ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 8-5-25 01:46:06
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nước sạch mùa khô vẫn là bài toán khó - Bài 2: Cần giải pháp căn cơ

Báo Cà Mau (CMO) Nước sạch là nhu cầu cơ bản trong cuộc sống hàng ngày, đòi hỏi bức bách trong việc bảo vệ sức khoẻ và cải thiện sinh hoạt cho người dân. Ðồng thời còn là một trong những chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đến nay nước sinh hoạt vẫn đang là nỗi trăn trở của người dân ở vùng sâu, hẻo lánh, nhất là trong thời điểm nắng hạn cao điểm và kéo dài như hiện nay.

Nỗi lo thiếu nước

Trao đổi với chúng tôi, Trưởng ấp 6, xã Khánh Lâm, huyện U Minh Trần Văn Sĩ cho biết: “Hiện tại toàn ấp có 320/444 hộ có nguồn nước hợp vệ sinh, còn lại chưa có nước sạch sử dụng. Người dân chủ yếu sử dụng nước ở ao, đìa và các dụng cụ chứa nước. Toàn ấp có 5 tuyến dân cư nhưng chỉ có tuyến nằm cặp lộ xe là có mạng nước ngầm được kéo cho dân, còn lại các tuyến không có nước nối mạng không khoan được giếng nước ngầm, khoan càng sâu mặn càng nhiều, bà con nơi đây vừa rồi khoảng 10 hộ khoan giếng nước xong nhưng không xài được, rồi bỏ luôn”.

“Ấp 6 là ấp đặc biệt khó khăn, thời gian qua, các ngành, các cấp cùng các nhà hảo tâm luôn quan tâm hỗ trợ bà con khoan giếng nước ngầm. Tuy nhiên, mọi nỗ lực bất thành, có những hộ khoan đến gần chục lần mà không tìm ra mạch nước ngọt. Giờ được hỗ trợ giếng khoan, người dân ở đây không ai dám nhận. Có những nơi cứ khoan xuống vài chục mét là giống như đụng đá, gãy mũi khoan”, ông Trần Văn Sĩ cho biết thêm.

Ông Nguyễn Văn Găng (bìa phải) người dân ấp 6 bên giếng khoan do chùa Đức Nguơn đầu tư, nhưng nước vẫn mặn ông đã bỏ không sử dụng được.

Cùng tình cảnh này, nhiều hộ dân ở Ấp 1, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời đã bỏ ra khoản tiền lớn để khoan giếng nước, với hy vọng cải thiện đời sống, nhưng rồi "tiền mất tật mang". Ông Nguyễn Văn Găng, sống ở Ấp 1, xã Khánh Bình Tây Bắc, cho biết, đã đầu tư khoan với giá 3,5 triệu đồng, chiều sâu 85 m, nước không ngọt, phải kéo ống lên di chuyển đến nơi khác để tìm khoan cho được nguồn nước ngọt, ông đã di chuyển 6 điểm để khoan nhưng nước vẫn mặn, ông bỏ ý định, không khoan nữa. “Giờ đâu có nước nấu cơm, chỉ đi đổi nước lọc về nấu ăn hàng ngày. Khoan mấy lần không được, tôi bỏ luôn… Khoan không được nước nhưng vẫn trả tiền, vì người ta đâu có bảo hành cho mình".

Ở đây không khoan được giếng nước ngầm, người dân được cấp bồn để đựng nước trong mùa khô, còn nước xài hàng ngày cũng không hợp vệ sinh. “Tôi ước sao được nguồn nước sạch để xài thôi…”. Ðó là mơ ước chân tình của ông Nguyễn Văn Găng, đại diện hàng ngàn hộ dân thiếu nước trên địa bàn toàn tỉnh.

Nỗ lực đưa nguồn nước ngọt đến người dân

Trước thực trạng đó, những năm qua, tỉnh có nhiều cách làm như lồng ghép các dự án, kêu gọi tài trợ và tranh thủ sự hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia dành cho vùng sâu... để xây dựng công trình cấp nước và hỗ trợ dụng cụ chứa nước cho người dân. Nỗ lực đó mang lại nguồn nước sinh hoạt, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân vùng khó khăn.

Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Cà Mau Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, đến nay tỉnh đã đầu tư được gần 228 công trình cấp nước phục vụ người dân vùng nông thôn, góp phần giúp tỉnh nâng tỷ lệ cư dân vùng nông thôn có nước hợp vệ sinh sử dụng trong sinh hoạt lên trên 93%. Trong đó có 75% sử dụng cây nước nhỏ lẻ hộ gia đình, 18% sử dụng các công trình nước nội mạng. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tranh thủ mọi nguồn vốn để đầu tư mới và nâng cấp mở rộng mạng nước ngầm để phục vụ người dân.

Chị Nguyễn Ánh Nguyệt, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Khánh Bình Tây Bắc

vận hành thành thạo máy lọc nước.

Chủ tịch Hội LHPN xã Khánh Bình Tây Bắc Nguyễn Ánh Nguyệt chia sẻ: “Hội LHPN tỉnh vận động nhóm Từ thiện vòng tay Việt Nam tài trợ bà con ấp Mũi Tràm A chiếc máy lọc nước mặn vào tháng 4/2020. Máy lọc nước với công suất 1.000 lít nước mặn và lọc ra được 400 lít nước ngọt”. Theo chị Nguyệt, máy lọc nước này được gia đình đối ứng và đổi nước lại cho người dân, máy lọc nước mặn được lắp đặt với giá 50 triệu đồng, gia đình bỏ tiền ra đầu tư 2 bồn nước, mỗi bồn trên 1.000 lít. Hiện tại, trung bình mỗi ngày gia đình chị đổi nước cho người dân xung quanh xóm khoảng 10 bình (bình nước lọc 21 lít), với giá 4.000 đồng/bình theo quy định.

Chị Nguyệt cho biết thêm, khi hệ thống máy vận hành tiêu tốn rất nhiều điện năng, trong khi đó tiền đổi nước hàng ngày không đủ trả tiền điện nên lâu lâu mới vận hành một lần.

Tương tự, một cán bộ UBND xã Khánh Bình Tây Bắc cho biết, xã được một công ty lắp đặt cho hệ thống lọc nước công suất lớn để phục vụ người dân trong khu vực. Tuy nhiên, công suất lớn nên tốn rất nhiều điện năng, tiền thu đổi nước không đủ trả tiền điện, chưa kể tiền thay lõi lọc nước qua thời gian sử dụng, nên máy luôn trong tình trạng đắp chiếu.

Còn gia đình anh Trịnh Công Danh, ở ấp Mũi Tràm A được Ban Từ thiện Phật giáo tỉnh vận động các nhà hảo tâm ở TP Hồ Chí Minh khoan giếng vào tháng 1/2015, đã hơn 6 năm, cây nước không sử dụng được do nguồn nước nhiễm mặn nên gia đình không sử dụng đến nay. Dù biết xài nước ao, không đủ an toàn, gia đình cũng biết không đảm bảo an toàn cho sức khoẻ, nhưng không xài nước ao, gia đình anh không biết lấy nguồn nước sạch ở đâu để sử dụng. Mỗi tháng gia đình anh sử dụng nguồn nước lọc để uống, tiện tặn khoảng 9 bình mỗi tháng, với giá mỗi bình đổi đến nhà 8.000 đồng. Anh Danh bộc bạch: “Lúc mới khoan xong chỉ để rửa tay, nước mới khoan lên rất trong, tưởng sử dụng ngon lành, ai ngờ nếm vào mặn. Vào mùa này gia đình giặt giũ nước ao, vo cơm cũng vậy, xong mới xả lại nước ngọt rồi lấy nước lọc nấu, còn nước uống đi đổi nước lọc. Ở đây ai cũng vậy”.

Anh Trịnh Công Danh, ở ấp Mũi Tràm A, bên cây nước khoan đã bỏ do nguồn nước bị nhiễm mặn.

Theo nhiều người dân ấp Mũi Tràm, xã Khánh Bình Tây Bắc, từ xưa đến nay, vùng đất này không thể khoan được giếng nên nước ao là nguồn cung cấp nước tắm, giặt giũ cho các gia đình. Còn để ăn uống, họ trữ nước mưa sử dụng trong mùa khô. Tuy nhiên, hơn một tháng nay, những cái ao cũng đã cạn tới đáy, lượng nước mưa dự trữ đã hết.

 Ðể giải quyết dứt điểm tình trạng trên, Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau Lê Thanh Triều kiến nghị, Chính phủ và các bộ, ngành xem xét cho triển khai xây dựng hồ chứa nước ngọt ở khu vực Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Khi có hồ đủ lớn, Cà Mau sẽ có thêm nguồn nước đấu nối vào hệ thống nước nối mạng cung cấp cho dân sử dụng, vừa có thêm nguồn nước phục vụ phòng cháy chữa cháy rừng vào mùa khô.

Có thể thấy, việc cung cấp nguồn nước sạch cho người dân sử dụng vào mùa khô vẫn là vấn đề hết sức bức thiết mà các cơ quan chức năng đang vào cuộc. Ðồng thời, rất cần sự phối hợp của người dân trong việc chủ động sử dụng tiết kiệm nguồn nước, bảo vệ môi trường và cải tạo thiên nhiên, góp phần làm giảm tình trạng biến đổi khí hậu nói chung, xâm nhập mặn nói riêng ở hiện tại cũng như tương lai./.

 

Trung Ðỉnh - Hoàng Vũ

 

Lưu Hữu Phước – Nhạc sĩ tài danh đất Tây Đô

Hai ba thế hệ người Việt Nam hát những ca khúc của nhạc sĩ tài danh Lưu Hữu Phước. Không có cuộc đời nào, tâm hồn nào trên đất nước Việt Nam thân yêu thế kỷ vệ quốc anh hùng mà không được Lưu Hữu Phước giục giã.

Ngày giải phóng Cà Mau

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 3: Bức tranh văn hoá đa sắc

Dù ở vùng đất mới, gốc gác khác biệt, song khi về tới Cà Mau, thế hệ tiền nhân đã sớm ý thức về nguồn cội, quần tụ và cố kết với nhau bằng sợi chỉ đỏ chảy xuyên suốt của nền văn hoá dân tộc Việt Nam bốn ngàn năm: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 2: Con người Cà Mau - Nét duyên xứ sở

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng: “Con người là chủ thể văn hoá, cách ứng xử của con người với chính mình, với thiên nhiên và các mối quan hệ xã hội định hình nên đặc điểm và tính cách của nền văn hoá ấy”. Ở vùng đất mới Cà Mau, nếu không nói về con người Cà Mau, tính cách và cốt cách của con người Cà Mau thì quả thật là một điều thiếu sót lớn. Hồn cốt quê hương, khí phách của ông cha là nơi hậu thế soi chiếu vào đó để nhận diện được chính mình và khơi mở những chặng đường tương lai của mảnh đất này.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc

Khi Báo Cà Mau đăng loạt ghi chép pha chút hơi hướng khảo cứu này, tỉnh Cà Mau đang hừng hực khí thế, với thế và lực mới vững vàng hoà vào dòng chảy thời đại cùng cả dân tộc, đất nước Việt Nam tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển phồn thịnh, giàu mạnh, hạnh phúc.

Dì tôi - Người đàn bà đi qua hai cuộc kháng chiến

Trước đây không lâu, Báo Cà Mau có đăng bài viết về chuyện bà Hai Ðầm tham gia trận diệt đồn Tân Bằng năm 1946. Trong trận đánh táo bạo này, bà được Chi bộ Thới Bình cài vào đồn giặc Pháp làm nội gián để cùng bộ đội ta thực hiện phương án “nội công ngoại kích”. Bài viết theo lời kể của ông Huỳnh Văn Tứ ở thị trấn Thới Bình, người cùng thế hệ và có mối quan hệ thân tộc với bà Hai Ðầm.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài cuối: Ðổi mới phương pháp dạy và học

Việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi chính phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo nhận ra đã đến lúc cần thay đổi tư duy giáo dục theo hướng mở.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài 2: Chia nhau trách nhiệm

Ðể siết chặt vấn đề dạy thêm - học thêm, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự nhìn nhận đúng và sự giám sát của phụ huynh, của xã hội.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều

Thông tư 29/2024/TT-BGDÐT ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Câu hỏi đặt ra là việc quản lý sau đó như thế nào để không có việc “nóng” kiểm tra thời gian đầu, còn sau lại đâu vào đó? Giáo viên, phụ huynh và học sinh các cấp sẽ “sống” cùng với thông tư như thế nào? Bên cạnh đó, các cơ sở dạy thêm trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đang oằn mình để đón thêm lượng học viên quá tải...

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài cuối: Nền móng vững chắc cho Cà Mau vươn xa

Chủ trương sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, một quyết sách chiến lược của Chính phủ hướng đến bộ máy hành chính tinh gọn đã mang đến những thay đổi sâu rộng trong quản lý đô thị trên cả nước. Tại Cà Mau, bối cảnh mới này đòi hỏi sự đánh giá lại về quỹ đạo phát triển của các khu vực đô thị, đặc biệt là những nơi đã nỗ lực xây dựng các tiêu chí đô thị văn minh. Tới đây, các danh xưng hành chính có thể thay đổi, nền tảng hạ tầng, kinh tế và xã hội đã được kiến tạo vẫn là tài sản vô giá, làm nền móng vững chắc, định hình tương lai phát triển của Cà Mau sau này.