Bây giờ, đến xã Lý Văn Lâm, dọc theo các tuyến lộ phẳng lì là những ngôi nhà khang trang, bề thế vừa được xây mới, là những ngôi trường kiên cố rộn rã tiếng cười học sinh, là giăng giăng trên bầu trời dòng điện hạ thế. Hạ tầng nông thôn được xây dựng khá hoàn thiện, là đòn bẩy thúc đẩy đời sống kinh tế, văn hoá của người dân phát triển.
Bây giờ, đến xã Lý Văn Lâm, dọc theo các tuyến lộ phẳng lì là những ngôi nhà khang trang, bề thế vừa được xây mới, là những ngôi trường kiên cố rộn rã tiếng cười học sinh, là giăng giăng trên bầu trời dòng điện hạ thế. Hạ tầng nông thôn được xây dựng khá hoàn thiện, là đòn bẩy thúc đẩy đời sống kinh tế, văn hoá của người dân phát triển.
Cuối năm 2014, xã Lý Văn Lâm về đích nông thôn mới (NTM) trước thời gian 1 năm so với lộ trình đề ra. Quan niệm “ăn no, mặc ấm” của ông bà ta xưa kia dần được người dân xã Lý Văn Lâm nâng lên thành “ăn ngon, mặc đẹp”. Cái đích cuối cùng của xây dựng NTM là nâng cao chất lượng cuộc sống, thể hiện rất rõ tại xã ngoại thành này.
Xã ngoại thành bừng sáng
Cùng ngồi xúm xít trên bờ ruộng với bà con, anh Giang (Phan Hoàng Giang, Phó Bí thư Đảng uỷ xã Lý Văn Lâm) chia sẻ: “Nông dân xã Lý Văn Lâm có khá nhiều mô hình sản xuất để làm giàu. Đó là sản xuất tôm - lúa, chuyên canh lúa - cá, lúa - màu trên cánh đồng lớn, trồng dưa hấu, nuôi cá ao hồ, trồng rau an toàn, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Từng mô hình được quy hoạch, bố trí sản xuất khá bài bản theo hướng kinh tế tập thể”.
Cánh đồng lớn 200 ha ấp Thạnh Điền cho vụ mùa bội thu. |
Chị Võ Thuý Ái, Chi hội trưởng Phụ nữ ấp Ông Muộn, giải bày: “Bây giờ lộ nối liền xóm ấp, thông ra thành phố nên người dân có con cá, cọng rau đều chạy vèo ra chợ bán, không bị tư thương ép giá. Đối với trồng rau an toàn, từ khi có điện đến nay, chỉ cần chị em bật cầu dao điện là có ngay nguồn nước tưới, từ đó góp phần giải phóng sức lao động cho nông dân so với trước đây”.
Đời sống kinh tế phát triển, ngoài xây mới, sửa chữa nhà cửa, mua sắm phương tiện đi lại, phương tiện nghe nhìn, người dân còn có điều kiện chăm lo cho con cháu học hành đến nơi đến chốn. Hộ nghèo của từng ấp chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ông Hai Bàn (Nguyễn Văn Bàn), ấp Thạnh Điền, vui vẻ cho hay, ý thức bảo vệ cảnh quan, môi trường, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội của người dân nâng lên nhiều so với trước đây. Bây giờ, mỗi nhà đều có hố rác, ai cũng biết cách phân loại rác thải, loại nào có ích thì tái sử dụng làm phân bón trồng cây, loại nào có hại thì tiêu huỷ. Nhà nhà cùng nhau làm hàng rào cây xanh tạo cảnh quan môi trường. Mỗi mét rào cây xanh dài thêm như nối vòng tay lớn của người dân trong xã trên bước đường xây dựng NTM.
Nông dân thời nông thôn mới
Ông Hai Bàn đúc kết: “Cả đời làm ruộng nhưng tôi chưa bao giờ thấy người nông dân nhàn hạ như bây giờ, tất cả đã có máy móc làm thay sức người. Chỉ tính riêng chuyện thu hoạch lúa thôi, trước đây người dân phải gặt từng bụi, dùng trâu cộ lúa bó về sân rồi thuê máy tuốt ra hạt, vừa mất nhiều công sức, chi phí, thời gian. Nay máy gặt đập liên hợp làm trọn gói chỉ trong chốc lát”. Được biết, ấp Thạnh Điền có 149 hộ tham gia cánh đồng lớn, với diện tích 200 ha, bình quân năng suất từ 5,5-6 tấn/ha, cao nhất từ trước đến nay.
Đa canh trên cánh đồng lớn. Ảnh: THANH QUANG |
Dù đã rất cận Tết Nguyên đán nhưng hổm rày ông Năm Xia (Ngô Văn Xia), ấp Xóm Lớn không có động tĩnh gì với mấy ao cá bổi công nghiệp đã đến kỳ thu hoạch. Thương lái ép giá quá ông không bán, ông đoán chắc mẻm sau Tết giá sẽ tự nhích lên. Hiện tại đang vào thời điểm nông dân nuôi cá ở các huyện Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình thu hoạch rộ, cung vượt cầu, giá giảm là điều đương nhiên. Ông Năm Xia cho rằng, nông dân cần cù, siêng năng lao động vẫn chưa đủ làm giàu nếu thiếu thông tin, thiếu quyết đoán. Đó là thông tin về giống, khoa học - kỹ thuật, đặc biệt là thông tin thị trường.
“Quan điểm xây dựng NTM của TP Cà Mau là tập trung phát triển kinh tế nông thôn. Muốn vậy, người nông dân phải sản xuất theo tập quán, quan hệ sản xuất mới. Quan tâm ứng dụng, nhân rộng những mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế cao, mang tính bền vững song song với công tác tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, định hướng thị trường cho nông dân. Xây dựng, củng cố các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Tổ chức nhân rộng mô hình cánh đồng lớn, gắn với liên kết 4 nhà, bởi đây là xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại”, Chủ tịch UBND TP Cà Mau Hồ Trung Việt khẳng định. |
Ở xã Lý Văn Lâm, có không ít những nông dân ngày ngày nghiên cứu sách, báo, truy cập internet để tìm hiểu chủ trương, chính sách, pháp luật, những mô hình sản xuất hiệu quả, những thông tin khoa học - kỹ thuật, thị trường.
Chủ tịch UBND xã Lý Văn Lâm Trương Thanh Toàn tâm đắc: “Nông dân bây giờ nhạy bén trong cách thức làm ăn, trong học hỏi kinh nghiệm, trong tiếp cận khoa học - kỹ thuật. Bà con biết quý trọng đất đai, siêng năng cải tạo vườn tạp, đất hoang trồng hoa màu, cây ăn trái để tăng thêm thu nhập”.
Tháng giáp Tết, tại xã NTM Lý Văn Lâm, đếm không sao xuể những luống dưa hấu xanh ngút ngàn đang hứa hẹn vụ mùa bội thu. Bên kia là cánh đồng lúa đang bước vào thời điểm thu hoạch rộ, trải dài một màu vàng. Tiếng máy gặt đập liên hợp xập xình chen lẫn với tiếng nói cười của những lão nông tri điền. Chưa năm nào người dân xã Lý Văn Lâm hăm hở đến vậy, đến đâu cũng nghe bàn chuyện làm giàu, đi đến đâu cũng thấy sắc màu nông thôn rực rỡ. Những hình ảnh ấy càng củng cố niềm tin của người dân về NTM./.
Bài và ảnh: Đỗ Chí Công