ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 22-11-24 02:54:36
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

NSND Minh Ðương - Từ chiến sĩ cận vệ thành Nghệ sĩ Nhân dân

Báo Cà Mau

Suốt cuộc đời gắn bó với nghiệp ca diễn, NSND Minh Ðương đã dệt vào sân khấu cải lương nhiều sợi tơ vàng óng ánh.

Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Minh Ðương tên thật là Nguyễn Chí Ðương, sinh năm 1948, tại xã Tân Thành. Ông tham gia Ðoàn Văn công giải phóng tỉnh Cà Mau từ năm 1967, với vai trò diễn viên cải lương. Sau ngày giải phóng, ông tiếp tục là chàng kép “rộng xài” của Ðoàn Cải lương Hương Tràm, với một loạt các vai diễn để lại dấu ấn đẹp trong lòng công chúng: Ðại uý Hoàng Anh trong “Giọt máu oan cừu”, “Tư câu sấu” trong “Bóng biển”, Lục Vân Tiên trong “Kiều Nguyệt Nga”, Lê Hoàn trong “Thái hậu Dương Vân Nga”... Ông còn là đạo diễn sân khấu tài hoa; nhà quản lý nghiêm cẩn với 30 năm lần lượt là Phó, Trưởng đoàn Cải lương Hương Tràm.

Năm 1997, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT). Trong lần xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10, năm 2023, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND.

Nghệ sĩ Nhân dân Minh Ðương ngồi bên song cửa ngó ra miền nắng đứng. Chiếc loa nhỏ văng vẳng giọng ca của mình được thu từ rất lâu. Giọng ca sang sảng, đài từ, nhả chữ trau chuốt... rót vào lòng ông giọt thương, giọt nhớ.

Bên kia, NSƯT Lệ Minh cũng nhắc lại thời vàng son của chồng. Ở tuổi bỏ xa thất thập, chuyện mới xảy ra hoặc những buồn vui đã qua trong đời có thể thoáng quên; nhưng sao chuyện xa lắc xa lơ về nghệ thuật lại cứ như thước phim chậm, chiếu lại rõ mồn một.

Ly trà bốc khói như điểm cho nụ cười đôi nghệ sĩ lão thành thêm đậm đà. Nhắc tiếp đi cho tràn mạch nhớ. Nhắc chuyện gì? Thì chuyện từ chàng lính cận vệ của đơn vị phòng thủ Tỉnh uỷ đến NSND Minh Ðương! Ðó là lối rẽ đẹp, gắn với Ðoàn Văn công Giải phóng tỉnh Cà Mau.

Mạch cười nối nhau thắp lên hiền hoà. Nhớ bến sông Tân Thành năm đó lưu giọt nước mắt trước sự hy sinh của anh Hai, đã hun đúc tinh thần cách mạng trong lòng Năm Ðương...

...Ngay từ nhỏ, Năm Ðương rất mê văn nghệ, 14 tuổi đã tham gia Ðội Thiếu niên Tiền phong và Ðoàn Văn công của xã Tân Thành. Thấy cậu bé nhiệt huyết, các chú, các anh thương lắm, tin tưởng phân công nhiệm vụ bảo vệ bí thư xã uỷ. Trong thời gian ngắn, được rút vào tiểu đội bảo vệ cơ quan huyện uỷ, sau đó nhanh chóng trở thành cận vệ của đơn vị phòng thủ Tỉnh uỷ, bảo vệ bí thư tỉnh. Cứ tưởng đường binh nghiệp là lựa chọn duy nhất trong đời để phụng sự cách mạng, nhưng rồi một ngày kia, lại có thêm lối rẽ với nghệ thuật, mà bây giờ nhắc lại, người nghệ sĩ tài danh vẫn cứ mãi cảm ơn...

Năm 1967, trong một hội nghị của tỉnh được tổ chức tại rừng đước Ðiền Ba Xuyên, có mời Ðoàn Văn công giải phóng tỉnh Cà Mau về phục vụ. Trưa, khi mọi công việc tương đối đâu vào đấy, các anh em trong đơn vị lân la đến chòi của Ðoàn Văn công mượn đờn về ca hát giải khuây. Nắng dìu dịu, tiếng ca cổ muồi rệu của Năm Ðương cất lên, len lỏi qua mấy chang đước, nhận được nhiều tràng vỗ tay tán thưởng.

NSƯT Huỳnh Hảnh, lúc bấy giờ là Phó trưởng đoàn Văn công, nghe được, men theo tiếng đờn, lời ca. Ðến nơi, cũng là lúc cuộc đờn ca vừa kết thúc, ông cất tiếng: “Khi nãy tui nghe em nào mới ca cổ mà hay quá!”. “Dạ, là đồng chí Năm Ðương”, nhiều ngón tay chỉ về chàng trai trẻ. “Em ca khá lắm, ráng lên nghen. Mà chú mày công tác ở đâu?”. “Dạ, em đang làm nhiệm vụ bảo vệ chú Ba Báu (bí danh của đồng chí Nguyễn Hồng Cơ - PV), Thường vụ Tỉnh uỷ”, Năm Ðương rụt rè trả lời.

Cuộc trò chuyện ngắn ngủi, rồi ai nấy lại lo công việc riêng. Năm Ðương đâu biết rằng, ông Phó đoàn âm thầm tìm gặp lãnh đạo tỉnh để ngỏ lời “xin” một nhân sự, mà bằng con mắt nhà nghề, ông nhận định đầy triển vọng nghệ thuật. Tất nhiên, chuyện bất ngờ, đây lại là chiến sĩ giỏi, nên khó có thể nhận được sự đồng ý.

Trước lời chân thành của Phó đoàn Huỳnh Hảnh, đồng chí Nguyễn Văn Ðáng, Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau, đã tâm tình với đồng chí Ba Báu rằng: “Anh Ba à, chiến sĩ cận vệ khó kiếm thật, mà nghệ sĩ thì lại càng khó kiếm hơn...”. Ðắn đo nhiều lắm mới có cái gật đầu.

Sau khi hội nghị tan một tuần, đơn vị phòng thủ Tỉnh uỷ có cuộc họp chi bộ bất thường, nội dung điều động người chiến sĩ cận vệ về Ðoàn Văn công. Chiều đó, trong bữa tiệc nhỏ chia tay anh em, Năm Ðương cứ bồi hồi, bất ngờ quá, chuyện này có dám nghĩ tới bao giờ đâu...

Từ chiến sĩ đơn vị phòng thủ trở thành kép hát, Năm Ðương bỡ ngỡ lắm. Nhớ hoài vai diễn đầu tiên, Hiệp trong vở “Tình riêng nghĩa cả” mà lại đóng cặp cùng Nghệ sĩ Kim Chi, vai Tâm (diễn viên chính của đoàn lúc bấy giờ). Ngoài đời, Năm Chi vừa là người chị, vừa là người thầy của ông, mà lúc tập luyện lại phải nói những câu tình tứ: “Tâm ơi, xin em hãy hiểu nỗi lòng anh...”, từng nét diễn cứ sượng sùng, tập hoài không thành.

Tức, hụt hẫng, nước mắt rớt. Thậm chí có lúc quá chán nản, Năm Ðương xin được trở về đơn vị cũ, bởi nghĩ rằng có lẽ nghề hát không chọn mình. Vốn liếng chỉ có mỗi giọng ca, mà ca thì cũng “chơi” chớ chưa biết nhịp nhàng, bài bản. Chàng kép trẻ lần lượt được Nghệ nhân Mười Mây dạy cho biết “hò”, “xự”, “xang”, “xê”, "cống”; ba Nam, sáu Bắc, bốn Oán, bảy Bài... Thấy sự chịu khó của Năm Ðương, ông ra sức dạy. Lớp học một thầy một trò này diễn ra bất kể đâu, lúc tranh thủ trên đường hành quân, khi giờ nghỉ ngơi bên liếp chuối, liếp dừa. Rồi Nghệ sĩ Út Tâm dạy từng nhịp nhàng; kỹ thuật biểu diễn, lại có sự trau chuốt hết lòng của Nghệ sĩ Huỳnh Hảnh, Nghệ sĩ Kim Chi; những khi chán nản nhất, có sự động viên của những người bạn quanh mình như: Ca sĩ Hoàng Chiến, Nghệ sĩ Lệ Minh...

Không nhớ nghệ danh Minh Ðương được đặt khi nào, nhưng chỉ nhớ rằng trong những năm cuối thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, cặp đào kép ca Minh Ðương và Ánh Xuân đã vang danh trong lòng khán giả với hàng chục bài ca cổ hào hùng, hun đúc tinh thần yêu nước, khí thế tiến công: Sóng Tam Giang, U Minh rực lửa, Bài ca địa đạo, Giương cao cờ khởi nghĩa... Ngoài ra, Minh Ðương còn lần lượt có những vai diễn tạo được dấu ấn đẹp trên sân khấu Văn công như: anh Hội trong “Người con gái đất đỏ”, Hiệp trong “Tình riêng nghĩa cả”, Bầu trong “Máu thắm đồng Nọc Nạng”...

NSND Minh Ðương nhắc lại khí thế hừng hực của Ðoàn Văn công giải phóng tỉnh Cà Mau với tất cả sự tự hào. Hàng loạt vở cải lương, bài ca cổ, chương trình ca múa nhạc tổng hợp... nối nhau ra đời bằng cả máu, nước mắt của tập thể chiến sĩ - nghệ sĩ “tay súng tay đàn”. Bên vang rền đạn bom, mất - còn cách nhau trong gang tấc, từng lời ca điềm nhiên cất lên. Tiếng thơm của Ðoàn Văn công giải phóng theo đó vang xa, lưu vào lòng khán giả khắp nơi.

NSND Minh Đương nâng niu bằng danh hiệu cao quý vừa được nhà nước phong tặng trong lần xét duyệt thứ 10, năm 2023.

Miền nhớ cứ dìu dặt theo gió. Ngày hay tin được phong tặng danh hiệu NSND, đêm ông trằn trọc không ngủ vì nhiều ký ức năm cũ nối nhau tìm về. Nhớ thật nhiều những cánh đồng khô mùa hạn vùng nông thôn giải phóng, nơi lý tưởng trở thành sân bãi biểu diễn của Văn công thuở xưa. Sân khấu đơn sơ có khi chỉ ghép bằng ván ngựa, cảnh trí giản đơn, dưới ánh đèn măng xông, những nghệ sĩ vẫn biểu diễn bằng tất cả đam mê nghệ thuật và tình yêu Tổ quốc; phía dưới có hàng ngàn ánh mắt chăm chú dõi theo.

Ánh nhìn lại xa xăm như muốn lục tìm thêm thật nhiều chuyện cũ cho thoả lòng. Với Ðoàn Văn công giải phóng tỉnh Cà Mau, NSND Minh Ðương đã gắn bó, cống hiến bằng trọn trái tim nhiệt huyết. Khi cánh màn sân khấu mở ra, ông cùng đồng đội như những con tằm nhả tơ. Không chỉ ca, diễn mà trong thiếu thốn thời chiến, đôi lúc ông còn kiêm luôn vai trò âm thanh, ánh sáng; khi rời sân khấu, khoác súng lên, những nghệ sĩ Văn công lại trở thành chiến sĩ. Vui - buồn; mất - còn đã trải luôn là những gam màu đẹp lưu mãi.

NSND Minh Ðương không bao giờ quên nỗi thắc thỏm lo âu của hai đấng sinh thành, khi có con trai mải miết theo bài ca, vở tuồng, vai diễn mà bom đạn thì vô tình. Thương hoài hình ảnh má, nghe tin Ðoàn Văn công đóng ở đâu lại tìm đến để thăm con. Vòng tay ôm, ánh mắt nhìn, câu dặn dò hiền lành... sao cứ dịu êm. Ðể rồi ngày Cà Mau vàng ngọt nắng hoà bình, trên sân khấu Hương Tràm, cái tên Minh Ðương tiếp tục vang danh.

Mỗi lần có ai đó đi ngang nhà tấm tắc: “Vợ chồng ông Hai Nhu có được thằng con làm nghệ sĩ, làm kép chánh, rồi Trưởng đoàn Cải lương Hương Tràm. Hay quá!”, nụ cười của má, ba lại bừng vui, không giấu được hãnh diện, tự hào.

Ði qua hết những thăng trầm nghề hát, mỗi khi về lại quê hương Tân Thành, đứa con bạc đầu lại nhớ mồn một hai nụ cười ấy, rồi nghẹn cất vào lòng giọt nước mắt biết ơn...

 

Minh Hoàng Phúc

 

 

Vũ Minh Hiển: Sự chắt lọc từ trái tim

Vũ Minh Hiển sinh năm 1981, là nhiếp ảnh gia tự do tại Hà Nội. Mang trong mình niềm đam mê nhiếp ảnh từ thuở thiếu thời, anh quyết định từ bỏ công việc ổn định tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai để theo đuổi tiếng gọi nghệ thuật.

Dịu dàng cảm xúc

Tác giả Nguyễn Thị Thu Cúc sinh năm 1963, công tác tại Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật. Nghỉ hưu năm 2018, chị tham gia nhiếp ảnh, hiện sinh hoạt tại Cung Văn hoá hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội.

Nét đẹp Tây Nguyên

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Hữu Hạt sinh năm 1955, tại Ðắk Lắk. Trước đây kinh doanh, khi đến tuổi được nghỉ ngơi, anh mua máy ảnh chụp lưu niệm trong những chuyến du lịch đó đây.

Xê dịch cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Nguyễn Tuấn Anh sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng, thành viên Câu lạc bộ Ảnh Báo chí Hải Phòng, hội viên Hội Nhiếp ảnh Hải Phòng, hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Hiện anh công tác tại Công ty Cổ phần bia Tây Âu - Hải Phòng.

Cảm nhận cuộc sống tích cực hơn

Quê tỉnh Bình Ðịnh, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bình Ðịnh, nhưng do trước đây từng có thời gian dài công tác tại Ðà Nẵng, vì làm việc xa nên anh chọn nhiếp ảnh như một thú vui giúp khuây khoả nỗi nhớ nhà, giải toả căng thẳng trong công việc cũng như cuộc sống. Anh là NSNA Trần Hưng Ðạo, sinh năm 1988.

“Tình sen”

Vốn có tình yêu mãnh liệt với hoa sen và từ lâu đã ấp ủ dự định chuyên tâm vào các tác phẩm sen nghệ thuật - chủ đề mang đến sự thư thái, bình yên, NSNA Hoàng Bích Vân vừa tổ chức thành công triển lãm cá nhân đầu tay, với chủ đề “Tình sen”.

Bình yên Phố Cổ

Sinh năm 1985, hội viên Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật TP Ðà Nẵng, là nhiếp ảnh gia tự do tại TP Hội An, Cường Art đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế: “Du xuân”, giải Nhất cuộc thi ảnh do Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Ðà Nẵng tổ chức năm 2016; “Tưởng nhớ”, giải Nhất cuộc thi sáng tác ảnh nhanh trong vòng 24 giờ tại Liên hoan Nhiếp ảnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2016. “Ngôn ngữ nghề” là 1 trong 10 tác phẩm đại diện cho Việt Nam tham dự FIAP World Cup lần thứ 33 tại Hàn Quốc năm 2016.

Nắng gió Tây Nguyên

Dấn thân sáng tác ảnh nghệ thuật từ năm 2018, trong quá trình rong ruổi với đam mê, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Dương Hoài An nhận được sự giúp đỡ của các anh chị trong Chi hội Nhiếp ảnh tỉnh Ðắk Lắk và bạn bè nhiếp ảnh mọi miền đất nước. Chủ đề yêu thích của anh là văn hoá, cuộc sống, cảnh đẹp mọi miền, đặc biệt là về vùng đất Tây Nguyên.

Khi sắc màu "dạo chơi"

Tác giả Phạm Thị Quỳnh Nga tốt nghiệp Ðại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh năm 1994. Chị là hoạ sĩ, nhiếp ảnh gia tự do, hiện tại chị gắn bó với công việc thiết kế thời trang công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh.

Quà tặng cuộc sống từ những chuyến đi

Theo nghề ảnh dịch vụ khoảng 20 năm, bước vào đam mê ANT với thể loại ảnh phong cảnh và đời thường từ năm 2016, sáng tác nhiều, nhưng tác giả Ðỗ Trường Vinh cho biết “vẫn chưa có tác phẩm tâm đắc, vì còn quá nhiều khoảnh khắc đẹp cho ngày mai bấm máy”.