Buổi tiếp xúc cử tri do HĐND huyện Trần Văn Thời tổ chức tại xã Phong Lạc cuối năm 2014 kết thúc khá lâu nhưng nhiều nông dân còn nấn ná chưa về. Bà con đang chờ đến lượt để truy cập internet tìm thông tin mình đang cần.
Buổi tiếp xúc cử tri do HĐND huyện Trần Văn Thời tổ chức tại xã Phong Lạc cuối năm 2014 kết thúc khá lâu nhưng nhiều nông dân còn nấn ná chưa về. Bà con đang chờ đến lượt để truy cập internet tìm thông tin mình đang cần.
Từ Dự án “Nâng cao năng lực công nghệ cho cán bộ đoàn thể và nông dân”, Hội Nông dân xã Phong Lạc được trang bị 1 bộ máy vi tính, 1 máy in, kết nối internet.
Nông dân tìm kiếm thông tin trên internet. |
“Rất nhiều nông dân tại đây, từ chỗ chưa biết gì về máy tính, qua tập huấn, đã có thể tự truy cập internet để tìm thông tin mà mình cần. Hiện nay internet đã về gần bà con hơn. Người dân có thể tự tra cứu các thông tin, chẳng hạn như hôm nay thời tiết thế nào, lịch thời vụ cho mùa tới, các mẫu tôm được kiểm dịch, giá tôm, cua trong ngày. Rồi các tư vấn về phân bón, thuốc trừ sâu, phòng trừ dịch bệnh… Các thông tin sẽ giúp ích cho người nông dân ứng dụng hiệu quả vào nông vụ của mình”, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Lạc Nguyễn Văn Chinh phấn khởi chia sẻ.
Dự án “Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ đoàn thể và nông dân” được Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học - công nghệ tỉnh Cà Mau thực hiện tại 49 xã thuộc 8 huyện: U Minh, Đầm Dơi, Phú Tân, Năm Căn, Trần Văn Thời, Ngọc Hiển, Cái Nước và Thới Bình.
Kỹ sư Đinh Hùng Anh, Chủ nhiệm dự án, cho biết, bưu điện văn hoá xã là nơi khởi đầu cho phong trào sử dụng máy tính và internet của nông dân. Tuy nhiên, số lượng máy tính không nhiều, chủ yếu ở các cơ quan hành chính và vài điểm dịch vụ do tư nhân mở. Các điểm này thường xuyên trong tình trạng hết máy khiến họ phải chờ đợi khá lâu. Qua đó có thể thấy nhu cầu sử dụng máy tính và dịch vụ internet của bà con cao hơn nhiều so với khả năng đáp ứng.
Qua theo dõi thao tác sử dụng các công cụ tìm kiếm thông tin của nông dân Nguyễn Tuấn Anh (ấp Tân Lập), Nguyễn Hoàng Chiến (ấp Tân Bằng) trên máy tại Hội Nông dân xã Phong Lạc, cho thấy dự án chính là cầu nối, góp phần thúc đẩy nhanh việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất của người dân trên địa bàn, làm tăng năng suất của cây trồng, vật nuôi.
Anh Chiến 4 năm liền là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh. Theo anh, internet rất quan trọng đối với nghề nông, giúp nông dân có thể học hỏi cách làm ăn, tìm nơi bán sản phẩm. Trang thông tin của Sở NN&PTNT đưa nhiều thông tin giúp nông dân biết lúc nào thả giống, mẫu giống nào của cơ sở đã được kiểm dịch, giá thị trường sắp tới ra sao… Đó là những thông tin giúp nông dân tránh rủi ro để giàu lên từ nông nghiệp.
Nhờ internet mà nhiều nông dân đã giàu lên từ những mô hình sản xuất mà họ học từ trên mạng, nhạy bén hơn và mạnh dạn hơn trong việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Qua internet, họ nắm bắt được những kỹ thuật mới, giá cả thị trường, các mô hình sản xuất giỏi, đạt hiệu quả cao góp phần xoá đói, giảm nghèo ở địa phương.
Phó Chủ tịch UBND xã Phong Lạc Dương Thanh Long rất tâm đắc khi đi thăm các mô hình sản xuất của bà con trong xã: “Người dân tham gia dự án đã dần thay đổi những phương pháp canh tác truyền thống chuyển sang ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi và bảo quản sau thu hoạch”.
Những mô hình sản xuất hiệu quả trên mạng internet đang được người dân ở địa phương nhân rộng ra, tạo sự lan toả rộng rãi. Đây là mong muốn của các cấp lãnh đạo và chính quyền địa phương trong quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông thôn, chung tay xây dựng nông thôn mới.
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND xã Phong Lạc Dương Thanh Long, hiệu quả dự án mang lại góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của một bộ phận người dân vùng nông thôn về việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, mua bán và trao đổi hàng hoá. Đồng thời, dự án còn giúp cán bộ đoàn thể xã thực hiện tốt hơn vai trò hỗ trợ nông dân trong việc định hướng sản xuất, tạo sự gần gũi giữa người dân và chính quyền địa phương./.
Bài và ảnh: Duy Linh