sản xuất

Là một doanh nghiệp nhỏ chuyên sản xuất cá bổi khô, bà Nguyễn Thị Mão tâm sự: “Mấy đứa con tôi mua cá bổi ở các huyện rồi về chế biến bán lẻ. Nhưng vì xài điện chia hơi nên chi phí sản xuất rất đắt đỏ, tính ra cũng không dư dả gì. Mà ở đây nếu cứ trông chờ vào lúa sao sống nổi, bởi mấy năm gần đây trồng lúa luôn thất mùa”.

Ánh mắt nhìn xa xăm, cụ bà 88 tuổi, từng có 2 người con hy sinh trong kháng chiến nhưng không sờn lòng, ấy mà giờ đây, khi xứ sở đã thanh bình, bà lại thở dài ngao ngán. Bà chậm rãi nói: "Chỉ mong có điện kéo về nhà để sinh hoạt và làm kinh tế. Chớ bây giờ chưa dám mong có con đường bê-tông, vì lộ đất đen còn chưa có".

Sau khi kể hết những khó khăn và bất tiện về xài điện chia hơi, ông Phạm Văn Duy trải lòng: "Kiến nghị lên ấp, xã riết rồi chán không muốn nói nữa. Chúng tôi từng viết đơn gởi ngành điện lực nhưng vẫn chưa kết quả. Cứ trông chờ rồi lại thất vọng suốt mấy chục năm qua...".

Đi bộ hơn 500 m tiễn chúng tôi ra về, bà con kinh Cơi 3 bịn rịn dặn dò: “Có người quan tâm hỏi thăm như thế, tụi tôi vui lắm rồi, mong sao mong mỏi của chúng tôi sẽ sớm thành hiện thực”. Gởi niềm mong mỏi đó theo chân chúng tôi ra về, bà con lại quay về với cuộc sống thường nhật với niềm hy vọng một lần nữa loé lên./.

Phản bác lại ý kiến của ông trưởng ấp về việc trước đây khi hợp đồng kéo điện vào kinh này nhưng không đo đạc chính xác, cựu chiến binh Huỳnh Khương Ninh, 76 tuổi, cho biết: "Thời đó, chính tôi chứng kiến cán bộ xã đo từ cuối con kinh đến đầu con kinh, có kẻ vạch trắng hẳn hoi. Nhưng khi kéo điện lại kéo ở đầu kinh trước và không hiểu lý do vì sao chúng tôi lại không được kéo điện".

Nỗi ấm ức đó kéo dài suốt mấy mươi năm, không ít lần bà con kiến nghị lên ấp, xã, huyện và tỉnh. Nhưng ngày tháng cứ trôi đi và niềm hy vọng dần dần lụi tắt, họ đã không còn trông chờ mà chấp nhận sống chung với mạng nhện điện chia hơi.

Mang theo mong mỏi và kỳ vọng của bà con, chúng tôi đến gặp ông Cao Văn Lượng, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Hưng. Ông Lượng thông tin: "Mỗi kỳ tiếp xúc cử tri chúng tôi đều nhận được kiến nghị và lắng nghe tâm tư, bức xúc của người dân. Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu lên cấp trên và theo Quyết định 2081/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Công thương đã phê duyệt danh mục này. Thế nhưng, hiện tại chúng tôi cũng chưa biết thời gian chính xác kéo điện cho bà con. Vấn đề này nằm ngoài thẩm quyền của chúng tôi nên cũng chỉ biết trông chờ các ngành chức năng có thẩm quyền xem xét giải quyết".

Phùng Ngọc Trầm

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc - Bài cuối: Dệt nghĩa tình nơi vùng biên

Thắt chặt tình quân - dân, Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở các địa bàn biên giới biển, đảo, thường xuyên thực hiện các hoạt động nghĩa tình, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con. Ðiều này góp phần củng cố sức mạnh đại đoàn kết, tạo nên thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc - Bài 2: Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng

Là lực lượng chủ công trên mặt trận phòng chống các loại tội phạm trên biển, Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau ngày đêm tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi xâm phạm chủ quyền, vi phạm pháp luật. Những chiến công liên tiếp trong việc triệt phá các chuyên án, bắt giữ tội phạm đã góp phần giữ vững an ninh trật tự, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế biển.

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc

Năm 2025 là năm đặc biệt đối với Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau khi đánh dấu 50 năm xây dựng, chiến đấu và không ngừng lớn mạnh, trở thành “lá chắn thép” nơi cực Nam Tổ quốc, đảm bảo sự bình yên và vững chắc cho vùng biển, đảo quê hương. Cán bộ, chiến sĩ BÐBP còn là những người bạn, người thân của Nhân dân, cùng chung tay xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Bộ đội Cụ Hồ.

Lớn lên từ những chuyến đi

Trong suốt chặng đường theo nghề báo hơn 25 năm, có những lúc áp lực, tưởng chừng sẽ phải dừng lại. Song, khi nhìn lại, tôi thầm cảm ơn và tự hào với những gì mà nghề đã mang lại cho tôi, đó là những chuyến đi, khám phá những vùng đất mới, xa xôi, đặc biệt là những chuyến đi biển, đảo. Chính những hành trình ấy đã tiếp thêm sức mạnh, tình yêu quê hương, đất nước, bùng thêm ngọn lửa nghề trong tim tôi.

Khi ý Ðảng gặp sức dân - Bài cuối: Nâng cao hiệu quả quản trị cộng đồng

Bức tranh toàn cảnh về sự hình thành và những thành công bước đầu của mô hình tổ Nhân dân tự quản (NDTQ) tại Cà Mau, cho thấy một thiết chế đầy tiềm năng trong việc kết nối ý Ðảng với sức mạnh cộng đồng. Tuy nhiên, hành trình xây dựng và phát triển mô hình này không tránh khỏi những “gập ghềnh”, những “nút thắt” cần được tháo gỡ.

Viết báo tết trong chiến khu

Buổi sáng cuối đông năm 1973, bầu trời se lạnh. Chúng tôi ngồi viết báo Tết trong khu vườn dừa của chú Sáu Lân ở ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.

Khi phóng viên địa bàn đồng hành cùng địa phương

Từ thời Báo Minh Hải, phóng viên đã được Toà soạn phân công phụ trách địa bàn để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với cơ sở, với bà con, nắm bắt thật sát tình hình địa phương, thực hiện các tin, bài nóng hổi tính thời sự, góp phần và đồng hành cùng với sự ổn định, phát triển của địa bàn phụ trách.

Khi ý Ðảng gặp sức dân

Trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân, vì dân”, ở Cà Mau, một mô hình tổ chức xã hội đặc biệt đang âm thầm bén rễ và lan toả sức sống: Tổ Nhân dân tự quản (NDTQ). Thoạt nghe, cụm từ này có vẻ khô khan, mang nặng tính hành chính, nhưng khi đặt chân đến những xóm, ấp nơi mô hình này đang hoạt động, người ta mới cảm nhận được hơi thở của sự tự nguyện, tinh thần đoàn kết và khát vọng làm chủ cuộc sống cộng đồng. Ðây không chỉ là hình thức tập hợp người dân theo địa bàn cư trú, mà sâu xa hơn, nó đang dần khẳng định vai trò như một cầu nối sống động, nơi ý Ðảng được truyền tải một cách gần gũi nhất, hoà quyện với nhu cầu và sức mạnh nội tại của Nhân dân.

Với nghề, tôi thấy mình như vừa chập chững tập đi...

Tôi bắt đầu công việc viết lách từ rất sớm, như các bạn tuổi mới lớn khác, tập tành sáng tác thơ và tản văn. Ở những năm học cấp III, tôi chi tiêu cho mua dụng cụ học tập, hàng quà hay những thứ lặt vặt khác, từ chính nguồn nhuận bút viết lách.

Thức cùng sóng biển

Hầu như năm nào cũng vậy, khi những làn gió chướng đầu tiên lao xao trên cành lá là cái rạo rực về những bài báo xuân cứ thôi thúc trong mỗi chúng tôi.