ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 10-1-25 21:02:01
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nước mặn ngập tràn vùng trũng U Minh Hạ

Báo Cà Mau (CMO) Tình trạng người dân tự phát đưa nước mặn vào rừng tràm để nuôi tôm ở một số khu vực trên địa bàn huyện U Minh đã diễn ra nhiều năm nay. Chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp, tuyên truyền, vận động dân không đưa nước mặn vào nuôi tôm trên phần đất sản xuất nông - ngư kết hợp (30% đất sản xuất), kể cả lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, thế nhưng vấn đề vẫn không thể giải quyết dứt điểm.

Ông Đỗ Thanh Dân, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện U Minh, cho biết: “Hiện nay, tình trạng người dân đưa nước mặn vào đất rừng để nuôi tôm tập trung chủ yếu ở 3 xã: Khánh An, Nguyễn Phích và Khánh Hoà, nhiều nhất là xã Nguyễn Phích. Việc này diễn ra cách đây nhiều năm, nóng nhất là năm 2003, khi khu vực đất này thuộc Lâm Ngư trường Sông Trẹm, sau này mới giao lại cho địa phương. Thực tế khi chuyển giao về mặt địa lý thì người dân đã tự ý chuyển dịch”.

Dân tự chuyển dịch

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Cẩn, Ấp 12, xã Khánh An, bộc bạch: “Việc người dân đưa nước mặn vào khu vực này đã nhiều năm nay. Đây là khu vực phèn, mặn nên trồng lúa không hiệu quả. Có năm được một, hai chục giạ, có năm trắng tay. Từ khi chuyển sang nuôi tôm, gia đình tôi có cuộc sống ổn định hơn. Năm vừa rồi phần đất sản xuất kết hợp 30% tôi làm 1 vụ lúa, 1 vụ tôm, thu nhập trung bình trên 170 triệu đồng/ha”.

Cán bộ Ấp 12, xã Khánh An (bìa phải) đến tìm hiểu tình hình và vận động người dân không đưa nước mặn vào rừng tràm để nuôi tôm.

Việc nuôi tôm mang lại hiệu quả cao, góp phần tạo kinh tế ổn định, vì thế người dân các ấp: 11, 12, 13 với khoảng 79 hộ dọc theo bờ kinh xáng Minh Hà đã "lén lút" đưa nước mặn vào nuôi tôm từ năm 2003 đến nay.

Ông Bùi Hoàng Việt, Trưởng Ấp 12, xã Khánh An, cho biết: “Mặc dù không có chủ trương chuyển từ trồng lúa sang nuôi tôm, nhưng người dân thấy việc chuyển đổi mang lại nguồn sống cho họ thì cố gắng làm, mặc dù không được thoải mái, cấp trên xuống lập biên bản, dằn vặt lắm… Chúng tôi đã trình lên UBND huyện xin cho phép giữ nguyên hiện trạng 30% người dân tự chuyển đổi để người dân an tâm sản xuất”.

Cũng theo ông Bùi Hoàng Việt, Ấp 12 có tổng số 147 hộ với tổng diện tích 1.000 ha, chỉ có 41 hộ sinh sống dọc theo tuyến kinh xáng Minh Hà là chuyển đổi sang đất nuôi tôm. Các hộ còn lại một số làm trang trại, một số chuyển sang trồng cây ăn trái, trồng rừng thâm canh như keo lai, tràm…

Tổng diện tích đất lâm nghiệp của 3 ấp (11, 12 và 13) là 421 ha, được giao cho 89 hộ canh tác. Trong đó, diện tích đất có rừng 299,4 ha; diện tích đất sản xuất nông - ngư kết hợp 121,6 ha. Khu vực này trước đây do Lâm ngư trường U Minh III quản lý và giao cho dân hợp đồng theo Nghị định 01/CP ngày 4/1/1995, được canh tác theo quy định 7/3 (người dân phải trồng rừng 70%, còn lại 30% được phép sản xuất nông - ngư kết hợp) lấy ngắn nuôi dài.

Tuy nhiên, do phần đất sản xuất nông - ngư kết hợp hầu hết là vùng đất trũng, phèn nặng, sản xuất kém hiệu quả, cuộc sống người dân khu vực này gặp nhiều khó khăn, kinh tế phát triển chậm. Năm 2000-2003, người dân lén lút khoan đặt ống qua bờ xáng Minh Hà để đưa nước mặn vào nuôi tôm, kết hợp trồng lúa. Đến năm 2006, Lâm ngư trường U Minh III giải thể, một phần sáp nhập với Vườn Quốc gia U Minh Hạ, một phần bàn giao cho xã Khánh An quản lý và tiến hành giao đất cho dân theo Nghị định 181/2004 (nay là Nghị định 43/2014).

Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó chủ tịch UBND xã Khánh An, cho biết: “Thực tế khu vực người dân tự ý chuyển dịch sang nuôi tôm của 3 ấp trên trước đây do Lâm ngư trường U Minh III quản lý, khi bàn giao cho xã Khánh An đã bị nhiễm mặn. Để khắc phục tình trạng xâm mặn, hằng năm, vào mùa nước mặn, huyện chỉ đạo các ngành chức năng, UBND xã Khánh An tiến hành lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính, buộc các hộ dân khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng ban đầu, nhưng không ngăn chặn được, tình trạng này kéo dài đến nay”.

Khá nhiều xã trên địa bàn huyện U Minh, người dân tự ý đưa nước mặn vào để nuôi tôm trên diện tích 30% đất sản xuất kết hợp. Tại xã Nguyễn Phích, 4 ấp (17, 18, 19, 20) là 1.729,2 ha, đã giao khoán cho 340 hộ dân quản lý canh tác. Trong đó, diện tích đất có rừng 776,7 ha; diện tích sản xuất nông - ngư kết hợp 518,8 ha. Tuy nhiên, khu vực đất này hầu hết là vùng trũng, nhiễm phèn nặng, sản xuất lúa kém hiệu quả. Vào năm 2003-2005, các hộ nhận khoán trong khu vực này tự ý đưa nước mặn vào đất lâm nghiệp để nuôi tôm. Mặc dù chính quyền địa phương kết hợp với cơ quan chức năng của huyện, tỉnh nhiều lần xử lý, buộc các hộ dân khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng ban đầu, nhưng người dân không chấp hành mà cứ vào mùa khô thì phá đập, bờ bao đưa nước mặn vào nuôi tôm.

Nên có chủ trương chuyển đổi hợp lý

Căn cứ vào tình hình thực tế, thời gian qua, chính quyền địa phương đưa ra giải pháp khắc phục, vừa giúp người dân phát triển kinh tế, vừa bảo vệ rừng hiệu quả.

Ông Nguyễn Trung Kiên cho biết: “Thực tế những khu vực trên đất đã nhiễm phèn, rừng suy kiệt, làm lúa không hiệu quả nhưng người dân nuôi tôm thì phát triển tốt, mang lại kinh tế ổn định. Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương, UBND huyện cũng như Sở NN&PTNT thống nhất chủ trương làm bờ bao giữ nguyên hiện trạng phần diện tích 30% mà người dân đã nuôi tôm trước đây để họ được nuôi tôm, tránh ảnh hưởng đến diện tích rừng. Tuy nhiên, khi họp dân ban đầu, tất cả các hộ trên đều đồng ý, nhưng khi họp lần 2, một số hộ lại đòi tăng diện tích nuôi tôm lên 50-50, nên đến nay vẫn chưa thể thống nhất”.

Ông Nguyễn Văn Bé, Ấp 12, xã Khánh An làm 1 vụ lúa, 1 vụ tôm, thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Văn Bé, Ấp 12, xã Khánh An, nói: “Trước đây làm lén lút, giờ được cho nuôi tôm thì chúng tôi muốn tăng diện tích (50% nuôi tôm, trồng lúa; còn lại 50% trồng rừng). Năm vừa rồi vụ tôm - lúa kết hợp gia đình tôi cũng thu được trên 100 triệu đồng/ha, nên chúng tôi muốn cho nuôi diện tích nhiều hơn, càng nhiều càng tốt”.

Tuy nhiên, đó chính là vấn đề khó xử của địa phương.

Ông Nguyễn Trung Kiên nói: “Nếu dân đồng ý thì hiện nay đã triển khai làm bờ bao tách phần diện tích nuôi tôm ra khỏi rừng, nhưng họp dân đã 3 lần mà vẫn chưa thống nhất nên rất khó thực hiện”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Thanh Dân cho biết: “Qua thống kê, trên địa bàn huyện có 3 xã tự ý chuyển đổi nhiều nhất: Khánh An, Nguyễn Phích và Khánh Hoà, với diện tích 2.693 ha, có 566 hộ. Thời gian qua, thực hiện đề án tái cơ cấu sản xuất có tính tới việc bố trí lại, đưa những người tự ý chuyển đổi ra khỏi vùng ngọt hoá theo quy hoạch để thực hiện 1 vụ lúa, 1 vụ tôm (với diện tích khoảng 600 ha). UBND huyện cũng tính phương án trồng rừng thay thế, trả lại diện tích rừng theo đúng chủ trương, đáp ứng độ che phủ rừng là 40% đến năm 2020”.

Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương trên không dễ dàng, bởi không phải ai cũng đưa nước mặn vào nuôi tôm, việc trồng rừng thâm canh hiện đạt hiệu quả cao, kể cả keo lai và tràm. Những hộ tự ý chuyển dịch chủ yếu nằm ở khu vực mặn - ngọt đan xen, người dân rất khó canh tác.

Ông Đỗ Thanh Dân cho biết: “Trước những khó khăn trên và qua tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn rà soát lại số diện tích mà người dân tự ý chuyển dịch sang nuôi tôm để có giải pháp. UBND huyện đã trình xin UBND tỉnh Cà Mau cho tách hẳn phần diện tích đã nuôi tôm bằng cách đầu tư hệ thống thuỷ lợi tách 30% diện tích này ra để không đan xen mặn - ngọt và trồng rừng thay thế. Điều này vừa đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của người dân, vừa đảm bảo thực hiện đúng chủ trương đảm bảo 40% độ che phủ rừng đến năm 2020”./.

Đặng Duẩn

Năm 2025 nhiều mục tiêu để thành phố khởi sắc

Ông Tô Hoài Phương, Phó bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP Cà Mau, thông tin, năm 2024, kinh tế thành phố tiếp tục phát triển và tăng trưởng trên các lĩnh vực. Tổng vốn đầu tư tăng 10,08% so với cùng kỳ, thu ngân sách tăng 8,8%, lượng khách du lịch tăng 8,4%... Thành phố thực hiện đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KTXH).

Ðẹp duyên lúa thơm, tôm sạch

Mỗi mùa lúa trên đất nuôi tôm về, xã Trí Lực, huyện Thới Bình, như khoác chiếc áo mới, vừa duyên dáng, vừa căng tràn nhựa sống. Không ai ngờ, xứ đồng đất lung phèn vất vả ngày nào, nay lại là nơi gặp gỡ hợp duyên của cả con tôm và cây lúa. Quả ngọt của nhân duyên ấy bừng lên những mùa vui của người nông dân.

Khả quan công cuộc giảm nghèo của xứ rừng

U Minh là địa phương vùng rừng, ven biển. Tuy nhiên, bằng sự cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, cải tạo đất tốt, cùng với việc đầu tư dần hoàn thiện về hạ tầng từ đê biển đến hệ thống thuỷ lợi nội đồng, đến nay đời sống của người dân huyện từng bước thay đổi, công cuộc giảm nghèo của địa phương có nhiều tiến bộ.

Ðặc sản vùng ngọt vào vụ Tết

Những ngày này, trời nắng ấm, những đặc sản truyền thống ở vùng ngọt huyện Trần Văn Thời như chuối khô, khô cá bổi được phơi đầy giàn, bắt đầu vào vụ mùa đón Tết.

Hàng Tết "lên sàn"

Mua sắm Online đã trở thành thói quen của đại bộ phận người tiêu dùng và mua sắm Tết cũng không ngoại lệ. Thời điểm này, thị trường mua sắm Tết Online đã bắt đầu trở nên sôi động, từ đồ trang trí, bánh mứt, thực phẩm, trái cây, cho đến mâm cỗ để cúng trong những ngày Tết, đều có thể tìm thấy trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.

Mùa thu hoạch gỗ ở U Minh Hạ

Rừng tràm, keo lai ở Cà Mau có tổng diện tích trên 30.000 ha, tập trung ở các huyện U Minh, Trần Văn Thời, trong đó nhiều nhất ở huyện U Minh. Những năm gần đây, bà con sống dưới tán rừng đã chủ động cải tiến trong sản xuất, chuyển từ cách trồng truyền thống sang kê liếp, chuyển từ giống cây tràm sang trồng keo lai, nhằm rút ngắn thời gian trồng, tăng năng suất, thu nhập.

Phụ nữ năng động, sáng tạo phát triển kinh tế

Thời kỳ hội nhập và phát triển mạnh mẽ của Việt Nam, phụ nữ không chỉ đóng góp vào các hoạt động gia đình mà còn trở thành lực lượng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tại tỉnh Cà Mau, phong trào phụ nữ khởi nghiệp đang ngày càng phát triển, với những sáng tạo và nỗ lực mạnh mẽ, phụ nữ nơi đây đang khẳng định vai trò trong thúc đẩy kinh tế địa phương.

An cư song hành sinh kế

Suốt một năm qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã quyết liệt trong công tác xoá nhà tạm, nhà dột nát, song hành cùng công tác giảm nghèo hiệu quả để người dân không chỉ an cư mà còn ổn định cuộc sống dài lâu.

Khát vọng cất cánh

Nhìn lại năm 2024, Ðảng bộ, dân và quân Cà Mau có thể tự hào với những thành tựu quan trọng đạt được trong hành trình phát triển. Tổng thể của bức tranh ấy là gam màu tươi sáng, đa sắc, sôi động với những nét chấm phá đầy ấn tượng và lòng người trọn vẹn, son sắt chung một ý chí, niềm tin.

Cà Mau thu ngân sách năm 2024 vượt 760 tỷ đồng

Chiều tối ngày 31/12, UBND tỉnh tổ chức Họp mặt khoá sổ kế toán cuối năm 2024. Tham dự có các đồng chí: Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tiến Hải; Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Đức Hiển; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Ngại; Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Thanh Triều; Phó Trưởng đoàn Phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Quốc Hận.